Trang Thanh Hiền
Trong số những làng tranh dân gian còn tồn tại
đến ngày hôm nay, thì Làng Sình được xem là một trong những làng mà nghề làm
tranh vẫn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian hiện nay.
Làng Sình hay còn gọi là làng Lại Ân thuộc xã Phú Mậu - huyện Phú Vang, cách thành phố Huế khoảng 9km về phía Đông. Nằm trên điểm hợp lưu giữa con sông Bồ với sông Hương rất thuận tiện cho việc giao thương, làng Sình không chỉ nổi danh với nghề làm tranh, mà còn là một làng cổ nổi tiếng với chùa Sùng Hoá từng được ghi trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An vào thế kỷ XVI. Hàng năm vào ngày 10 tháng giêng, làng còn nổi tiếng với có lễ hội vật, có nghề làm hương, làm hạt bỏng để cúng. Có lẽ do những truyền thống này mà nghề in tranh mộc bản ở Sình, ngay từ khi ra đời đã không thuần túy là dòng tranh phục vụ cho các thú chơi tao nhã, mà chủ yếu là nhu cầu tín ngưỡng, dùng để thờ để hóa trong các lễ cầu an, giải hạn.
Với địa thế giao thương thuận tiện, tranh Sình dường như đã chiếm lĩnh thị trường khắp các tỉnh miền Trung từ Huế đến Quảng Trị, Quảng Nam - Đà Nẵng đến tận Quảng Ngãi. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là ở Huế, thậm chí chúng còn xuất hiện trong cung cấm trong các lễ cúng tế cầu tự dân gian do các bà tổ chức một cách kín đáo bên cạnh các nghi lễ chính thống cung đình. Xuất hiện, tồn tại, thăng trầm trong mấy trăm năm qua tranh làng Sình đã cộng nhập những dấu ấn lịch sử và những giá trị văn hoá nhân văn của cộng đồng làng xã.
Khác với dòng tranh Đông Hồ có chủ đề quán xuyến hầu hết mọi mặt của đời sống và tinh thần của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ với lối biểu đạt trào lộng và dí dỏm, tranh Sình dường như chỉ tập trung vào hai công năng: thờ và cúng.
Về đề tài tranh Sình chia làm ba thể loại
chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Tranh nhân vật thường là
tranh thế mạng hoặc các tranh trang ông, trang bà, trang bếp (tranh bổn mạng)
là những vị thần bổn mạng bảo trợ cho gia chủ loại này thường dán trên tường
cuối năm mới đốt, còn tất cả tranh khác đều đốt hóa cùng với vàng bạc hàng mã
khi cúng xong. Tranh súc vật là những bức in hình 12 con giáp cúng cho tuổi của
mỗi gia chủ hoặc tranh các loài gia súc trâu, bò, heo, ngựa treo trong các
chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, hay mong cho
nghề nghiệp được hưng vượng, tranh các linh thú như voi, cọp thì dùng dâng cúng
nơi các miếu cầu mong cho chúng không giáng họa cho người. Tranh đồ vật là
tranh in hình các loại áo quần, khí dụng như cung tên hoặc các loại tế phẩm như
áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí.
Về kỹ thuật và chất liệu, tranh Sình cũng giống như đa phần các dòng tranh dân gian xưa, như Đông Hồ, Hàng trống với lối in tranh mộc bản. Bao gồm các công đoạn khá cầu kỳ: khắc bản gỗ, in tranh trên giấy điệp, rồi tô màu. Mỗi công đoạn này lại được hợp thành từ rất nhiều nguồn khác nhau. Như để có giấy để in tranh người ta phải đi cất giấy, ở các vùng khác đến, hoặc từ Bắc vào. Nguyên liệu để quét hồ điệp cũng phải đi khai thác ở các vùng đầm phá nước lợ ở ven biển như đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trải dọc theo bờ biển Thừa Thiên Huế, sau đó đem về giã, rồi hồ quét. Làng Sình ngày xưa còn được gọi là làng làm giấy bồi hồ điệp, không chỉ dùng cho nghề in tranh mà còn làm cả những công việc khác. Màu in thì đa phần dùng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, sau đó quá một quá trình xử lý rất nghiêm ngặt để làm sao khi màu được tô lên tranh không bị phai.
