Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Phát ngôn&hành động:"Chuyện của Lượm" và trách nhiệm...có chân!


Theo Vietnamnet :http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/?vnnid=12058

Tác giả: Kỳ Duyên

Bài đã được xuất bản.: 11/03/2011 08:40 GMT+7
"Chuyện của Lượm", cán bộ quên dân, chỉ nhớ mỗi lợi ích mình... là những lát cắt bi hài đầy kịch tính, bên cạnh một câu chuyện tình mẹ- tình người đầy xúc động mà Phát ngôn và hành động tuần này xin gửi tới bạn đọc
Cạn nghĩ phê...nông cạn?

Trong tuần đầu của tháng 3 này, có một ngày được coi như ngày vui của phái đẹp- ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Đã có nhiều câu chuyện, tấm gương về những người đàn bà Việt Nam đẹp nết, đẹp người, như 100 nữ doanh nhân tiêu biểu 2010 vừa được tặng Cúp Bông hồng vàng mới đây.
Nhưng cũng ngay trong tuần đầu tiên của tháng 3, bên cạnh những đóa hoa, những lời chúc mừng gửi tới phái đẹp, báo chí lại xôn xao xung quanh một người đàn bà trẻ khác, có tên là Lượm. Người ta biết đến Lượm bởi cô là nhân vật chính trong câu chuyện "Chuyện đời của Lượm", được phát trong chương trình Người xây tổ ấm (VTV1) trước đó không lâu.
Xôn xao, bởi sau những giây phút khán giả truyền hình rơi nước mắt, xúc động trước "sự bất hạnh" của Lượm, là sự sững sờ và phẫn nộ khi họ phát hiện ra một sự thật bẽ bàng. Họ đã bị lừa, bị tổn thương sâu sắc. Người lừa họ ở đây không ai khác, chính là cô Lượm, nhân vật chính của chương trình.
Sự thật là không hề có chuyện, cô Lượm vừa chào đời đã bị bỏ rơi, được một người đàn bà tốt bụng nhặt được cưu mang. Cũng không hề có cả chuyện đời cô rơi tận đáy xã hội, rồi gặp chàng hoàng tử tốt bụng, dạy cho cô lẽ sống làm người. Để đến hôm nay cô vẫn lặng lẽ nuôi đứa con- tình yêu của chàng để lại, bằng hai bàn tay lao động bán vé số bên dòng Hương Giang......
Ngược lại, cô Lượm ngoài đời có đầy đủ cả chồng con, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, anh em họ hàng. Cô có cả nơi cư ngụ rất cụ thể: Số 4 hẻm 16 đường Chế Lan Viên, TP Huế, và có cái tên thật cũng rất đẹp- Trần Thị Thùy Dương
Nhưng trước đó, trong chương trình Người xây tổ ấm, (bắt nguồn từ cuộc thi của Tin tuc online- VietNamNet tổ chức) những câu chuyện tự kể của cô Lượm- Thùy Dương đã chạm tới nơi sâu kín nhất lòng trắc ẩn của con người. Cô còn khóc rất nhiều khi kể về "cuộc đời" mình, khiến cho hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ rơi lệ. Không ít người tìm cách đóng góp, tài trợ cho mẹ con cô.
Câu chuyện thấm đẫm đức hy sinh cuối cùng lại kết cục bi hài cay đắng, bởi thực chất nó thấm đẫm tính... dối trá.
Khỏi phải nói sự phẫn nộ và bất bình của người xem, nhất là những người từng đóng góp tiền cho mẹ con cô. Không chỉ tiếc đồng tiền đã đem cho, tôi tin họ tiếc, họ đau hơn vì đã đặt niềm tin không đúng chỗ. Họ thấy sự tử tế của mình như bị đem ra đùa giỡn!
Quả thật, người viết bài này cũng phải nghĩ rất nhiều về "vở kịch" sáng tác của cô Lượm - Thùy Dương. Tự hỏi đâu là động cơ, mục đích thật của hành động liều lĩnh, vừa phiêu lưu, vừa có phần u tối lại vừa nông nổi, dại dột của cô ta trong thế giới phẳng này để đến nỗi chuốc vạ không đâu. "Đàn bà sâu sắc như...cơi đựng trầu". Ông bà ta đã tổng kết, đố có sai!
Và tự hỏi vì sao, dì cô ta- một người đàn bà quê mùa hạn chế trình độ và nhận thức, cũng lại dễ dàng "nhập vai kịch" một cách hoàn hảo đến vậy. Để cuối cùng, qua mắt tất cả các nhà báo, từ Tin tuc online đến VTV, những đạo diễn vốn có tay nghề của VTV.
Thế nhưng, 2 dì cháu cô Thùy Dương đóng kịch quá giỏi; hay chính là những nhà báo, nhà đài cũng hời hợt, nôn nóng muốn dàn dựng câu chuyện theo ý định chủ quan của mình?
Nên đã dẫn dắt các nhà báo địa phương làm việc kiểu lười nhác, áp đặt "một chiều", không cần điều tra kỹ lưỡng, thu thập tư liệu từ nhiều góc độ, bỏ qua nhiều chi tiết nghi vấn? Với cách tác nghiệp thiếu chuyên nghiệp, sơ lược (cho dù có thể có thâm niên), các nhà báo, nhà đài đã vô tình lừa dối luôn cả khán giả, dẫn đến kết cục dở khóc, dở cười.
Nhiều nhà tâm lý, nghiên cứu xã hội học mổ xẻ về động cơ, bản chất con người Thùy Dương và vụ việc. Nhưng có một nhận xét khá sắc sảo của TS Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội rất đáng quan tâm, khi bà cho rằng: "Thùy Dương có thể là một phụ nữ trẻ thích nổi tiếng (thực tế cô rơi vào tình huống "bị" nổi tiếng hơn là tự tìm kiếm). Tuy nhiên, không loại trừ Thùy Dương là một người đa nhân cách, vì đó là hiện tượng có thật, cho dù rất hiếm..."
Giả dụ đi, loại trừ căn bệnh "đa nhân cách" như TS Hồng nghi ngờ, thì bản thân hành vi phiêu lưu, dối trá nhưng nông cạn của Thùy Dương cũng khiến cô ta đã và sẽ tiếp tục phải trả giá.
Khi cha mẹ đẻ của cô ta suy sụp, thậm chí đòi tự tử vì quá xấu hổ trước việc làm kệch cỡm của con gái mình. Khi cha mẹ chồng cô ngơ ngác, và bất bình trước "vai diễn thân phận" của cô ta. Khi cộng đồng, láng giềng chê cười, diễu cợt cái vai diễn "không ai mời mà tự đến" này của cô ta. Đó mới là sự trừng phạt cay cực.
Có lẽ, đến giờ phút này, trước áp lực dư luận, Thùy Dương mới hoảng sợ, ý thức và tỉnh ngộ về việc làm nông nổi, dại dột của mình, khi hứa sẽ xin lỗi khán giả truyền hình, và xin được trả lại tiền cho những người hảo tâm, những người tốt đã tin ở cô ta.
Nhưng còn các nhà báo, nhà đài thì sao? Liệu có phải vì quá nôn nóng, quá say mê muốn đưa câu chuyện tình "rởm" mang tính hư cấu của một người đàn bà trẻ hiếu kỳ, thành một câu chuyện "người thật, việc thật" sâu sắc để câu khách, mà vô tình bỏ qua nhiều khâu điều tra mang tính chuyên môn nghiệp vụ, một yêu cầu bắt buộc?
TS Khuất Thu Hồng có lý và công bằng khi so sánh: "Viết một câu chuyện dự thi vô thưởng vô phạt và việc đưa nó lên thành một sự kiện có thật trước hàng triệu khán giả khác nhau vô cùng. Người viết câu chuyện đó không nhằm mục đích lừa dối (vì cô ấy không lường trước sự việc diễn ra như vậy) và không phải chịu trách nhiệm với ai (vào thời điểm viết truyện) nhưng người sử dụng câu chuyện để làm thành một sản phẩm truyền hình cho hàng triệu khán giả thì phải có trách nhiệm nặng nề hơn".
"Cô Lượm" Trần Thị Thuỳ Dương tại nhà. Ảnh: Quang Nhật-  NLĐ
Có lẽ vì thế, hàng triệu khán giả lại hồi hộp theo dõi chương trình Người xây tổ ấm, phát vào tối 8-3 vừa qua. Họ muốn tận mắt chứng kiến thái độ cầu thị của nhà báo, đặc biệt nhà đài trước vụ việc gây sốc ầm ĩ.
Tiếc thay, chị Kim Ngân, người dẫn chương trình vốn được yêu mến lâu nay, chỉ "lấy làm tiếc đã để xảy ra sơ suất này". Chị nói về lỗi của cô Lượm- Thùy Dương một cách nghiêm khắc, đồng thời nghiêm giọng cảnh báo kinh nghiệm nghề nghiệp cho "các nhà báo nói chung", nhưng lại không hề một lời xin lỗi lẽ ra phải có, với khán giả truyền hình về sự cố nghiêm trọng, do cách làm việc hời hợt, nông cạn trong tác nghiệp.
Chả lẽ, một lời xin lỗi chân thành mang tính cầu thị lại khó vậy?

Yêu thương sẽ gặp yêu thương

Có một sinh linh, từ lúc sinh ra, cho đến tận bây giờ luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của cả xã hội. Không chỉ người dân trong nước, mà còn cả của bất cứ ai ở các quốc gia, nếu tình cờ họ biết được về em.
Em bé đó chính là Thiện Nhân- chú bé có số phận đau đớn kỳ lạ, và cũng là may mắn kỳ lạ. Dường như họa- phúc, với em là liền kề.
Đau đớn kỳ lạ, vì mới sinh ra, em đã bị người mẹ ruột vứt bỏ ở vùng rừng núi, xã Tam Thạnh (Núi Thành- Quảng Nam), bị kiến bu đốt khắp người. Kinh khủng nhất, bị thú hoang ăn mất một chân đến tận bẹn và kinh khủng hơn, bị ăn mất cả bộ phận sinh dục.
Cả xã hội ta khi đó đã bị sốc nặng trước nỗi đau đớn và bất hạnh của một đứa trẻ sơ sinh
Vậy mà em vẫn sống sót được. Như một phép mầu của Tạo hóa, sau 72 giờ bị vất bỏ.
Nhưng để sống được, như một con người bình thường, em cần phép mầu của con người- cần tình thương vô bờ, và những kỹ thuật y học tưởng như cổ tích.
Phép mầu đầu tiên, đó là những nhà sư đã phát hiện ra em, cứu giúp em kịp thời, và đặt tên em- Thiện Nhân, với mong muốn em sẽ được người đời giúp đỡ.
Phép mầu thứ 2 mang đến cho em, là từ một người mẹ trẻ, có tên Mai Anh. Nhưng cũng chính là người mà số phận từ đây gắn chặt 2 mẹ con họ với nhau
Người viết bài này không biết Mai Anh đã nghĩ gì trước thông tin về số phận đứa trẻ bất hạnh để có thể xin phép gia đình cha mẹ 2 bên nội ngoại, quyết tâm lặn lội từ Hà Nội vào Quảng Nam, xin nhận Thiện Nhân là con nuôi, trong khi Mai Anh cũng đã có 2 đứa con trai khỏe mạnh, đẹp đẽ.
Chỉ biết toàn bộ việc làm của cô từ khi có Thiện Nhân, là sự nỗ lực vượt bậc, tìm kiếm mọi cơ hội bằng mọi cách, để cứu giúp đứa con trai bé bỏng được phát triển bình thường như mọi đứa bé trai khác.
Tình thương của người mẹ trẻ với đứa con nuôi như ruột rà máu mủ chính mình, đã làm rung động biết bao con tim cộng đồng trong nước, quốc tế. Dù trên hành trình "tìm phép mầu" không phải lúc nào mẹ con cô cũng gặp may. Đã có lúc, các chuyên gia y khoa của Thái Lan lắc đầu. Vì tái tạo bộ phận sinh dục nam giới chưa từng có tiền lệ trong y học. Ngay các giáo sư, bác sĩ người Mỹ cũng chỉ có thể hy vọng điều đó thành hiện thực khi Thiện Nhân đã lớn, 14- 15 tuổi.
Nhưng con tim cô cũng là con tim bướng bỉnh. Mai Anh vẫn hy vọng ở một phép mầu nào đó. Hay chính niềm thương con vô hạn đã mách bảo cô, dù rất mơ hồ... Để cuối cùng nó đến như một sự run rủi, một kỳ tích.
Tận nước Ý xa xôi, Dr. Roberto De Castro - bác sĩ phẫu thuật tài ba của Bệnh viện Bologna - công bố một công trình y học vĩ đại: Phẫu thuật và tái tạo thành công nhiều trường hợp bị mất bộ phận sinh dục, bằng cách lấy lớp da ở bụng dưới cuộn lại thành hình dương vật, tạo khoang rỗng, nối các dây thần kinh và các mạch máu li ti từ vùng rốn trở xuống để bơm máu vào giúp dương vật có cảm giác. Dương vật được tái tạo như thật sẽ phát triển cùng với sự phát triển của cơ thể(ViêtNamNet).
Đương nhiên, mẹ con Mai Anh cũng phải được sự giúp đỡ của các bác sĩ ở Mỹ. Họ kinh ngạc, thán phục và quá xúc động trước con tim và khát vọng của người mẹ trẻ nên đã giúp đỡ cô hết lòng.

Bé Thiện Nhân những ngày trên giường bệnh tại Italia. Ảnh: VNE
Và cái ngày 29.1.2011 vừa qua, có thể coi là ngày tái sinh của Thiện Nhân. Bác sỹ Roberto De Castro cùng kíp phẫu thuật đã tái tạo thành công bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân, đánh dấu ngày em trở thành một người đàn ông bình thường.
Chao ôi, cái hạnh phúc trần gian của đời người ấy. Vì con, mà mẹ Mai Anh đã vượt qua bao núi rộng sông dài...
Có lẽ không chỉ mẹ con Mai Anh, mà bất cứ bạn đọc nào nghe tin này cũng  rưng rưng. Cho dù con đường hoàn thiện giới tính của Thiện Nhân còn dài. Nhưng hiện tại đã thuộc về em. Và vì thế, tương lai sẽ không còn mờ mịt.
Mai Anh đã được Thủ đô Hà Nội vinh danh là Công dân Ưu tú. Nhưng trước hết, cô là một người mẹ với nghĩa trọn vẹn, máu thịt của khái niệm này. Và tôi thực sự ngưỡng mộ, kính nể em.
Trong cái thế giới khiến lòng người luôn bất an này, khi mà có những đứa trẻ thơ bị xâm phạm tình dục thô bạo, bị bạo hành, bị dán băng keo vào miệng đến chết, bị "tắm đòn" dã man, bị chính mẹ đẻ cắt gân chân...thì câu chuyện số phận bé Thiện Nhân lại như mở cánh cửa ánh sáng cuộc đời, cho tâm hồn chúng ta chút bình an, ấm áp.
Rằng hãy biết tin vào điều thiện. Rằng yêu thương cuối cùng sẽ gặp yêu thương. Chỉ có vậy, con người mới có lý do để vui sống, để cảm nhận sâu sắc hạnh phúc của lòng nhân, đức hy sinh. Người mẹ trẻ Mai Anh đã gặp lời giải về hạnh phúc trong hành trình nhân thế không ít nỗi đau, nơi cô.

Chỉ được cái quên dân, nhớ... mình

Ngày 8-3 mới đây, Báo SGTT. VN có bài: "Người khám phá hang động lớn nhất thế giới bị lãng quên". Người bị lãng quên mà báo chí nhắc đến ở đây là anh Hồ Khanh, 42 tuổi, một người từng là thợ rừng sống ở Phong Nha (Bố Trạch- Quảng Bình).
Nhưng Hồ Khanh là người thợ rừng đặc biệt. Anh có một năng khiếu và cả chút may mắn. Đó là rất giỏi phát hiện, nhận biết, phân loại được các loại hang động. Chính vì thế, anh cũng là người khám phá ra 12 hang động tuyệt đẹp tại Phong Nha - Kẻ Bàng; và vì thế, được các chuyên gia hang động thế giới ưu tiên quyền được đặt tên 12 hang động nói trên.
Trong đó, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới hiện nay, còn hang động Thiên Đường dài tới 31km. Số hang động còn lại được đánh giá là kỳ quan của lòng đất và các kiến tạo địa mạo. Cái tên Hồ Khanh vì thế từ lâu luôn được các chuyên gia nghiên cứu về địa mạo, địa chất và truyền thông thế giới như BBC, Daily Mail, The Sun... nhắc nhớ đến.
Thế nhưng, lạ thay, các quan chức địa phương nơi Hồ Khanh sinh sống, lại chỉ nhớ những hang động tuyệt đẹp, không lồ, làm vẻ vang cho địa bàn họ quản lý, còn quên bặt cái tên Hồ Khanh. Cho dù, với sự kiện Hồ Khanh phát hiện hang động Sơn Đoòng, gây sửng sốt thế giới về cả quy mô lẫn vẻ đẹp kỳ vĩ thì chính quyền- ở đây là UBND tỉnh Quảng Bình từng hứa sẽ tặng bằng khen và phần thưởng cho anh.
Chỉ là một người nông dân thân phận bé nhỏ, tần tảo 1 nắng 2 sương trên nương rẫy để mưu sinh, thì niềm vinh quang hứa hẹn- bằng khen và phần thưởng, chẳng là sự cổ vũ lớn lao với nhà thám hiểm chân đất Hồ Khanh ư? Thế nên Hồ Khanh cứ đợi, cứ đợi, đợi mãi.... mà quên mất rằng dân gian cũng từng có câu triết lý thâm thúy: "Lời nói, gió bay"
Cũng phải công bằng mà nói, UBND xã Sơn Trạch đã từng 2 lần đánh công văn gửi UBND huyện Bố Trạch, đề nghị tặng bằng khen cho Hồ Khanh. Nhưng trả lời cho xã, là sự im lặng...đáng sợ!


Đến ngày 9.3.2010 Hồ Khanh vẫn chưa nhận được khen thưởng từ năm 2009. Ảnh: Q.Nam - SGTT
Hỏi vặn huyện, thì mới đây, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch huyện Bố Trạch giải thích: Năm 2009, có thể hồ sơ bị thất lạc, nên các cán bộ tham mưu thi đua khen thưởng của huyện chưa rốt ráo. Chả biết hồ sơ của Hồ Khanh đi lạc, hay cái tâm, cái trách nhiệm của các cán bộ này... đi lạc.
Vì cái sự đi lạc cũng rất dễ xảy ra.
Bởi mới đây thôi, nhân dân xã Yên Lạc (lại... lạc), huyện Yên Định (Thanh Hoá)  rất bức xúc với cách chia gạo cứu trợ cho người nghèo ăn tết của cán bộ xã trong dịp tết Tân Mão. Số là, xã có 25% số hộ nghèo thuộc đối tượng được phân bổ 3150 kg gạo cứu trợ, mỗi người 15 kg.
Tuy nhiên thực tế, nhiều hộ nghèo không được cấp gạo, trong khi hàng loạt hộ không nghèo, không phải đối tượng chính sách lại được (?). Đặc biệt, có nhiều người thân của cán bộ xã đã được cấp phát gạo cứu trợ như: Mẹ đẻ của Chủ tịch UBND xã; mẹ đẻ của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc; mẹ đẻ của Chủ nhiệm HTX; mẹ đẻ của Phó Chủ tịch HĐND; mẹ đẻ của cán bộ Giao thông xã... Người dân  nghèo Yên Lạc bất bình vì gạo chưa về với nhà mình, nhưng cũng nên mừng, vì xã Yên Lạc, toàn cán bộ có hiếu với mẹ.
Tiếp tục kiểm tra danh sách, người ta thấy "vênh" tới 67 trường hợp- không có tên trong danh sách hộ nghèo vẫn được cứu đói. Ông Trịnh Trung Duy, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc lý giải, "67 đối tượng không có trong danh sách hộ nghèo mà được nhận gạo đều thuộc đối tượng là người già"(!!!). Thế nhưng khi được hỏi, tại sao những người già mà không có con làm cán bộ như gia đình ông Lại Đắc Tý 70 tuổi, Lê Đình Dết 68 tuổi...   lại không được nhận gạo cứu trợ, thì lúng túng một hồi, cán bộ xã bảo, tại... trưởng thôn gửi danh sách.
Ôi chao, đồng tiền có chân nên biết chạy vào nhà cán bộ. Nay, hạt gạo cũng lại có chân biết chạy vào nhà người thân của cán bộ. Còn trách nhiệm của cán bộ cũng...có chân nốt, nên cứ chạy loanh quanh...
Chả trách, người ta bảo mấy ông cán bộ cơ sở sao khéo thế: Chỉ được cái quên dân, nhớ mỗi mình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét