Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

CÁC BÀI VĂN CÚNG TRONG DỊP TẾT NHÂM THÌN VÀ HƯỚNG XUẤT HÀNH


Theo: Blog Nguyễn Xuân Diện

 


Thưa chư vị, 

Nhân dịp đón Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn, xin cung hiến quý vị những bài văn cúng trong dịp Tết, do tôi sưu tầm được. Hôm nay là 25 Tết, tôi đưa sớm các bài này lên để chư vị sắp xếp in ra để dùng, vì không phải nhà nào cũng có máy in.

VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA NGOÀI TRỜI

Nam mô A Di Đà Phật! ( 3 lần )
Kính lạy :
- Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
- Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn Thần.
- Ngài Cựu Niên Trịnh Vương hành khiển, Liễu Tào phán quan.
- Đương niên Sở Vương hành khiển; Thủy Tinh chí đức tôn thần, Biểu Tào phán quan năm Nhâm Thìn. 
- Các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần.

Nay là phút giao thừa năm Mậu Tý
Chúng con là.................
Ngụ tại ......................

 
Phút thiêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay Ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng Đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều đế khuyết, lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh. 

Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên Đương cai, Ngài Tân niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Ngài Bản cảnh Thành Hoàng, Chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc Đức Chính Thần, các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các Bản gia Táo Quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. 

Nguyện cho tín chủ: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.

Ghi chú: Ngoài việc đứng trước bàn thờ (ngoài sân) khấn nguyện theo nội dung trên, quý vị sau khi cúng nên hóa bản văn khấn ngay rồi tưới một ít rượu cúng lên để gửi đến Ngài Đương niên hành khiển. Vì khi ấy trên trời đang nhộn nhịp gấp gáp diễn ra các cuộc bàn giao, nên có thể các Ngài không kịp nghe lời tâu bày thỉnh nguyện, nếu quý vị hóa văn bản này tức là đã kịp gửi văn bản thì sau Tết, rảnh rang, các ngài Thư ký sẽ trình lên Ngài Đương niên.

VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA TRONG NHÀ

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Kính lạy:
- Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
- Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị tôn Thần.
- Long Mạch, Táo Quân, chư vị Tôn Thần.
- Các cụ Tổ Tiên nội, ngoại chư vị tiên linh.

Nay phút giao thừa năm Canh Dần, 
Chúng con là...........................
Ngụ tại.............................................

Phút giao thừa vừa tới, nay theo vận luật , tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu Xuân, đón mừng Nguyên Đán, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, tiến cúng Tổ Tiên, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con xin kính mời:

Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc Đức Chính Thần, các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long Mạch Tài Thần, các Ngài Bản gia Táo Quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Con lại kính mời các cụ tiên linh Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội, nội ngoại tộc chư vị hương linh cúi xin giáng về linh sàng hâm hưởng lễ vật. 
 
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh Tiền chủ, Hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này. Nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. 

Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.

VĂN KHẤN THẦN LINH TRONG NHÀ (MÙNG 1)

Nam Mô A Di Đà Phật!(3 lần)
Kính lạy:
- Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.
- Phật Trời, Hoàng Thiên Hậu Thổ.
- Chư vị Tôn Thần. 

Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng, nhằm ngày Tết Nguyên Đàn đầu xuân, giải trừ gió đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên Đán xuân thiên, mưa móc thấm nhuần, muôn vật tưng bừng đổi mới. Nơi nơi lễ tiết, chốn chốn tường trình. 

Tín chủ con là ................................
Ngụ tại .............................................. 

Nhân tiết minh niên sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần. Thiết nghĩ Tôn Thần hào khí sáng loà, ân đức rộng lớn. Ngôi cao vạn trượng uy nghi, vị chính mười phương biến hiện. Lòng thành vừa khởi, Tôn Đức cảm thông. Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho chúng con mọi người hoan hỷ vinh xương, con cháu cát tường khang kiện. Mong ơn Đương Cảnh Thành Hoàng, đội đức Tôn Thần Bản xứ. Hộ trì tín chủ, gia lộc gia ân, xá quá trừ tai. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý. 

Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.

VĂN KHẤN TỔ TIÊN NGÀY MÙNG 1 TẾT

Nam Mô A Di Đà Phật!
Kính lạy:
- Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật .
- Các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội, đường thượng tiên linh các hương hồn nội tộc, ngoại tộc. 

Nay theo Tuế luật, Âm Dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mồng Một đầu xuân mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên, như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng lên trước án. 

Kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại. Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, hâm hưởng lễ vật. Phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời: các vị vong linh, tiền chủ , hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng. 

Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.

VĂN KHẤN LỄ TẠ NĂM MỚI (MÙNG 3)

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Kính lạy:
- Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.
- Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân,
Long Mạch Tôn Thần
- Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh. Hôm nay là ngày mồng Ba tháng Giêng năm Canh Dần

Tín chủ chúng con ..........................
Ngụ tại .......................................... 

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới. Kính xin: lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.


Giờ và hướng xuất hành:

Năm Nhâm Thìn, hướng xuất hành tốt nhất là hướng ĐÔNG NAM.
Các ngày tốt: Mùng Một, mùng Hai, mùng Sáu và mùng Tám.

Các giờ tốt:
Mùng 1:  5-7, 9-11, 15-17
Mùng 2:  7-11, 13-15
Mùng 6:  5-7, 11-13, 15-19
Mùng 8:  7-11, 13-15

Kính chúc chư vị đón Tết Nhâm Thìn giản dị, trang nghiêm, thành tâm và đúng nghi lễ!
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện sưu tầm và bái chúc!

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

TRANH LÀNG SÌNH - NÉT ĐẸP CỦA VĂN HOÁ DÂN GIAN XỨ HUẾ


Trang Thanh Hiền   



Trong số những làng tranh dân gian còn tồn tại đến ngày hôm nay, thì Làng Sình được xem là một trong những làng mà nghề làm tranh vẫn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian hiện nay.

Làng Sình hay còn gọi là làng Lại Ân thuộc xã Phú Mậu - huyện Phú Vang, cách thành phố Huế khoảng 9km về phía Đông. Nằm trên điểm hợp lưu giữa con sông Bồ với sông Hương rất thuận tiện cho việc giao thương, làng Sình không chỉ nổi danh với nghề làm tranh, mà còn là một làng cổ nổi tiếng với chùa Sùng Hoá từng được ghi trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An vào thế kỷ XVI. Hàng năm vào ngày 10 tháng giêng, làng còn nổi tiếng với có lễ hội vật, có nghề làm hương, làm hạt bỏng để cúng. Có lẽ do những truyền thống này mà nghề in tranh mộc bản ở Sình, ngay từ khi ra đời đã không thuần túy là dòng tranh phục vụ cho các thú chơi tao nhã, mà chủ yếu là nhu cầu tín ngưỡng, dùng để thờ để hóa trong các lễ cầu an, giải hạn.

Với địa thế giao thương thuận tiện, tranh Sình dường như đã chiếm lĩnh thị trường khắp các tỉnh miền Trung từ Huế đến Quảng Trị, Quảng Nam - Đà Nẵng đến tận Quảng Ngãi. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là ở Huế, thậm chí chúng còn xuất hiện trong cung cấm trong các lễ cúng tế cầu tự dân gian do các bà tổ chức một cách kín đáo bên cạnh các nghi lễ chính thống cung đình. Xuất hiện, tồn tại, thăng trầm trong mấy trăm năm qua tranh làng Sình đã cộng nhập những dấu ấn lịch sử và những giá trị văn hoá nhân văn của cộng đồng làng xã.

Khác với dòng tranh Đông Hồ có chủ đề quán xuyến hầu hết mọi mặt của đời sống và tinh thần của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ với lối biểu đạt trào lộng và dí dỏm, tranh Sình dường như chỉ tập trung vào hai công năng: thờ và cúng. 
 


Về đề tài tranh Sình chia làm ba thể loại chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Tranh nhân vật thường là tranh thế mạng hoặc các tranh trang ông, trang bà, trang bếp (tranh bổn mạng) là những vị thần bổn mạng bảo trợ cho gia chủ loại này thường dán trên tường cuối năm mới đốt, còn tất cả tranh khác đều đốt hóa cùng với vàng bạc hàng mã khi cúng xong. Tranh súc vật là những bức in hình 12 con giáp cúng cho tuổi của mỗi gia chủ hoặc tranh các loài gia súc trâu, bò, heo, ngựa treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, hay mong cho nghề nghiệp được hưng vượng, tranh các linh thú như voi, cọp thì dùng dâng cúng nơi các miếu cầu mong cho chúng không giáng họa cho người. Tranh đồ vật là tranh in hình các loại áo quần, khí dụng như cung tên hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí.

Về kỹ thuật và chất liệu, tranh Sình cũng giống như đa phần các dòng tranh dân gian xưa, như Đông Hồ, Hàng trống với lối in tranh mộc bản. Bao gồm các công đoạn khá cầu kỳ: khắc bản gỗ, in tranh trên giấy điệp, rồi tô màu. Mỗi công đoạn này lại được hợp thành từ rất nhiều nguồn khác nhau. Như để có giấy để in tranh người ta phải đi cất giấy, ở các vùng khác đến, hoặc từ Bắc vào. Nguyên liệu để quét hồ điệp cũng phải đi khai thác ở các vùng đầm phá nước lợ ở ven biển như đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trải dọc theo bờ biển Thừa Thiên Huế, sau đó đem về giã, rồi hồ quét. Làng Sình ngày xưa còn được gọi là làng làm giấy bồi hồ điệp, không chỉ dùng cho nghề in tranh mà còn làm cả những công việc khác. Màu in thì đa phần dùng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, sau đó quá một quá trình xử lý rất nghiêm ngặt để làm sao khi màu được tô lên tranh không bị phai.

Việc lấy những nguyên liệu màu sắc này cũng có nét giống với tranh Đông Hồ, nhưng cũng bao hàm cả những sản vật địa phương, hoặc kinh nghiệm dân gian để có được những sắc thái khác nhau. Nếu những sắc của tranh Đông Hồ thường chỉ có vài màu cơ bản, bằng cách chồng màu của các loại ván in khác nhau khiến cho màu của tranh khá phong phú. Thì tranh làng Sình, lại giống với tranh Hàng Trống là chỉ in một bản khắc nét đen, sau đó màu được tô vào các chi tiết. Cách tô màu này thường là tô mảng phẳng, và tô một lần, chứ ít khi được tô chồng màu. Nó cũng không tô theo kiểu lấy đậm nhạt bằng việc hòa thêm nước cho các màu để tạo bóng nổi như ở tranh Hàng Trống. Chính đặc điểm này, khiến cho màu của tranh làng Sình, phải pha chế nhiều sắc hơn.




Như màu vàng, nếu tranh Đông Hồ chỉ có vàng hoa hòe, thì tranh Sình còn có thêm vàng từ là cây Đung. Hai thứ màu này trộn lẫn với nhau tạo được một sắc vàng đằm hơn và cũng bền hơn. Màu đỏ thì làm từ vỏ cây dương liễu và lá bàng, hoặc gỗ cây trâm chẻ nhỏ, nấu với nước cho đến khi cô lại đặc sánh. Màu lục là hỗn hợp của hai loại nước được sắc từ lá bông ngọt và lá mối. Màu tím được chế từ hạt mồng tơi giã nhỏ, vắt thành nước phèn pha với phèn chua để giữ màu. Màu chàm làm từ lá cây tràm ngâm vôi cho rữa nát, đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào và cô đặc lại. Màu xám làm từ lá gai phơi khô, giã nhỏ và sắc lại. Màu đen là hỗn hợp giữa lá bàng quết với tro rơm rạ đã được ủ kín. 


 
Đặc biệt hơn nữa là các bút chổi dùng để tô vẽ của tranh làng Sình cũng là một trong những sản vật điạ phương. Bút tôi màu thường được làm từ rễ gốc rứa, cắt vào một thời điểm nhất định trong năm, sau đó đem phơi và khoanh đầu lột vỏ để chừa phần ruột trong vừa đủ xơ, mềm để có thể ngấm mực phết màu như bút lông. Các loại bút rễ gốc rứa này cũng có rất nhiều các kích thước khác nhau để đáp ứng việc tô các loại nét khác nhau với các thể loại tranh khác nhau.

Với tranh làng Sình xưa kia, cho dù là đồ hóa mã, nhưng cái nét tinh tế vẫn được bộc lộ một cách rõ ràng. Đặc biệt như bộ tranh Bát âm một trong số hiếm thể loại tranh có thể dùng để treo chơi trong dòng tranh này đòi hỏi sự tinh tế trong khắc ván cũng như tô màu. Ta có thể thấy trên các trang phục của các cô tố nữ có sự cầu kỳ từng chi tiết, như huê cài áo, huê giắt đầu, cho đến các văn đồng tiền, chữ thọ đến các đôi hài của các cô, đến các nhạc cụ của các cô cầm trên tay. Nét khắc của bộ tranh này khá mảnh, nhiều chi tiết nên bản khắc thường không sâu. Tuy nhiên trên một số ván khắc khá thì việc chú đến các mảng đặc và mảng rỗng cũng khá rõ ràng. Điều này tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa tranh làng Sình với tranh Đông Hồ hay Hàng Trống, và đậm dấu văn hóa Huế. Như trong tranh thế mạng: đàn ông thì mặc áo dài, khăn đóng, cầm quạt, hoặc cầm bút, đàn bà thì mặc áo the, khăn xếp cầm quạt hoặc cầm bông hoa. Nếu ở tranh Đông Hồ hay Hàng Trống, các ván khắc thường ít khi dùng các mảng lớn bởi khi in sẽ không đều mực, mà tạo nên các nét mực đọng, mà họ thường hoạch định các ván nhỏ hơn để tạo các mảng lớn. Nhưng ở tranh làng Sình, những chiếc áo the của các cậu ấm thường là mảng đặc điểm xuyết các văn đồng tiền để tránh các nhược điểm trên. Đồng thời với những ván in như vậy đòi hỏi người in tranh phải có một tay nghề khá cao để có thể tạo nên màu nhung huyền cho chiếc áo the.



Những chiếc áo the này, và trang phục của những cô tô nữ cho thấy cái nét thẩm mỹ của vùng đất kinh kỳ. Những trang phục của các ông hoàng bà chúa trong cung đình đã được đơn giản hóa, hình tượng hóa để trở thành các trang ông, trang bà... Kể cả cách tô màu rực rỡ, điểm xuyết giữa những mảng, sự xen kẽ của màu ngũ sắc trên các chi tiết khác nhau đã phản ánh rất rõ nét cái gu thẩm mỹ của người Huế. Nếu so sánh các kiểu dạng trang phục của tranh trang bà với dòng tranh thờ Đạo Mẫu phía Bắc, ta cũng có thể nhặt ra được các nét tương đồng trong bố cục. Tuy nhiên về tinh thần chúng đã hoàn toàn khác nhau. Sự cầu kỳ của lối trang sức vòng xuyến và các diềm thêu ren của vân kiên phủ vai các bà hoàng này là đặc trưng cho hai lối trang phục của hai miền. Kể cả các hồi văn và chữ triện cũng được chú trọng hơn. Cái khăn xếp đội đầu của bà hoàng lẫn con hầu cũng rất cầu kỳ, chứ không phải lối khăn vấn như ở tranh Thánh mẫu miền Bắc. Cho dù trên các ván khắc mới hiện nay của tranh làng Sình, do trình độ tay nghề, cũng như do sự mai một của làng nghề các chi tiết cầu kỳ này dường như đã bị giản lược đi rất nhiều. Người ta có thể chỉ còn nhìn thấy tính đại khái trong việc tạo ra các chi tiết, nhưng trên các mảng trống đó cái dư âm của lối thẩm mỹ nơi đất thần kinh dường như vẫn phảng phất, mặc dầu đã không còn được chăm chút một cách thích đáng.

Hơn nữa, nếu trên tranh Đông Hồ, Hàng trống, người ta còn thấy những ảnh hưởng rất rõ nét của văn hóa Trung Hoa trên một số mảng đề tài, hay một số kiểu dạng tranh, thì trên tranh Làng Sình nhân tố này có lẽ đã trở nên thuần túy hơn. Tính cầu kỳ và ảnh hưởng từ nghệ thuật trang phục cung đình là rõ rệt, nhưng hoàn toàn giải Hoa. Đặc biệt trên các tranh súc vật hay đồ vật thì lại mang hoàn toàn lối thẩm mỹ cũng như các nhìn dân gian. Sự ngô nghê trong các tạo hình, chỉ để người ta có thể nhận ra đó là con vật gì, chứ không có sự cách điệu hay tạo ra các tiêu chuẩn tạo hình. ở các ván khắc các con vật này lối biểu hình coi trọng mảng đặc và mảng rỗng như được thể hiện ra trên các tranh nhân vật.

Ngày nay, trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế, tranh Sình vẫn có mặt như một phần không thể thiếu, nhưng cái cốt cách, hồn vía xa xưa của một thời thịnh vượng dường như đã không còn nữa. Những bộ ván cổ thất lạc cùng thời gian, mục nát cùng những mùa lũ hàng năm. Thêm vào đó sự xuất hiện rất nhiều thứ tranh tượng lòe loẹt của các đồ cúng đồ thờ cao cấp Trung hoa, khiến dòng tranh ngày thêm mai một. Thêm vào đó tính chất nhất thời của các bức tranh làm ra chỉ để hóa mã chứ không phải để treo như lối chơi tranh Tết của Đông Hồ, Hàng Trống, nên càng ngày tính chất đại khái và rẻ tiền của các nguyên vật liệu làm tranh càng được ưa chuộng hơn. Điều đó làm tranh làng Sình đã không còn giữ được cái phong vị vốn có một thời. Đây cũng là một điều đáng tiếc. Và do vậy vấn đề bảo tồn tranh làng Sình như một nét đẹp lâu đời của vùng đất kinh kỳ này rất đáng được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền.


T.T.H

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Cuộc tranh luận thú vị giữa “bầu sữa” và “bình sữa”



(Theo: Dân trí) - Trước một rừng truyền thông và cả những chiêu trò khuyến mại hấp dẫn, nhiều bà mẹ “loạn” vì không biết sữa nào thực tốt? Cuộc trò chuyện giữa 2 bà mẹ dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời?
Cùng tới công viên vào một ngày nắng đẹp, 2 người phụ nữ rạng rỡ trong niềm hạnh phúc bên những cô cậu bé đáng yêu như những thiên thần. Sau khi chọn được vị trí nghỉ ngơi ưng ý, 2 người mẹ đã cùng nhau chia sẻ bao điều nhưng nhiều nhất vẫn là kinh nghiệm nuôi con. Và thật tình cờ, tôi đã được nghe cuộc đối thoại này:

Bà mẹ “sữa bình”: Nhóc nhà chị được bao nhiêu cân rồi? Trộm vía, công chúa nhà em được 6,5 ki-lô rồi đấy.

Bà mẹ “bầu sữa”: Cu tí mình được 5 cân hơn thôi.

Bà mẹ “bình sữa”: Vậy hay chị chuyển qua loại sữa bột… em đang dùng đi. Nhóc nhà em lên cân vậy là nhờ sữa này đó. Mà lại còn được rất nhiều khuyến mãi nữa chị, toàn đồ chơi đẹp và trí tuệ thôi, thích lắm.

Bà mẹ “bầu sữa”: Cân nặng của nhóc nhà chị vậy nhưng là đúng với chuẩn tăng trưởng của trẻ đấy. Chị cũng mua đồ chơi cho con đây này.

Bà mẹ “bình sữa”: Đẹp và xịn quá! Chắc giá mắc phải không chị? Chị chuyển qua sữa như em nè, đồ chơi miễn phí mà con lại tăng cân tốt.

Bà mẹ “bầu sữa”: Uh, đồ chơi chất lượng nên giá không thấp rồi nhưng mua sữa như em cũng đâu có rẻ. Chị chia sẻ thật lòng, em đừng giận nhé! Sữa bột tốt đến mấy vẫn chỉ là đồ hộp thôi.

Em để ý không, từ trẻ em cho tới người già, ai ai cũng chuộng sữa tươi nguyên chất. Thế nên, nhiều nhà kinh doanh mới phải nhấn bằng những từ rất mạnh như 100%, “thật sự” tự nhiên… trong các quảng cáo sữa của họ. Nhiều thương hiệu khác thấy được nhu cầu này, chẳng đã “hô biến” sữa hoàn nguyên thành sữa tươi nguyên chất… khiến người tiêu dùng bức xúc, tẩy chay đấy thôi.

Rồi nữa, anh xã nhà chị ở Nga về bảo sữa mẹ ở đó được ưu tiên lắm bởi ngay cả những trường hợp đặc biệt không thể nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ sẽ chỉ định một loại sữa tươi dành cho trẻ sơ sinh được mang tới hằng ngày và dùng đến khi nào mẹ có thể cho bú lại, chứ không phải là bất kỳ loại sữa bột công thức vượt trội nào đâu.

Một điểm nữa, bản thân chúng ta đều rất thích ăn đồ tươi ngon, đồ hộp, đồ đông lạnh chỉ là hãn hữu. Đó là vì nó không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn thực sự ngon nữa. Vậy thì sao mình lại cho những thiên thần non nớt như thế này phải ăn sữa hộp trong khi mình có sữa tươi xịn 100%?

Bà mẹ “bình sữa”: Chị nói thật đúng nhưng sữa mẹ sao đủ dinh dưỡng bằng sữa bình?  Sữa bột được bổ sung đầy đủ, thậm chí còn được tăng cường gấp bao nhiêu lần những dưỡng chất thiết yếu giúp con mình lên cân tốt, thông minh, khỏe mạnh. Em thấy bảo mình ăn đồ tươi thật đấy nhưng quan trọng còn là hấp thụ thế nào và liệu có thể ăn đủ ngần đó lượng thức ăn để cơ thể tiết ra đúng lượng vitamin, khoáng chất mình cần không? Ví như phải ăn cả cân cá hồi mới cung cấp đủ nhu cầu DHA của cơ thể… Mình không ăn được vậy thì là sữa của mình sẽ thiếu chất đó rồi…

Bà mẹ “bầu sữa”: Em à, đúng là hàm lượng các vi chất trong thực phẩm không nhiều nhưng những thực phẩm có vi chất đó lại rất phong phú. Như DHA chẳng hạn, không phải riêng các hồi đâu mà trứng, thịt gà, tôm hấp, rau lá xanh đậm… đều rất phong phú chất này. Đây cũng là những thực phẩm rất giàu các vi chất quý giá khác như vitamin A, D cũng như những axit amin quý giá….

Mỗi ngày, mình ăn đủ 4 nhóm thực phẩm là đường - tinh bột (gạo, bắp, nếp…), đạm (thịt, cá, trứng, sữa), chất béo (các chất béo không no), vitamin và muối khoáng (rau, củ quả) với cách chế biến hợp vệ sinh, chia làm 6 - 8 bữa trong ngày thì khi vắt trọn bầu bú mẹ, sữa có thể đặc sánh với lượng dinh dưỡng nổi lên có thể chiếm tới một nửa cốc đấy.

Bà mẹ “bình sữa”: Lúc mới sinh, em cũng gắng đấy chứ nhưng thấy cân nặng nhúc nhích tăng, sữa cảm giác về không nhiều, không đủ cho bé bú, bé cũng nhanh đói nữa vì sữa em loảng, trong veo í chị ạ. Cả nhà sợ cháu không tăng cân, em lo quá nên chuyển qua sữa bình. Dùng sữa này thấy ổn hơn hẳn, bé no lâu hơn, em cũng không phải ăn quá nhiều nữa…
Hãy nhìn ánh mắt của 2 em bé này, bạn sẽ hiểu sợi dây kết nối tình cảm mẹ con bắt đầu từ đâu...

 
Bà mẹ “bầu sữa”: Mới sinh sữa sẽ về chưa nhiều là chuyện bình thường mà. Chị cũng vậy thôi nhưng nếu em tin tưởng, quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ, nguồn sữa sẽ được sản sinh nhanh chóng. Bởi tinh thần rất quan trọng nhé, chỉ huy tất cả đấy.

Em có muốn thì hooc-môn tăng sữa mới tiết ra nhiều, rồi em sẽ chăm cho con bú nhiều hơn, em cũng sẽ học được rằng phải cho con bú hết một bên bầu vú rồi mới chuyển sang bên kia bởi sữa càng cuối là sữa càng đặc, càng chất lượng và khi làm như vậy, sữa tốt sẽ càng được sản sinh nhiều. Rồi em sẽ tích cực ăn uống hơn để con có sữa tốt nhất. Những lúc có chút lo lắng, sữa về chưa được nhiều, em sẽ biết là phải uống một cốc sữa nóng để tăng tiết sữa nhanh, rồi nghỉ ngơi, chia sẻ để hết lo, tinh thần phấn chấn trở lại… sữa sẽ lại về dồi dào, vắt đi chẳng hết ý chứ…

Còn vụ tăng cân của mẹ, em cũng đừng lo lắng. Em cứ cho con bú mẹ 100% và thực hiện đúng cách như chị nói, trọng lượng của em sẽ không tăng nhiều đâu. Mà đến khi đi làm rồi cai sữa, đa phần chúng ta đều giảm cân đó em. Nếu cơ địa mình dễ tăng cân thì tập thêm thể dục và nhờ bác sĩ tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng nữa.

Bà mẹ “bình sữa”: Nghe chị nói thú vị thật đấy nhưng em thấy nuôi sữa bột vẫn nhàn hơn vì không phải nấu nướng cho mẹ; mẹ cũng sạch sẽ, giữ phom tốt hơn và quan trọng là bé lại tăng cân nhiều hơn, nên em thấy yên tâm hơn.

Bà mẹ “bầu sữa”: Ăn uống của mẹ dù cho con bú hay không vẫn phải đảm bảo vì thời kỳ nuôi con rất vất vả, mình ốm thì ai chăm con, chưa kể còn có thể lây bệnh cho con nữa…

Đúng là cho bú bình, mẹ sẽ sạch sẽ, gọn gàng hơn nhưng em sẽ phải sắm nhiều bình, nhiều núm vú rồi liên tục phải vệ sinh dụng cụ, đồ dùng mỗi khi cho bé ăn bằng cách luộc sôi hay sử dụng máy tiệt trùng… Hộp sữa mở ra mở vào nhiều, hạn sử dụng ngắn... cũng gây ra các vấn đề không nhỏ đâu.

Đêm đêm, khi bé đói, nếu ủ sữa sẵn thì không yên tâm vì sợ sữa lên men mà dậy vài lần bật đèn, pha sữa… thì cũng đâu gọi là nhàn. Còn như chị, chỉ cần kéo áo, vệ sinh quầng và núm vú là có thể cho con bú bất kỳ đâu rồi…

Còn tăng cân, quan trọng là con phát triển theo đúng biểu đồ tăng trưởng và khỏe mạnh. À nữa, tăng cân chỉ là 1 tiêu chí thôi nhé, cái chính là con khỏe mạnh ít bệnh tật. Em chắc cũng đọc nhiều rồi, các nghiên cứu đều chứng minh rằng sữa mẹ rất nhiều kháng thể, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của con đấy! Những kháng thể sống từ cơ thể mẹ chắc chắn phải xịn hơn gấp nhiều lần những chất có trong đồ hộp chứ, đúng không em?


Cuộc trò chuyện đột ngột dừng lại khi 2 em bé cùng oe oe thức giấc. Hai bà mẹ chăm chú nựng nịu và ôm con vào lòng. Trong khi bà mẹ “bầu sữa” vừa nựng nịu vừa nhẹ nhàng vén áo để cái miệng tròn vo ôm trọn lấy bầu vú thì bà mẹ “sữa bình” gọi người giúp việc đứng gần đó lại, lấy ra túi ủ sữa, cầm bình sữa rỏ thử sữa vào cổ tay xem còn quá nóng không. Sau khi lắc đi lắc lại một chút cho sữa giảm bớt nhiệt độ trong tiếng nựng nịu không ngớt của bà mẹ “sữa bình”, khuôn miệng xinh xắn cũng được ôm trọn lấy núm vú.