Việc lấy những nguyên liệu màu sắc này cũng có nét giống với tranh Đông Hồ, nhưng cũng bao hàm cả những sản vật địa phương, hoặc kinh nghiệm dân gian để có được những sắc thái khác nhau. Nếu những sắc của tranh Đông Hồ thường chỉ có vài màu cơ bản, bằng cách chồng màu của các loại ván in khác nhau khiến cho màu của tranh khá phong phú. Thì tranh làng Sình, lại giống với tranh Hàng Trống là chỉ in một bản khắc nét đen, sau đó màu được tô vào các chi tiết. Cách tô màu này thường là tô mảng phẳng, và tô một lần, chứ ít khi được tô chồng màu. Nó cũng không tô theo kiểu lấy đậm nhạt bằng việc hòa thêm nước cho các màu để tạo bóng nổi như ở tranh Hàng Trống. Chính đặc điểm này, khiến cho màu của tranh làng Sình, phải pha chế nhiều sắc hơn.
Như màu vàng, nếu tranh Đông Hồ chỉ có vàng
hoa hòe, thì tranh Sình còn có thêm vàng từ là cây Đung. Hai thứ màu này trộn
lẫn với nhau tạo được một sắc vàng đằm hơn và cũng bền hơn. Màu đỏ thì làm từ
vỏ cây dương liễu và lá bàng, hoặc gỗ cây trâm chẻ nhỏ, nấu với nước cho đến
khi cô lại đặc sánh. Màu lục là hỗn hợp của hai loại nước được sắc từ lá bông
ngọt và lá mối. Màu tím được chế từ hạt mồng tơi giã nhỏ, vắt thành nước phèn pha
với phèn chua để giữ màu. Màu chàm làm từ lá cây tràm ngâm vôi cho rữa nát,
đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào và cô đặc lại.
Màu xám làm từ lá gai phơi khô, giã nhỏ và sắc lại. Màu đen là hỗn hợp giữa lá
bàng quết với tro rơm rạ đã được ủ kín.
Đặc biệt hơn nữa là các bút chổi dùng để tô vẽ
của tranh làng Sình cũng là một trong những sản vật điạ phương. Bút tôi màu
thường được làm từ rễ gốc rứa, cắt vào một thời điểm nhất định trong năm, sau
đó đem phơi và khoanh đầu lột vỏ để chừa phần ruột trong vừa đủ xơ, mềm để có
thể ngấm mực phết màu như bút lông. Các loại bút rễ gốc rứa này cũng có rất
nhiều các kích thước khác nhau để đáp ứng việc tô các loại nét khác nhau với các
thể loại tranh khác nhau.
Với tranh làng Sình xưa kia, cho dù là đồ hóa mã, nhưng cái nét tinh tế vẫn được bộc lộ một cách rõ ràng. Đặc biệt như bộ tranh Bát âm một trong số hiếm thể loại tranh có thể dùng để treo chơi trong dòng tranh này đòi hỏi sự tinh tế trong khắc ván cũng như tô màu. Ta có thể thấy trên các trang phục của các cô tố nữ có sự cầu kỳ từng chi tiết, như huê cài áo, huê giắt đầu, cho đến các văn đồng tiền, chữ thọ đến các đôi hài của các cô, đến các nhạc cụ của các cô cầm trên tay. Nét khắc của bộ tranh này khá mảnh, nhiều chi tiết nên bản khắc thường không sâu. Tuy nhiên trên một số ván khắc khá thì việc chú đến các mảng đặc và mảng rỗng cũng khá rõ ràng. Điều này tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa tranh làng Sình với tranh Đông Hồ hay Hàng Trống, và đậm dấu văn hóa Huế. Như trong tranh thế mạng: đàn ông thì mặc áo dài, khăn đóng, cầm quạt, hoặc cầm bút, đàn bà thì mặc áo the, khăn xếp cầm quạt hoặc cầm bông hoa. Nếu ở tranh Đông Hồ hay Hàng Trống, các ván khắc thường ít khi dùng các mảng lớn bởi khi in sẽ không đều mực, mà tạo nên các nét mực đọng, mà họ thường hoạch định các ván nhỏ hơn để tạo các mảng lớn. Nhưng ở tranh làng Sình, những chiếc áo the của các cậu ấm thường là mảng đặc điểm xuyết các văn đồng tiền để tránh các nhược điểm trên. Đồng thời với những ván in như vậy đòi hỏi người in tranh phải có một tay nghề khá cao để có thể tạo nên màu nhung huyền cho chiếc áo the.
Những chiếc áo the này, và trang phục của
những cô tô nữ cho thấy cái nét thẩm mỹ của vùng đất kinh kỳ. Những trang phục
của các ông hoàng bà chúa trong cung đình đã được đơn giản hóa, hình tượng hóa
để trở thành các trang ông, trang bà... Kể cả cách tô màu rực rỡ, điểm xuyết
giữa những mảng, sự xen kẽ của màu ngũ sắc trên các chi tiết khác nhau đã phản
ánh rất rõ nét cái gu thẩm mỹ của người Huế. Nếu so sánh các kiểu dạng trang phục
của tranh trang bà với dòng tranh thờ Đạo Mẫu phía Bắc, ta cũng có thể nhặt ra
được các nét tương đồng trong bố cục. Tuy nhiên về tinh thần chúng đã hoàn toàn
khác nhau. Sự cầu kỳ của lối trang sức vòng xuyến và các diềm thêu ren của vân
kiên phủ vai các bà hoàng này là đặc trưng cho hai lối trang phục của hai miền.
Kể cả các hồi văn và chữ triện cũng được chú trọng hơn. Cái khăn xếp đội đầu
của bà hoàng lẫn con hầu cũng rất cầu kỳ, chứ không phải lối khăn vấn như ở
tranh Thánh mẫu miền Bắc. Cho dù trên các ván khắc mới hiện nay của tranh làng
Sình, do trình độ tay nghề, cũng như do sự mai một của làng nghề các chi tiết
cầu kỳ này dường như đã bị giản lược đi rất nhiều. Người ta có thể chỉ còn nhìn
thấy tính đại khái trong việc tạo ra các chi tiết, nhưng trên các mảng trống đó
cái dư âm của lối thẩm mỹ nơi đất thần kinh dường như vẫn phảng phất, mặc dầu
đã không còn được chăm chút một cách thích đáng.
Hơn nữa, nếu trên tranh Đông Hồ, Hàng trống, người ta còn thấy những ảnh hưởng rất rõ nét của văn hóa Trung Hoa trên một số mảng đề tài, hay một số kiểu dạng tranh, thì trên tranh Làng Sình nhân tố này có lẽ đã trở nên thuần túy hơn. Tính cầu kỳ và ảnh hưởng từ nghệ thuật trang phục cung đình là rõ rệt, nhưng hoàn toàn giải Hoa. Đặc biệt trên các tranh súc vật hay đồ vật thì lại mang hoàn toàn lối thẩm mỹ cũng như các nhìn dân gian. Sự ngô nghê trong các tạo hình, chỉ để người ta có thể nhận ra đó là con vật gì, chứ không có sự cách điệu hay tạo ra các tiêu chuẩn tạo hình. ở các ván khắc các con vật này lối biểu hình coi trọng mảng đặc và mảng rỗng như được thể hiện ra trên các tranh nhân vật.
Hơn nữa, nếu trên tranh Đông Hồ, Hàng trống, người ta còn thấy những ảnh hưởng rất rõ nét của văn hóa Trung Hoa trên một số mảng đề tài, hay một số kiểu dạng tranh, thì trên tranh Làng Sình nhân tố này có lẽ đã trở nên thuần túy hơn. Tính cầu kỳ và ảnh hưởng từ nghệ thuật trang phục cung đình là rõ rệt, nhưng hoàn toàn giải Hoa. Đặc biệt trên các tranh súc vật hay đồ vật thì lại mang hoàn toàn lối thẩm mỹ cũng như các nhìn dân gian. Sự ngô nghê trong các tạo hình, chỉ để người ta có thể nhận ra đó là con vật gì, chứ không có sự cách điệu hay tạo ra các tiêu chuẩn tạo hình. ở các ván khắc các con vật này lối biểu hình coi trọng mảng đặc và mảng rỗng như được thể hiện ra trên các tranh nhân vật.
Ngày nay, trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế, tranh Sình vẫn có mặt như một phần không thể thiếu, nhưng cái cốt cách, hồn vía xa xưa của một thời thịnh vượng dường như đã không còn nữa. Những bộ ván cổ thất lạc cùng thời gian, mục nát cùng những mùa lũ hàng năm. Thêm vào đó sự xuất hiện rất nhiều thứ tranh tượng lòe loẹt của các đồ cúng đồ thờ cao cấp Trung hoa, khiến dòng tranh ngày thêm mai một. Thêm vào đó tính chất nhất thời của các bức tranh làm ra chỉ để hóa mã chứ không phải để treo như lối chơi tranh Tết của Đông Hồ, Hàng Trống, nên càng ngày tính chất đại khái và rẻ tiền của các nguyên vật liệu làm tranh càng được ưa chuộng hơn. Điều đó làm tranh làng Sình đã không còn giữ được cái phong vị vốn có một thời. Đây cũng là một điều đáng tiếc. Và do vậy vấn đề bảo tồn tranh làng Sình như một nét đẹp lâu đời của vùng đất kinh kỳ này rất đáng được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền.
T.T.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét