Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

GS Trần Văn Khê: 'Tiếc vì nhiều bà mẹ không biết hát ru'


Nguồn:http://vnexpress.net

"Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn", theo giáo sư Trần Văn Khê, lời ru của mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Tuy nhiên ông tiếc là ngày nay nhiều bà mẹ trẻ không còn hát ru con.

 


Giáo sư Trần Văn Khê nói về ảnh hướng tích cực của tiếng ru đến sự trưởng thành trẻ nhỏ. Ảnh: T.T.
Nhiều công trình nghiên cứu tâm lý cho thấy lời hát ru du dương của mẹ không những giúp trẻ con ngủ ngon hơn mà còn làm tình mẫu tử trở nên khắng khít. Đối với nhiều người, ký ức tuổi thơ đẹp thường gắn liền với những bài hát mẹ ru thuở nhỏ, trong đó có hình ảnh cánh diều quê hương, chùm khế ngọt, cánh cò bay lả bay la, chiếc cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh...
Ngày nay vì nhiều lý do khác nhau, do quá bận rộn công việc hoặc vì không biết cách ru con mà nhiều bà mẹ trẻ Việt Nam không còn chú trọng việc hát ru con ngủ. Trong khi đó một số người lại nghĩ chỉ cần "ép" cho trẻ nghe thật nhiều loại nhạc thì đứa bé lớn lên sẽ thông minh, lanh lợi.
Giáo sư Khê cho rằng như thế vẫn chưa đủ: "Trẻ sinh ra và lớn lên không chỉ cần sữa mẹ mà còn cần vòng tay vỗ về, mùi mồ hôi và tiếng ru của mẹ, bên cạnh đó là sự chăm sóc, nâng niu ân cần của người cha...".
Trăn trở "làm sao để tiếng ru không tắt trên môi các bà mẹ trẻ Việt Nam", Giáo sư Trần Văn Khê sẽ trò chuyện với các bậc cha mẹ tại TP HCM vào ngày 4/3 về những liệu pháp âm nhạc tác động lời ru đối với quá trình trưởng thành của một đứa trẻ.
"Trong thời kỳ mang thai, nếu đứa trẻ được thai giáo bằng âm nhạc đúng cách sẽ có tác động tích cực rõ ràng đến sự hình thành tính cách của các em khi lớn lên", Giáo sư Khê nhắn nhủ.
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, chủ biên sách “Thai giáo - phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ", nhân dịp này cũng hướng dẫn phụ huynh thực hành những phương pháp thai giáo giúp con trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Đăng ký tham gia miễn phí tại địa chỉ mail hoiquancacbamehcm@gmail.com. Chương trình do Hội quán các bà mẹ TP HCM tổ chức sáng 4/3 tại số 32 Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh.

Thi Trân

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Mẹ Việt ở Úc kể chuyện nuôi con


Cập nhật 27/02/2012 01:53:28 PM (GMT+7)


Từ nước Úc xinh đẹp, độc giả Christy Nguyễn gửi tới VietNamNet bài viết chia sẻ hành trình chăm sóc con mà bạn đã trải qua với ảnh hưởng của người Úc về cách chăm sóc trẻ sơ sinh.

THÔNG TIN LIÊN QUAN


Tôi may mắn được sống ở thành phố Perth hiền hòa, xanh sạch của ước Úc. Khi mang thai cháu bé đầu lòng, tôi rất lo ngại về việc sẽ sinh con và nuôi dạy con như thế nào cho tốt nhất, kết hợp được ưu điểm của cả hai nền văn hóa Đông Tây.

Tôi đọc rất nhiều sách báo viết về cách nuôi dạy con ở bên Úc, nhưng đúng là trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thực hành.

Chăm sóc con khoa học kiểu Úc khiến cho người mẹ đỡ vất vả rất nhiều. Nguồn ảnh: Flickriver.com

Con khóc, mặc kệ hay dỗ dành ngay?

Ngày đầu sinh con ở bênh viện, tôi bị các bác sĩ giữ lại 4 ngày để phục hồi sức khỏe sau khi sinh. Buổi tối đầu tiên khi cháu bé chào đời, tôi nằm trong phòng nhỏ có 4 giường, 3 người sản phụ khác cùng phòng với tôi đều là người Úc da trắng.

Buổi tối, họ không cho người thân vào bệnh viện giúp sản phụ trông con, mà người mẹ phải tự làm tất cả mọi thứ, kể cả sản phụ sinh mổ.

Điều đó thật là kinh khủng đối với tôi vì ở Việt Nam sau khi sinh, người mẹ chỉ phải cho con bú, công việc còn lại được bố, mẹ ông bà hay người thân giúp đỡ.

Ngay đêm đầu tiên, tôi đã thấy được sự khác biệt đáng kể trong cách nuôi con từ khi lọt lòng giữa hai nền văn hóa Việt Úc. Tôi thấy 3 đứa trẻ sinh cùng ngày với cháu nhà tôi của 3 bà mẹ Úc nằm chung phòng khóc rất nhiều, thậm chí có cháu khóc suốt đêm trong khi cháu bé nhà tôi cứ ngủ im thin thít.

Khi nào cháu khóc là tôi bật dậy cho cháu bú, thay tã, ru cháu ngủ ngay mặc dù tôi sinh mổ đau đớn kinh khủng nhưng vẫn cắn răng chịu đựng đáp ứng ngay nhu cầu của con.

Trong khi đó, tôi ngạc nhiên khi thấy 3 bà mẹ Úc cứ để đứa con sơ sinh của mình khóc một lúc rồi mới dậy chăm sóc, thậm chí bà mẹ đối diện với giường của tôi còn cho con khóc suốt 1-2 tiếng đồng hồ rồi mới bình tĩnh ngồi dậy cho con bú.

Khi gặp cô y tá người Úc gốc Anh, cô ấy có nói với tôi là bạn không nhất thiết phải lo lắng khi bé khóc, trẻ khóc là chuyện bình thường. Hãy cứ bình tĩnh khi trẻ khóc, và đừng vội vàng đáp ứng ngay nhu cầu của cháu khi cháu khóc.

Có cần mặc ấm cho trẻ sơ sinh?

Sau khi dời bệnh viện, khoảng 1 tuần sau thì có một bà y tá đến tận nhà tôi để kiểm tra sức khỏe của cháu bé, đồng thời tư vấn cho tôi cách cho con bú và nuôi dạy con.

Khi đến nhà, bà y tá lên tầng 2, thấy mẹ tôi đang ôm cháu, người cháu được quấn chặt chăn, chân tay đi găng và chỉ bật quạt nhẹ khi nhiệt độ ngoài trời khoảng 37-38 độ C.

Bà y tá nhìn thấy thế hốt hoảng bế lấy bé từ tay mẹ tôi, bà cởi hết quần áo của thằng bé ra, và nói là thời tiết như thế này chỉ cần quấn tã là được, không cần mặc quần áo, nếu có mặc thì nên mặc một cái áo rất mỏng.

Tôi và mẹ tôi vừa sốc, vừa ngạc nhiên, vừa sợ bà y tá làm như thế là cháu bé sẽ bị lạnh vì lúc đó cháu mới được 10 ngày tuổi. Bà y tá nói rằng thân nhiệt của trẻ sơ sinh khác với người lớn, trẻ có thể thích nghi ở nhiệt độ phòng từ 16-21 độ C, thế nên nếu để trẻ sơ sinh quá ấm, hoặc nóng quá sẽ dẫn đến hiện tượng SIDS (Sudden Infant Death Syndrome) hay chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Bà y tá dặn tuyệt đối không nên cho trẻ sơ sinh đội mũ, kể cả trời lạnh, vì thực ra đội mũ cho trẻ là dẫn đến nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh nhiều nhất.

Khi đặt trẻ ngủ trong cũi, nên đặt trẻ thấp xuống phía cuối giường, xung quanh phải thoáng, không được có đồ chơi hay bất kể vật gì, phía trên đầu trẻ nhỏ phải hoàn toàn thoáng, không có vật cản như mũ, chăn hay đồ chơi. Làm như vậy sẽ hạn chế rất nhiều chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Mẹ tôi nghe xong thì hoảng hốt vì bà có thói quen cho cháu đội mũ, quấn chăn rất ấm, đi găng tay và chân khi cháu ngủ theo cách chăm con của người xưa.

Trẻ cần ăn đủ, không thừa, không thiếu

Sau khi cởi phăng quần áo của cháu bé nhà tôi, bà y tá cân cháu để kiểm tra sức khỏe, sau đó bảo tôi cho cháu bú sữa bình cho bà xem. Khi cháu bé uống được khoảng 20ml sữa thì cháu ngưng không uống nữa, mắt lim dim ngủ, tôi định đặt cho cháu ngủ thì bà y tá lại xông ra bế lấy cháu và nói là cháu phải bú thêm khoảng 10ml nữa mới đủ.

Tôi nói là cháu bé đã ngủ rồi nên không ép nữa, nhưng bà y tá nói là tùy lúc có nên ép hay không. Khi trẻ sơ sinh còn nhỏ, phải uống đủ lượng sữa thì mới có đủ chất để phát triển đầy đủ.

Thật tài tình, bà y tá xoay xoay cái bình, rồi nói vài câu tiếng Anh với cháu, thế là cháu nhà tôi tỉnh dậy uống hết sạch 10ml. Tôi hăng hái thấy thế chạy vội đi pha thêm khoảng 10ml sữa nữa để cháu uống thêm thì bị bà y tá gạt đi, nói là chỉ để cho trẻ sơ sinh uống đủ, không thừa không thiếu.

Nếu thừa thì trẻ sẽ đi tiểu nhiều, ỉa nhiều vì cơ thể còn quá nhỏ không thể hấp thụ được nhiều sữa hơn mức cần thiết. Ngay sau khi bà y tá ra về, tôi và mẹ cố gắng thực hành cách chăm con theo cách “Tây” của bà y tá.

Và quả thực là cháu thích nghi rất nhanh, cháu ăn rất đúng giờ và đủ lượng, có thể nằm điều hòa suốt đêm, nằm dưới quạt cởi trần chỉ mặc tã mà không thấy kêu khóc gì, hôm trước trời trở gió nằm điều hòa cùng con, tôi bị ho và khản giọng, trong khi cháu “trộm vía” không hề bị sao, miệng vẫn cười toe toét.

Cháu được bố mẹ đưa ra ngoài đi chơi công viên, nằm trên cỏ tắm nắng từ lúc 2 tháng tuổi và cháu tỏ ra rất thích. Điều đó chứng tỏ rằng khi nuôi và chăm con một cách khoa học, người mẹ sẽ yên tâm hơn và đặc biệt là nhàn hơn rất nhiều.

Làm sao không phải ru con ngủ?

Tôi đã tạm yên lòng về cách cho con uống sữa hợp lý với sự hướng dẫn của bà y tá, rồi bắt đầu loay hoay với một bài toán khó khác, đó là làm sao cho con ngủ đủ, ngủ say và không vất vả ru con ngủ.

Khi gặp một số người bạn Tây của tôi bên Úc, tôi thấy con cái của họ ngủ rất ngoan và hầu như là tự ngủ, bố mẹ không phải ru hay bế ẵm gì nhiều, trong khi cháu bé nhà tôi lúc nào cũng phải ru ngủ ít nhất là nửa tiếng mới ngủ, có hôm vài tiếng mà vẫn còn kêu khóc không chịu ngủ.

Tôi nhìn mà khao khát con của mình cũng giống như thế và quyết định thực hành theo kiểu của các bà mẹ Úc. Khi cho con bú xong, cháu lim dim ngủ (chứ không phải là ngủ say) thì tôi đặt ngay vào giỏ (basinet) của cháu và đung đưa.

Lúc đầu, tôi khá vất vả vì cháu không quen, được nằm êm trên tay mẹ quen rồi, nên bị đặt vào giỏ ngay lúc vừa ăn xong thì cháu khóc dữ dội. Nhưng tôi mặc kệ, vẫn kiên trì đung đưa cái giỏ cháu nằm, đứng về phía sau để cháu không nhìn thấy mặt của mẹ. Sau vài lần kiên trì, bây giờ con tôi  hầu như là tự ngủ, có lúc đang nằm chơi buồn ngủ thì tự lăn ra ngủ.

Mẹ tôi sang Úc giúp tôi trông cháu, lúc đầu thì mắng tôi là quá hà khắc với trẻ sơ sinh, nhưng rồi bà dần dần nhận ra hiệu quả của việc chăm sóc con một cách khoa học.
·       Christy Nguyen (viết từ nước Úc)

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

5 thực phẩm giảm mỡ máu hiệu quả


(Dân trí) - Mỡ máu là một chứng bệnh đáng sợ bởi nó hoàn toàn không có biểu hiện nhưng lại gây ra những biến chứng tim mạch khủng khiếp. Tuy nhiên, việc phòng trừ nó lại rất đơn giản.
Giá đỗ xanh: giúp đẩy cholesterol ra ngoài



Đỗ xanh vốn dĩ là một thực phẩm giảm cholesterol rất tốt, giá trong quá trình lên mầm, vitamin C có thể cao gấp 6,7 lần so với hàm lượng vốn có trong đỗ xanh.  Đại lượng vitamin C có thể thúc đẩy cholesterol bài tiết, ngăn chặn cholesterol tích tụ trong thành động mạch.

Chất xơ trong giá đỗ xanh có thể giúp thanh trừ các chất cặn bã trong cơ thể, còn có thể kết hợp với cholesterol trong cơ thể đồng thời chuyển hóa cholesterol đó thành axit cholic bài trừ ra ngoài cơ thể, từ đó giảm thấp mức cholesterol.

Giá đỗ xanh vị ngọt mát, giàu lượng nước, còn có thể giảm ngấy, là món ăn không thể thiếu trong việc giảm béo, điều tiết chất mỡ.

Táo: hấp thụ cholesterol dư thừa


Táo là “quả giảm mỡ” mà chúng ta ít ngờ đến, tác dụng giảm mỡ của táo bắt nguồn từ chất pectin phong phú trong táo, đây là một loại chất xơ tan trong nước, có thể kết hợp với acid mật, giống như bọt biển hấp thụ cholesterol dư thừa và giúp tẩy trừ nó ra khỏi cơ thể.

Chất pectin còn có thể kết hợp với các chất khác như vitamin C, đường để giảm thấp cholesterol, từ đó tăng cường hiệu quả giảm mỡ máu cho cơ thể.

Ngoài ra, táo phân giải ra axit acetic cũng có lợi cho quá trình trao đổi phân giải của cholesterol và chất béo trung tính.

Cá hồi: giảm Triglycerides (chất béo trung tính)


Trong cá hồi hàm chứa phong phú axít béo không bão hòa, có thể giảm thấp mức triglycerides trong máu, đồng thời co thể tăng cường tính đàn hồi cho huyết quản. Trong các loại cá nước ngọt, cá chép cũng là loại thực phẩm được giời thiệu để giảm mỡ máu.

Cá chép mặc dù có hàm lượng mỡ khá cao, nhưng đa phần là axit béo không bão hóa, có thể giúp bài trừ “rác rưởi” ở trong huyết quản, giảm thấp cholesterol.

Thịt gà bỏ da: có thể giảm bớt đa phần chất béo

 
So sánh với thịt đỏ như lợn, bò, dê thì thịt gia cầm (thịt trắng) hàm chứa khá nhiều acid béo không bão hòa, càng thích hợp hơn với nhưng người có mức mỡ máu dị thường.

Tuy nhiên, khi ăn thịt gia cầm nhất định phải bỏ da, trong đó thịt gà là nguồn protein tốt nhất, sau khi bỏ da thì có thể bỏ đi đại đa phần lượng mỡ, là loại thịt được lựa chọn đầu tiên trong các loại gia cầm.

Thịt vịt, ngan mặc dù có thể bỏ da, tuy nhiên vẫn chưa khá nhiều hàm lượng chất mỡ, nên ăn ít.

Lạc: Sterol thực vật đánh bại cholesterol

 
Trong lạc hàm chứa phong phú sterol thực vật, đây là một loại hợp chất stero tồn tại phổ biến ở trong các loại thực phẩm có vỏ cứng như quả óc chó, vừng, hạnh nhân… có thể “cạnh tranh” với cholesterol, từ đó khống chể cơ thể hấp thụ cholesterol, giảm thấp mức cholesterol trong máu.

Ngoài ra, trong lạc còn giàu axit béo không bão hòa và các thành phần dinh dưỡng khác như choline, lecithin, có thể làm cho cholesterol của cơ thể phân giải thành chất khác bài tiết ra ngoài.

Dương Hằng
Theo xinhuanet

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Vì sao trẻ em Nhật giỏi như vậy?


Cập nhật 23/02/2012 06:34:00 AM (GMT+7)


(Theo: VietNamNet) - Tận mắt chứng kiến về giáo dục mầm non Nhật Bản, tôi không khó hiểu lắm khi thấy đất nước mặt trời mọc này lại đầy những con người phi thường, dù trong chiến tranh, trong phát triển kinh tế, hay cả trong những thảm họa thiên tai khủng khiếp như động đất, sóng thần, họ vẫn thể hiện một tinh thần vô cùng Nhật Bản.

Bằng cách nào mà họ lại có thể dạy trẻ em làm được những điều tuyệt vời đến như vậy? Để làm sáng tỏ vấn đề này, tôi đã có những buổi thảo luận và trao đổi trực tiếp với cô hiệu trưởng cùng các cô giáo trong trường.

Nếu bé tự mày mò và phát hiện ra rằng màu xanh da trời trộn với màu vàng sẽ thành màu xanh lá cây, bé sẽ nhớ rất lâu.

Chơi để học và học qua chơi

Cô giáo chủ nhiệm lớp Usagi-gumi giải thích với tôi, quan điểm cơ bản của giáo dục Nhật Bản là: “Tạo điều kiện tối đa để trẻ tự trải nghiệm và khám phá”. Cách tiếp nhận kiến thức của trẻ không giống như người lớn.

Người trưởng thành có học bằng cách đọc sách, hoặc nghe người khác giảng giải lại là có thể hiểu và nắm vững vấn đề, còn trẻ em thì không học như vậy. Trẻ không khám phá thế giới bằng sách vở, mà bằng chính những điều các em trải qua.

Trẻ có thể học thuộc lòng “hạt nẩy mầm thành chồi, chồi lớn thành cây, cây ra nụ, nụ nở thành hoa...”, nhưng chỉ là học thuộc lòng thôi, chứ không phải thật sự hiểu.

“Nếu bé tự mày mò và phát hiện ra rằng màu xanh da trời trộn với màu vàng sẽ thành màu xanh lá cây, bé sẽ nhớ rất lâu” – cô chia sẻ.

Vì vậy, các cô luôn cố gắng nói ít nhất có thể, và tạo điều kiện cho các bé tự trải nghiệm. Một đứa trẻ tự mình khám phá ra rằng gõ 2 thanh kim loại vào nhau sẽ phát ra tiếng động, dù đó là điều ai cũng biết cả rồi nhưng với trẻ thì sự kiện đó cũng giống hệt như Edison phát minh ra bóng đèn vậy. Trẻ sẽ học được rất nhiều từ đó.

Bé thu hoạch khoai.

5 mục tiêu của trường mầm mon

Theo cô hiệu trưởng, một trong những điều rất quan trọng một trường mầm non cần làm được, đó là tạo ra một môi trường đủ phong phú cho trẻ trải nghiệm, từ cỏ cây, hoa lá, bãi cát, sân chơi, các trò chơi dân gian, đồ thủ công, màu vẽ... Những hoạt động vui chơi hàng ngày, cũng chính là những lớp học về thế giới bên ngoài dành cho trẻ.

Môi trường mà các trường mầm non Nhật Bản tạo ra không chỉ là “môi trường” về cơ sở vật chất, mà còn là môi trường tương tác giữa trẻ em với trẻ em, và giữa trẻ em với các cô giáo.

Các bé được khuyến khích chơi cùng nhau, khi thấy có bé nào chơi một mình thì các cô giáo sẽ ra hỏi chuyện và tìm cách giúp bé hòa nhập vào một nhóm nào đó.

Khi giữa các bé có xích mích – chuyện không thể tránh khỏi khi trẻ em chơi với nhau, đây cũng là lúc các cô giáo sẽ ra tay, nhưng không phải làm trọng tài phân xử “đúng-sai”, không có ai đúng, không có ai sai, cả hai phía đều phải nhìn lại xem mình đã có lỗi gì và xin lỗi bạn, sau đó ra dấu làm hòa.
 
Mới ít phút trước còn giận dỗi nhau là thế, vậy mà chỉ ít phút sau các bé đã nắm tay nhau, cười thật tươi và tiếp tục cùng nhau khám phá thế giới.

Không chỉ có vậy, nhà trường còn tổ chức rất nhiều các hoạt động tập thể, để các bé có cơ hội chơi đùa với nhau, hoặc cùng nhau nỗ lực, cố gắng vượt qua một thử thách trong trò chơi. Một tuần trung bình có từ 2-3 hoạt động như vậy.
 
Tôi nhận ra rằng, trẻ em Nhật Bản được học cách ứng xử, đối nhân xử thế ngay từ khi các bé học trong trường mẫu giáo. Những chuẩn mực ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa của dân tộc được các cô giáo khéo léo truyền cho trẻ từng chút một thông qua các hoạt động hàng ngày.
 
Các trường mầm non Nhật Bản luôn cố gắng tạo cho trẻ môi trường tốt nhất để đạt được 5 mục tiêu chính sau: Trẻ có tâm hồn phong phú; trẻ khỏe mạnh; trẻ hòa nhập và có nhiều bạn thân; trẻ chịu khó suy nghĩ; trẻ luôn cố gắng và nỗ lực.
 
Hãy để bé tự làm

Khi tôi kể rằng trẻ em Việt Nam dù học cấp I rồi nhưng vẫn còn nhiều bé được bố mẹ hoặc cô giáo xúc cho ăn, mặc quần áo hộ, lần này đến lượt cô hiệu trưởng tròn mắt ngạc nhiên.
 
Cô hiệu trưởng giải thích rằng, trẻ em khi mới bắt đầu tập làm một việc gì đó thì không thể làm tốt ngay được, không chỉ trẻ em Việt Nam mà trẻ em Nhật Bản cũng như vậy. Như việc mặc áo, lúc đầu các bé mặc rất chậm, xỏ nhầm tay, cài nhầm khuy suốt, nhưng rồi cứ làm nhiều thì các bé dần biết cách làm, làm nhanh hơn và chính xác hơn.

Hoặc đôi khi các bé đánh đổ những hạt đỗ, hạt vừng (dùng để chơi) vương vãi khắp lớp học, để dọn những thứ này đòi hỏi phải có sự khéo léo trong việc sử dụng chổi, nên bình thường dù các bé có quét đi quét lại vài lần cũng không sạch được. Và bao giờ sau khi các bé ra về hết, các cô giáo cũng phải dọn dẹp và sắp xếp lại lớp học một lần nữa.
 
“Nhưng chúng tôi vẫn cho các bé làm, làm không phải để dọn sạch lớp, làm là để rèn thói quen sạch sẽ, rèn tính cách tự giác cho trẻ.” – cô hiệu trưởng chia sẻ.

Một lớp học mẫu giáo công lập của Nhật Bản có thể lên tới 30 trẻ, nhưng chỉ có duy nhất một cô giáo. Nhưng tôi chưa từng thấy các cô giáo phải gào lên hay gồng mình để quản các bé, bởi vì các bé rất tự giác.

Bé mầm non học nấu ăn.

Bố mẹ đóng vai trò rất lớn
 
Trẻ em ở Nhật Bản chỉ đến trường từ 9h sáng đến 2h chiều, 5 buổi 1 tuần, tức là chỉ khoảng 25h/tuần, thời gian các bé ở bên gia đình nhiều hơn thời gian bé ở trường tới 7 lần. Chính vì vậy, bố mẹ đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển và định hình tính cách của trẻ.

 “Ở trường chúng tôi có thể dạy trẻ cố gắng tự lập, giữ gìn vệ sinh, chấp hành luật giao thông... nhưng khi về nhà nếu bố mẹ lại làm ngược lại thì tất cả những điều trên sẽ trở thành vô nghĩa.” – Cô hiệu trưởng nói.

Dù các cô giáo có nỗ lực đến mấy để dạy trẻ đi đúng luật giao thông, nhưng khi đưa trẻ đi chơi bố mẹ lại vượt đèn đỏ thì trẻ cũng sẽ không chấp hành luật giao thông. Hoặc trong việc dạy trẻ tự lập, ở lớp các cô giáo cố gắng rèn thói quen cho trẻ biết dọn dẹp khi thấy bừa bãi, nhưng về nhà bố mẹ lại làm hộ thì trẻ cũng không hình thành được ý thức tự giác.

Để việc nuôi dạy trẻ đạt hiệu quả tốt hơn từ phía gia đình, các cô giáo thường xuyên có các buổi trao đổi và chia sẻ với phụ huynh về cách nuôi dạy con.
 
Các ông bố bà mẹ người Nhật cũng rất “nghe lời” cô giáo: “Về kinh tế hay kế toán thì tôi rất tự tin, nhưng về việc nuôi dạy trẻ thì tôi lại chẳng biết gì, nên tôi luôn cố gắng làm theo hướng dẫn của các cô giáo – những người có chuyên môn về việc này” - một người mẹ cho biết.

·       Bài và ảnh: Quách Đức Anh (Tokyo, Nhật Bản) 

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Nước trà đặc tốt hơn nước súc miệng



(Dân trí) - Nước súc miệng có thể thanh trừ vi khuẩn trong vòm miệng, làm hơi thở thơm mát. Tuy nhiên một nghiên cứu mới nhất của Nhật phát hiện, nước trà đặc có hiệu quả tốt hơn cả nước súc miệng.
Trong thời kỳ “đèn đỏ”, nếu lúc này ăn nhiều đồ lạnh, sức đề kháng sẽ giảm thấp rất nhiều, sẽ xuất hiện các triệu chứng như môi miệng sưng đỏ, lợi sưng phù, và rồi viêm lợi sẽ bỗng dưng tìm đến. Những bí quyết sau sẽ giúp chúng ta bảo vệ răng, lợi:

Bổ sung can-xi quan trọng hơn ăn ít đồ ngọt

Răng rắn chắc thì có ít nhất trên 90% là can-xi, như thế mới có thể bảo vệ cho răng không bị sâu đục. Hiệp hội y học vòm miệng của Mỹ có khẩu hiệu là: bổ sung can-xi cho răng càng quan trọng hơn là hạn chế ăn đồ ngọt. Các chế phẩm từ sữa là loại thực phẩm chứa can-xi nhiều nhất, uống sữa vào buổi tối vừa giúp bổ sung can-xi vừa tốt cho tiêu hóa.

Sau bữa cơm nghỉ một lúc mới đánh răng

Sau bữa cơm lập tức đi đánh răng đích thực có thể kịp thời tẩy sạch cặn bã và thức ăn còn ưu lại trên răng. Tuy nhiên, các nha sĩ Úc cho biết, sau bữa cơm lập tức đánh răng sẽ làm cho chứng nhảy cảm của răng tăng lên 15%. Bởi vì bề mặt của răng có một lớp men bảo vệ, vừa mới ăn xong, đặc biệt là vừa mới ăn xong thực phẩm mang tính axit như hoa quả, thực phẩm từ sữa thì chất men trên răng sẽ mềm đi, lúc này đánh răng sẽ làm cho chất men đó dần dần mỏng đi, tạo điều kiện cho sâu răng phát triển.

Nước trà đặc “thắng” nước súc miệng 



Nước súc miệng có thể thanh trừ vi khuẩn trong vòm miệng, làm hơi thở thơm mát. Tuy nhiên một nghiên cứu mới nhất của Nhật phát hiện, nước trà đặc có hiệu quả tốt hơn cả nước súc miệng.  Catechol trong trà có thể ngăn ngừa sâu răng, các ion florua cũng biến hydroxyapatite trong men răng thành fluorapatite để cải thiện cấu trúc men răng, tăng cường mức độ chống axit của răng.

Ngoài ra, chất acid tannic trong trà là một thành phần hoạt tính, có thể cải thiện môi trường khoang miệng, chống lại các chất gây ung thư mà có thể tồn tại ở trong khoang miệng.

Định kỳ dùng chỉ nha khoa làm sạch răng

Các nha sĩ Mỹ cho biết, kể cả mỗi ngày việc đánh răng của bạn kéo dài đến 5 phút thì vẫn còn 30-40% thức ăn bám lại. Và chỉ nha khoa sẽ lấy hết những chất cặn bã bám dính ở chỗ khó thấy nhất, giảm bớt được tỉ lệ gây sâu răng, tốt nhất nên dùng chỉ nha khoa 3 lần/tuần.

Tâm trạng yêu đời trị đau răng tốt nhất

Một báo cáo mới nhất của trung tâm thống kê y tế Mỹ cho biết, các bạn nam nữ đang trong giai đoạn yêu nhau, số lượng tế bào T trong cơ thể luôn được duy trì ở trạng thái tốt nhất, tế bào T có tác dụng rất tích cực, là một tấm bình phong để củng cố miễn dịch ở trong khoang miệng, chống lại các bệnh về răng.

Hạn chế dùng miếng dán trắng răng

Hầu hết các miếng dán làm trắng có chứa urê, hydrogen peroxide và các thành phần khác, một cuộc khảo sát mới nhất của Hiệp hội Nha khoa Canada cho thấy rằng việc sử dụng lâu dài miếng dán răng, mức độ nhạy cảm của răng tăng25%, các mô mềm trong khoang miệng và nướu răng cũng sẽ bị kích thích, vì vậy nên hạn chế dùng.

Dương Hằng
Theo sohu

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Mẹ Pháp dạy mẹ Mỹ bí quyết ‘nói không’


(Theo VietNamnet) - Không cần roi vọt, thậm chí cũng chẳng phải quát mắng, chỉ cần điều chỉnh giọng điệu, bạn sẽ dễ dàng "thu phục" được đứa trẻ.

TIN LIÊN QUAN:
Ông tướng đeo bỉm, một hội chứng phổ biến mà nhiều cha mẹ mắc phải

‘Ông tướng đeo bỉm’

Nhìn những đứa trẻ Pháp ngoan ngoan tự ăn, tự chơi một mình, đã có lúc Pamela băn khoăn rằng, liệu chúng có bị bố mẹ dụ dỗ, hay thậm chí là đe nẹt?

Nhưng dường như không phải như vậy. Qua quan sát, cô thấy chúng vẫn tán gẫu vui vẻ, thoải mái. Và bố mẹ bọn trẻ cũng luôn tỏ ra rất chu đáo, tình cảm với con mình. Bà mẹ Mỹ này tự hỏi: Phải chăng người Pháp có một thế lực văn minh vô hình nào đó mà các ông bố bà mẹ ở đất nước cô đang thiếu.

Thoạt đầu, Pamela cảm thấy rất khó diễn đạt về cách thức bố mẹ Pháp đối xử với con cái mình. Nó vừa như có phần cực kỳ nghiêm khắc mà cũng lại vừa như dễ dãi đến kinh ngạc.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, họ không bao giờ bị mắc hội chứng "ông tướng đeo bỉm”.

Trong khi đó, hội chứng này rất phổ biến ở Mỹ. Có câu truyền miệng rằng: Nếu bạn không biết những "ông tướng đeo bỉm", hãy đến New York. ("You don't know from "child kings". Please visit New York).

Pamela chỉ ra rằng, các bà mẹ Mỹ dường như lúc nào cũng sợ việc cấm cản con cái sẽ hạn chế sự sáng tạo của chúng. Thế nên, chúng tha hồ tung hoành, làm bất kỳ những điều gì chúng muốn.

Nhưng các bà mẹ Pháp lại có quan điểm rất rõ là: Người lớn mới là người có quyền quyết định bởi trẻ con chưa đủ nhận thức để biết những gì là tốt cho chúng. Họ cho rằng nếu để con cái tự do làm những gì chúng thích thì có nghĩa là cha mẹ đã đánh mất cái uy của mình.

Nhiều người Pháp tỏ ra rất sốc khi đến chơi các gia đình Mỹ và chứng kiến bọn trẻ con tự do mở tủ lạnh lấy đồ ăn bất kỳ lúc nào hay vô tư ngắt lời khi bố mẹ chúng đang trò chuyện. Điều này hoàn toàn đối lập với gia đình họ.

Bố mẹ Pháp cho rằng trẻ con phải có những giới hạn nhất định về hành vi, và người lớn luôn phải giám sát nghiêm ngặt, đảm bảo là lũ trẻ không vượt quá khuôn khổ cho phép đó. Tuy nhiên, bên trong khuôn khổ này thì bọn trẻ vẫn được tự do, thoải mái làm những gì chúng thích.

Bởi vậy, trong khi các bà mẹ Mỹ thường dặn con phải ngoãn ngoãn thì các bà mẹ Pháp nói với lũ trẻ rằng chúng cần phải khôn ngoan và làm chủ được hành vi của mình.

Để có thể giáo dục được bọn trẻ, người Pháp chỉ ra rằng, thay vì đánh đòn hay quát nạt, các ông bố, bà mẹ hãy cách học “nói không” với chúng một cách thuyết phục và có uy hơn.

Học cách nói “Không”

Thể hiện cái uy của bố mẹ là một trong những yếu tố ấn tượng và hiệu quả nhất trong phương pháp dạy con của người Pháp. Tuy nhiên, để làm chủ được công cụ vô hình này quả không dễ.

Pamela chia sẻ: Trong khi cô không biết cách thể hiện cái uy của mình thế nào thì rất nhiều các ông bố bà mẹ Pháp mà cô gặp lại thể hiện cái uy của họ trước con cái một cách dễ dàng, điềm tĩnh. Họ chẳng cần quát tháo mà lũ trẻ vẫn răm rắp nghe lời.

Pamela còn phân tích thêm rằng, không giống như ở Anh, từ "không" (no), đôi khi có thể hiểu là "tôi không chắc chắn" (I’m not sure) hoặc “có thể lát nữa” (maybe later) sẽ giải quyết sau, thì ở Pháp từ “không” (“non”) có nghĩa là “Tuyệt đối không” (absolutely not).

Thế nên, khi bố mẹ đã ‘nói không”, lũ trẻ Pháp không hề có phản ứng tức giận hay thất vọng, suy sụp, thậm chí chúng còn chẳng bao giờ cãi lại hay lèo nhèo van vỉ thêm. Dường như, chúng có khả năng đón nhận sự từ chối (lời nói “không” của bố mẹ) một cách rất tự nhiên, bình thản.
Trẻ em chơi trong hộp cát 

Pamela đã dẫn chứng chính câu chuyện của mình về hiệu quả của lời nói "Không". Trong một lần đưa Leo, cậu con trai hai tuổi của cô tới công viên, Pamela đã được Frédérique, một phụ nữ Pháp mới được làm mẹ ba tháng dạy cho cách thể hiện cái uy của mình.

Sự thể là khi Frédérique và Pamela ngồi trò chuyện thì Leo liên tục chạy ra phía cổng hộp cát (sandbox - khu vui chơi riêng của trẻ được quây xung quanh và ở trong đổ rất nhiều cát). Mỗi lần như vậy, Pamela lại phải rượt đuổi theo, quát nạt và lôi thằng bé quay trở lại trong khi nó la hét inh ỏi.

Frédérique nói với Pamela rằng cô cần nghiêm khắc hơn với Leo, vì nếu cô cứ chạy theo thằng bé suốt như thế thì sẽ chẳng có lúc nào được ngồi yên cả.

Khi Pamela than thở là tình cảnh đó dường như đã quá quen thuộc với cô, vì dẫu cô quát tháo thằng bé thế nào thì nó cũng chẳng hề nghe, bà mẹ Pháp đã cười và khuyên rằng Pamela cần nói "Không" một cách mạnh mẽ và chắc chắn.

Lần tiếp theo, khi Leo lại chạy ra cổng, Pamela đã nói “Không” nghe có vẻ cứng rắn hơn bình thường nhưng vẫn chẳng có tác dụng gì. Cô lại phải chạy theo và kéo nó lại. Frédérique tiếp tục khuyên Pamela là cô không cần phát quát tháo hay thét to lên như vậy, quan trọng là phải nói với giọng điệu nghiêm nghị và đầy tính thuyết phục.

Sau một vài lần tập nói “Không”, Pamela cũng cảm thấy giọng điệu của mình dần có trọng lượng hơn. Dù âm vực không to, nhưng nó toát lên sự quả quyết và chắc chắn.

Đến lần thứ 4, khi Leo đang cố chạy ra cổng, Pamela nói “Không”, cố gắng thể hiện sự cứng rắn và thuyết phục một cách rõ nhất, thì không thể tin được rằng, thằng bé không dám mở cửa ra.

Nó quay lại nhìn cô với ánh mắt do dự đầy cảnh giác. Khi ấy, Pamela trợn mắt nhìn thằng bé để cho nó thấy được rằng cô hoàn toàn không cho phép hành động đó.

Kỳ lạ thay, thằng bé không chạy ra ngoài lần nào nữa. Nó dường như đã quên hẳn cái cổng và chỉ chơi trong hộp cát với lũ trẻ. Và Pamela nhận ra rằng, dường như đây là lần đầu tiên cô thể hiện được cái uy của mình, khiến thằng bé phải nghe theo mà không hề khóc lóc, la hét hay hoảng sợ.

Pamela kết luận: Khi có con, bạn đừng nên hoang mang, lo lắng là sẽ phải làm bố mẹ như thế nào. Thay vì tìm một triết lý làm cha mẹ, chúng ta hãy có cái nhìn đúng đắn hơn về một đứa trẻ. Khi ấy, ta sẽ tìm được cách để đối phó với chúng.

Đó là kết quả của những quan sát và lý giải trước những gì diễn ra xung quanh một bà mẹ Mỹ ở trên đất Pháp.
Những bài học dạy con kiểu Pháp

1. Trẻ con nên học cách nói xin chào, tạm biệt, cảm ơn và làm ơn. Điều đó giúp chúng hiểu được rằng chúng không phải là người duy nhất có những nhu cầu và cảm xúc.

2. Khi chúng cư xử không đúng, hãy trợn mắt với chúng – thể hiện cái nhìn cảnh cáo đầy nghiêm nghị.
3, Chỉ cho chúng ăn nhẹ (kể cả ăn vặt) một lần một ngày. Ở Pháp, bữa ăn nhẹ thường là khoảng bốn giờ hoặc bốn rưỡi chiều.
4. Hãy luôn nhắc nhở chúng (và cả chính bản thân bạn) ai là chủ tướng trong gia đình. Bố mẹ Pháp luôn nói với con cái họ: Bố mẹ mới là người quyết định.
5. Đừng ngần ngại nói “Không”. Những đứa trẻ phải được dạy cách đối mặt với những tình huống vỡ mộng như thế.

Sinh Phạm