Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Văn hóa hội họp trong thế giới kinh doanh


(Dân trí) - Khi xác định bước chân vào thế giới kinh doanh, bạn sẽ phải học những quy tắc, những nghi thức không bắt buộc nhưng cần thiết để tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho bản thân cũng như doanh nghiệp. Một trong số đó là văn hóa họp hành chốn cống sở.

(ảnh minh họa)
Nghi thức, phong tục là gì? Đó là những quy tắc được xây dựng, được chấp nhận và được con người thực hiện một cách nghiêm túc. Những quy tắc này không mang tính bắt buộc, nhưng đó được xem là thước đo giá trị và tính chuyên nghiệp của mỗi người.
Văn hóa hội họp chốn công sở có thể khác nhau ở tính chất và đối tượng. Ví dụ tính chất của một cuộc họp giữa các cổ đông khác với cuộc họp giữa ban quản lý và nhân viên. Tuy nhiên, dù tính chất và đối tượng khác nhau thì điều cần thiết bạn nên làm đó là tuân thủ những quy tắc trong văn hóa hội họp. Điều này không chỉ giúp bạn xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho bản thân, cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho công việc diễn ra một cách suôn sẻ.
Luôn đúng giờ
Đây là quy tắc đặc biệt bạn cần thực hiện không chỉ trong kinh doanh mà còn trong đời sống thường nhật. Có thể bạn cho rằng hơi thừa khi nhắc đi nhắc lại mãi một điệp khúc “đúng giờ”. Tuy nhiên, tần xuất nhắc lại nhiều nhưng năng xuất thu được lại chẳng bao nhiêu. Vẫn có nhiều nhân viên, thậm chí là thành viên ban quản lý vi phạm quy tắc này trong mỗi lần công ty lên lịch họp.
Đúng giờ là một yếu tố cần thiết khi nói đến những cuộc họp chính thức và mang tính quan trọng. Trong thực tế, bạn không nên có mặt đúng lúc cuộc họp chuẩn bị bắt đầu, mà cần đến sớm hơn ít nhất năm phút. Sự chậm trễ không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng với người khác mà còn làm mất hình ảnh chuyên nghiệp, hiện đại mà bạn đang dày công gây dựng. Nếu bạn đến muộn vì một vài lý do nào đó, hãy ngồi vào chỗ và không làm phiền đến những người xung quanh.
Trang phục phù hợp
Trang phục chính là cách nói gián tiếp bạn có tôn trọng người đối diện hay không? Vì vậy ăn mặc chuyên nghiệp, chỉnh tề và phù hợp với mục đích cuộc họp là điều vô cùng cần thiết. Bạn có thể mặc áo phông, quần jean nhưng hãy chắc chắn quần áo của bạn không bị rách, bẩn hoặc nhàu nhĩ. Thêm vào đó, trang phục của bạn không nên quá lòe loẹt. Đôi giày cần được đánh bóng một cách cẩn thận và đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ.
Cách ứng xử
Điện thoại của bạn nên tắt trong khi đang họp. Nếu không hãy chắc chắn là bạn đã để nó ở chế độ rung hoặc im lặng. Đừng bao giờ để điện thoại trên bàn vì có thể làm phiền đến không khí cuộc họp khi chẳng may điện thoại của bạn rung liên tục.
Luôn chú ý lắng nghe người khác nói, không chen ngang ý kiến của người khác. Trong cuộc họp có thể xảy ra những tranh luận, những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thái độ tôn trọng, bình tĩnh và phát biểu từ tốn là điều bạn nên làm và cần thiết phải làm.
Chuẩn bị
Mọi cuộc họp đều có chương trình thảo luận và nghị sự. Bạn sẽ là người trả lời hoặc là người đưa ra câu hỏi. Dù bạn ở bất cứ vị trí nào bạn cũng cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh tình trạng ngồi không. Đừng lãng phí thời gian của người khác bằng những câu trả lời loanh quanh, mơ hồ. Chỉ nói đến chủ đề liên quan với những câu trả lời ngắn, đơn giản nhưng đủ ý. Bạn có thể chuẩn bị tài liệu bằng văn bản hoặc bằng slide show...để giúp đồng nghiệp cũng như ban quản lý nắm rõ những ý tưởng bạn đang trình bày.
Tổng kết
Khi cuộc họp kết thúc, tổng kết bằng cách tóm lược nội dung chính, đưa ra kế hoạch, đề xuất ý kiến… ngoài ra còn quyết định thời gian và địa điểm cho cuộc họp tiếp theo. Một điều quan trọng không kém là gửi lời cám ơn tới tất cả mọi người về sự có mặt và đóng góp của họ cho buổi họp thành công.
                                                                                                                Thảo My
Theo Buzzle

Bí quyết phê bình nhân viên “cưng” của công ty


(Dân trí) - Trong phòng bạn có một nhân viên rất xuất sắc, góp phần đáng kể làm tăng doanh thu của công ty cho dù đôi khi nhân viên đó vẫn mắc một vài sai lầm nhỏ. Tuy nhiên, anh/ cô ấy lại là người nhạy cảm và khó chấp nhận lời phê bình của cấp trên.
Sẽ dễ dàng hơn cho cả bạn và nhân viên nếu bạn đưa ra ý kiến nhận xét, góp ý cho họ thường xuyên, hàng tuần hay thậm chí hàng ngày. 
(Ảnh minh họa)

Vậy làm thế nào bạn đạt được mục đích của mình là sửa sai cho họ mà vẫn đảm bảo "giữ chân" được nhân tài cho công ty?

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

Gặp nhân viên trực tiếp

Trước đó, hãy ghi ra những gì bạn định thảo luận trong cuộc nói chuyện này. Có sự chuẩn bị sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn cuộc nói chuyện và loại trừ trường hợp nhân viên có thể dễ dàng hiểu sai ý của bạn khi bạn đang trong tâm trạng phức tạp: buồn bã, tức giận.

Sau đó, hãy hỏi lại nhân viên để họ nhắc lại điều bạn đã nói. Việc này nhằm xác định vấn đề một cách rõ ràng, đồng thời cho nhân viên thấy họ đã sai ở đâu và nên thay đổi ra sao.

Phê bình thái độ, không phải tính cách

Bạn khó có thể thay đổi được tính cách của người khác mà chỉ có thể tác động tới cách cư xử bên ngoài, góp phần dẫn tới thay đổi tính cách. Chẳng hạn, bạn có một nhân viên xuất sắc với tính cách hướng ngoại và nó đã giúp ích rất nhiều cho công việc của anh ấy. Điều đó chỉ trở thành rắc rối khi anh ấy mải xây dựng mạng lưới quan hệ mà quên hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Khi đó, bạn chỉ có thể góp ý, nói chuyện để anh ấy chú tâm vào công việc chính của mình hơn.

Đưa ra phản hồi (cả khen ngợi và phê bình) thường xuyên

Bạn không phải tổng kết tất cả những sai lầm của nhân viên trong tháng/ quý rồi chờ đến cuối tháng/ quý/ năm mới phê bình họ. Như vậy, nhân viên có thể quên những gì mình đã mắc phải hoặc không khắc phục được sai lầm kịp thời.

Sẽ dễ dàng hơn cho cả bạn và nhân viên nếu bạn đưa ra ý kiến nhận xét, góp ý cho họ thường xuyên, hàng tuần hay thậm chí hàng ngày. Điều này cũng nên áp dụng với cả những lời khen ngợi, động viên cấp dưới của mình.

Không trì hoãn cuộc nói chuyện

Nếu nhân viên bắt đầu khóc lóc hay tức giận, hãy tạm ngừng cuộc nói chuyện và cho họ ít phút để lấy lại bình tĩnh rồi tiếp tục. Bạn không nên kết thúc cuộc nói chuyện và đặt một cuộc hẹn khác sang tuần sau. Nếu làm như vậy, nhân viên sẽ cho rằng cách phản ứng cảm xúc của họ có thể giảm bớt lời chỉ trích, rằng sếp sẽ cảm thấy ngại khi phê bình họ. Bạn nên nhanh chóng giải quyết dứt điểm vấn đền

Vũ Vũ
Theo Techrepublic

Độ dài “chuẩn” cho bản sơ yếu lý lịch


(Dân trí) - Mắc lỗi chính tả, thiếu thông tin cá nhân, không chú trọng vào điểm mạnh và độ dài không hợp lý là những lý do khiến sơ yếu lý lịch của bạn “chìm nghỉm” trong hàng trăm hồ sơ khác.

 Độ dài sơ yếu lý lịch như thế nào là hợp lý? Câu trả lời là “không dài quá một trang”. Tuy nhiên, đó là cách làm và cách nghĩ của những người tìm việc cách đây chục năm. Thời gian đã thay đổi và dó đó các tiêu chuẩn về độ dài cũng thay đổi theo. Một số quy tắc “vàng” bị xóa bỏ và thay vào đó là những quy tắc thoáng và thoải mái hơn rất nhiều.

Theo huấn luyện viên nghề nghiệp Kelley: “Độ dài của bản sơ yếu lý lịch có thể giúp bạn thu hút được sự chú ý của các nhà tuyển dụng. Nếu quá ngắn họ sẽ cho rằng bạn vội vã và không có nhiều điều đáng nói. Ngược lại, nếu quá dài bạn sẽ trở thành người lôi thôi và dài dòng trong mắt họ ngay những phút giây đầu tiên. Vì vậy, độ dài của một bản sơ yếu lý lịch nên được thiết lập vừa phải với đầy đủ các mục: thông tin cá nhân, công việc, mục tiêu sự nghiệp, kinh nghiệm và thành tích giáo dục đào tạo”.

