Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Phiếu bé ngoan' có nên kêu sột soạt?


Theo VietNamNet
Chớ để con ta (lúng) túng, mới học cách tính, một số trường phái sư phạm thời hiện đại khuyến nghị.

Các nhà tâm lý học cho rằng biết cách dùng tiền có ảnh hưởng tích cực đến trẻ em. Thứ nhất, bé được học cách kiểm soát các nhu cầu phát sinh từ một cuộc sống ngày một mở ra nhiều hơn những cung và cầu, học cách bắt đầu “lên kế hoạch” đời mình từ một nguồn “tài nguyên”, có tính đũa thần (?) có trong tay.

Quan trọng hơn, bé bắt đầu nhận thức giá trị của lao động, học cách sống theo những nguyên tắc nhất định (như sòng phẳng, minh bạch trong “thu – chi”…), học cách “hiệp đồng” với người khác (khi cùng bạn đi xem xi nê, vào quán kem – ai mời, ai chi, chi bao nhiêu, dàn xếp chi tiêu phát sinh…). Bé cũng nhận thức được là môn toán (số học/ arithmetic) là rất có ích, chứ không phải là đống kiến thức bằng con số gây đau đầu. 
Thưởng tiền cho ‘hạnh kiểm’ và kết quả học tập tốt là chủ đề rất tranh cãi.

Tiền là một phát minh lớn, quyến rũ theo nghĩa ai cũng chịu chấp nhận nó làm phương tiện độc đáo để trao đổi. Trẻ sẽ nhận thấy trao tiền, sẽ nhận được một cái gì, một điều gì. Chẳng hạn, đưa tiền cho ăn mày nhận được câu “xin” ở Việt Nam, câu cám ơn, ở mọi nơi khác (khi đi du lịch). Khi con xin tiền để mua một cái gì cho bạn hàng xóm (nhân dịp sinh nhật, hoặc đơn thuần muốn làm bạn hạnh phúc) cũng là một thực nghiệm hay. Con cảm thấy bạn mình cần gì, có thực sự như vậy, bố mẹ bạn ấy nhìn nhận món quà này ra sao…

Mua - bán tình cảm?

Ta nhận thấy, khi trao cho con cháu mình tiền, vẫn còn có bậc cha mẹ, ông bà ở Việt Nam nghĩ một cách trực diện rằng họ “mua” uy tín và tình cảm của đứa bé. Điều này nằm trong những yếu tố muôn đời làm cho những người trên có tâm thức ngần ngại đưa cho con cháu mình tiền, nhất là sau khi những người mua khoác áo họ hàng kia đã hãnh diện làm xong những cuộc mua bán trái tim và sự ngưỡng một của bé.

Nhận thức được rằng tiền là cánh tay đòn lợi hại để gây ảnh hưởng (theo cả hai nghĩa thuận – nghịch), nhưng chính phụ huynh thường (vô tình) dạy con sử dụng tiền sai cách. Phần lớn là do chúng ta thường ngày vẫn (cố tình) sử dụng tác dụng “tiêu cực” của tiền để giải quyết các vấn đề của cuộc sống: bôi trơn, lại quả, làm luật,hoặc như “keo kết dính” trong quan hệ với người khác, với đồng nghiệp. Vì dấu con những chuyện này không hề dễ, tiền có thể nhanh chóng vừa trở thành “Tiên, Phật”, vừa là “Fantomas” trong nhận thức của con. 

Đưa tiền cho con cũng là dịp để dạy con tiết kiệm. “Bé có thấy tiền cước điện thoại di động của con gần bằng của bố không?”. Hoặc “Dịp hè này nếu tiền cước điện thoại của con chỉ là khoảng 200 ngàn, con sẽ có tiền đi xem xi nê đấy”.

Tiền và hạnh phúc

Việt Nam hôm nay không có thực tiễn trẻ em còn đi học tham gia lao động tại các doanh nghiệp để tạo thói quen làm việc trong môi trường “người lớn”. Nhưng vẫn có dịp dạy con xây mong ước kiếm đồng tiền chính đáng. Chẳng hạn, “hè này, nếu con đồng ý chuyển ngữ một số bài tiếng Anh đơn giản, các cô chú ở NXB X. sẽ trả con Y. đồng, cho một bài dịch chất lượng Y chữ …”. Sẽ là giây phút hạnh phúc, nếu câu “vậy là sẽ đủ tiền mua sách giáo khoa năm học mới” mà mẹ đế vào, được con yên lặng tán đồng. 

Đồng thời, câu “Con vừa xếp chai lọ mẹ bỏ đi vào một hộp, để tiện cho người nhặc rác? Xứng đáng được thưởng 10 ngàn!” sẽ gây tranh cãi về giáo dục học. Phần lớn các nhà tâm lý cho rằng một hành vi tốt (cũng như kết quả học tập tốt) chỉ nên “thưởng” bằng lời khen. Ít nhất, con còn phải được chuẩn bị để thực hiện nghiêm túc lao động công ích, chẳng hạn. Và những thanh niên Cờ đỏ tham gia chỉ đường trong nắng mưa hôm nay cũng là dịp để bé nghe thấy thế nào là một lời khen từ miệng chúng ta.

Hôm nay, chúng ta thường tìm cách đền bù cho con những gì chúng ta không được hưởng lúc nhỏ. Nhưng lại có thể tước bỏ, không cho con hưởng niềm hạnh phúc được tự tay tiêu món tiền có được do tiết kiệm, hoặc có được do những lao động thường đơn giản, cực nhọc, nhưng tự tay mình làm.

Tôi còn nhớ khi học môn Lao động ở xưởng trường cấp III Chu Văn An đầu những năm 70. Nhìn tôi quai búa, hai thày khẽ bảo nhau: “cậu này đi làm lò rèn kiếm được 30 đống một tháng rồi”. Lúc đó lương cán bộ trung cấp, theo tôi nhớ, chỉ khoảng 50 ngàn đồng. Được thày khen, tôi muốn bay lên, thấy sướng hơn là đi đá bóng (ăn tiền!) thắng đội bạn...

Con cháu “nhân dân anh hùng”

Dạy bé chịu trách nhiệm về tài chính không thể dễ dàng. Cho nhiều tiền, cha mẹ lo khi lớn lên con không biết cách trang trải hợp với thu nhập của mình. Nếu hoàn toàn không đưa tiền cho con (như bố mẹ tôi chẳng hạn, đã làm) thì con sẽ quen đi với việc cha mẹ sẽ quyết định mọi điều thay cho nó, và trong tương lai, nó không chỉ không biết tiêu tiền, mà còn không biết ra quyết định nói chung, dựa trên các phương tiện vật chất có trong tay.

Tôi có một kinh nghiệm cay đắng khi còn thiếu niên. Khoảng đầu những năm 70, vì cha mẹ là cán bộ trung cấp, tôi có lần được cử đi mua thịt ở cửa hàng cung cấp Đặng Dung. Thời đó cán bộ cao cấp (sổ A, B) mua ở cửa hàng cung cấp Tôn Đản, ít người hơn, còn Đặng Dung, Nhà Thờ, Vân Hồ … dành cho cán bộ trung cấp (sổ C) thì đông người lắm. Xếp hàng thịt thời bao cấp nhiều khi là trèo lên đầu nhau. Chen chúc một hồi, lên được tới trước cửa sổ bé của quầy thịt, tôi mệt hết hơi, và quên khuấy mất mẹ tôi dặn mua những gì. Tôi còn nhớ bên trong là một bác béo, mà có lẽ gần như cả lớp tôi (lớp “chuyên” của Chu Văn An, có nhiều bạn con cán bộ) đều kính nể, đứng giữa đống thịt “mông, vai, thăn, sấn” (các loại thịt đề trên bảng giá giữa các Cửa hàng thịt thời bao cấp). Nhìn tôi trong một giây, bà béo “bắt hình dong”: “ăn trắng mặt trơn quen rồi”. Giữa “đám quân trăm vạn ấy” tôi cảm thấy nhục nhã vô cùng. Thời đó có câu:

“Tôn Đản là chốn vua quan,
Nhà Thờ là chốn trung gian nịnh thần,
Đồng Xuân là của thương nhân.
Vỉa hè là chốn nhân dân anh hùng”.


Từ đó, tôi càng cố thân hơn với các bạn gia cảnh có phần khó khăn trong lớp, và nhận thấy mình như học được nhiều hơn, từ gương vượt khó của chính các bạn này… Tôi bắt đầu chú ý đến những câu như “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Tôi cũng nhận thấy trong thế giới của người lớn, có những người chỉ nhận đồng lương khiêm tốn, nhưng vẫn không cảm thấy thiếu thốn về tiền nong. Trong khi đó, có những nhà khác lương cao, nhưng không thể “co kéo” nổi đến kỳ lương tới.

Hôm nay, dạy con tiếp cận đồng tiền, ta như lại được cùng lớn lên với bé. Chẳng hạn, đèo con lỡ vượt đèn đỏ, đã không còn cố gạ “cưa đôi” tiền phạt với CSGT…

Đồng tiền còn là một phương tiện để dạy bé chịu trách nhiệm. Vì chính kinh nghiệm tiếp cận tiền của chúng ta tạo nên (nhân cách) chúng ta. Có lẽ với một xã hội hậu bao cấp như Việt Nam, nếu trẻ được dạy cách sử dụng đúng đồng tiền càng sớm, nhân cách của cháu càng được hình thành nhanh hơn.
·                                 Thành Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét