Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Ngủ trưa: bao nhiêu phút thì “vừa”?


(Theo Dân trí) - Chợp mắt 10 phút hay đánh 1 giấc dài 2 tiếng? Bạn sẽ sớm có câu trả lời sau khi biết những lý giải khoa học sau.


Một giấc ngủ trưa không làm bạn già đi, trái lại còn giúp bạn thông minh hơn. Tại sao lại như vậy? Một nghiên cứu của trường ĐH NewYork năm 2010 đã chỉ ra rằng
những người có khoảng thời gian chợp mắt buổi trưa sẽ có trí nhớ tốt hơn. Tuy nhiên, không phải mọi giấc ngủ trưa đều mang lại lợi ích. Dưới đây là một số điều bạn nên biết để có một giấc ngủ trưa ngọt ngào:

Giấc ngủ 10 phút

Tác dụng tức thời: Theo một nghiên cứu ở Úc, ngủ khoảng 10 phút sẽ đánh tan sự mệt mỏi một cách nhanh chóng và mang lại một trí óc minh mẫn ít nhất là trong khoảng 2 tiếng rưỡi.

Thế còn giấc ngủ 5 phút thì sao? Thật tiếc, nó không mang lại lợi ích gì.

Giấc ngủ 20 phút

Lợi ích lâu dài: Gấp đôi thời gian ngủ sẽ cải thiện đáng kể khả năng làm việc và hiệu quả trong công việc.

Tuy nhiên, lợi ích này không có được 1 cách nhanh chóng- ít nhất cũng phải mất 35 phút để tống khứ cảm giác ngái ngủ mà “giấc ngủ 20” để lại.

Giấc ngủ 30 phút

Đòn bẩy cho sức khỏe: Cảm thấy thờ thẫn, uể oải sẽ xuất hiện khoảng 5 phút sau khi ngủ nhưng sau đó sẽ là sự tỉnh táo và khỏe khoắn. Tuy vậy, một giấc ngủ 10 phút vẫn tốt hơn nhờ khả năng tránh “hiệu ứng treo” mà 1 giấc ngủ sâu thường mang lại.

Giấc ngủ 45- 90 phút

Vô tác dụng: trong quá trình 45- 90 phút ngủ này, bạn chìm vào 1 giấc ngủ sâu nhưng lại không hoàn thiện.

Theo giáo sư nghiên cứu về giấc ngủ W. Christopher Winter, M.D, một giấc ngủ kéo dài 45-90 phút sẽ gây ra cảm giác khó chịu hơn cả lúc chưa ngủ.

Giấc ngủ 90- 110 phút

Dấu hiệu đáng lo: Chu trình ngủ trung bình của 1 người kéo dài khoảng 90 phút, một khoảng thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ trưa. Tuy nhiên, nếu ngủ quá lâu thì đó lại là dấu hiệu của rối loạn, bác sỹ Winter chia sẻ.

Nguyễn Nhung
Theo health

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Làm gì để có một trí nhớ tốt?

Làm gì để có một trí nhớ tốt?
Cập nhật lúc 28/05/2011 10:00:00 AM (GMT+7)
Theo VietNamNet
Sáng nay bạn vội đi làm nhưng lại không thể tìm được chìa khóa xe? Tập hồ sơ mới cầm trên tay giờ để đâu không biết? Đây là những dấu hiện của chứng mất trí nhớ tạm thời. Cho dù hội chứng tai hại này có liên quan đến việc bạn làm quá nhiều việc cùng lúc hay không, hay là do ảnh hưởng của tuổi tác, bạn cũng có cách để vượt qua.

Các chuyên gia nói rằng, nếu bạn "biết điều” với bộ não của mình thì bạn hoàn toàn có thể tống khứ được chứng hay quên. Hãy làm theo những lời khuyên của các nhà nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên về sức khỏe Health.

Hãy dùng chỉ nha khoa hàng ngày

Việc ghét sử dụng chỉ nha khoa cũng giống như việc bạn thích ăn kẹo, cả 2 sẽ làm hỏng bộ răng. Và răng hư có ảnh hưởng rất lớn đến bộ não ngoài sức tưởng tượng của bạn. Mảng bám giữa các kẻ răng sẽ kích thích một phản ứng miễn dịch của cơ thể, phản ứng này sẽ tấn công các động mạch và làm cho quá trình vận chuyển các dưỡng chất cần thiết đến các tế bào não bị gián đoạn. Vì vậy, hãy tập thói quen sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày. Và phòng khi bạn quên không biết để chúng ở đâu, hãy để nó trên kệ trước tấm gương phòng tắm.

Kết hợp luyện tập thể chất với luyện tập trí não

Nếu tập thể dục hàng ngày giúp cơ thể dẻo dai cân đối thì luyện trí não sẽ giúp bộ não luôn ở tình trạng tốt nhất. Vậy hãy kết hợp chúng lại với nhau, bạn sẽ tiết kiệm được một nửa thời gian mà hiệu quả lại gấp đôi. Ví dụ, hãy giải trò chơi ô chữ trong lúc bạn chạy trên máy chạy bộ, hoặc nếu bạn chạy ngoài công viên, hãy kết hợp nghe một vài bài học ngoại ngữ trên máy Mp3. Các nhà nghiên cứu nói rằng, việc kết hợp tập luyện thể chất và trí não cùng lúc sẽ giúp thúc đẩy quá trình tái tạo và phục hồi các tế bào thần kinh. Nhưng nếu bạn không thích kết hợp, vậy hãy làm ô chữ sau khi tập thể dục, vì lúc này bộ não đã được cung cấp nhiều năng lượng.

Hãy ăn nhiều cá

Các loại cá biển, đặc biệt là cá hồi, chứa rất nhiều DHA – một loại axit béo omega-3 có tác dụng kích thích và tăng cường hoạt động của động mạch giúp đưa dưỡng chất lên não, đồng thời cũng giúp củng cố lớp vỏ bảo vệ bên ngoài các dây thần kinh. Ăn nhiều thức ăn giàu DHA sẽ cải thiện đáng kể tình trạng mất trí nhớ do tuổi tác, giảm căng thẳng và đem lại một tinh thần minh mẫn hơn.

Hãy chơi các game trí tuệ

Bất cứ trò chơi nào kích thích suy nghĩ đều tốt cho trí não. Chơi rubic phù hợp với mọi lứa tuổi và là cách rèn luyện trí não rất tốt vì nó tăng cường khả năng và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt. Khi chơi, bạn kích thích trí nhớ hoạt động, cùng với các kỹ năng khác như kỹ năng vạch kế hoạch và sắp xếp bố trí không gian; tất cả những kỹ năng này đều giúp cải thiện chức năng của não bộ.

Ngoài ra bạn còn có thể chơi cờ hoặc các trò chơi điện tử có tính trí tuệ cao. Và nếu bạn không biết tìm chúng ở đâu, hãy bắt đầu từ Internet.

Ăn những thức ăn bổ dưỡng cho não

Các nghiên cứu đã chứng minh, những dược chất tự nhiên có trong các loại thực phẩm sau sẽ làm tăng chức năng của não: măng tây, quả việt quất, bột cacao, cà phê, lòng đỏ trứng gà, bột cà ri Ấn Độ, rượu vang đỏ, lá hương thảo, cá hồi, sốt cà chua, quả óc chó.
  • Cao Nguyên

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Ủ ấm hôn nhân


(Theo Dân trí) - Có được hôn nhân hạnh phúc là tâm nguyện của tất cả mọi người. Nhưng trong cuộc sống đời thường, hôn nhân thường vấp phải không ít trở ngại. Làm thế nào gìn giữ nó trọn đời toàn vẹn?
1. Hãy quan tâm đến nhau

Thể hiện sự quan tâm yêu thương từ những hành động, cử chỉ rất nhỏ. Khi nửa kia về đến nhà, bạn hãy ngưng việc đang làm dở, hướng ánh nhìn về phía người đó. Chỉ cần như vậy cũng khiến đối phương thấy họ quan trọng hơn việc bạn đang làm.

Nếu vì công việc, tâm trạng của một trong hai người hoặc cả hai không được tốt, hãy dành vài giây lặng nhìn đối phương, một cái hôn nhẹ hay một cái ôm sẽ khiến nửa kia cảm thấy được an ủi rất nhiều bởi sự quan tâm của bạn.

2. Tranh cãi thiện chí

Tranh cãi thiện chí để có được sự đồng thuận. Không nên né tránh khi phải tranh luận, việc tranh luận sẽ giúp cho vợ chồng hiểu nhau hơn, cảm nhận được sự chân thành và thân thiết. Nhưng cần phải chú ý hai điều: Thứ nhất, việc gì ra việc ấy, không được chuyện nó xọ chuyện kia. Thứ hai, tranh luận để đi đến đồng thuận, tránh lần sau lại cãi về chuyện cũ.

3. Khen ngợi nhau

Vợ chồng nên biết cách dành tặng nhau những lời khen tặng. Lời khen càng cụ thể, nửa kia càng thấy vui và hạnh phúc.

4. Bỏ qua những chuyện vô bổ

Đôi khi vợ chồng không tránh khỏi mâu thuẫn. Những lời công kích, châm chọc, hay lải nhải, than vãn sẽ chỉ khiến cả hai thêm bực bội, khó chịu. Cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề một cách tích cực, hiệu quả để phá vỡ bế tắc mới là sự lựa chọn khôn ngoan.

5. Biết lắng nghe

Giữa hai vợ chồng không chỉ là sự chia sẻ về quan điểm và cảm nhận mỗi người, học cách lắng nghe cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Lắng nghe để thật sự đồng cảm, có như vậy mới hiểu được người bạn đời của mình.  

6. Dùng khẳng định thay vì phủ định

Ngữ khí phủ định sẽ “nhen nhóm” thái độ “chống đối” của nửa kia, còn ngữ khí khẳng định sẽ khiến đối phương cảm thấy “lọt tai” hơn rất nhiều. Khi bạn nói “Lâu lắm rồi vợ chồng mình không đi dạo cùng nhau”, sẽ khiến nửa kia cho rằng bạn đang cằn nhằn, than vãn. Nhưng nếu bạn nói: “Em/anh rất vui mỗi khi hai vợ chồng mình đi dạo cùng nhau” thì hẳn nửa kia cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc và sẵn sàng chiều theo ý bạn.

7. Thấu hiểu thái độ mỗi người về “chuyện ấy”

Đàn ông thường coi tình dục là biểu hiện của sự gần gũi thân thương, còn với phụ nữ, tình dục đứng sau tình cảm yêu thương giữa hai vợ chồng. Rất nhiều cuộc hôn nhân thất bại chỉ vì hai người không nhận thức được một mục đích chung mà cả hai bên cùng theo đuổi, đó là sự thân mật, gần gũi và tình cảm yêu thương.

Khi hai vợ chồng cùng tắm chung, kỳ lưng, mát xa cho nhau, hoặc cùng ăn một món ăn ngon, tình cảm sẽ thêm gắn bó, chuyện “yêu” vì thế cũng nồng nàn.

8. Dành thời gian cho nhau

Sau khi kết hôn và sinh con, nhiều gia đình thường coi “con cái là trung tâm”, cuộc sống vợ chồng vì thế phai nhạt dần.

Con cái tất nhiên quan trọng, nhưng vợ chồng cần có không gian riêng, thế giới của riêng hai người để hâm nóng tình cảm.

Hương Hương
Theo People

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

8 bệnh thích hợp khám Đông Y


(theo Dân trí) - Có bệnh phải chữa nhưng chữa bằng Đông Y hay Tây Y sẽ tốt hơn? Đối với từng loại bệnh, Đông y và Tây y có các ưu nhược điểm khác nhau, nếu bạn bị 8 bệnh sau đây thì nên đi khám Đông y sẽ có hiệu quả tốt hơn.

 
Bệnh không... tìm ra

Rất nhiều người tự cảm thấy cơ thể mệt mỏi, không thoải mái, hay xuất hiện các triệu chứng như: đau đầu chóng mặt, mất sức, mệt mỏi, tim đập nhanh, mồ hôi trộm, mất ngủ, táo bón, đi ngoài… nhưng sau khi xét nghiệm, chụp phim kiểm tra xong thì không phát hiện bệnh gì với các bộ phận trong cơ thể. Lúc này, khám đông y là thích hợp vì đây là dạng bệnh chức năng.

Bệnh viêm nhiễm

Các chứng cảm cúm, viêm gan vi-rút… thì dùng kháng sinh không những không có tác dụng mà còn gây hại. Lúc này, để thấy hiệu quả rõ rệt nhất là dùng phương pháp đông y.  

Bệnh phụ khoa

Đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, tử cung xuất huyết, tuyến sữa tăng sinh vv  . đông y dùng phương pháp điều trị khỏe tỳ bổ thận, điều hòa khí huyết, thông thường thuốc đều có thể giúp diệt trừ bệnh tận gốc.

Trẻ em mắc bệnh

Trẻ nhỏ thường không mô tả được bệnh tình, lúc này bác sỹ đông y dùng Phương pháp nhìn, ngửi, nghe và cùng với 1 số phương pháp hiện đại như siêu âm, chiếu chụp… có thể chuẩn đoán chính xác bệnh tật và cho đúng thuốc đúng bệnh.

Đối với các bệnh ở trẻ em như tiêu hóa không tốt, hen suyễn, đái dắt, chán ăn thì hiệu quả trị liệu của đông y là rõ rệt nhất.

Bệnh mãn tính và bệnh người già

Đông y chú trọng quan niệm hoàn chỉnh, đồng bộ, đối với chữa trị và phục hồi các bệnh về hệ thống tiêu hóa mãn tính, bệnh về hệ thống hô hấp và bệnh mạch vành, bệnh tiểu đường và bệnh người già đều có hiệu quả khá tốt.

Các chứng bệnh nan y

Đông y chữa trị khối u là nâng cao khả năng phòng chống bệnh và khả năng phục hồi cho cơ thể một cách đồng bộ, giảm bớt đau nhức do bệnh gây ra, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian sinh tồn, giảm bớt được tác dụng phụ của hóa trị, bức xạ, tăng cường hiệu quả trị liệu. Ngoài ra, đối với các bệnh khó chữa như liệt dương, rụng tóc, mặt tê liệt…khám đông y cũng sẽ đem lại hiệu quả “ không ngờ tới”.


Người bị bệnh dị ứng với thuốc Tây

Đối với những người bệnh hay bị dị ứng với thuốc Tây thì dùng thuốc Đông Y chữa trị có ưu thế rõ rệt.

Bệnh nặng vừa hồi phục

Sau khi bị bệnh nặng, người bệnh thường mệt mỏi, mất sức, biếng ăn, tiêu hóa không tốt, ra nhiều mồ hôi, cơ thể yếu….Lúc này, dùng thuốc đông y trị liệu có thể làm cho người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Dương Hằng
Theo health.sohu

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

'Tẩu hỏa' nuôi con nửa tây nửa ta

Cập nhật lúc 17/05/2011 01:17:00 PM (GMT+7) 

nguồn: vietnam.net
- Edward đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn 2 năm. Anh rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy các bà, các mẹ người Việt cứ cầm bát cơm chạy theo đứa trẻ để bắt con phải ăn cho bằng hết, thậm chí quát tháo để ép con ăn. Anh cho biết: ở nước Anh, chuyện này không bao giờ xảy ra.
Hình minh họa. Nguồn ảnh: socola

Giờ ăn hay giờ tra tấn

Edward kể về chuyện một người bạn của anh là chị Hà Thu (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sợ nhất là phải cho con ăn. Con chị mới được 2 tuổi. Mỗi khi cho cháu ăn, cả ông bà, bố mẹ cùng góp sức, vừa nhảy múa, vừa trêu cười và dụ dỗ những món đồ chơi.

Khi "nhảy xếch" và "làm xiếc" không ăn thua, chị phải áp dụng chiến thuật "ra điều kiện", nếu con ăn thì sẽ được cho đi chơi, được mua đồ chơi này nọ… Tất cả mọi nỗ lực khổ sở của bốn người lớn chỉ nhằm đút được một miếng cháo vào miệng của con.

Edward rất “bức xúc” với việc này. "Ăn là việc đứa trẻ phải làm với bản thân chúng. Sao các bà mẹ này phải “khổ sở” ép cho bằng được và đứa trẻ ăn như cực hình vậy" - Edward thắc mắc.

Anh cho biết: với các bà mẹ Tây, trẻ được học cách đưa thức ăn vào miệng từ khi mới biết ngồi. Khi ăn, trẻ ăn cùng bàn với người lớn, với một chiếc ghế riêng, để trẻ tập trung ngồi ăn. Ăn xong, trẻ lại chơi đùa thoải mái.
Lúc trẻ lớn hơn, khoảng 2-3 tuổi, đã ý thức được việc ăn và khi trẻ dừng lại không ăn nữa, cũng đồng nghĩa với việc con đã no, bữa ăn dừng lại, không ép thêm.

Cũng áp dụng theo "sách Tây", chị Chi (ở Ngọc Hà, Ba Đình) cảm thấy rất hài lòng với bé Minh Anh trước ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều bạn bè mình đang phải chạy đuổi theo xúc cho con từng thìa cơm.
Từ hơn 1 tuổi, chị Chi đã dạy con tập xúc ăn. Cứ thể, nhẫn nại từng bước, kể cả sau mỗi bữa ăn cả nhà như một bãi chiến trường, quần áo đầu tóc của con vấy thức ăn từ đầu đến chân chị cũng... mặc kệ. Thành quả là, khi cháu được tròn 2 tuổi cũng là lúc cháu có thể ngồi ăn được cùng cả nhà với cái ghế trước mặt.
Chị Chi chia sẻ, nếu cha mẹ không ép, dần dần trẻ sẽ ý thức được việc ăn là việc của chúng. Nếu cần thiết cứ để cho trẻ đói vài bữa vì ăn là nhu cầu để sinh tồn. Đến lúc thấy đói, trẻ tất yếu đòi ăn.

Cuộc chiến quanh thìa cháo
Cũng tìm hiểu và áp dụng cách thức nuôi con "kiểu Tây' nhưng anh chị Ngọc Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) lại chịu thua cô con gái “cứng đầu”.

Chị Ngọc cho biết: chị cũng cố gắng rèn cho con thói quen tự lập, không ép con ăn. Nhưng bé Thu Linh lại không hào hứng, bé sẵn sàng không ăn và nhịn cả ngày.

Đấu tranh với con không được, sợ con nhịn lâu hại sức khỏe, vậy là chưa quá một bữa, vợ chồng chị lại lăn xả vào để dỗ dành ép con ăn. Lên 4 tuổi, bé Thu Linh chỉ tăng được 1kg so với hồi 2 tuổi. Còn chị Ngọc "đau khổ" vì không làm sao dạy được con tự ăn.
Chị Thu Hòa (quận Hai Bà Trưng) rất tự hào với đồng nghiệp và họ hàng khi có cậu con trai kháu khỉnh, ăn uống dễ dàng, không phải "đánh vật" như những đứa trẻ lười ăn khác. Các bác sĩ đều cho biết chỉ số tăng cân và dinh dưỡng của con đều rất tốt.
 Nhưng, niềm vui của chị vụt tắt và lập tức rơi vào cảm giác stress khi bà nội xốc nách cháu trai 1 tuổi rưỡi, thở dài xót xa: "Cục cưng của bà lại sụt cân rồi, người cứ nhẹ bẫng. Mới có về ngoại một hôm chơi thôi mà đã ... Bà thương, bà thương..."

Không muốn ép con ăn thêm vì con có thể "sợ" bị nhồi, chị Hòa chỉ để con ăn đúng mức cháu muốn. Lập tức, "quyền cho ăn" thuộc về bà nội, vì bà sợ mẹ cháu không biết cách cho con ăn, để thằng bé "gầy hơn thằng Bi nhà hàng xóm". Tham vọng "san bằng cân nặng" của bà nội hoàn toàn "phá sản" khi cháu trai nôn ra hết 2 bát cháo mà bà nấu và bắt ăn.
Sinh con tại Đức, chị Thanh Thu cho biết: các bác sĩ cũng như cô giáo ở nhà trẻ rất sợ trẻ bị béo phì, nên hầu như không cho ăn nhiều thịt như vậy.
 Nhiều phụ huynh người Việt thấy... hoảng vì thực đơn của con toàn ... rau! Cô giáo giải thích rằng: Thực đơn này đã được tính toán rất kỹ lưỡng về mặt dinh dưỡng, đảm bảo cho trẻ khỏe, tiêu hao đủ năng lượng cho sinh hoạt và vui chơi, mà vẫn không bị thừa chất.
Thế nên, hễ cháu nào chỉ "bụ bẫm" hơn các bạn khác một chút, các cô sẽ xem lại thực đơn ăn riêng của cháu vì theo các cô, "không phải cứ ăn nhiều thịt, nhiều chất là tốt, vì nếu ăn quá nhu cầu của cơ thể thì cháu bé cũng không thể hấp thu hết được".
"Nghiêm", nhưng đừng "khắc"
Hiện nay, mặc dù tiếp cận nhiều nguồn kiến thức nuôi con kiểu Tây, các bà mẹ Việt vẫn đang chật vật với việc áp dụng cho "trẻ ta" vì hoàn cảnh và điều kiện có nhiều cách biệt. Tưởng chừng chuyện ăn uống của trẻ rất "vặt vãnh", nhưng lại là bước khởi đầu quan trọng để trẻ tự lập.
Bé Bông (quận Hai Bà Trưng) mới 2 tuổi, nhưng đã biết tự ăn, tự mặc quần áo, tự đi giày đi học, chỉ chơi đồ chơi của mình và luôn biết "xin phép". Mẹ của bé Bông khoe đấy là "chiến tích" nhờ học theo câu chuyện của một bà mẹ Mỹ "đại khai nhãn giới" cho mẹ chồng người Hoa, đăng trên báo dạo trước.
Nhưng đọc câu chuyện đó xong, bà nội của bé Bông chỉ phẩy tay và bảo "vớ vẩn, nhảm nhí" vì suốt 30 năm qua, bà là giáo viên mầm non đầy kinh nghiệm thực tế ở trường làng... Cách chăm và dạy con kiểu Tây có ưu việt hơn kiểu ta không thì chưa ai rõ, chỉ thấy bà nội của Bông suốt ngày cầm bát cháo hò hét đứa cháu ngoại 5 tuổi ăn mà không được. Từ việc đánh răng, đi giày, đi toilet, chơi đồ chơi, bà đều bị cháu "sai khiến" bằng chiêu "ăn vạ".
Các chuyên gia tâm lý cho rằng: các bố mẹ không nên chiều chuộng mà phải tập cho con thói quen nhận biết đâu là giờ ăn, đâu là giờ chơi, đâu là việc các con phải làm cho bản thân mình. Không nên biến mình thành nô lệ của đứa trẻ. Và càng không bao giờ sốt ruột làm hộ con khi thấy con chưa làm được.
Trong việc dạy con tự lập ăn uống, nhất thiết phải để cho trẻ hiểu đến giờ thì phải ăn, không ăn sẽ đói và phải chờ đến bữa sau mới cho trẻ ăn.
Cô Vũ Thị Diệu Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dream House cho rằng, các mẹ đừng mong "cứ bảo là con làm được", mà phải rất kiên nhẫn. Kiên trì làm một việc với trẻ cho đến khi con thành thạo việc đó như một thói quen. Tuyệt đối không nên bỏ dở giữa chừng.
Bé cũng giống như người lớn, muốn chinh phục những thử thách, muốn khám phá bản thân và rất tự hào nếu hoàn thành tốt.
Cô Lý khuyên, trong 10 việc đặt ra cho các con, các mẹ nên chọn ra 1 điều và phải làm thật nhuần nhuyễn việc đó, đồng thời khuyến khích khen con và quan trọng nhất là rèn cho trẻ hiểu điều đó trở thành ý thức hàng ngày. Các việc còn lại chỉ cần đặt ra yêu cầu để con hiểu mẹ thích và mong muốn cái gì ở con.
  • Thu Thủy

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Nguyên tác và phiên bản : Giai thoại bài My Way

Theo:Tạp chí Văn Hoá trang RFI  tiếng Việt
 Nghe

Giọng hát Vàng Frank Sinatra (DR)
 
Có những giai điệu quen thuộc đến nổi chỉ cần nghe những nốt nhạc dạo đầu trổi lên, người ta nhận ra ngay đó là bài hát nào. Về điểm này, nhạc phẩm My Way được liệt vào hàng kinh điển. Nổi tiếng ban đầu là một ca khúc tiếng Pháp, bài này sau đó đã đi vòng quanh trái đất khi được chuyển ngữ sang tiếng Anh, qua phần thể hiện của Giọng ca vàng Frank Sinatra.
Theo Hiệp hội các tác giả SACEM của Pháp, bài My Way hiện có khoảng 2500 phiên bản ghi âm bằng 40 thứ tiếng khác nhau, kể cả tiếng Việt. Ngoài các ngôn ngữ thông dụng như tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, bài hát còn đã được đặt lời Nhật, Hoa, Thái, Hindi, Ba Tư, Ả Rập, Hy Lạp. Theo sách kỷ lục Guinness, về số lượng phiên bản, nhạc phẩm My Way đứng hạng nhì trên toàn cầu chỉ kém hơn một chút so với bài Yesterday của nhóm Tứ Quái The Beatles. Sáng tác của Paul McCartney nắm giữ kỷ lục thế giới với hơn 3000 phiên bản khác nhau tính cho đến cuối thế kỷ 20.
Trong nguyên tác tiếng Pháp, nhạc phẩm này mang tựa đề Comme d'habitude (tạm dịch là Như thường ngày). Trái với nhiều người lầm tưởng, ca khúc này ban đầu không phải do danh ca Claude François sáng tác, mà là do tác giả Jacques Revaux soạn nhạc và đặt lời.
Jacques Revaux sau đó trở thành tác giả ‘‘chính thức’’ của danh ca Michel Sardou và cũng là người đã gầy dựng tên tuổi của Mike Brant. Theo lời kể của chính tác giả, ông viết bài này vào tháng 6 năm 1967 ban đầu cho Michel Sardou, nhưng do bị từ chối nên ông mới mời ca sĩ Hervé Vilard, nổi danh hai năm trước đó với nhạc phẩm Capri c’est fini, ghi âm ca khúc này. Đến khi thâu xong, thì bỗng nhiên bài hát lại đổi chủ. Số là Claude François vào lúc đó chuẩn bị cho ra mắt đĩa hát mới, nhưng trên đĩa nhựa vẫn còn thiếu một ca khúc, cho nên anh mới nhờ tác giả Revaux gửi bài hát cho anh.
Khi nhận được bài hát, Claude François cùng với một tác giả khác là Gilles Thibault mới sửa đổi điệp khúc, viết lại một số ca từ. Một khi được hoàn chỉnh, bài được đặt tựa là Comme d'habitude và qua đó nói lên cái thói quen thường ngày gây nhàm chán, đổ vỡ trong tình yêu đôi lứa. Thật ra, vào thời đó danh ca Claude François vừa chia tay với thần tượng nhạc trẻ France Gall, sau 4 năm chung sống. Gợi hứng từ câu chuyện đời tư, anh khóc thương cho số phận của chính mình khi tình yêu đánh mất.
Trong quyển hồi ký viết về Claude François, cô em gái (Josette) của nam ca sĩ người Pháp cho biết là ca sĩ người Mỹ Paul Anka đã khám phá ca khúc Comme d'habitude trong lúc anh đi nghỉ mát ở miền nam nước Pháp cùng với song thân. Khi nghe xong bài này, Paul Anka cấp tốc bay đến Paris để thương lượng về quyền phát hành bằng tiếng Anh. Paul Anka nhiều lần bắt đầu tìm cách chuyển dịch bản nhạc nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm ra được ca từ thật ưng ý. Mãi đến hơn một năm sau, nhân một buổi ăn tối với danh ca Frank Sinatra, Paul Anka mới nghe bậc đàn anh than thở là ông chán đời đến nổi ông chỉ muốn giải nghệ sân khấu.
Câu nói này của Frank Sinatra làm nẩy sinh trong tâm trí của Paul Anka câu hát đầu tiên của bài My Way theo đó đời người tựa như một tấn kịch, sắp đến giờ kết thúc buông màng. Từ Florida trở về New York, Paul Anka khi về đến nhà đã quá nửa khuya, nhưng lại không đi ngủ mà lại ngồi vào bàn đánh máy vì sợ rằng đến khi thức giấc thì lúc ấy anh sẽ không còn cao hứng.
Paul Anka bỏ hết tất cả những lời tiếng Anh từng sáng tác trước kia để viết lại từ đầu. Trong vòng 4 tiếng đồng hồ, từ 1 giờ đến 5 giờ sáng, tác giả tự đặt mình vào tư thế của một người đàn ông từng trải đến tuổi xế chiều, ông nhìn lại thân phận năm chìm bảy nổi trước bao sóng gió bấp bênh đời người. Lời ca tiếng Anh không ăn nhập gì với bài hát tiếng Pháp, vì một bên nói về tình yêu bất hạnh, còn bên kia lột tả những kinh nghiệm chua cay học hỏi từ cuộc đời. Người đàn ông ngậm ngùi xót xa nhưng không nuối tiếc. Cho dù cuộc đời có thăng trầm nổi trôi, nhưng khi phải đối đầu với tất cả những thách thức cuộc đời, ông vẫn tự định đoạt lấy để làm theo ý mình. Câu cuối của bản nhạc I did it My way chính là câu hát có ý nghĩa nhất.
Khi viết xong lời tiếng Anh, Paul Anka từ New York liền gọi cho Frank Sinatra, lúc đó đang có hợp đồng biểu diễn tại Las Vegas. Qua điện thoại, anh nói đùa rằng nếu ông thật tình muốn giải nghệ thì hãy chờ thâu bài My way xong rồi lúc ấy nghỉ hát vẫn chưa muộn. Danh ca Frank Sinatra ghi âm bài này vào ngày 30 tháng 12 năm 1968. Bản nhạc được phát hành vào đầu năm 1969. So với các ca khúc trước của ông là Strangers in the night và Fly me to the moon, bài My way không ăn khách bằng và thành công ở nước ngoài nhiều hơn là trene thị trường Hoa Kỳ. Riêng tại Anh, bản nhạc này lọt vào danh sách 40 bài hát bán chạy nhất trong vòng 75 tuần lễ liên tục, từ tháng tư năm 1969 cho đến tháng 9 năm 1971.
Trong quyển hồi ký của mình mang tựa đề I blew it My Way, Giọng ca vàng Frank Sinatra (The Voice) thú thật rằng chính ông cũng không ngờ rằng bản nhạc này lại thành công đến như vậy, tuy không bao giờ đứng đầu bản xếp hạng nhưng lại ăn sâu vào lòng người, tiềm tàng trong ý thức của công chúng. Các phiên bản sau đó của các danh ca lẫy lừng nhất từ Elvis Presley cho đến Tom Jones, từ Ray Charles cho đến Nina Simone giúp cho bài hát vượt thời gian để rồi trở thành bất tử (timeless).
Nhờ các phiên bản chuyển dịch, bản nhạc My Way / Comme d'habitude đi vòng quanh thế giới. A Mi manera trong tiếng Tây ban Nha, La Mia Strada trong tiếng Ý, Moy Put trong tiếng Nga, Esu Laimingas trong tiếng Lítva (Lithuania).
Còn trong tiếng Việt, bài được chuyển thành nhạc phẩm Dòng đời, có ít nhất là hai lời khác nhau của tác giả Nam Lộc, so với lời thứ nhất, lời thứ nhì gần sát hơn với nội dung của bài My Way. Nhìn chung, hầu hết các phóng tác tiếng nước ngoài chủ yếu dựa vào phiên bản tiếng Anh nhiều hơn là nguyên tác tiếng Pháp. Cũng nhờ vào các bản phóng tác mà Paul Anka cũng như nhóm sáng tác của Claude François thu về bạc triệu. Theo gia đình của danh ca quá cố, hơn 40 năm sau ngày ra đời, bản nhạc tiếp tục hái ra tiền nhờ vào tác quyền.
Theo luật bản quyền của Pháp, các thế hệ đời sau của Claude François được hưởng trong vòng 70 năm. Mãi đến năm 2037, bài hát này mới trở thành di sản chung tức là bất cứ ai ghi âm cũng được mà không cần phải trả tiền tác quyền.
Nhìn lại, về mặt ảnh hưởng văn hóa, bản My Way đã đi vào đời sống thường nhật từ lúc nào không hay. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người Âu Mỹ thường chọn bài này để phát trong các buổi tang lễ, một cách để tưởng nhớ người thân đã khuất. Trước khi ra đi, có ai mà không muốn nhìn lại một lần cuối những chặng đường đã qua, thanh toán sổ sách để không còn nợ với cõi đời. Từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây, nội dung bản nhạc phản ánh tâm trạng của một cá nhân, nhưng lại đạt được tầm mức phổ quát, vì bất cứ ai cũng có thể tự bắt gặp mình trong ca từ, cứ ngỡ nhìn người mà lại thấy ta.
Cái tài của nhóm sáng tác Claude François là đã đặt ra một giai điệu dễ nằm lòng, cái tài của Paul Anka là khi phóng tác, anh đã tự đặt mình trong lứa tuổi về già. Paul Anka viết bài này khi anh mới 27 tuổi, giả sử như anh soạn bài này từ góc nhìn của một thanh niên chưa ngoài 30, thì cho dù có chán đời cách mấy, chưa chắc gì bản nhạc sẽ sâu sắc cho bằng. Bản nhạc đi vào huyền thoại qua lối hát hớp hồn của Frank Sinatra. Ở tuổi 53, làn hơi không còn khỏe khoắn như thuở nào, nhưng càng về già ông càng hát với sự dày dặn từng trải, lối nén âm thiên phú, cách nhã chữ thần sầu. Cõi thế nhân, giọng ca Vàng càng thấm thía nỗi buồn, càng nhức nhối độ tuổi hoàng hôn. Trong vùng nước xoáy dòng đời, mấy ai được làm chủ số phận, mấy ai được cầm lái linh hồn.

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Duyên kỳ ngộ sau hàng ngàn bức ảnh độc


Cập nhật lúc 03/05/2011 12:09:24 PM (GMT+7)
- Kiến trúc sư Đoàn Bắc hiện lưu trữ có lẽ đến sáu-bẩy ngàn bức ảnh cổ về Hà Nội và Sài Gòn. Anh cũng đã nói qua do đâu anh có cái di sản văn hóa vô giá ấy, và tên tôi như một nguồn cung cấp cũng được báo chí nhắc tới.

Vậy tôi xin nói rõ thêm về nguồn gốc bộ sưu tập ảnh cổ mà tôi đã cung cấp cho Đoàn Bắc, coi như để tri ân những người bạn Pháp đã giúp đỡ tôi trong cái nghiệp khảo cứu tư nhân, không một “cắc” dự án nào, suốt hai chục năm qua. 
Cảng Sài Gòn năm 1866. Nguồn ảnh: ASEAMI - UNSA

Tháng 5/2007, tôi có cơ may được Đại học Provence ở thành phố Aix-en-Provence tại miền nam nước Pháp mời và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Hà Nội tài trợ sang dự Hội thảo quốc tế về phong trào Duy Tân nhân kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục. Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (Centre des Archives d’Otre-Mer, CAOM), đóng tại Aix-en-Provence, cũng là một đơn vị đồng tổ chức Hội thảo.

Trong bản tham luận Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn - một cội nguồn văn hóa-xã hội sâu xa của phong trào Duy tân-Đông kinh nghĩa thục, tôi có than phiền về việc chưa tiếp cận được các tài liệu của mật thám Pháp để soi rõ hơn những hoạt động yêu nước ở đền Ngọc Sơn. Bởi thế chăng, sau Hội thảo, GS Trịnh Văn Thảo của Đại học Provence mời tôi ở lại thêm 1 tuần, tạo điều kiện cho vào Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại, vốn thuộc Bộ Thuộc địa Pháp, ở Aix-en-Provence khai thác tài liệu. 
Nhà ở và cửa hàng gần bến cảng (1866).

Tôi được mang máy ảnh kỹ thuật số vào và thoải mái chụp mọi tài liệu trong 5 ngày mà mỗi ngày chỉ phải trả 01 euro, không có bất kỳ thủ tục xin-cho nào khác! Sang ngày thứ ba, thấy tôi mải miết sao chụp lia lịa, bà Giám đốc tự tay bưng cốc nước đến bên, nói: “Tôi không thấy ông nghỉ ăn trưa, lại còn không cả đi uống nước. Tôi chưa thấy ai làm việc như vậy”.

Tôi đáp: “Nhiều ảnh Hà Nội cổ đẹp quá. Tôi sợ không kịp sao chụp”. Bà lắc lắc mái đầu bạc: “Ồ! Chúng tôi có gần mười nghìn bức ảnh!” Khi tôi chuẩn bị ra sân bay về nước, cô Phương Ngọc, một học trò tiếng Nga năm xưa của tôi, lúc ấy đã là tiến sĩ Việt Nam học ở Đại học Provence, chuyển cho tôi món quà vô giá - một đĩa CD với năm nghìn bức ảnh cổ về Đông Dương và một số nước lân cận.
Công trường xây dựng phố Charner trên kênh trung tâm (1866).
 Nguồn ảnh: ASEAMI - UNSA

Xin tạm dịch một số thông tin quan trọng in trên bao bì của đĩa CD này:

Những gương mặt và phong cảnh châu Á xưa
Ngân hàng(quỹ) ảnh của ASEMI - UNSA
Ý tưởng và thể hiện: Jérôme Noureux (Giêrôm Nurơ)
Nhà xuất bản châu Á Thái Bình Dương
Đăng ký bản quyền 2003.


ASEMI viết tắt từ cụm từ Asie du Sud-Est et Monde Insulindien (Đông Nam Á và thế giới Án đảo); UNSA - Université de Nice Sophia Antipolis (Đại học Nisơ Sophia Ăngtipolis). Ngân hàng/quỹ dữ liệu sách báo, giấy tờ, tranh ảnh ASEMI trực thuộc Thư viện văn chương, nghệ thuật và khoa học xã hội của Đại học UNSA, khởi nguồn năm 1960 từ sáng kiến của 3 học giả lớn người Pháp chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á là hai nhà dân tộc học G.Condominas, L.Bernot và nhà ngôn ngữ học A.Haudricourt.

Ông G.Condominas năm 2007 có trở lại ngôi làng Sar Luk ở Đăc Lắc, nơi nửa thế kỷ trước ông từng “ba cùng” với người Mnông Gar, nhờ vậy mà ông có bộ sưu tập hiện vật và những công trình nghiên cứu sâu sắc về tộc người này để tổ chức những trưng bầy kỳ thú ở Paris và Hà Nội.

Đĩa CD Jêrôm Nurơ gồm 5000 bức ảnh của nhiều tác giả về cảnh và người bản xứ xưa, về phố xá, nhà cửa, đền chùa, sinh hoạt thường ngày v.v…; hơn một nửa chụp từ 1860 đến 1900, đến hai phần ba là ảnh về Việt Nam, số còn lại là về Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaxia…Jêrôm Nurơ tập hợp, xếp loại theo khu vực, năm chụp, tác giả…, tạo thuận lợi cho việc khai thác.
Tiệm cafe Rotonde (1901)

Đó chính là cái bộ sưu tập ảnh tôi đã tặng Đoàn Bắc - cũng một học trò tiếng Nga năm xưa của tôi, giờ đã trở thành một kiến trúc sư trẻ năng động. Tại sao lại là Bắc?

Là do cái duyên giáo nghiệp.

Cụ tổ Đoàn Huyên (1808 - 1882) của Bắc cũng từng giữ chức đốc học như cụ tổ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) của tôi. Con trai thứ của Cụ Huyên là Đoàn Triển (1854 - 1919), tuy làm quan hành chính đến chức Tổng đốc, Thượng thư bộ Binh, nhưng lại là một sĩ phu tâm huyết với sự nghiệp văn hóa - giáo dục.

Cụ Triển là một cử nhân Nho học sớm có tư tưởng canh tân giáo dục nhằm đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, vì nghèo mà hèn. Từ năm 1906, hơn một năm trước khi Đông Kinh nghĩa thục khai trương ở phố Hàng Đào, Tuần phủ Đoàn Triển đã có tờ trình lên chính quyền Pháp xin canh tân việc học, thay đổi phép thi, soạn lại sách giáo khoa để “khả dĩ khai dân trí”.

Không chỉ “trình” lên trên, rồi khoanh tay ngồi đợi: Cụ trực tiếp tham gia biên soạn giáo khoa “tân thư”, hơn thế nữa, ngay trong năm 1906 ấy, đã trích bổng lộc và ruộng riêng của mình ra lập trường hương học ở làng Hữu Thanh Oai quê hương cụ (nay huyện Thanh Trì - Hà Nội) để dạy chữ quốc ngữ.

Danh tính Đoàn Triển được khắc cùng với Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền trên tấm bia hiện vẫn gắn tường đền Ngọc Sơn, nói về việc họ đã tham gia xây dựng giảng đàn ở trong đền để giảng những bài “giáng bút” cổ vũ lòng yêu nước thương nòi, gìn giữ thuần phong mỹ tục. 
Vườn Bách Thảo Sài Gòn (1890)

Tôi quen biết gia đình Bắc từ lâu. Anh Đoàn Thịnh và cô Minh, bố mẹ của Bắc, là đồng nghiệp lâu năm của em gái Băng Tú tôi trong ngành giáo dục Hà Nội. Tú - thạc sĩ Hán Nôm - đã tham gia cùng gia tộc họ Đoàn nghiên cứu về dòng họ này và chính cô đã có những phát hiện về Đoàn Triển tôi viết ở trên. Tôi lại từng dạy cả hai chị em họ Đoàn, Hương Anh và Bắc.

Tuy nhiên, quyết định trao cho Đoàn Bắc cái đĩa CD với 5000 bức ảnh quý giá sau khi đã lưu giữ nó 3 năm, đến với tôi khá đột ngột, sau một sự kiện không rùm beng, “không đại”  trong Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là: trong khi người ta chỉ lo cho cái Lễ thật “đại”, thật “hoành tráng”, tiêu tiền tỷ, mà tạo ra một Hà Nội giả cổ, nham nhở, lòe loẹt và ngập rác, thì anh kiến trúc sư nghèo, cũng không một “cắc” từ các dự án “nghìn năm” bạc tỷ, chỉ với sự hỗ trợ của những người giầu tâm huyết nhưng cũng nghèo tiền như anh, tổ chức được một cuộc triển lãm với ngót hai nghìn tấm ảnh cổ, cho mọi người thấy diện mạo và hồn Hà Nội cổ đích thực!

Tôi tin rằng đã trao báu vật đúng chỗ và hai thầy trò tôi sẽ không phụ tấm lòng yêu mến đất nước và văn hóa Việt Nam của những người bạn Pháp chân chính.
  • Vũ Thế Khôi, Hà Nội, 01/05/2011

Thư gửi Bin Laden của nữ sinh Việt


Cập nhật lúc 03/05/2011 05:23:06 PM (GMT+7)
Bức thư đoạt giải năm 2008, Quế Chi nay đã là sinh viên đại học, còn người nhận đặc biệt của bức thư - trùm khủng bố Osama bin Laden – được truyền thông loan báo đã chấm dứt cuộc đời vào ngày hôm qua.
Bức thư gửi trùm khủng bố Osama bin Laden với cách lập luận khúc chiết, ngôn ngữ hiện đại, giàu ý tưởng, bức thư của Hồ Thị Quế Chi, học sinh lớp 10, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, đã đạt 15,77/20 điểm, vượt qua 2 triệu bài thi khác giành giải nhất toàn quốc. 
Chi tham dự kì thi viết thư UPU từ năm lớp 5. Ý tưởng viết thư cho bin Laden do một người bạn gợi ý. 
Chi nói với bạn, chọn đề tài này để gây sốc "vì ông ấy sẽ không bao giờ đọc được thư. Nhưng đây là một cuộc thi, tớ muốn thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc của mình, và việc lựa chọn nhân vật là bin Laden - trùm khủng bố, cũng chỉ là một phương tiện thể hiện ý tưởng". 

Quế Chi nhận giải thưởng do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng trao tặng

Trong thư, Chi sử dụng câu chuyện và những câu văn trong quyển “Hạt giống tâm hồn” - cuốn sách giúp em hiểu những triết lý trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng và có được suy nghĩ chín chắn, già dặn hơn. 
"Trong xã hội hiện đại, nhiều người quá chú trọng tới cuộc sống vật chất, tới sự hơn thua, thiệt hơn nên không giữ được mình. Mình muốn nói trong bức thư là cuộc sống vẫn là cuộc sống, cần phải có sự khoan dung bởi nó tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp và bền chặt" - Chi nói với một trang báo dành cho giới trẻ khi được giải. 
Bức thư đoạt giải năm 2008, Quế Chi nay đã là sinh viên đại học, còn người nhận đặc biệt của bức thư - trùm khủng bố Osama bin Laden – được truyền thông loan báo đã chấm dứt cuộc đời vào ngày hôm qua.

Dưới đây là nội dung bức thư gửi  bin Laden của Quế Chi:.

Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 2007
Gửi ông Osama bin Laden!

Tôi không chắc là ông sẽ đọc bức thư này, nhưng nếu những dòng chữ tôi đang viết hiện diện trong mắt ông thì tôi hy vọng ông sẽ kiên nhẫn để đọc hết nó. 
Hẳn ông sẽ cười nhạo khi biết rằng tôi - một nữ sinh trung học bình thường ở một đất nước nhỏ bé - lại dám cả gan viết thư cho một trùm khủng bố khét tiếng? Một trong những lý do khiến tôi cầm bút là muốn giúp ông tin thấy sự thanh thản và lối thoát cho riêng mình. Đừng vội khinh thường lời nói của một cô gái 15 tuổi, tôi có đủ đức tin để hy vọng ông sẽ phải thay đổi suy nghĩ. 
Đất nước của ông và đất nước của tôi ở cách nhau quá xa để chúng ta có thể quen biết nhau, mặc dù sự kiện 11-9-2001 đã đưa “tiếng tăm”’ của ông ra toàn thế giới. Có lẽ điều đó làm ông hãnh diện? Ông mâu thuẫn với Chính phủ Mỹ nhưng không có nghĩa là ông có quyền kéo bao người dân thường vô tội vào cuộc chơi bạo lực của mình. Ông có biết bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu doanh nhân giỏi, bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu người dân thường vô tội đã phải chết một cách oan uổng dưới chân tháp đôi kia không? Tôi đã nhận ra là trong cuộc sống, con người luôn luôn chọn lựa và đôi khi đó là chọn một thái độ. Vậy tại sao ông lại chọn sự tức giận và trả thù mà không phải là khoan dung? 
Trên ghế nhà trường, chúng tôi được giáo dục rằng: Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, thử thách, đôi khi có cả thất vọng và nỗi buồn. Hãy dũng cảm vượt qua để luôn là chính mình và đừng mất niềm tin, hy vọng, ước mơ. Ông lớn tuổi hơn tôi nhưng không biết ông có học được điều ấy không? Cuộc sống luôn công bằng. Trở ngại và bất hạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào chẳng hề báo trước, nhưng đổi lại, ta sẽ tìm thấy sự kì diệu và vẻ đẹp lớn lao của lòng dũng cảm, của tình yêu thương. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Hẳn ông biết tự đáy lòng mỗi con người đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt - đó là khát vọng sống. Tôi nghĩ ông cũng không nằm ngoài số đó. 
Ông muốn Chính phủ Mỹ trả giá nhưng không phải chỉ có họ mà biết bao sinh linh vô tội khác cũng phải lìa đời khi tòa tháp đôi đổ xuống. Đó là mục đích của ông sao? Có lẽ ông mừng vì điều đó làm cho Nhà Trắng phải lao đao, khốn đốn nhưng có chắc ông sẽ sung sướng khi nhìn thấy nỗi đau mất mát của biết bao gia đình? Ông đã chọn hận thù và bạo lực. Nếu những người dân thường vô tội kia họ cũng chọn cách làm như ông thì thế giới này sẽ ra sao? Giá như ông sáng suốt hơn để khoan dung thì có lẽ biết bao những giọt nước mắt oan ức sẽ không rơi xuống. Một trong những điều khó nhất và cũng quý nhất đối với con người là sự an ủi. 
Đã sáu năm trôi qua, ông nghĩ điều gì sẽ xoa dịu nỗi đau của những gia đình nạn nhân của vụ l l-9-2001? Tôi tin đó là sự khoan dung. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người có lương tâm trên thế giới này đều hiểu rằng cái gì đã mất là không thể lấy lại. Chúng tôi nuối tiếc, chúng tôi tổn thương nhưng không có nghĩa là chúng tôi cũng sẽ trả thù giống như ông. Chúng tôi sẵn sàng tha thứ nếu ông nhận ra sai lầm để thay đổi. Nhưng liệu ông có thể khoan dung cho chính mình không? Với tôi, phương thuốc chữa khỏi mọi bệnh tật, lỗi lầm, nỗi bận tâm, ưu phiền và tội lỗi của con người, tất cả đều nằm ở một từ “yêu”. Mà bản chất của yêu thương là sự khoan dung. Nó là sức mạnh tuyệt vời để sản sinh và tái tạo cuộc sống xã hội. Ông không tin ư? 
Tôi xin kể ông nghe câu chuyện xảy ra vào năm 1969 khi mà nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ chưa được cải thiện. Một cậu bé người Mỹ gốc Phi là học sinh da màu duy nhất trong một lớp học nọ. Cậu đã kết thân với một cô bé da trắng. Rồi họ chuyển đến ngồi cùng bàn. Vì lo lắng, mẹ của cô bé da trắng đã tới gặp cô giáo chủ nhiệm. Nhưng chứng kiến tình yêu thương của người mẹ da màu, bà mẹ ấy đã lưỡng lự. Cô ấy đã không nói ý định muốn xin chuyển chỗ ngồi cho con mình nhưng vẫn tìm cách ngăn cản tình bạn ấy của hai đứa trẻ. Và món quà sinh nhật giản dị của cậu bé gốc Phi tặng người bạn da trắng chính là sợi dây yêu thương xóa nhòa định kiến về tình cảm... 
Câu chuyện đã làm cho tôi vô cùng xúc động về tình cảm con người. Nếu ông cho rằng đây là chuyện trẻ con thì tôi nghĩ ông nên nghĩ lại. Hai đứa bé ấy khác ông ở chỗ chúng tôn trọng nhau và vượt qua rào cản của chế độ phân biệt chủng tộc để đến với nhau. Câu chuyện của hai đứa trẻ là bài họcvề sự khoan dung: Nhìn nhận, đánh giá con người không ác cảm, định kiến mà đầy lòng nhân ái, vị tha. “Tôi ước ao có một ngày những đứa con của tôi sẽ được sống trên một đất nước không có ai bị phán xét bởi màu da của mình mà chỉ có thể bị phán xét bởi chính tâm hồn của họ mà thôi!”. Chắc là ông hiểu câu nói đó? 
Sóng không thể tự sinh ra mà chúng được hình thành từ những cơn gió từ trên mặt đại dương. Con người cũng thế, không ai có thể tồn tại trên đời lẻ loi một mình cả. Ngược lại, chúng ta phải sống hòa đồng trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về mọi mặt. Đó là lý do mà thế giới cần tới sự khoan dung. Sự khoan dung cần thiết cho mọi mối quan hệ mà loài người trên thế giới này đã, đang và sẽ tiến hành. Điều quan trọng đối với mỗi con người không phải là những gì ta nhận được mà chính là những gì ta biết cho đi. Và tôi nghĩ ông vẫn còn sống đến giờ này đã là một khoan dung của Thượng Đế. Ông nên cảm ơn điều đó thay vì tiếp tục tức giận và khủng bố. Sao ông không nghĩ một cách cởi mở hơn rằng Trái Đất này còn sự sống, thế giới này còn chưa bi hủy diệt là chính nhờ sự khoan dung giữa con người với con người? 
Ông nổi tiếng thế giới cùng với ba từ “trùm khủng bố”, xin hỏi có gì đáng tự hào? Elaine Maxwell đã nói “Tôi là sức mạnh, tôi có thể phá sạch mọi cản trở trước tôi, nếu không tôi sẽ mắc vào lưới. Chọn lựa của tôi, trách nhiệm của tôi, chiến thắng hay thất bại, chỉ có tôi giữ chìa khóa số mệnh của tôi”. 
Tôi đã học được rằng thất bại không có nghĩa là gục ngã, mà chỉ là tạm dừng chân một chỗ trên con đường tiến lên phía trước. 
Người ta không thể một mình làm được tất cả mọi thứ. Nhưng người ta có thể làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống này. Tôi hy vọng ông sẽ làm được một điều gì đó có ích cho xã hội này, nếu ông gỡ bỏ được hận thù, nếu ông đánh thức sự khoan dung ẩn sâu trong lòng. 
Tôi hy vọng dù điều đó thật mong manh! 
Chào ông!

Hồ Thị Quế Chi (Việt Nam)