Thêm vào đó, khi bắt đầu viết sơ yếu lý lịch, bạn hãy tư duy trong đầu những thông tin nên viết theo chiều hướng sau.

1. Đơn xin việc của bạn giống như một công cụ để bạn tiếp thị bản thân nhưng không phải một cuốn tự truyện. Hãy tập trung vào các điểm chính và trình bày ngắn gọn, xúc tích. Kinh nghiệm trong quá khứ là điều không thể thiếu, tuy nhiên chỉ nên trình bày những kinh nghiệm thực tế, có liên quan đến ngành nghề bạn đang phỏng vấn và không cần khoa trương thái quá.

2. Hồ sơ của bạn sẽ bị lẫn trong hàng trăm thậm chí là hàng triệu hồ sơ xin việc khác. Vì vậy, ban tuyển dụng cũng sẽ không đọc hết tất cả các hồ sơ một cách chi tiết ngoại trừ những bản sơ yếu thực sự nổi bật. Bạn muốn trở thành một trong những “người may mắn” không? hãy sắp xếp các tiêu mục một cách khoa học, làm nổi bật các điểm mạnh với độ dài vừa phải, tránh cảm giác “ngại” đọc thường xảy ra với các nhà tuyển dụng.

3. Bạn có thể xem xét các bản lý lịch mẫu. Với lý lịch dài một trang, bạn sẽ thấy các thông tin ghi bên trong thường tập trung vào các mục sau: thông tin cá nhân, kinh nghiệm(ít hơn 10 năm) và không liên quan đến công việc đang tìm kiếm… Nếu lý lịch dài hai trang, bạn sẽ nhận thấy các thông tin có sự đầu tư chuyên sâu. Bạn có không gian để liệt kê kinh nghiệm và chứng minh kiến thức của bản thân.

Nếu bạn chọn lý lịch dài hai trang. Bố cục hợp lý của bản sơ yếu sẽ là: Đặt những thông tin quan trọng nhất ở phía trên cùng của trang đầu tiên. Dẫn dắt vào đề bằng một bản tóm tắt sự nghiệp. Trên trang thứ hai sẽ là các thông tin cá nhân và thông tin liên lạc của bạn.

4. Bạn cũng có thể xem xét những bản lý lịch dài ba trang hoặc nhiều hơn thế. Tuy nhiên, những bản lý lịch “lê thê” như thế này thường thuộc về ban quản lý hoặc các nhà lãnh đạo “tương lai”. Hồ sơ sẽ trở thành một báo cáo thành tích dày đặc của ứng cử viên. Hoặc đối với những lĩnh vực học thuật, khoa học. Các bản sơ yếu lý lịch cũng sẽ trở thành cầu nối đưa những tác phẩm, những nghiên cứu khoa học của cá nhân tới ban tuyển dụng. Đính kèm nghiên cứu của bạn vào trang ba và cố gắng biến mọi thứ trở nên rõ ràng nhất có thể.
                                                                                                                   
 Thảo My
                                                                 Theo Buzzle

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Bạn đây rồi!


Rất khó có thể tìm được một phương châm tốt hơn cho cuộc sống của mỗi người. Một cuộc sống dành cho “những người khác” là cuộc sống luôn nói rằng “Bạn đây rồi!”. Đó là một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc, và, tuyệt hơn cả, là một cuộc sống đáng sống...

- Thưa thuyền trưởng, có một bức thư đặc biệt được gửi tới cho ông. Người gửi là Đô Đốc ạ – Một thủy thủ báo cáo với thuyền trưởng của mình, tay cầm chiếc phong bì màu nâu – Tôi đã đem nó đến đây rồi ạ.

- Cậu đọc nó lên cho tôi nghe – Vị thuyền trưởng bảo.

-Thưa thuyền trưởng, nhưng tôi nghĩ đây là thư cá nhân, vì gửi đích danh ông đấy ạ. Có lẽ ông đọc riêng thì hay hơn.

- Nếu bức thư đó không bị mã hóa thì cậu cứ đọc to lên cho tôi nghe – Thuyền trưởng ra lệnh và ngẩng cao đầu kiêu hãnh – Trừ phi cậu thấy xấu hổ khi phải đọc to vài lời khen tặng quá mức đến tưởng như là nịnh bợ.

Anh thủy thủ liền đọc: “Không còn nghi ngờ gì nữa, anh chính là kẻ tự phụ, ích kỷ, vĩ cuồng và gàn dở nhất từng điều khiển một con tàu trong lịch sử hải quân của đất nước này”.

Vị thuyền trường vội phẩy tay và cau có: “Cậu hãy lập tức tìm cách giải mã cái bức thư được mã hóa đó đi nhé”.

Vị thuyền trưởng này cũng giống như con sư tử kiêu ngạo rảo bước trong rừng. Con sư tử gặp một con khỉ, liền hỏi: “Ai là chúa tể của khu rừng này?”.
“Ôi, tất nhiên là ngài rồi ạ, thưa ngài sư tử” – Con khỉ sợ hãi vừa run vừa đáp. Nghe vậy, sư tử gầm lên một tiếng oai hùng.

Tiếp theo, sư tử nhìn thấy một con linh cẩu. “Ai là chúa tể của khu rừng này?” – Nó lại hỏi.

Con linh cẩu ranh mãnh đáp ngay: “Chính là ngài ạ, ngài sư tử hùng mạnh”, rồi nó chạy biến, không ngoái đầu lại.

Sau đó, sư tử đi ngang qua một con voi đang uống nước ở bờ sông. “Này voi, ai là chúa tể của khu rừng này?” – Sư tử quen thói lại hỏi.
Voi liền lấy vòi cuốn lấy sư tử, nhấc bổng sư tử lên không trung và ném nó xuống nước.

Sư tử ướt sũng và lạnh cóng, lóp ngóp lội vào bờ và vớt vát nói: “Chỉ vì anh không biết câu trả lời thì cũng có cần bực mình đến thế không chứ?!”.
Cũng giống như vị thuyền trưởng trong câu chuyện vui nói trên, sư tử khó chịu khi phải nghe những gì mình không muốn nghe.

Bạn có để ý thấy rằng, đối với một số người, thì chuyện gì cũng là về chính họ? Còn với một số người khác, thì mọi chuyện là về chính bạn? Tác giả và diễn giả Leil Lowndes nói thế này: “Có hai kiểu người trong cuộc sống này. Những người bước vào một căn phòng và nói: “Đây, tôi đến rồi đây”. Và những người bước vào phòng và nói: “Ah, [các] bạn đây rồi”.
Hẳn bạn đã biết rằng chúng ta thích gặp kiểu người nào hơn.

Tôi đã học được rằng, làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng là điều quan trọng đến mức nào. Bạn có biết rằng thực ra, nói chuyện với hầu như bất kỳ ai cũng đều là rất dễ không? Nếu bạn muốn tìm một chủ đề mà người khác có hứng thú, hãy hỏi họ về bản thân họ. Hãy giúp họ cảm thấy như thể họ rất quan trọng, rất có ý nghĩa; và rồi bạn sẽ luôn có rất nhiều điều để nói chuyện.

Làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng là việc rất quan trọng. Nếu bạn muốn có nhiều bạn bè, hãy tỏ ra hứng thú với những người xung quanh. Một người biết cách làm một người bạn tốt thì không bao giờ thiếu bạn bè cả.

Và nếu bạn muốn đạt đến “trình” cao hơn, hãy đối xử với mỗi người đang ở bên bạn như thể họ là người rất có ý nghĩa với cuộc sống của bạn vào khoảnh khắc đó. Tức là chuyển từ “Tôi ở đây rồi đây!” thành “Bạn đây rồi!”. Đó không phải lúc nào cũng là sự chuyển đổi dễ dàng. Đôi khi, nó có nghĩa là phải thay đổi cả cách nhìn nhận và thái độ sống của bạn. Nhưng khi một người có thể thực hiện thay đổi đó, thì mọi thứ khác cũng thay đổi – theo hướng tốt hơn.

William Booth, người sáng lập Hội Cứu tế vào năm 1865, rất hiểu nguyên tắc này. Có một câu chuyện được kể lại rằng, vào một mùa Giáng sinh, ông cố nghĩ ra cách để động viên, khuyến khích tất cả đội ngũ của mình. Lúc này, Hội Cứu tế đang phát triển nhanh và có mặt ở nhiều quốc gia. Booth quyết định gửi cho mỗi người trong đội ngũ của mình một bức điện, trong đó có đúng một từ: “OTHERS” (Những người khác). Và tổ chức của ông phát triển với phương châm đó.

Rất khó có thể tìm được một phương châm tốt hơn cho cuộc sống của mỗi người. Một cuộc sống dành cho “những người khác” là cuộc sống luôn nói rằng “Bạn đây rồi!”. Đó là một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc, và, tuyệt hơn cả, là một cuộc sống đáng sống.

Steve Goodier/Đặng Mỹ Dung
- SVVN

Tìm kiếm những điều tốt đẹp


(Dân trí) - Hãy quan sát những người hạnh phúc nhất mà bạn biết, bạn sẽ nhận ra, họ không phải là những người có cuộc sống suôn sẻ nhất!
Những người hạnh phúc thường là những người phải chịu đựng và nỗ lực nhiều hơn. Nhưng trong quá trình sống, họ luôn học cách tìm kiếm những điều tốt đẹp.

Và bạn đã nhận ra điều này chưa…


 
Khi bạn tìm kiếm những điều tốt đẹp trong mọi tình huống cũng như mọi con người, chúng ta đều sẽ TÌM THẤY chúng.

Khi bạn tìm kiếm những điều tồi tệ, ta cũng sẽ TÌM THẤY chúng.

Vậy nên, không phải thay đổi hoàn cảnh sống sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn, mà chính phải là thay đổi suy nghĩ của bạn!

Nếu bạn cứ muốn tìm kiếm những lỗi lầm trong công việc cũng như những sai sót của vợ, hay mẹ bạn, bạn sẽ thấy rất nhiều.

Có những người cứ suốt đời tìm kiếm những sai sót, và họ sẽ bảo với bạn, “chỉ vì tôi là người thực tế”. Nhưng đó không phải là thực tế, đó là tiêu cực.

Những người hạnh phúc sẽ luôn tự hỏi mình thế này: “Có gì tốt hơn trong chuyện này?”. Ví dụ, bạn bị tắc đường, bạn tự hỏi: “Có gì tốt trong chuyện này không?”

- Bạn có thời gian để nghe bản nhạc yêu thích.

- Bạn có thể lên kế hoạch cho ngày làm việc của mình.

- Dù sao thì vẫn tốt hơn là đi bộ.

Bạn hết tiền và tự hỏi: “Có gì tốt nếu mình không có tiền?”

- Bạn sẽ học được thái độ trân trọng hơn với những thứ mà tiền bạc không thể mua.

- Bạn sẽ quyết tâm hơn để thành công.

- Bạn sẽ biết ai mới là bạn bè thực sự của mình!

Vậy nên, nhiệm vụ trong 24 giờ tới của bạn sẽ là: Trong mọi tình huống, hãy cố gắng tìm ra những điều tốt đẹp.

Thoạt đầu, việc này có vẻ khó khăn, nhưng dần dần, bạn sẽ quen và làm như một phản xạ. Khi “tìm kiếm những điều tích cực” đã trở thành thói quen, bạn sẽ ngày càng hạnh phúc.

“Những người không yêu bản thân thường tôn sùng người khác, vì sự tôn sùng đó khiến người khác trở nên vĩ đại còn bản thân họ thành bé nhỏ. Họ cũng thường khao khát những người khác vì khao khát này sinh từ cảm giác khiếm khuyết bên trong cần được lấp đầy. Nhưng họ không thể yêu thương những người khác, vì tình yêu thương là sự khẳng định của sức sống lớn lên trong tất thảy chúng ta. Nếu không có nó, bạn không thể đem cho bất cứ ai được”. Andrew Matthews

Đỗ Dương
Theo Squidoo

Khen con thế nào cho đúng?


(Dân trí) - Những lời khen ngợi, động viên rất có giá trị trong hình thành sự tự tin ở trẻ. Nhưng nếu quá đà, lời khen có thể làm hỏng tính cách bé, khiến con bạn trở thành người chỉ biết quan tâm đến vẻ bề ngoài.

Con gái bạn càng lớn càng đáng yêu, trông nó thật xinh trong chiếc váy mới, đặc biệt với mái tóc đã được chải mượt gọn gàng. Bạn nói với con rằng “con mẹ trông xinh quá”. Bạn muốn đưa ra một lời khen. Bạn nghĩ khen con chẳng có hại gì.

Hẳn nhiên là vậy. Bạn muốn động viên, cổ vũ con biết tự tin vào bản thân. Nhưng bạn sẽ thận trọng hơn nếu biết thêm rằng, những lời ngợi khen ấy có thể không đơn giản chỉ là lời khen mà còn là thứ vũ khí lợi hại giúp bạn hình thành cho con những tính cách tốt.

Theo Th.S, chuyên gia tâm lý Art Markman, tốt nhất nên nghĩ đến vẻ đẹp hình thức như một thứ tài năng, cũng giống như năng khiến học toán hay chơi thể thao vậy. Khi bạn khen con ở một điểm nào đó, đừng quên gắn nó với những nỗ lực mà con đã làm để đạt được. Ví dụ: “Tóc con óng mượt quá, hẳn là con đã tự chải phải không?” hay “Con đạt điểm cao nhất lớp bài kiểm tra môn Toán, công học hành chăm chỉ cuối cùng cũng được đền đáp con nhỉ?”.

Bằng cách này, bạn chỉ ra cho con thấy kết quả có được không phải do tài cán, mà là do chính những gì con đã cố gắng thực hiện.

Chuyên gia tâm lý cho rằng: “Khi bạn nghĩ bạn có được điều gì đó chỉ do mỗi tài năng, lúc thất bại, bạn sẽ tin lỗi tại mình và thấy khó vượt qua tất cả. Còn nếu bạn tin rằng mọi thứ đều cần lao động nghiêm túc, dày công thực hiện, thì khi vấp ngã, bạn sẽ đứng dậy được và biết cách hành động để có thể vươn xa hơn”.

Huyền Anh
Theo YB

Đồng năm xu trên đường



(Dân trí) - Tập thể dục không phải là thú tiêu khiển yêu thích của tôi, nhưng tôi biết nó tốt cho mình. Vậy nên mỗi ngày, tôi đều cố gắng ra ngoài và đi bộ chừng 2 dặm.
Hầu như hôm nào tôi cũng đem theo một cuốn sổ nhỏ và cây bút để có thể ghi lại những ý nghĩ bất chợt nảy ra trong lúc thả bộ vòng quanh khu lân cận.


 
Vài tuần trước, lúc đang vòng qua một góc ở nửa chừng quãng đường đi, tôi chợt thấy một đồng bạc 5 xu trước mặt. Dợm bước, tôi giẫm lên đồng bạc sáng bóng rồi đi tiếp.

Đi được vài bước, tôi chợt nghĩ tới đứa con gái của mình, nó luôn dừng lại nhặt những đồng bạc lẻ. Nó chưa bao giờ bước qua khi gặp chúng. Và rồi tôi nửa như muốn quay đi, nửa như muốn trở lại, nhưng tôi nghĩ, nếu ai đó chợt trông thấy mình cúi xuống nhặt đồng 5 xu đó thì hẳn sẽ xấu hổ lắm.

Từ những ý nghĩ về đồng 5 xu, tôi ngẫm về những cơ hội nhỏ đã từng ở trước mắt mình, nhưng rồi tôi đã giẫm lên hoặc bước qua. Đã bao nhiêu lần tôi phớt lờ chúng vì nghĩ rằng chúng không quan trọng? Đã bao nhiêu lần tôi thấy mình xấu hổ không muốn cố gắng? Đã bao nhiêu lần tôi giẫm lên vì muốn chứng tỏ với thế giới, chúng không đáng được tôi quan tâm?

Hôm  đó, tôi đã kể cho con gái nghe câu chuyện về đồng bạc 5 xu vì nó vẫn còn vướng vất trong tâm trí. Con bé đã không nói: “Mẹ đừng nghĩ nhiều về điều đó. Nó chỉ là đồng bạc 5 xu thôi”, mà bảo rằng: “Con sẽ nhặt nó lên. Mẹ có biết là có hôm ở trường, con đã nhặt được một đô la trong đám tiền lẻ trên sàn nhà không?”

Con bé đã tận dụng dường như mọi cơ hội dù là rất nhỏ. Nhưng khi gộp lại, chúng lại trở thành một thứ có giá trị. Với trường hợp của con gái tôi, nó đã có thể mua được một lon nước ngọt từ chiếc máy bán lẻ tự động ở trường, điều mà đáng lẽ ra, nó đã không thể làm được.

Sáng hôm sau, khi đi tới đoạn đường hôm trước, tôi đã để tâm quan sát hơn. Tôi quyết định sẽ nhặt đồng bạc đó nếu gặp lại. Nhưng hỡi ôi, nó đã biến mất. Tôi không ngạc nhiên. Vẫn luôn có ai đó tận dụng các cơ hội mà những người khác bỏ qua. Thật không may là khi tôi quyết định tận dụng cơ hội thì nó đã không còn ở đó nữa.

Tất nhiên, không phải mọi cơ hội đều là cái ta muốn dừng lại và lựa chọn. Có một số cơ hội chỉ nhang nhác với những điều sẽ giúp ta đạt được mục tiêu cuộc đời. Cũng như mấy cái nút chai, nếu nhìn từ xa, trông chúng cũng rất giống những đồng bạc. Nhưng cũng có những thứ, chúng ta đã nhận ra ngay giá trị của chúng mà ta vẫn chọn cách đi qua đó thôi.

Từ ngày bước qua đồng bạc 5 xu trên đường, tôi đã biết chú ý nhiều hơn tới những cơ hội ở quanh mình. Tôi đã để tâm hơn tới cách ứng xử của mình với chúng. Thay vì vội vã lướt qua những thứ có vẻ như sẽ chỉ đem lại những kết quả vụn vặt, tôi đã nghĩ về một bức tranh lớn hơn. Liệu cái đó có thể là một cơ hội nhỏ để thêm vào những điều tôi đã và đang thực hiện? Và một cơ hội nhỏ có thể trở thành điểm khởi đầu cho một cơ hội khác lớn hơn?

Đó quả là một bài học cuộc sống thật tuyệt vời! Và tôi chỉ mất một đồng bạc 5 xu cho bài học đó.

Dương Kim Thoa
Theo WDVN

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Cư dân mạng rớt nước mắt vì “Thư gửi con”


Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn xôn xao bàn tán về một bức thư của cha mẹ gửi đến những đứa con thân yêu của mình. Dưới đây là đoạn trích bức thư giản dị nhưng khiến những người làm con phải nhìn nhận lại chính mình.
“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc... Xin con hãy bao dung!
Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.
Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ... mà hãy lắng nghe!
Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ... và bố mẹ đã làm vì con.
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.
Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.
Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu.
Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều... từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.

"Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ."
Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ đôi chút thời gian để suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, đưọc gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!

Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!... vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.
Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.
Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng... bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.
Con đừng oán giận và buồn khổ... vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.
Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!... và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ "sinh tồn".
Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.
Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.
Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời.
Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều...
Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại...
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.
Thương con thật nhiều...
Bố mẹ..."

Tác giả: Pierre Antoine (Việt kiều Pháp)

Theo Khởi Nguyên
VTC

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Nghe đàn ông Mỹ dạy con trai



Thứ bảy, 8/10/2011, 08:58 GMT+7


Ngôi sao của Broadway - Will Rogers từng nói 'Di sản mà một người cha để lại cho con cái không phải là những lời hay ý đẹp hay bạc vàng châu báu mà là những giá trị không được nói thành lời'. Và ông đã truyền cho các con mình những bài học để trở thành một người đàn ông, một người cha tốt.

Trong những năm tháng phát triển, các chàng trai cần một tấm gương để qua đó nhận thức được sự tôn trọng, chăm chỉ, cảm thông và một người đàn ông thành đạt. Khi con còn nhỏ, mẹ là người gần gũi con nhất nên đa phần tính cách của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng lớn từ mẹ. Tuy nhiên, khi bắt đầu biết nhận thức, do tương đồng về giới tính, con trai thường nhìn vào cha để "bắt chước".
Kerncountyfamily đã thực hiện cuộc phỏng vấn với một nhóm các ông bố tại Kern County (Mỹ) để hỏi về bí quyết nuôi dạy con trai. Dưới đây là câu trả lời của họ:
Dành thời gian cho con

Làm bạn cùng con
Là một người cha, không chỉ biết quát mắng mà còn phải biết cho con mượn bờ vai từa vào khi khóc. Kevin McCarthy, cha của hai đứa trẻ cho biết: Những gì bạn nói không quan trọng bằng việc dành thời gian cho chúng. Vì vậy, hãy bớt chút thời gian để đi câu cá, chơi game cùng các con và đưa cho chúng những bài học trong các lần đi chơi đó. "Trẻ con nói với bạn những điều khác nhau ở những thời điểm khác nhau, vì vậy, điều quan trọng là luôn luôn lắng nghe". Mỗi khi McCarthy đi công tác vắng nhà, ông vẫn thường xuyên liên lạc, nói chuyện với các con qua điện thoại, Yahoo, không phải để kiểm soát mà để các con biết rằng ông luôn lắng nghe tâm tư của chúng.
Dạy con biết đồng cảm
Đồng cảm là một kỹ năng quan trọng để những đứa trẻ biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Hàng ngày, Zane Smith, Giám đốc điều hành của Câu lạc bộ Boys & Girls làm công việc cố vấn tâm lý cho hai đứa con và hàng nghìn đứa trẻ trong CLB. Ông nói rằng cách tốt nhất để dạy một cậu con trai là dạy nó biết cảm thông. "Hãy thử đi bộ bằng đôi giày của người khác trước khi đưa ra quyết định phù hợp với cảm xúc của mình" là điều mà Zane thường xuyên nhắc nhở các con.
Ngoài ra, Zane còn dạy các con trai biết nhận lỗi và nói lời xin lỗi rất "đàn ông". Ví dụ như "Tôi xin lỗi. Tôi đã mất bình tĩnh với bạn. Tôi sẽ bình tĩnh hơn trong những lần sau".
Cung cấp sự ổn định
Cung cấp đầy đủ những nhu cầu thiết yếu và đảm bảo an toàn tạo cho đứa cảm nhận về cái tôi. Ông Rick Radon, người lớn tuổi nhất cuộc phỏng vấn luôn tự hào về cậu con trai thành đạt 31 tuổi của mình. Ông cho biết một trong những điều quan trọng nhất ông đã làm cho các con chính là tạo cho chúng cuộc sống ổn định. "Các con tôi không thể có tất cả mọi thứ chúng muốn nhưng chúng có đủ mọi điều chúng cần: nơi ở, quần áo, đồ ăn, tình yêu và đặc biệt là sự tin cậy".

Đôi khi phải động viên, đôi khi cần chê trách
Giải thích về sự không công bằng của cuộc sống
Vẫn là Zane đã chia sẻ thêm rằng, ông không bao giờ nói dối bọn trẻ bằng những thứ hào nhoáng của cuộc sống. Thay vào đó, ông chỉ cho chúng biết cách chấp nhận bất công như thế nào mà không khiến mình trở nên nhỏ nhen. Ngay như việc đơn giản nhất là phân chia đồ chơi giữa cậu con trai Chris, 16 tuổi và em gái cũng vậy. Zane nói: "Nếu em gái có được mua một bộ váy đắt tiền thì không có nghĩa là Chris cũng sẽ có đồ chơi ngang giá. Tôi nói với nó đó là sự nhường nhịn và mọi chuyện có thể ngược lại vào lần sau".
Phục vụ người khác
Giúp đỡ những người kém may mắn và đem lại lợi ích cộng đồng là những điều quan trọng mà một cậu con trai cần phải học để đảm bảo cho tương lai hạnh phúc. Zane luôn khuyến khích con trai mình giúp đỡ người khác như một thói quen, không chờ đợi người khác yêu cầu.
Bản thân là đại diện dân biểu, McCarthy đã truyền cho con đức tính phục vụ cộng đồng. Giờ đây, Connor, con trai ông đã trở thành tình nguyện viên cho Hiệp hội Ung thư Mỹ.
Tăng cường ý thức về bản thân
Không nên chì chiết vào những lỗi lầm do con gây ra mà hãy nhìn vào mặt tích cực của nó. Ai trong chúng ta cũng có những mặt mạnh, mặt yếu. Và những bậc làm cha mẹ phải biết khuyến khích con phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm. Nói cho chúng biết giá trị của mình để chúng luôn tự tin vào bản thân.
Để con thất bại
Người cha có nghĩa vụ bảo vệ con trai mình nhưng đôi khi cũng nên để chúng thất bại. Chúng sẽ học được nhiều từ thất bại và biết làm gì nếu muốn thành công. Khi chúng còn nhỏ, nếu chúng ta bao bọc chúng quá nhiều thì khi lớn lên, chúng dễ bị tổn thương. Đừng tự biến con mình thành "những chú gà công nghiệp".
Mộc Lan


Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Những nhược điểm của xe tay ga


Theo: http://vnexpress.net

Vốn dĩ xe tay ga thiết kế đã không bao gồm các yếu tố an toàn tối ưu. Ví như hành trình giảm sóc trước ngắn cộng với đường kính lốp nhỏ (AB, Click, Lead....) nên khi thắng dễ bị té ngã.

Tâm trọng lượng xe nằm xa tâm hình học của xe làm mất cân bằng, thiếu ổn định khi vận hành, so với xe số khi cùng trọng lượng thì cảm giác dắt, vận hành xe tay ga nặng nề hơn nhiều.
Với đường kính bánh nhỏ để đạt được tốc độ tương đương so với các dòng xe bánh lớn thì xe tay ga phải có vòng quay lớn hơn vì thế máy nhanh tã hơn do ma sát.
Máy đặt thấp, bô xe thấp dễ bị chạm gầm và bể lốc máy khi đi vào các con đường mà ổ gà, ổ voi đang trở nên thịnh hành, dễ tắt máy, hư động cơ khi lội nước (khi thủy triều ở TP. Hồ Chí Minh, hay những con phố gập nước ở thủ đô Hà Nội)
 Ảnh minh họa: Honda Mojet
Hệ thống phanh (thắng) kết hợp (Combi Brake) cải tiến khi bố thắng còn mới chứ đã dùng một thời gian thì nó là cải lùi vì tốc độ mòn của bố thắng đĩa thường chậm hơn bố của phanh tang trống sau. Bánh trước hãm trước trong khi tang trống bánh sau chưa kịp áp má phanh thì đã xòe ra đường (sai quy tắc thắng an toàn "thắng bánh sau trước và bánh trước sau") nên thực tế có những người tiêu dùng thông thái gỡ bỏ chế độ cãi lùi này.
Công tắc chân chống bên thông minh thật nhưng lại giảm độ tin cậy khi xe vận hành theo thời gian.
Công nghệ PGM - FI: hiện đại nhưng tại Việt Nam sửa chưa phổ biến và nếu hư chỉ có nước về hãng mà thay nguyên bộ (lưu ý cái này không rẻ chút nào).
Hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp. Cái mà mọi người hay nghe rằng xe tiêu thụ 1 lít cho 50 km ấy là trong điều kiện lý tưởng không ổ gà, ít gió, không leo dốc (khác xa với vận hành thực tế), các xe đem cho các nhà báo để thử nghiệm thực địa đã bị thay nhớt loãng để tiết kiệm xăng, trong khi thực tế vận hành lại dùng nhớt đặc. Chi phí mua xe chỉ chiếm khoảng từ 20% đến 30% chi phí, còn lại là chi phí vận hành của nó như: phí xăng dầu, bảo dưỡng.... Nên các bạn phải cân nhắc kỹ.
Cốp xe ga có thể tích lớn. Khi chứa đồ nhiều và nặng vào cua gây mất ổn định xe do bị dồn "hàng" trong cốp gây mất cân bằng tâm trọng lượng. Xe tay ga ra đời vì mục đích phục vụ các chị em phụ nữ mặc váy (lười sang số) chứ các đấng mày râu mà đi tay ga lạng lách xem ra không ổn chút nào.
Go home safely to your loved ones!!! Safety first!
Công Lý