Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Bài thuốc dân gian trị ho cho trẻ em hiệu quả

Bài thuốc dân gian trị ho cho trẻ em hiệu quả

Hỗn hợp nước vo gạo và rau diếp cá, lá húng chanh, cây xương rồng, quất xanh, trà cam thảo, hoa hồng bạch, lá hẹ chưng đường phèn là những bài thuốc dân gian hay để các bà mẹ điều trị bệnh ho cho con em mình.
Thay đổi thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ em, đặc biệt bé dễ mắc chứng ho. Bên cạnh các phương pháp Tây y, có những bài thuốc dân gian hiệu quả, trị dứt ho nhanh chóng. 
1. Hỗn hợp nước vo gạo và rau diếp cá
Rau diếp cá và nước vo gạo là vị thuốc quý, lành tính có tác dụng đặc trị ho. Tuy nhiên vì rau diếp có vị tanh nên đa phần bé sẽ không hợp tác với mẹ. Một chiêu nhỏ sẽ giúp các mẹ làm giảm vị tanh của rau diếp chính là đun sôi thì vị tanh kia sẽ mất và rất dễ uống.
Cách thực hiện: Một nắm lá diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn. Sau đó, lấy một bát nước vo gạo trộn đều với diếp cá đã giã nhuyễn, đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút. Cuối cùng, mẹ chỉ cần lọc lấy nước cho bé uống.
Mỗi ngày mẹ cho bé uống khoảng 3 lần. Nên cho bé uống sau mỗi bữa ăn khoảng 1 giờ để thuốc phát huy tác dụng. Lưu ý là khi chữa ho bằng rau diếp cá và nước vo gạo, các mẹ hạn chế cho bé ăn đồ tanh như tôm cua, thịt gà. Thức ăn của bé nên xay nhuyễn để bé dễ nuốt, dễ tiêu, đề phòng gợn cổ khi bé nôn trớ ra đờm. Nên cho bé uống nhiều nước cam hoặc nước chanh. Nếu bé nôn trớ nhiều, bổ sung men tiêu hóa từ sữa chua. Chữa bệnh bằng rau diếp cá rất an toàn và hiệu quả cho bé. Ngoài tác dụng trị ho rau diếp cá còn có tác dụng chữa cảm sốt rất hiệu quả.
2. Lá húng chanh lợi phế, thông cổ
Lá húng chanh có vị hơi chua, the cay, dễ trồng. Lá húng chanh có tác dụng trị đờm, lợi phế, thông cổ.
Cách làm thuốc đơn giản. Các mẹ chỉ cần hái một nắm lá húng chanh, rửa sạch, mang thái nhỏ. Sau đó, cho vào chén, thêm một ít đường phèn hoặc mật ong mang đi hấp cách thủy hoặc cho vào nồi cơm điện hấp. Để nguội rồi cho trẻ uống, mỗi ngày 2 lần.
3. Cây xương sông trị tiêu đờm, viêm thanh quản
Cây xương sông ngoài tác dụng trị cảm sốt thì còn có công dụng tiêu đờm, trị khản tiếng, viêm thanh quản.
Cách thực hiện: Nên sử dụng lá non xương sông non kết hợp với lá hẹ, rửa sạch, thái nhỏ, cho thêm ít đường, hấp cách thủy và trẻ uống nhiều lần trong ngày. Mùi vị cây xương sông rất dễ uống.
4. Quất xanh chữa ho nhiễm lạnh
Dùng quất xanh hấp đường phèn hoặc mật ong sẽ có tác dụng chữa ho do nhiễm lạnh.
Cách thực hiện: 2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên cả vỏ và hạt. Mang quất trộn với đường phèn hoặc mật ong rồi hấp cách thủy đến khi quất chín. Lưu ý là dằm cả vỏ, bỏ hạt, để nguội cho trẻ uống nhiều lần trong ngày. Đối với hạt của quất xanh các mẹ không nên bỏ đi vì nó có tác dụng làm tiêu đờm và ấm thanh quản khi trẻ bị ho. Mùi vị quất có thể hơi khó uống đối với trẻ nên khi cho trẻ uống có thể cho thêm ít đường.
5. Trà cam thảo dịu cổ họng
Cam thảo có chứa thành phần kháng khuẩn, làm dịu cổ họng. Trà cam thảo có vị ngọt, nên mẹ yên tâm khi cho trẻ uống, kể cả trẻ sơ sinh. Loại trà này sẽ giúp cơ thể trẻ ấm hơn và dịu họng hơn.
6. Hoa hồng bạch chữa ho hiệu quả
Lấy cánh hoa hồng bạch rửa sạch trộn với một ít đường phèn, cộng với một ít nước lọc, đem hấp cách thủy. Cho bé uống mỗi lần 1 thìa, mỗi ngày từ 3 đến 4 lần.
hong-bach-5529-1397347699.jpg
Ảnh: mooseyscountrygarden.com
7. Trị ho bằng lá hẹ và đường phèn
Chọn khoảng 5-10 lá hẹ và một ít đường phèn. Tất cả cho vào bát, rồi mang hấp cách thủy. Sau đó bỏ xác lấy nước cho bé uống. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-3 thìa. Cách này được các mẹ hay dùng vì khá đơn giản và hiệu quả. 
Minh Tâm

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Mẹ Đức dạy con: Không chê được điểm nào

Dạy con từ thuở còn thơ, câu tục ngữ này không sai một chút nào nhưng dạy như thế nào mới là điều quan trọng.


Mỗi đất nước có phong tục tập quán riêng biệt khác nhau, nên việc dạy dỗ trẻ em cũng khác nhau. Qua kinh nghiệm riêng của tôi và những gì tôi học được, xin giới thiệu đến các bạn một vài nét khác biệt trong việc dạy dỗ con cái của người Đức.
1. Giới hạn đầu tiên
Dạy con từ thuở còn thơ, câu tục ngữ này không sai một chút nào nhưng dạy như thế nào mới là điều quan trọng. Từ vựng mà các bé thực sự hiểu được đầu tiên đó là từ "Không". Vì vậy, khi nói "Không" với bé, mẹ nói nghiêm túc, rõ ràng để bé hiểu được đúng nghĩa của từ này, sau đó tại sao bé "Không" được phép làm. Bé chưa hiểu gì nhiều nhưng từ "Không" được lặp đi lặp lại nhiều lần bé sẽ quen, bộ nhớ của trẻ như một cái tủ rỗng, từ "Không" là thứ đồ đạc đầu tiên được đặt vào. Nên các bạn thấy, trẻ em phương Tây chơi chung với bạn rất tự giác và độc lập, chỉ cần nghe mẹ nói "Không" là bé tự ý biết mình không được phép làm việc đó.
Đối với trẻ lớn hơn, chúng bắt đầu hình thành tính cách cá nhân nên chúng có lý lẽ của chúng để tránh từ "Không" của bố mẹ. Trong trường hợp này cần đến đàm phán và thương lượng. Mẹ nên giải thích lý do tại sao một cách cặn kẽ cho bé, vì dù sao bé cũng nên biết cái vạch giới hạn của bố mẹ đề ra. Đặc biệt khi mẹ nói "Không" thì bố cũng phải đồng tình và ngược lại, vì bé sẽ cầu cứu người thứ ba. Để cho bé biết rằng điều đó được sự nhất trí của bố mẹ thì bố mẹ phải phối hợp ăn ý, khi không cầu cứu ai được nữa bé sẽ hiểu: À, mình "Không" được phép làm thật rồi.
Phương châm của các bậc cha mẹ người Đức là làm bạn của trẻ để tìm phương án giải quyết tốt nhất, đừng cho rằng bố mẹ luôn luôn đúng và bắt buộc con luôn làm theo ý mình, điều này hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ cũng phải tôn trọng ý kiến của con cái khi con nói "Không".
mẹ và bé, nuôi con, dạy con
Dạy con từ thuở còn thơ - câu tục ngữ này không sai chút nào (Ảnh minh họa).
2. Rèn luyện tính tự lập
Ở Việt Nam, các mẹ gặp nhau câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi: "Cháu bao nhiêu cân?"; "Cháu làm được những gì rồi"…Ngược lại hoàn toàn với người Đức, mỗi đứa trẻ phát triển theo cách riêng của chúng vì thế đừng đem con mình ra so sánh với những trẻ khác. Vừa làm cho bố mẹ thêm suy nghĩ mà làm như vậy là bất công đối với con, khiến cho trẻ cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè. Trong tầm tuổi này trẻ con vẫn chơi nhiều hơn học nên hãy để chúng tiếp xúc với thiên nhiên hoa lá con vật nhiều hơn với chữ, số. Có thể bé biết nhặt nhạnh từng hòn đá, lá cây, con ốc sên từ những chuyến đi rừng hay vào nông trại. Học từ thiên nhiên là bài học hữu hiệu nhất và mang lại hiệu quả nhất cho các bé. Vừa học vừa chơi, tạo cho bé tinh thần thoải mái phấn chấn khiến cho bé ăn ngon hơn ngủ tốt hơn. Nhiều trẻ em ở Việt Nam ở trường học rất giỏi nhưng khi bước ra ngoài đời thì không có kiến thức thực tế.
Đối với người Đức, trẻ em cần được học tính tự lập từ rất sớm, ngay từ việc nhỏ nhất. Ví dụ, khi mẹ làm cái gì nên cho bé đứng hay ngồi bên cạnh xem cùng hoặc hướng dẫn cho bé làm cùng, đừng nói “Con không được sờ vào, để mẹ làm một loáng cho nhanh”. Mẹ làm thì nhanh thật nhưng bé sẽ không học được gì nếu bố mẹ cứ làm hộ mãi. Khi nấu cơm hãy cho bé đong gạo, giặt quần áo hãy để bé tự cho quần áo của nó vào máy giặt. Dọn nhà hãy đưa cho bé một cái khăn và khoanh vùng, đây là vùng của con. Đặc biệt rác phải được bỏ vào thùng rác. Trẻ em học rất nhanh và nhớ lâu, chỉ cần hướng dẫn một lần, lần sau bé sẽ nhớ và tự ý thức được việc đó phải làm như thế nào.
Riêng khoản ăn uống là cả vấn đề cần bàn đến. Ngay từ khi bé biết ngồi ta nên tập cho bé ngồi vào bàn ăn cùng với bố mẹ. Phải đợi cho khi mọi người đầy đủ mới được ăn và chỉ được phép rời bàn ăn khi mọi người ăn xong xuôi (không tính trường hợp phải đi vệ sinh) Không nên vác bát đi khắp xóm hoặc cầm nắm cơm vừa chạy vừa hò hét xung quanh mâm. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nên thay vì để radio thì hãy đọc cho con nghe một câu chuyện nhẹ nhàng, hỏi bé đủ chuyện trên trời dưới biển. Hôm nay làm những cái gì, ở lớp ra sao, vân vân. Việc này tạo thói quen cho bé nói ra những suy nghĩ của mình, giúp các mẹ sau này rất nhiều khi các bé ở độ tuổi vị thành niên. Chúng sẽ coi bố mẹ như một người bạn mà dốc bầu tâm sự.
3. Tình cảm và cách ứng xử trong gia đình
Cách thể hiện tình cảm của người phương Tây bộc lộ rõ rệt, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nhận tình cảm của trẻ. Hàng ngày bé nghe những lời quan tâm chăm sóc của bố mẹ dành cho nhau, bé cảm nhận bố mẹ yêu thương nhau. Ví dụ bố hỏi mẹ: "Em yêu, em có khoẻ không?“. Ngay ngày hôm sau bé cũng hỏi mẹ: "Mẹ yêu, mẹ có khoẻ không?". Khỏi phải diễn tả cảm giác của mẹ lúc ấy thế nào, mẹ quá sung sướng ôm con rồi nói "Mẹ khoẻ, cám ơn con".
Ngôn ngữ phương Tây có phần khách sáo hơn ngôn ngữ tiếng Việt cho nên trẻ con phương Tây có một phong cách nói chuyện lịch sự, chững chạc từ khi còn bé vì chúng đã được rèn luyện từ ngay trong gia đình. Các ông bố Việt Nam hay nói đàn ông thương vợ thương con giấu kín trong lòng, không ruột để ngoài da như các mẹ, nên trong gia đình ít khi có những lời yêu thương ngọt ngào giữa bố và mẹ. Nên các bé trai cũng học theo cách "giấu kín trong lòng", sau này chúng rất khó tìm cách thể hiện tình cảm của mình đối với bạn bè và người thân. Đặc biệt, "cám ơn, xin lỗi, làm ơn" là những từ bé được học từ khi lọt lòng.
4. Trẻ con và tiền
Nhiều người cho rằng không nên cho trẻ con tiêu tiền sớm, vì tiền thúc giục bản năng xấu xa của con người. Người Đức dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Người mẹ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Mỗi khi cho con đi mua đồ cùng, bé được phép chọn đồ và khi mẹ nói không được, cái này đắt quá, con chọn thứ khác đi, thứ nào rẻ hơn ấy. Lúc đầu bé không làm theo mà nằm ra đất khóc ăn vạ. Mẹ mặc kệ đẩy xe đi, bé khóc chán thì đứng lên chạy theo mẹ, nhiều lần như thế sẽ quen, để làm được việc này người mẹ cần phải rất kiên nhẫn.
Mỗi khi mua cái gì cho bé thì mẹ đều đưa tiền cho con trả kèm theo "Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp". Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết: À ha, phải trả tiền trước khi mang đồ đi. Phải cho trẻ biết giá của đồ vật ấy là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không. Không dạy cho trẻ cách "Có tiền ta mua được tất cả", hoặc chúng đòi cái gì cũng mua với ý nghĩ con mình không thua con hàng xóm được. Điều ấy tạo cho trẻ sớm có tính đua đòi, tồi tệ nhất sẽ dẫn đến ăn cắp. Trong một đám bạn chơi chung, nhưng khi ra về đồ chơi của bạn nào được trả về đúng cho bạn đó.
Bố mẹ nên coi con cái như những người thầy dạy mình bước vào một thế giới khác. Trong thế giới ấy, bố mẹ cũng phải đắn đo suy nghĩ trước một quyết định nào đó.
Sách tham khảo: Làm dâu nước Đức (Tác giả: Phan Hà Anh)
(Theo Khampha.vn)

Dạy con biết nhai và tự xúc ăn siêu như mẹ Việt ở Pháp

Mặc dù chưa tròn 1 tuổi nhưng Áo Hồng đã biết tự xúc ăn và nhai rất siêu. Tất cả bí quyết của mẹ Áo Hồng là: đừng quan tâm đến con quá!

Chào chị, chị nổi tiếng trên cộng đồng mạng Facebook với những công thức nấu ăn dặm cho con được nhiều mẹ rất ngưỡng mộ. Chị học được những bí quyết nấu ăn cho bé này từ đâu?
- Chào em, cảm ơn em đã quan tâm đến các món ăn chị nấu cho con gái chị. Nhưng chị không nổi tiếng đâu em, chị cũng như những người mẹ khác. Thích chia sẻ các món ăn lên Facebook để cho các mẹ có thể trao đổi học hỏi, thay đổi món ăn cho con thôi. Nghe em nói có nhiều mẹ ngưỡng mộ làm chị ngại quá! (Cười)
Chị mới làm mẹ lần đầu nên cũng còn vụng về nhiều lắm. Những kiến thức cơ bản về nấu ăn dặm cho bé chị được các bác sĩ dinh dưỡng nhi bên này hướng dẫn cơ bản, còn lại tự mình gia giảm.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Những công thức nấu ăn dặm cho con do mẹ Áo Hồng chia sẻ được các mẹ rất thích.
Là một mẹ Việt sống và nuôi con ở Pháp, chị có thể chia sẻ với các mẹ ở Việt Nam cách mà các bà mẹ Pháp cho con ăn dặm?
Ở thành phố chị sống rất ít người Việt, nên chị cũng không biết rõ sự khác biệt giữa cách chăm sóc con của người Việt mình với người Pháp.
Profile:

Nick name của mẹ: Ba Lúa

Tên con: Lan Phương, nick name: Áo Hồng

Hiện tại gia đình đang sống ở Cannes (Pháp)
Nhưng ở Pháp nói chung, và Cannes - nơi chị sống nói riêng nếu trẻ được sinh vào khoảng tuần thứ 38 thì được gọi là sinh đủ tháng. Với những trẻ này bác sĩ nhi khuyên vào giai đoạn tròn 4 tháng bé có thể làm quen với những thức ăn khác ngoài sữa, hay còn gọi là ăn dặm.
Ở Pháp ăn dặm bước đầu tiên là rau củ, trái cây rồi từ từ mới đến tinh bột (mì, gạo...) và đạm (thịt/cá...). Ban đầu khi tập ăn cũng không cần ăn quá loãng và tăng độ thô của thức ăn lên từ từ theo từng tháng. Và khi trẻ tròn 1 tuổi là các mẹ có thể cho ăn được những thức ăn gần như của người lớn như mì, nui, cơm…
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Áo Hồng rất hào hứng với mỗi bữa ăn.
Chị áp dụng phương pháp ăn dặm nào cho Áo Hồng? Có nguyên tắc nào trong việc chế biến và cho con ăn dặm chị muốn chia sẻ với các mẹ ở Việt Nam?
Chị cũng không áp dụng triệt để theo phương pháp nào cả, nhưng nếu so ra có lẽ chị hơi nghiêng về cách hướng dẫn của bác sĩ ở đây. Tức là trong thực đơn của con lượng rau củ, trái cây sẽ ưu tiên hơn là tinh bột và đạm…. Còn về cách cho con ăn thì có lúc chị cho Áo Hồng tự ăn (ăn bốc); có khi lại xay thức ăn ra thành soup; có khi để nguyên sợi mì, nui; có khi cho con tự cầm thìa và tự cầm bình, ly uống nước từ rất sớm. Nói chung tùy bữa ăn, hoàn cảnh mà áp dụng cách cho con ăn. Có những hôm ở nhà rảnh rỗi thì chị nấu, còn hôm nào bận thì cho ăn đồ hộp mua sẵn hoặc cho ăn qua loa, bánh mì hay nui cũng xong bữa.
Cá nhân chị nghĩ và thấy các mẹ bên này rất quan tâm đến chuyện ăn uống của con nhưng không quá quan trọng nó. Thỉnh thoảng để cho trẻ đói một chút, bỏ một bữa hay ăn qua loa một tí cũng tốt vì như thế bé mới biết cảm giác đói và đến lúc ăn mới ngon miệng.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Áo Hồng được mẹ tập cho ăn bắp ngô từ khi chưa... mọc răng. Và quan điểm của mẹ Áo Hồng khi cho con ăn là: Muốn con biết tự xúc ăn, hãy... mặc kệ
Áo Hồng biết nhai và tự xúc từ khi chưa tròn 1 tuổi. Chị có bí quyết gì để rèn cho bé ăn "siêu" như vậy?
(Cười). Nghe em nhắc vụ tự xúc ăn và biết nhai sớm chị mới ngồi lại và để ý. Không siêu đâu em, chị hay tạo điều kiện để cho con tự xúc ăn vì mình còn phải nấu nướng hay làm việc gì đó khác. Cứ đến giờ ăn là chị cho con ngồi ghế ăn, mẹ bỏ đi rửa chén bát hoặc dọn dẹp nhà cửa, con cứ ngồi đó và từ từ tự cầm thìa xúc ăn. Dần dần Áo Hồng tự biết xúc ăn lúc nào không biết. Hoặc cũng có thể do Áo Hồng tập cầm nắm thức ăn từ sớm nên dễ cầm thìa cũng nên.
Chị Ba Lúa chia sẻ: "Món cho con tự cầm ăn nhiều nhất đó là bánh mì, và tập ăn từ khi 4-5 tháng tuổi. Áo Hồng cầm bánh cho vào miệng gặm ướt và nuốt".
Thời gian đầu khi tập ăn một mình con cũng làm vơi rớt tứ tung. Khi Áo Hồng gần 6 tháng tuổi, chuẩn bị mọc răng nên muốn ăn đồ cứng, chị đã cho con cái cắp ngô ngồi tự gặm rồi. Con ăn rơi rớt lung tung, dính lên cả đầu tóc. Rồi những món khác như bông cải xanh, hay cơm hạt thì dính đầy người. Còn khi bắt đầu tự cầm thìa thì xúc được thức ăn vào thìa, kê chưa đến miệng thì đã rớt xuống nền nhà.
Cái được gọi là bí quyết để con biết nhai sớm có lẽ chị ít cho ăn cháo trong khẩu phần của con hàng ngày và tăng độ thô kịp thời nên Áo Hồng biết nhai rất sớm. Dưới đây là những cách chị hay làm:
- Khi con mới tập ăn dặm, những bữa ra ngoài chơi chị luôn mang theo bánh quy hay mẩu bánh mì. Khi đó Áo Hồng chưa có răng và hầu như các trẻ bắt đầu cứng nướu và muốn nhai vật gì đó cứng. Bánh mì, bánh quy hay quả táo là thực phẩm dễ ăn nhất. Bánh mì chị không xé nhỏ mà để cả miêng to, con khi đó tay còn vụng lắm, chỉ quơ quơ và đưa vào miệng chưa chuẩn nên bánh to sẽ dễ hơn cho bé. Cũng như không sợ con nuốt một lần hết một miếng to. Bánh quy cũng vậy, chị chọn bánh cứng vừa, khi ngậm vào nước bọt sẽ làm bánh tan từ từ và khi còn mẫu nhỏ, con sẽ dùng nướu cắn gãy phần đó rồi nhấm nháp và nuốt. Táo hay lê thì cho 1/4 quả cho nhẹ, con dễ cầm và không sợ bị hóc so với từng mẫu nhỏ như ngón tay.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Một bữa tự ăn của Áo Hồng. Cô bé cứ hì hụi xử lý khẩu phần ăn của mình dưới sự quan sát từ xa của mẹ.
- Ý kiến riêng của chị về vấn đề tập nhai thì đơn giản. Các mẹ đừng quá lo lắng con sẽ hóc mà không cho con thử các món mới. Các mẹ có thể cho con ăn táo, ổi, lê... cả miếng (chắc chỉ có mẹ mìn như mình mới làm điều này); bánh mì, bánh quy… là các món cứng thì con sẽ có phản xạ nhai. Có thể ban đầu sẽ nhả ra nhưng vài lần con sẽ tự xử lý được thức ăn thô một cách dễ dàng.
- Mẹ có thể nấu các món như: khoai tây cắt vuông cờ, ghim vào nĩa nhỏ cho con tự cầm. Con sẽ thích thú ăn. Nếu bé lớn, thì chọn chén dĩa đẹp, bắt mắt cho bé thích.
- Phần quan trọng hơn là nên tập cho trẻ thói quen ăn trên bàn ăn cùng cả nhà. Con sẽ nhìn và tự làm theo như người lớn.
Chị tự nhận mình là một bà mẹ không đảm đang, cũng không siêng năng. Có hôm chị bỏ rất nhiều công sức chế biến đồ ăn cho con, có hôm chị cho Áo Hồng ăn đồ hộp, thậm chí có bữa còn cho nhịn... nhưng trộm vía Áo Hồng phát triển vẫn khá tốt. Phải chăng đây là phương pháp chăm con mà vẫn nhàn của chị?
Nói ra thì ngại, chứ nhà chị luôn có vài hộp đồ ăn sẵn trong bếp, phòng khi nào bận quá hay hôm đó lười không muốn nấu thì chỉ cần lấy đồ hộp ra cho con ăn, mẹ rảnh tay làm việc khác. Trộm vía Áo Hồng dễ ăn nên đồ hộp vẫn ăn ngon lành.
Còn có hôm nào chăm thì nấu nhiều món ăn, chụp ảnh làm kỉ niệm cũng như ghi lại món hôm đó con ăn có ngon hay không để lần sau nấu lại món đó.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Khẩu phần ăn một bữa trưa của Áo Hồng được mẹ chuẩn bị khá đẹp mắt.
Áo Hồng từ bé đã bị “bỏ bê” vì chỉ có một mình chị chăm là chủ yếu còn ba phải đi làm, nên nhiều khi tự ăn, tự ngủ và tự chơi khi mẹ bận nấu ăn, tắm giặt hay dọn dẹp nhà cửa. Con cũng thích ra ngoài chơi nên chị thường tranh thủ thời gian sáng cho con ra công viên chơi một lát. Gặp bạn bè ở công viên dần con dạn lắm. Chiều mùa hè thì hay cho con ra biển chơi, con rất thích.
Chị không quá khắt khe chuyện ăn ngủ hay chơi của con. Nắng hay lạnh gì cũng tranh thủ cho con ra ngoài hít thở không khí ngoài trời. Có hôm con cũng không ngủ trưa hay ăn trưa vì mê chơi với bạn, chị cũng để con chơi. Bữa sau bù vào cũng được.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Gần 2 tuổi, Áo Hồng đã có thể ăn cơm như người lớn.
Chuyện ăn chị cũng không ép vì chị nghĩ trẻ con cũng như người lớn, có hôm chán ăn hay có thời kỳ chán ăn nên con ăn ít đi. Miễn sao con khỏe, không có dấu hiệu bệnh là được.
Cũng vì chuyện quá dễ dãi trong việc ăn, ngủ của con mà khi về thăm ông bà ở Việt Nam, chị luôn bị ông bà mắng vì sao không ép con ăn nhiều vào cho con béo lên, cứ cho con chơi ngày đêm đến khi nào con đói, đòi ăn mới cho ăn hay buồn ngủ thì tự chạy vào phòng leo lên giường mà ngủ. Chắc nhiều mẹ ở Việt Nam cũng hay gặp phải vấn đề này, nhưng chị nghĩ những người làm mẹ thì nên tôn trọng con, tôn trọng ngay cả trong việc ăn uống.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
(Theo Pháp Luật Xã Hội)

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Sinh con, mẹ nên biết

(Dân trí) - Lúc mang thai, bạn chỉ muốn nói về việc lâm bồn, về những chiếc xe đẩy và tã lót mà không lường trước rằng đó chỉ mới là khởi đầu.

Sinh con, mẹ nên biết
Lần đầu tiên nhìn thấy hoặc ôm đứa trẻ vào lòng, bạn sẽ không cảm thấy giai điệu thần tiên nào cả. Lúc đấy bác sĩ đang khâu vết mổ hoặc cô y tá giúp bạn ấn bụng đẩy sản dịch ra ngoài. Đó có lẽ là lần đầu tiên trong đời bạn cảm thấy kiệt sức.
Chẳng sao cả nếu bạn không cảm nhận được điều gì thiêng liêng bởi còn nhiều thời gian để tận hưởng những khoảnh khắc diệu kỳ bên con mình.
Cho con bú rất vất vả. Phải mất một thời gian mới quen được cách ẵm con, và lựa chọn tư thế tốt nhất để đứa trẻ khỏi khóc ré. Và dù bạn đã biết cách bế ẵm nó, ban đầu việc cho con bú sẽ khá đau vì bé chưa biết cách bắt đầu vú mẹ. Tuy nhiên sau hai tuần, mọi việc sẽ trở nên dễ chịu và dễ kiểm soát hơn.
Ngày thứ tư sau khi vượt cạn, rất nhiều khả năng bạn sẽ bật khóc. Đó sẽ là ngày lượng hormone giảm đi, bạn chắc chắn rằng cuộc đời mình thật thê thảm, chồng bạn là một kẻ ngớ ngẩn chẳng ra gì và chính bạn cũng không làm được gì nên hồn. Hãy khóc thỏa thuê nhưng nếu cứ khóc mãi và càng ngày càng cảm thấy tồi tệ, bạn cần sự giúp đỡ kịp thời từ những người có kinh nghiệm.
Trẻ con không phải luôn giống nhau. Đừng hoảng khi các bà mẹ khác khoe con họ ngủ nhiều trong khi con bạn ít ngủ. Bởi vì có thể họ đang chia sẻ sự thật hoặc hoàn toàn tán dốc, cũng có thể định nghĩa về sự “ngủ nhiều” của họ không hề giống bạn. Điều này cũng tương tự đối với việc trẻ học dùng bô, học đi, học nói, học đọc. Như người lớn, trẻ con cũng khác nhau, đứa ngủ sớm, đứa ngủ muộn là chuyện bình thường.
Đừng để người khác khiến bạn nghĩ rằng bạn không phải người mẹ hiểu rõ con mình nhất hoặc rằng bạn đang không hoàn thành nghĩa vụ của một người mẹ. Có nhiều cách để yêu con và trở thành những ông bố bà mẹ tốt, bạn không phải răm rắp làm theo những gì mà mẹ hay bà ngoại đã làm. Hãy lắng nghe chính trái tim mình.
Đừng tự đày đọa bản thân. Hãy thuê một người đáng tin cậy hoặc nhờ bạn bè đến trông con hộ khi bạn cần phải tắm rửa hoặc nghỉ trưa. Đừng tự ôm việc vào người vì sẽ có ngày bạn kiệt sức. Hãy cứ than thở nếu bạn thấy mệt mỏi. Điều đó không có nghĩa là bạn không yêu thương con mình.
Hãy chụp thật nhiều ảnh kỉ niệm, bởi sẽ có nhiều khoảnh khắc sau này bạn không còn nhớ nữa.
May
Theo SM

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Bộ ảnh thú vị về sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây



(Dân trí) - Phương Đông và phương Tây vốn luôn chứa đựng nhiều quan niệm khác biệt. Bộ ảnh đồ họa dưới đây sẽ đề cập tới sự khác biệt đó dưới góc nhìn gắn gọn, hài hước, thú vị, đầy tính chiêm nghiệm.

Một nghệ sĩ trẻ người Trung Quốc có tên Yang Liu hiện đang sinh sống tại Đức vừa cho ra mắt bộ ảnh đồ họa có tên “East Meets West” (Đông Tây gặp gỡ). Bộ ảnh cho thấy sự khác biệt trong đời sống văn hóa - xã hội giữa phương Đông và phương Tây.
“Đông Tây gặp gỡ” thể hiện cách nhìn vừa chính xác vừa hài hước về sự khác biệt muôn thuở. Nghệ sĩ Yang Liu cho biết: “Những thông tin được thể hiện trong bộ ảnh đồ họa này mang ý nghĩa tương đối cá nhân, dựa trên những trải nghiệm và cảm nhận của bản thân tôi sau gần hai thập kỷ sinh sống ở Châu Âu”.
Dưới đây là bộ ảnh thú vị của nghệ sĩ Yang Liu:
Cách thể hiện ý kiến cá nhân 
Cách thể hiện ý kiến cá nhân: Người phương Tây quan trọng sự thẳng thắn. Người phương Đông đề cao sự khéo léo, mềm mỏng.
Phong cách sống
Phong cách sống: Người phương Tây đề cao cái Tôi, năng lực cá nhân, cá tính riêng… Người phương Đông trân trọng cái Ta, con người phải luôn biết hòa nhập với môi trường xung quanh để tạo nên sự hài hòa.
Vấn đề đúng giờ
Vấn đề đúng giờ: Đúng giờ là yếu tố rất được tôn trọng trong các cuộc gặp gỡ ở thế giới phương Tây. Người ta không cần đến sớm để thể hiện sự tôn trọng nhưng càng không nên đến muộn vì đó là hành động bất lịch sự. Người phương Đông thì khác, họ có thể xê dịch giờ hẹn đôi chút và điều đó không trở thành vấn đề lớn.
Cấp trên
Cấp trên: Trong thế giới phương Tây, sếp cũng là người đi làm kiếm sống như nhân viên, chỉ có điều cấp bậc, tầm nhìn và lương bổng của sếp cao hơn một chút. Ở phương Đông, sếp được coi là “người khổng lồ”.
Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội
Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội: Các mối quan hệ trong thế giới phương Tây không mang nặng tính “dắt dây” như trong xã hội phương Đông.
Cách thể hiện cảm xúc
Cách thể hiện cảm xúc: Người phương Tây vui buồn đều thể hiện khá rõ ràng còn người phương Đông có thể “trong héo ngoài tươi”.
Văn hóa xếp hàng
Văn hóa xếp hàng: Thực tế văn hóa xếp hàng đã dần hình thành tại nhiều nước phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy vậy, nhìn chung, nó chưa ăn sâu vào nếp sống của người phương Đông ở mọi lúc mọi nơi.
Nhìn nhận về bản thân
Nhìn nhận về bản thân: Người phương Tây rất quan trọng cái Tôi, đề cao tính cá nhân trong một số khía cạnh của đời sống. Họ đòi hỏi những người xung quanh phải tôn trọng những gì thuộc về vấn đề cá nhân. Ở phương Đông, cái Tôi thường nhỏ bé, dễ bị khỏa lấp và việc quên đi cái Tôi được cho là một đức tính đáng khen ngợi.
Đường phố ngày cuối tuần
Đường phố ngày cuối tuần: Những ngày cuối tuần, đường phố phương Tây thường vắng vẻ, họ không đổ ra đường mà thường có hai lựa chọn: một là ở nhà ngủ bù cho cả tuần lao động vất vả, hai là về miền quê vui chơi, hít thở không khí trong lành. Ở phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân thường đổ ra đường, tới các khu vui chơi và trung tâm mua sắm để giải trí.
Tiệc tùng
Tiệc tùng: Tại những bữa tiệc trang trọng, người phương Tây thích đứng thành nhóm nhỏ, rủ rỉ trò chuyện. Người phương Đông thích ngồi thành những nhóm lớn, trò chuyện ồn ào, đó được coi là biểu hiện của sự hào hứng, vui vẻ. Tiệc càng ồn càng chứng tỏ tổ chức thành công.
Tiếng ồn trong nhà hàng
Tiếng ồn trong nhà hàng: Người phương Tây rất ngại việc nói to ở nơi đông người. Vì vậy, ở nơi công cộng như nhà hàng, quán ăn, họ nói nhỏ, chỉ đủ để người ngồi với mình nghe thấy. Ngay cả việc gọi nhân viên phục vụ cũng được thể hiện bằng ánh mắt và động tác tay. Người phương Đông khá vô tư trong việc này, họ có thể nói to, gọi nhau í ới ở nơi đông người.
Thức uống “lành mạnh”
Thức uống “lành mạnh”: Ở phương Tây, nếu ai đó bị yếu bụng hoặc đau dạ dày, khi dùng bữa, họ sẽ uống nước ngọt có gas, trong khi đó, người phương Đông sẽ gọi trà hoặc nước khoáng.
Đi du lịch
Đi du lịch: Người phương Tây đề cao việc quan sát và trải nghiệm thực tế trong suốt chuyến đi. Trong khi đó, đối với người phương Đông, việc lưu lại hình ảnh làm kỷ niệm trong từng chặng đường, từng địa điểm thăm quan là một việc quan trọng không kém.
Vẻ đẹp lý tưởng
Vẻ đẹp lý tưởng: Người phương Tây thích da nâu, người phương Đông thích da trắng.
Trẻ em trong gia đình
Trẻ em trong gia đình: Trẻ em ở phương Tây không được cả gia đình chăm lo, ưu ái như ở phương Đông. Trong gia đình phương Tây, trẻ em có vị trí ngang bằng như những thành viên khác trong nhà, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ riêng. Ở phương Đông, em bé thường được coi là trung tâm thú vị của cả nhà và các thành viên sẽ xoay quanh “tâm điểm” này.
Giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề: Người phương Tây coi trọng kết quả sau cùng, vì vậy, họ sẵn sàng đương đầu với vấn đề cản trở, cốt sao đạt được mục tiêu nhanh nhất. Người phương Đông quan trọng quá trình thực hiện. Vốn không thích đối đầu, xung đột, nên người phương Đông có thể chấp nhận đi vòng một chút, tuy mất thời gian hơn nhưng vẫn đạt được kết quả sau cùng và không tổn hao quá nhiều sức lực.
Các bữa ăn trong ngày
Các bữa ăn trong ngày: Người phương Tây thường ăn sáng vội vàng, ăn tối qua loa, thường dùng đồ ăn nhanh, bữa trưa vì vậy được coi là bữa ăn thư thái nhất trong ngày khi họ có thể rủ bạn bè ra tiệm dùng bữa. Người phương Đông đề cao tầm quan trọng của cả 3 bữa ăn trong ngày, họ thích sự nóng sốt. Ăn uống qua quýt theo kiểu “cơm đường cháo chợ” là điều không ai thích.
Phương tiện di chuyển
Phương tiện di chuyển: Trước đây, khi người phương Tây coi ô tô là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất, người phương Đông còn đi xe đạp. Giờ đây, người phương Tây lại coi xe đạp là phương tiện di chuyển “lành mạnh” nhất, trong khi đó, người phương Đông đã chuyển sang đi ô tô (nếu có điều kiện).
Cuộc sống của người già
Cuộc sống của người già: Dạo chơi công viên ở phương Tây, bạn sẽ bắt gặp nhiều cụ già dắt thú cưng đi dạo. Ở phương Đông, bạn sẽ thấy các cụ già dắt cháu đi chơi.
Tắm táp
Tắm táp: Người phương Tây thích tắm sáng rồi mới đi làm. Người phương Đông thích tắm tối trước khi đi ngủ.
Ẩm thực sành điệu
Ẩm thực sành điệu: Người phương Tây sành điệu sẽ tìm tới các món Á. Người phương Đông “ăn chơi” sẽ tìm tới các món Âu.
Thời tiết và cảm xúc
Thời tiết và cảm xúc: Người phương Tây thích nắng, ghét mưa. Họ đặc biệt yêu những ngày nắng (có lẽ vì thế mà họ thích da nâu). Người phương Đông thích cả mưa và nắng. Nắng mưa đối với người phương Đông đều có nét đẹp, nét thú vị riêng.
Đông Tây trong mắt nhau
Đông Tây trong mắt nhau: Trong mắt người phương Tây, người phương Đông đặc trưng với nón lá, thích uống trà và ăn cơm. Người phương Đông ấn tượng với người phương Tây vì mũ nồi cao, xúc xích và bia.
Bích Ngọc
Theo Bored Panda