Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Chân dung Sài Gòn một thế kỷ

Đầu thế kỷ 20 đàn ông Nam bộ không còn búi tóc củ hành nên nghề cắt tóc ra đời; giày dép bắt đầu phổ biến làm xuất hiện nghề sửa giày... Ngày nay trên vỉa hè vẫn còn ông thợ hớt tóc dạo, người thợ sửa giày lâu năm...
> Sài Gòn và những vẻ đẹp đi cùng năm tháng
> Sài Gòn và những địa danh mang tên 'Ông', 'Bà'

Không còn hình ảnh lam lũ chân đất áo bà ba như xưa, nhưng trong mưu sinh người Sài Gòn ngày nay vẫn giữ những nét văn hóa cơ bản của đầu thế kỷ 20. 


Từ những năm 1910-1930, nam giới đã không còn búi tóc củ hành mà bắt đầu cắt tóc ngắn. Theo đó, nghề hớt tóc dạo đường phố ra đời. Đến nay, các tiệm cắt tóc, salon tóc đã chuyên nghiệp hơn, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích, nhưng thỉnh thoảng đâu đó trên vỉa hè đường phố Sài Gòn, dưới những bóng cây mát vẫn còn những người thợ cắt tóc bình dị, với những dụng cụ hành nghề rất đơn giản, nhỏ gọn.

Là phương tiện vận chuyển tiện lợi, taxi bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn - Chợ Lớn vào khoảng cuối những năm 40 và thịnh hành những năm 50 của thế kỷ 20. Trong ảnh là chiếc taxi năm 1970 (ảnh trên) và hiện nay (ảnh dưới).

Sài Gòn xưa có hàng nước, quán cóc bán trà đá, trà chanh…thì trên phố Sài thành hiện nay cũng phổ biến gánh hàng, bàn giải khát với đủ loại nước có ga, nước chanh, sâm lạnh, nước dừa...

Nghề đưa thư ở Sài Gòn bắt đầu phát triển từ đầu thế kỷ 20, chủ yếu là bằng chân, do các đoàn người vận chuyển từ nơi này đến nơi khác, chỉ một số ít thư được vận chuyển bằng xe. Khi đó đất phương Nam còn nhiều rừng rậm thú dữ nên nghề đưa thư khá nguy hiểm. Ngày này nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, máy móc thiết bị hiện đại nên việc thông tin liên lạc đã nhanh chóng, tiện lợi hơn nhiều lần.


Hình ảnh chiếc xe đẩy bán hủ tíu dạo gắn liền với văn hóa ẩm thực Sài Gòn hơn 100 năm nay. Những chiếc xe bán hủ tíu đến nay gần như vẫn còn giữ nguyên cách buôn bán lề đường, đặc biệt là là tiếng gõ “lách cách” đặc trưng. Ngày nay vẫn còn những tiệm bán hủ tíu trên 50 năm tuổi như các tiệm của người Hoa ở khu Chợ Lớn, trên đường Triệu Quang Phục (quận 5), đường Gia Phú (quận 6),...

Gánh hàng rong đã có từ rất lâu đời, và trở thành một nét văn hóa đặc trưng rất Sài thành. Trải bao thăng trầm dâu bể của thời cuộc, gánh hàng rong ngày nay không khác xưa là mấy, vẫn đơn sơ quà vặt, bình dị những tiếng rao.

Nghề sửa giày bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, cho đến nay đã trở thành một trong những nghề thủ công lâu đời nhất tại Sài Gòn. Sửa giày được xem là một nghề khá nhàn nhã, thu nhập không cao nhưng ổn định, bất cứ khi nào cũng có việc để làm. Ngày nay, nghề sửa giày ít nhiều đã bị mai một, nhưng vẫn có thể bắt gặp những người thợ già đang miệt mài đóng giày trên hè phố, nhất là ở các đường Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng (quận 1)...
Lê Phương - Mai Nhật
(Ảnh tư liệu Sài Gòn xưa tổng hợp từ nhiều nguồn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét