Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Chai sữa đổ



(Theo Dân trí) - Tất cả chúng ta đều hiểu, chẳng có gì hay ho về chuyện làm đổ sữa. Nhưng câu chuyện này hoàn toàn khác. Tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh có thể hành xử theo cách này.

Gần đây tôi có nghe người ta kể về một nhà khoa học nổi tiếng. Ông đã tạo ra những đột phá rất quan trọng trong lĩnh vực y học. Một phóng viên đã phỏng vấn ông và hỏi rằng, tại sao ông nghĩ rằng mình có thể sáng tạo nhiều hơn so với những người bình thường? Điều gì đã khiến ông rất khác biệt với những người khác?

Nhà khoa học trả lời, theo ông, mọi chuyện hẳn bắt đầu từ một trải nghiệm từng có với mẹ ông. Sự việc xảy ra khi ông chỉ mới hai tuổi. Lúc đó, khi đang cố lấy một chai sữa trong tủ lạnh ra thì ông trượt tay và chai sữa rơi xuống đất, tung tóe tất cả lên sàn bếp, hệt như một biển sữa vậy!

Khi mẹ ông bước vào, bà không la mắng, cũng không dạy dỗ hay trách phạt gì, chỉ bảo ông, “Ồ, Robert, con đã tạo ra một cảnh lộn xộn tuyệt vời và thú vị thật đấy! Mẹ chẳng mấy khi thấy một vũng sữa lớn như vậy đâu. À, vậy là đã có thiệt hại rồi đây. Con có muốn ngắm nhìn và chơi với chỗ sữa đó một chút trước khi mẹ con mình dọn dẹp nó không?”.

Tất nhiên là Robert thích rồi. Sau một lát, mẹ cậu bảo: “Con biết không Robert, mỗi khi con tạo ra một sự lộn xộn thế này, rốt cuộc rồi con cũng sẽ phải dọn dẹp và sắp xếp lại mọi thứ trở về trật tự ban đầu. Vậy giờ con muốn làm thế nào? Chúng ta có thể dùng thìa hay khăn, hoặc chổi. Con thích cái nào hơn?”. Cậu bé đã chọn thìa và thế là hai mẹ con cùng nhau dọn dẹp chỗ sữa bị đổ.

Rồi mẹ Robert lại bảo, “Con biết không, điều mà chúng ta thấy được trong việc này là sự cố xảy ra khi bê một chai sữa to chỉ bằng đôi bàn tay bé xíu. Mẹ con mình hãy cùng ra phía sân sau và đổ lại đầy nước vào chai. Và con sẽ tìm ra cách để có thể bưng chai nước mà không làm rơi nó”. Thế là cậu bé đã hiểu rằng, nếu nắm chặt vào miệng bình bằng cả hai tay, cậu hoàn toàn có thể bưng chai sữa mà không làm đổ. Thật là một bài học tuyệt vời!

Nhà khoa học nổi tiếng đã ghi nhớ khoảnh khắc đó vì nó giúp cậu hiểu rằng, mình không nên sợ hãi khi mắc phải những sai sót.

Cùng với đó, cậu cũng học được một điều, lỗi lầm chính là những cơ hội để ta học hỏi một điều mới mẻ, cũng giống như những thí nghiệm khoa học sau này. Ngay cả khi không thành công, thường thì ta vẫn có thể học được điều gì đó từ nó.

Sẽ chẳng phải rất tuyệt vời hay sao nếu tất cả các bậc cha mẹ đều hành xử với con cái theo cách mẹ Robert đã làm với cậu.

Đỗ Dương
Theo Inspiring-quotes-and-stories


Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Chân dung Sài Gòn một thế kỷ

Đầu thế kỷ 20 đàn ông Nam bộ không còn búi tóc củ hành nên nghề cắt tóc ra đời; giày dép bắt đầu phổ biến làm xuất hiện nghề sửa giày... Ngày nay trên vỉa hè vẫn còn ông thợ hớt tóc dạo, người thợ sửa giày lâu năm...
> Sài Gòn và những vẻ đẹp đi cùng năm tháng
> Sài Gòn và những địa danh mang tên 'Ông', 'Bà'

Không còn hình ảnh lam lũ chân đất áo bà ba như xưa, nhưng trong mưu sinh người Sài Gòn ngày nay vẫn giữ những nét văn hóa cơ bản của đầu thế kỷ 20. 


Từ những năm 1910-1930, nam giới đã không còn búi tóc củ hành mà bắt đầu cắt tóc ngắn. Theo đó, nghề hớt tóc dạo đường phố ra đời. Đến nay, các tiệm cắt tóc, salon tóc đã chuyên nghiệp hơn, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích, nhưng thỉnh thoảng đâu đó trên vỉa hè đường phố Sài Gòn, dưới những bóng cây mát vẫn còn những người thợ cắt tóc bình dị, với những dụng cụ hành nghề rất đơn giản, nhỏ gọn.

Là phương tiện vận chuyển tiện lợi, taxi bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn - Chợ Lớn vào khoảng cuối những năm 40 và thịnh hành những năm 50 của thế kỷ 20. Trong ảnh là chiếc taxi năm 1970 (ảnh trên) và hiện nay (ảnh dưới).

Sài Gòn xưa có hàng nước, quán cóc bán trà đá, trà chanh…thì trên phố Sài thành hiện nay cũng phổ biến gánh hàng, bàn giải khát với đủ loại nước có ga, nước chanh, sâm lạnh, nước dừa...

Nghề đưa thư ở Sài Gòn bắt đầu phát triển từ đầu thế kỷ 20, chủ yếu là bằng chân, do các đoàn người vận chuyển từ nơi này đến nơi khác, chỉ một số ít thư được vận chuyển bằng xe. Khi đó đất phương Nam còn nhiều rừng rậm thú dữ nên nghề đưa thư khá nguy hiểm. Ngày này nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, máy móc thiết bị hiện đại nên việc thông tin liên lạc đã nhanh chóng, tiện lợi hơn nhiều lần.


Hình ảnh chiếc xe đẩy bán hủ tíu dạo gắn liền với văn hóa ẩm thực Sài Gòn hơn 100 năm nay. Những chiếc xe bán hủ tíu đến nay gần như vẫn còn giữ nguyên cách buôn bán lề đường, đặc biệt là là tiếng gõ “lách cách” đặc trưng. Ngày nay vẫn còn những tiệm bán hủ tíu trên 50 năm tuổi như các tiệm của người Hoa ở khu Chợ Lớn, trên đường Triệu Quang Phục (quận 5), đường Gia Phú (quận 6),...

Gánh hàng rong đã có từ rất lâu đời, và trở thành một nét văn hóa đặc trưng rất Sài thành. Trải bao thăng trầm dâu bể của thời cuộc, gánh hàng rong ngày nay không khác xưa là mấy, vẫn đơn sơ quà vặt, bình dị những tiếng rao.

Nghề sửa giày bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, cho đến nay đã trở thành một trong những nghề thủ công lâu đời nhất tại Sài Gòn. Sửa giày được xem là một nghề khá nhàn nhã, thu nhập không cao nhưng ổn định, bất cứ khi nào cũng có việc để làm. Ngày nay, nghề sửa giày ít nhiều đã bị mai một, nhưng vẫn có thể bắt gặp những người thợ già đang miệt mài đóng giày trên hè phố, nhất là ở các đường Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng (quận 1)...
Lê Phương - Mai Nhật
(Ảnh tư liệu Sài Gòn xưa tổng hợp từ nhiều nguồn)