Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

5% người này sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới?


Cập nhật 12/12/2011 06:08:00 AM (GMT+7)


- Lời tòa soạn: VietNamNet nhận được một bức thư lạ của sinh viên ở TP.HCM. Nhưng hiếm hơn cả lại là bức thư trả lời của một người làm giáo dục, tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy (nhân vật trong bài viết "Những bộ óc tuyệt nhất đang dùng vào việc nhỏ"). Nỗi niềm của người sinh viên trong bức thư này có lẽ không phải chuyện cá biệt, nhưng niềm hy vọng của người thầy còn đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm nhiều hơn. Dưới đây VietNamNet giới thiệu bức "thư gửi sinh viên" này.

TP.HCM ngày 7/12/2011.

Chào bạn!
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư dưới đây của bạn.

Em chào cô

Em suy nghĩ nhiều về chuyện có mạo muội và đường đột quá không khi viết thư cho cô như thế này.

Sau buổi học đầu tiên trong chương trình cao học, mọi người trong lớp có một buổi họp nhỏ về việc đóng góp tiền mua quà cho thầy cô sau mỗi môn học và quà cho giáo vụ. Một số anh chị tương đối lớn tuổi đang bàn luận khá sôi nổi về việc đóng góp bao nhiêu, chị lớp trưởng đề nghị "giá sàn" là 50.000/môn học.

Một bạn bằng tuổi em đứng lên có ý kiến phản đối về việc đó.

Không khí trở nên rất căng thẳng. Nhiều anh chị đứng lên giải thích cho chúng em về cái "lệ" đằng sau cái luật, về việc chúng em chưa đi làm nên chưa hiểu chuyện, còn ngây thơ nên chưa quen đó thôi, rằng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn...Chị lớp trưởng liên tục nói "đây là một vấn đề rất nhạy cảm...".

Cô ơi, vấn đề không phải là bao nhiêu tiền, vì tụi em đã ra trường mà không phải đi làm ngay để kiếm tiền, có thể học bao nhiêu và bao lâu tùy thích. Nhưng em không tin rằng một vấn đề nhạy cảm lại có thể được mọi người bàn luận dễ dàng và sôi nổi như thế. Sự gian trá, giả dối thật đáng sợ, nhưng còn đáng sợ hơn là khi tất cả mọi người đều coi sự gian trá, giả dối ấy là bình thường.

Cô ơi, không phải chưa đi làm có nghĩa là em chưa hiểu tất cả những chuyện này.

Chúng em không phải là mọt sách ngây thơ chỉ biết đến tháp ngà khoa học của mình.

Nhưng em đã hi vọng và tin tưởng rất nhiều, vào sự trong sạch và nề nếp ở nơi này, nơi mà kiến thức là quyền lực duy nhất. Vậy mà, ngay ở đây, những lí do như: bận đi làm, đã có gia đình... đang được viện dẫn và những giờ học tập, nghiên cứu thật sự đang bị đánh đổi bằng việc tạo ra những mối quan hệ tốt với giảng viên nhằm xin xỏ, chạy chọt.

Trước đây, ba em học ngành Y. Ba em bỏ học năm thứ 3 vì nhiều lí do. Ba luôn nói với em, giá ngày đó có ai đó nói cho ba biết rằng nhất định sẽ có sự thay đổi, rằng xã hội sẽ trả công xứng đáng với năng lực và nhân phẩm của mình.

Ba nói, dù có những lúc sự dối trá, chạy chọt đầy rẫy, nhưng con luôn phải tin rằng nhất định sẽ có sự thay đổi. Phải có niềm tin vào lẽ phải và sự thật. Những người sống trung thực và dũng cảm dù chỉ chiếm 5% , nhưng chính họ - chính 5% đó đã, và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới.

Em sợ nhất là trở thành một người ngu dốt, vì ngu dốt sẽ dẫn đến yếu hèn. Em không muốn làm một con người sống đớn hèn và chạy chọt. Em đã tin tưởng và  sống như những gì ba em khuyên.

Nhưng cô ơi, thỉnh thoảng em thấy thật yếu đuối và cô đơn. Như lúc này đây, trong một thời buổi mà sống lương thiện thôi đã khó biết bao rồi, huống hồ sống và trở thành một trí thức chân chính.


Nhưng mà nhất định sẽ có sự thay đổi, phải không cô?

Sinh viên cũ của cô

Đọc thư của bạn, buồn vui lẫn lộn. Buồn thì rõ rồi. Nghe những chuyện đó sao mà không buồn được. Nhưng vui, vì bạn tin vào sự thay đổi. Bạn chỉ chia sẻ, chứ không cần lời khuyên của tôi, có nghĩa là bạn tự biết phải làm gì. Bạn biết rằng bạn thuộc vào số 5% những người trung thực và dũng cảm, và bạn biết phải hành động như thế nào để có sự thay đổi. Cho dù bạn tự thấy mình yếu đuối. Nhưng chính là vì bạn cảm nhận được sự yếu đuối và cô đơn mà bạn có thể trở nên mạnh mẽ.
Mong bạn, mong các bạn đủ mạnh để bảo vệ và phát triển phần tốt đẹp, phần thiên lương trong con người các bạn. Mong các bạn đủ mạnh để làm lan tỏa phần tốt đẹp ấy ra cộng đồng chung của chúng ta. Nếu không như vậy thì xã hội này sẽ vẫn vận hành theo nguyên tắc của cái xấu, cái tồi tệ, cái vô đạo đức; từ đó mà tiến tới chỗ cái ác, cái dã man, tiến tới thú tính, không còn bao xa.
Mong các bạn đủ mạnh để có những lựa chọn đúng, những lựa chọn thể hiện phẩm chất người của các bạn. Các bạn là tương lai của đất nước này. Nếu như từ bây giờ, ngay ở ngưỡng cửa cuộc đời, các bạn đã không đủ mạnh để có những lựa chọn giúp các bạn xác định nhân tính, nhân phẩm của mình, thì cái xã hội mà nay mai các bạn sẽ góp phần xây dựng sẽ là một xã hội như thế nào?
Tôi không thể khẳng định điều gì, nhưng bằng những trải nghiệm cá nhân,  tôi tin rằng, đa số những đồng nghiệp cũ của tôi, những người mà tôi từng cộng tác trong công việc giảng dạy, sẽ ủng hộ và đánh giá cao những lựa chọn đúng đắn, những lựa chọn giúp các bạn chứng tỏ phẩm giá của mình.
Tôi biết nhiều người trong số họ cũng đau khổ như bạn trước những biểu hiện của sự suy đồi đạo đức ngày hôm nay.
Tôi hy vọng rằng họ sẽ bảo vệ các bạn, như là bảo vệ phần tốt đẹp trong con người họ.
Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể lấy lại được sức mạnh đang dần dần kiệt quệ của dân tộc này.
Chúng ta đang mất rất nhiều thứ: tài nguyên, khoáng sản, biên giới, biển đảo…; mất các nguồn lực trí tuệ; nền kinh tế của chúng ta đang hồi nguy khốn chưa biết bao giờ mới có thể phục hồi.
Nhưng chừng nào chúng ta còn chưa đánh mất con người, tức là chưa mất hết ý thức về cái đúng, cái tốt, về công lý, về các giá trị nhân văn, chừng nào chúng ta vẫn còn 5% những người can đảm và trung thực, như bạn nói (trên thực tế, tôi tin, những người đó nhiều hơn 5%), chừng đó chúng ta vẫn còn hy vọng. Ba bạn đã truyền cho bạn một điều hết sức tốt đẹp: bạn sinh ra là để làm thay đổi thế giới, để khiến thế giới này tốt đẹp hơn.
Bạn đừng quên rằng bạn là niềm hy vọng của tôi, của chúng tôi. Bạn hãy lựa chọn và hành động để giữ cho chúng tôi niềm hy vọng vào tương lai của xứ sở này, cũng là tương lai của chính bạn!
Thân mến!
·       Nguyễn Thị Từ Huy

3 nhận xét:

  1. dương đăng vọng, gửi lúc 12/12/2011 19:56:34
    "đồng tình 100%": tôi rất ủng hộ những quan điểm tích cực này. ko cần phải nói gì thêm những gì cần nói đã có trong bài viết. rất mong có nước mình có nhiều người như vậy. tôi tin rằng các bạn giữ vững đc bản lĩnh của mình các bạn sẽ là chủ nhân của thế giới này.
    NGô xuân Liêm, gửi lúc 12/12/2011 19:56:43
    "Ý kiến độc giả": Bức thư của Sinh viên nói lên sự thật thường ngày của xã hội ta hiện nay nói chung chứ không riên gì học cao học. Trong hoàn cảnh hiện nay số người dũng cảm dám nói thật, sống thật có nơi chỉ 1-2% thôi, tôi đã chứng kiến rồi, thậm chí 0% vì chẳng ai dám nói thẳng sự thật trước tổ chức mình đang làm việc. Bài viết trả lời rất hay, dù sao cái tốt vẫn là vĩnh cửu, người sống tốt thì cuộc sống sẽ vất vả hơn.
    Đoàn Trần, gửi lúc 12/12/2011 19:06:04
    "Mong VNN mở forum 5%": Vietnamnet có thể mở một chuyên mục mang chủ đề 5% trăm như thế này cho mọi người chia sẻ những nỗi niềm....cho họ bớt cô đơn giữa biển người đang cuốn theo thế giới đồng tiền và sự giả tạo này không? Biết đâu, sẽ thức tỉnh được con số 95% còn lại vì khi sinh ra họ cũng là người.
    Trần Bạch Long, gửi lúc 12/12/2011 19:06:13
    "5% người này sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới?": Mình thấy vấn đề đó đã rất nhiều rồi, không những học cao học mà các trường tại chức cũng xảy ra những tình trạng đó, rồi những trường dạy láy xe còn nhiều hơn nữa, mình cũng nằm trong 5% đó, nhưng sức người có hạn, mình cũng chẳng biết làm gì

    Trả lờiXóa
  2. Sun90, gửi lúc 12/12/2011 19:06:24
    "bạn không đơn độc": BẠN KHÔNG ĐƠN ĐỘC! Hãy tin tưởng làm theo trái tim bạn mách bảo.
    Trần Văn Cường, gửi lúc 12/12/2011 19:07:39
    "Một góc nhìn muốn chia sẻ!": Đừng ngồi hát " Bài ca hi vọng" mà hãy làm. Tất cả các vấn đề suy cho cùng là vì nghèo, vì nền kinh tế yếu kém thôi. Cách duy nhất là làm? Đúng không? Sai bét! Bởi con người ai cũng học cách sử dụng nó làm sao cho hiệu quả nhất mà thôi. Sức mạnh của đồng tiền thực sự có kinh tế, phải thực sự là kinh tế đúng nghĩa chứ không phải là chộp giựt. Thôi không nói về thể chế Chính Trị, trên thế giới bất phân tư bản hay XHCN, mọi vấn đề đều xoay quanh kinh tế. Người ta nói đồng tiền làm mờ mắt con người xấu? Không hề, mà là do chúng ta còn non nớt không hiêu chuyện.
    NTTT, gửi lúc 12/12/2011 19:08:05
    "Tốt!": 5% ư nhiều quá rồi đấy, cho dù chỉ có một người thôi thì chắc chắn vẫn làm được. Cây lớn đến mấy thì cũng đều xuất phát từ hạt mầm, Bác Hồ không phải một mình từ lúc đầu đấy sao, Engels đã nói sẽ có cá nhân xuất chúng xuất hiện khi có yêu cầu của xã hội. Nếu dám nghĩ lớn thì bạn sẽ làm được việc lớn, những vấn đề xã hội bây giờ chính là những thử thách cho bạn vượt qua để trở thành một cá nhân lớn. Nếu không có bùn thì không có hoa sen đâu, những cây thuốc quý cũng đều nằm ở những nơi hiểm trở đấy thôi, không có kẻ xấu thì làm sao bạn được gọi là người tốt. "Vi chánh dĩ đức thí như bắc thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi".
    Thuy Duong, gửi lúc 12/12/2011 19:08:09
    "Mong ở một tương lai tốt đẹp!": Tôi cũng rất buồn vì dường như giá trị đạo đức trong xã hội ta đang dần mất đi. Chất lượng giáo dục cũng đang có vấn đề nghiêm trọng. Tôi rất lo cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.
    Trần Văn Cường, gửi lúc 12/12/2011 19:08:54
    "Một góc nhìn nho nhỏ!": Phải nhìn từ nhiều góc độ. Khi nào Việt Nam có nền kinh tế phát triển thì xã hội sẽ trả công xứng đáng cho năng lực của mình thôi. Vì lòng dạ con người suy cho cùng ai cũng có lòng ích kỷ mà! Đến lúc đó nhân phẩm sẽ được tự điều chỉnh. Chúng ta mất tài nguyên, khoáng sản, biên giới và biển đảo vì nền kinh tế chưa phát triển thôi. Không thể bắt tất cả công dân chịu đói chỉ để ngồi "hát bài ca hi vọng" được. Tất cả đều chi phối bởi kinh tế. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta lạm dụng đồng tiền ngu xuẩn( vì đồng tiền có mặt trái), nhưng trong tất cả các lĩnh vực mà không biết dùng tiền thì vứt. Vì vậy, tôi cho phát triển kinh tế đúng cách là trọng tâm, tất cả các mối quan hệ khác trong xã hôi cả nhân loại đều có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế
    Ai My, gửi lúc 12/12/2011 19:09:14
    "Nỗi niềm": Thật không biết nói sao? Từ ghế nhà trường, ta đã đọc học những điều dối trá. Mà là sự dối trá đã trở thành những thuốc bôi trơn trong một guồng máy. Khi người ta không ở vị trí có điều kiện một số người cũng còn rất lý tưởng. Nhưng khi "cờ đã vào tay", khó biết được lòng.
    Vietbonsai, gửi lúc 12/12/2011 19:09:49
    ""Chúng ta hướng và phải là 5% đó!!!"": Tôi cũng đã hoàn thành cao học năm 2003, thời đó lớp tôi có 2 nhóm. Nhóm nộp tiền và xây dựng quan hệ để có kết quả học tập tốt, nhóm còn lại ít hơn thì không đồng tình, tôi thuộc nhóm ít. Công việc bận nhiều nên tôi ít có thời gian để ý xem mọi người học thế nào, tôi bị cấm thi 6 môn.. và tôi đều xin được làm bài luận cho môn học đó để hoàn thành việc học. Điều duy nhất tôi xin thầy là cho tôi nộp bài luận. Rồi nhóm chúng tôi cũng tốt nghiệp, kết quả của tôi nằm trong nhóm cao nhất. Tôi kể chuyện đó chỉ muốn nói lên quan niệm của riêng tôi, bản thân mỗi chúng ta đã sai khi chưa làm đã nghĩ đến tiêu cực. Chúng ta không nên chờ một môi trường tốt để mình tốt. Hãy gác lại mọi tiêu cực để lãnh trách nhiệm tiên phong, mỗi chúng ta đều cố bước vào nhóm 5%.