Ngắm 2 bà mẹ trẻ say sưa cho con ăn, tôi chợ nhớ lại cách đây 7 năm, khi con trai tôi 1,5 tuổi. Những ngày đó, trưa và chiều nào tôi cũng thu xếp để về với con thật sớm bởi tôi không muốn nhóc tì chờ mẹ không ngủ và yêu lắm cảm giác háo hức, vồ vập của cậu con trai nhỏ tuổi, chẳng kịp để mẹ rửa tay, thay quần áo, cứ vội nhào vào mẹ. Mẹ chỉ kịp ngồi xuống, vệ sinh nhanh bầu vú, là cái miệng nhỏ xinh đã ôm trọn lấy, mỗi tay ôm 1 bầu ngực mẹ và rồi bàn chân xinh xinh bắt đầu đập đập theo nhịp nhạc, mắt hấp háy nhìn mẹ, nhoẻn cười mà không rời vú mẹ. Phải đến câu chuyện nào thú vị lắm, cu cậu mới nhả ra 1 chút, cười toe nịnh bợ rồi lại vồ vập vào bầu sữa ngay.

Mong sao, 2 người mẹ trẻ đang hạnh phúc ngập tràn bên những đứa con đáng yêu kia cũng sẽ có được những giây phút thăng hoa, hạnh phúc nhất trong cuộc đời đó.

Thu Phương

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

LỄ ĐẦY THÁNG BÉ NU


Ý Nghĩa Lễ Cúng Mụ


Lễ cúng Mụ (đầy cữ, đầy tháng, đầy năm)

Ông bà ta xưa quan niệm rằng đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai), Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra ban cho.

Ý nghĩa:

Ông bà ta xưa quan niệm rằng: Đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai), Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra ban cho. Thường thì sau 7 ngày (với bé trai ) hay 9 ngày (với bé gái ) sau khi sinh thì người ta làm lễ cúng đầy cữ, để tạ ơn Bà Mụ, và xin Bà phù hộ và tập dạy cho cháu biết cười, lật, bò, đứng, đi, ăn, nói...

Được 1 tháng thì có lễ đầy Tháng, cũng là để tạ ơn Bà Mụ, xin phép Bà Mụ đặt tên cho đứa trẻ.

Khi trẻ đầy 1 năm thì làm lễ đầy tuổi, còn gọi là thôi nôi.
Vì vậy, khi đứa trẻ đầy cữ, đầy, đầy năm; bố mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành.

Văn khấn lễ cúng Mụ


Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

- Con kính lạy Đệ nhất Thiên tỷ đại tiên chúa.
- Con kính lạy Đệ nhị Thiên đế đại tiên chúa.
- Con kính lạy Đệ tam Tiên Mụ đại tiên chúa.
- Con kính lạy Thập nhị bộ Tiên Nương
- Con kính lạy Tam thập lục cung chư vị Tiên Nương

Hôm nay là ngày 12 tháng 01 năm 2012
Vợ chồng con là Trần Phước Duy Trác & Văn thị Hoàng Lan . sinh được con gái đặt tên là Trần Phước Quỳnh Lam.
Chúng con ngụ tại:09 nguyễn bỉnh khiêm - Q1 - Tp. Hồ Chí Minh
Nay nhân ngày đầy tháng (đẫy cữ, đầy năm) chúng con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng bầy lên trước án, trước bàn tọa chư vị Tôn thân kính cẩn tâu trình:
Nhờ ơn thập phương chư Phật, chư vị Thánh hiền, chư vị Tiên Bà, các đấng thần linh, Thổ công địa mạch, Thổ địa chính thần, Tiên tổ nội ngoại, cho con sinh ra cháu tên là
Trần Phước Quỳnh Lam. sinh ngày: 13.12.2011  được mẹ tròn con vuông.

Cúi xin chư vị tiên Bà, chư vị Tôn thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì, vuốt ve che chở cho cháu được ăn ngoan, ngủ yên, hay ăn chóng lớn, vô bệnh vô tật, vô tai, vô ương vô hạn, vô ách, phù hộ cho cháu bé được tươi đep, thông minh, sáng láng, thân mệnh bình yên, cường tráng, kiếp kiếp được hưởng vinh hoa phú quí. Gia đình con được phúc thọ an khang, nhân lành nảy nở, nghiệp dữ tiêu tan, bốn mùa không hạn ách nghĩ lo.
Xin thành tâm đỉnh lễ, cúi xin được chứng giám lòng thành.
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

Thủ tục làm lễ thôi nôi đầy tháng cho con



Lễ đầy tháng - lễ thôi nôi là một trong nhiều nghi lễ gắn liền với cuộc đời của mỗi con người.
Đây là nghi lễ mà qua đó không chỉ khẳng định sự hiện hữu của một con người - một thành viên mới trong xã hội, mà còn khẳng định vai trò của gia đình và xã hội đối với thành viên mới, thế hệ mới.
Tuy đây là hình thức tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ mẫu, nhưng qua đó cho thấy tín ngưỡng dân gian nói chung luôn hướng con người không chỉ biết có hiện tại, tương lai, mà còn nhận rõ truyền thống văn hóa mang tính bản sắc của gia đình - xã hội. Đồng thời Lễ đầy tháng - lễ thôi nôi còn là sự biểu hiện của những ước muốn tốt đẹp của các thế hệ trước đối với các thế hệ kế thừa.

1. Lễ đầy tháng

Trẻ sinh đúng tháng phải làm lễ cúng mụ hay còn gọi là đám đầy tháng.
Việc tổ chức lễ đầy tháng trước là tạ ơn Mụ bà không chỉ nặn ra đứa trẻ, mà còn phù trợ cho “mẹ tròn con vuông”, sau là để trình với nội - ngoại, họ hàng, lối xóm về đứa cháu sau một tháng chào đời, nhưng ít ai nhìn thấy (cả mẹ và con), đây như là chứng nhận của xã hội về sự tồn tại của một con người, để được nâng niu, chúc tụng, để cộng đồng có trách nhiệm giúp đỡ, cưu mang, che chở...
Trong ngày đầy tháng, ngoài việc chuẩn bị món ăn, thức uống dùng để chiêu đãi khách, gia chủ còn chuẩn bị mâm lễ vật cúng kính 12 Mụ bà gồm 12 chén chè, 3 tô chè, 3 đĩa xôi và một mâm cúng kính 3 Đức ông gồm con vịt tréo cánh được luộc chín, 3 chén cháo và 1 tô cháo...

12 chén chè cúng 12 Mụ bà gồm:

- Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sanh)
- Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chuyển sanh)
- Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai)
- Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé.
- Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai)
- Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (chuyển sanh)
- Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)
- Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh)
- Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)
- Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)
- Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử)
- Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ.

Ba Đức thầy bao gồm: Thánh sư, tổ sư và tiên sư có chức năng truyền dạy nghề nghiệp (không phải 13 đức thầy).
Sau khi bày lễ vật, một trưởng tộc hoặc người biết thực hành nghi lễ, thắp ba nén hương khấn nguyện: "Hôm nay, ngày (mùng)... tháng... (âl), ngày cháu (nội hay cháu ngoại...) họ, tên... tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bà và tam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên...) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc".
Sau nghi thức cúng kính là nghi thức khai hoa còn gọi là "bắt miếng". Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà thấp hương xin phép bắt miếng. Xong, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau:

Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến...

Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của khách mời, của dòng họ bà con cho cháu bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi.

2. Lễ thôi nôi

Khi đứa trẻ được đúng 12 tháng, người ta tổ chức lễ thôi nôi, còn gọi là đám thôi nôi.
Lễ thôi nôi, ngoài lễ vật chè - xôi, vịt luộc cúng Mụ bà - Đức ông như trong lễ đầy tháng, còn có heo quay cúng đất đai diên địa, thổ công, thổ chủ. Mâm cúng được bày ngoài sân, đầu hướng ra ngoài, đi kèm với heo quay còn có 5 chén cháo, 1 tô cháo, 1 đĩa lòng lợn, rau sống, nhang, đèn, rượu, trà, hoa quả, trên lưng lợn quay gắn một con dao bén.
Trong nhà, bày 3 mâm cúng gồm mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh; mâm cúng cửu huyền thất tổ và mâm cúng ông bà quá vãng (bao nhiêu bàn thờ, bấy nhiêu mâm cúng). Lễ vật là những thức ăn chín phù hợp với tập quán mỗi địa phương. Kế bên (trên bộ ván hoặc bộ vạt) bày 12 chén chè, xôi; con vịt luộc chín với 3 chén cháo và 1 tộ cháo cúng 12 Mụ bà và 3 Đức ông.

Nghi cúng đất đai diên địa, thổ công thổ chủ lời khấn như sau:

"Hôm nay, ngày (mùng)... tháng... (âm lịch), gia đình cháu (nêu họ tên)... bày làm mâm lễ vật, trước cung thỉnh đất đai diên địa, thổ công thổ chủ trước về chứng minh nhận lễ mừng cho cháu (...) tròn một năm tuổi, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên...) khỏe mạnh, chóng lớn, ngoan hiền, phù trợ cho gia đình luôn ấm no, hạnh phúc...".
Lời khấn mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh; mâm cúng Cửu huyền thất tổ và mâm cúng Ông bà quá vãng nội dung cơ bản giống như lời khấn nghi cúng đất đai diên địa, thổ công thổ chủ, chỉ thay đổi đối tượng được thỉnh mời.
Lời khấn cầu 12 Mụ bà và 3 Đức ông cơ bản giống như lời khấn trong ngày đầy tháng.
Ba tuần rượu và một tuần trà lời khấn không thay đổi (trùng ngôn, trùng ngữ).
Kết thúc ba tuần rượu và một tuần trà là thực hiện nghi thức “thử tài” cháu bé bằng cách bày những vật dụng phù hợp trên bộ ván hoặc trên bộ ván phù hợp với tính cách của nam, hoặc nữ. Sau đó, đặt cháu bé ngồi trước các vật dụng để cháu tự chọn lựa các vật dụng như: gương, lược, viết, tập sách, nắm xôi, tiền, kéo... Vật nào được cháu chọn trước (cầm trước) dân gian tin tưởng đó là sự chọn lựa của cháu về nghề nghiệp tương lai cho mình.
Sau khi kết thúc nghi thức tử tài, khách mời thực hiện nghi thức chúc mừng và lì xì cho cháu bé.
Nghi lễ kết thúc, cuộc tiệc mừng cháu tròn một tuổi cũng bắt đầu.
Nhìn chung, Lễ đầy tháng - lễ thôi nôi là một nghi lễ biểu hiện tính nhân bản của người Việt Nam nói chung, người Bến Tre nói riêng đối với mỗi con người, cho dù con người còn rất non dại.
Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian trong đó có Lễ đầy tháng - lễ thôi nôi một nét đẹp văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một hoặc biến dạng theo cơ chế thị trường. Nếu không biết giữ gìn và phát huy sẽ làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và của chính bản thân mình.


Sưu tầm và Tổng hợp

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

GS Hồ Ngọc Đại: Tại sao vào trường trẻ lại nói dối?

08/01/2012 14:14:18
Theo Bee.net.vn
- Cách học máy móc, thụ động, quá mô phạm… dẫn đến những hệ quả là học sinh bị kìm hãm tư duy và khả năng sáng tạo. Bản thân giáo viên cũng biết rõ điều này, nhưng để thay đổi lại chưa thể. Những phân tích của GS Hồ Ngọc Đại sẽ cho bạn đọc thấy rõ hơn thực trạng này.
  
Trẻ em luôn đúng

GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập phương pháp giáo dục thực nghiệm than thở về thực trạng phương pháp dạy học quá mô phạm trong nhà trường hiện nay. Theo ông, trẻ em học mà không cần được cho điểm đánh giá bởi người khác, trẻ em không cần ganh đua hơn kém nhau một phần tư điểm mà chỉ cần từng em thi đua với chính bản thân mình, từng em vượt lên những khả năng của chính bản thân mình.
Hãy để các em tự do sáng tạo, phát biểu ý kiến riêng của mình.

Điều đầu tiên người lớn cần hiểu biết về trẻ em, ấy là nhìn thấy ở các em không phải là những người lớn thu nhỏ mà là nhìn thấy ở từng em một thực thể phát triển. Trước hết phải tôn trọng trẻ: Trẻ giỏi cái gì phải tôn trọng cái đó, thích cái gì ta tôn trọng cái tự nhiên đó. Đấy là nguyên lý căn bản của giáo dục.
 
Thầy chính là người phục vụ học sinh. Nói thế không phải không đề cao vai trò người thầy. Thầy vẫn thiêng liêng, vĩ đại nếu làm đúng chức năng đó. Anh phục vụ cho học sinh, chứ không phải học sinh phục vụ cho anh. Như thế là đổi mới căn bản.

Cốt lõi là học để làm gì. Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để thành người. Nhưng biết để làm gì? Làm để làm gì? Trước đây 95% dân số không đi học thì không thành người ư? Ngày trước, 95% dân số không đi học vẫn cứ sống bình thường, bây giờ chỉ để sống bình thường thì cả 100% dân số phải đi học. Như vậy, học là để sống bình thường, để xứng đáng với chính mình, là trở thành chính mình.
 
Nếu 5% người dân trước đây đi học là để thoát ly cuộc sống thì giờ đây, 100% người dân đi học là để được sống cuộc sống của một người bình thường. Học không phải để hơn người khác, học không phải để thành ai đó, mà học để mỗi người được trở thành chính mình. Đó là nguyên lý căn bản của giáo dục cần phải đạt đến.

Học để sống

Học để sống khác với học để thi. Học để sống bình thường sao cho tự nhiên, vui vẻ, hạnh phúc. Các em tham gia hoạt động giáo dục một cách náo nức, không phải nơm nớp lo lắng về những bảng đánh giá, xếp loại. Xếp loại làm sao được con người khi mỗi người hiện đại là một cá thể có giá trị riêng biệt. Em này có thể học toán giỏi, văn giỏi nhưng không biết làm gì khác; em khác có thể là một người bạn rất tốt của mọi người, biết quét nhà, rửa bát, nấu cơm, giúp đỡ gia đình...

Ai cũng nói phải bảo vệ, yêu thương yêu trẻ, tôi đề nghị thêm "phải tôn trọng trẻ". Tức là yêu thương và tôn trọng. Xã hội hiện đại, trẻ cần được tôn trọng, đối xử công bằng. Tôn trọng trẻ là phải dạy trẻ những cái gì đúng đắn, chững chạc. Không phải nhồi nhét đủ thứ, ép buộc trẻ tin những gì người lớn cho là đúng.
 
Trẻ con vốn là chân thành, hồn nhiên, nhưng sao vào nhà trường nó lại nói dối, có phải vì anh dạy nó thế? Trẻ không thích sẽ bảo là không thích, nhưng anh lại bảo thế là hư!? Anh bắt trẻ phải tin điều anh nói là đúng. Trái ý người lớn là hư. Vì thế, nếu chương trình học buộc các em phải giống như những cái máy thì cha mẹ hãy "cải thiện" tình hình bằng cách để cho trẻ tự nhiên phát triển mong muốn của mình. Đừng quá kỳ vọng, quá áp đặt, khiến trẻ thành những nạn nhân của chính mình.   

Dạy con đối phó với chương trình học
"Dạy con học, nhất là môn tập làm văn, nhiều khi cũng phải làm theo cách đối phó. Mong sao các nhà giáo dục có thể cải tiến chương trình học để trẻ con đừng bị bắt phải làm những gì chúng không biết hoặc không hiểu rõ. Tại sao khi dạy trẻ viết về đồng quê lại không kết hợp với một chuyến dã ngoại về một vùng quê ven đô nào đó? Trẻ có thể làm bài thu hoạch chuyến đi bằng một bài văn hoặc một bức vẽ về cảnh đồng quê. Tôi cho rằng cách làm đó vừa giúp trẻ có trải nghiệm thực tế, vừa kích thích sự sáng tạo của con trẻ theo khả năng sở trường của chúng, hơn là bắt trẻ làm theo những áp đặt của người lớn".
Anh Nguyễn Trung Hiếu (34 Trần Phú, Hà Nội)

Châu An

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

LỄ RỬA TỘI BÉ NU 2


LỄ RỬA TỘI BÉ NU

VÀO LÚC 8H00 – NGÀY 08.01.2012 TẠI NHÀ THỜ MẠC TI NHO

16A NGUYỄN THỊ MINH KHAI - P.ĐA KAO - QUẬN 1