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Khánh Hưng, gửi lúc 12/12/2011 19:10:16
    "Con người và bản năng": Tạo hóa đã cho con người "tri thức" để thống trị muôn loài, nhưng đa phần con người luôn hành động theo "bản năng". "Bản năng sống" giúp con người tồn tại nhưng sống mà cứ dựa vào "bản năng" thì sẽ là tai họa khôn lường. Xã hội bây giờ phức tạp không thể kiểm soát đối với 1 cá nhân rồi. Riêng tôi cho rằng bạn cứ việc làm theo lẽ phải, chân lý bạn sẽ nhận được kết quả xứng đáng. Và người ta bây giờ hay có xu hướng "muốn điều tốt đến với mình nhưng lúc nào cũng toàn làm điều không tốt với xã hội". Cứ sống theo bản năng đi rồi sẽ thấy được hậu quả.
    Tung, gửi lúc 12/12/2011 19:10:32
    "Tin 5%": Tôi tin là trong 5% đó, có nhiều thầy, cô giáo cũng đồng tình với bạn. Ở đâu, ngành nào cũng vậy. Nhưng không phải vì vậy mà phải chấp nhận bị động. Cần thay đổi từ bản thân.
    NGUYEN DO, gửi lúc 12/12/2011 19:10:56
    "Phải có niềm tin để sống!": Tôi thật sự xúc động khi đọc bài viết này. Nhưng xin cô và trò đừng bi quan quá như thế. Hãy thử xem, trong gia đình, chúng ta luôn thấy người tốt nhiều hơn; trong lớp học, học sinh tiến bộ luôn nhiều hơn học sinh chậm tiến; trong công sở, những công chức mẫn cán luôn nhiều hơn những công chức chây lười... Công bằng mà nói, xung quanh ta, người tốt vẫn nhiều hơn kẻ xấu. Vậy thì chúng ta phải có trách nhiệm sống lạc quan lên! Bất công trong xã hội, trong giáo dục dù nhiều thì tôi tin đó cũng không phải là xu thế tất yếu của thời đại. Phải có niềm tin để sống, phải biết tin vào lòng tốt của con người! Nếu không có niềm tin ấy, chúng ta sẽ sống ra sao mỗi khi gặp biến cố?
    Hồ Huy Lịch, gửi lúc 12/12/2011 19:11:15
    "Nguyên nhân": Chúng ta luôn thấy cái dở mà không rõ nguyên nhân sâu xa của nó. Tôi thử hỏi mấy bạn đặt hoàn cảnh bạn vào người khác xem, học trò mua quà tặng thầy đâu dễ từ chối? Trong khi toàn xã hội đua làm giàu mà thầy nghèo thì dạy nỗi học trò không? Xã hội Việt Nam luôn tôn trọng học vấn nhưng lại "hơi thái quá" dẫn đến gian lận về tri thức, lấy bằng cấp bằng tiền, và mối quan hệ ( bằng thật mà kiến thức giả nguy hiểm!) thành dây chuyền sản xuất rồi chứ không còn là sản xuất thủ công nữa!

    Trả lờiXóa