Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

5 bài học để trở thành người cha tốt


Theo: ngoisao.net

Có phải một trong những mong ước lớn lao nhất của cuộc đời bạn là trở thành người cha tốt, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của con? Nhưng bạn luôn lúng túng không biết làm thế nào? Đó là khó khăn chung của hầu hết những bậc làm cha.

 

Cùng tham gia lớp học làm cha cấp tốc với 5 bài tập dưới đây:

Bài 1: Hãy nói "Bố xin lỗi con"
Tựa đề một bài hát được nhiều người yêu thích của Sir Elton John có tên Sorry seems to be the hardest word (Xin lỗi dường như là từ khó nói nhất). Điều này hoàn toàn chính xác. Nhưng bạn có biết rằng "xin lỗi" không chỉ là từ khó nói mà còn là một từ có nhiều sức nặng với trẻ? Bởi một khi ông bố lên tiếng về lỗi lầm của mình, đứa trẻ cảm nhận được đối xử công bằng, được tôn trọng. Từ đó, chúng cũng sẽ tự tin hơn trong mỗi quyết định, lời nói định đưa ra với bố.
Có thể là khó tin nhưng một trong những món quà "giá trị" nhất mà bạn nên tặng cho con trẻ là hãy để chúng nhìn thấy lỗi lầm của bạn, đừng cố che giấu. Xây dựng sự tự tin cho chúng và giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn với các khiếm khuyết của chính bạn. Thay vì lờ đi những sai lầm, hãy sử dụng như một cơ hội để chỉ cho con thấy sai phạm đó không tốt như thế nào, gây ảnh hưởng xấu ra sao. Từ đó cùng con đưa ra cách sửa chữa để không lặp lại. Không có cách học tập nào tốt hơn bằng việc học từ người thực, việc thực.
Bài 2: Đối xử tốt với mẹ của những đứa con bạn
Ngay cả khi bạn đã ly hôn thì việc đối xử tốt với vợ cũ - mẹ của lũ trẻ cũng là một điều vô cùng quan trọng để bạn trở thành người cha tốt. Bởi đối với mỗi đứa trẻ, mẹ là người gắn bó và có ý nghĩa quan trọng nhất. Bạn đừng buồn khi nghe thấy điều này mà hãy chấp nhận đó là sự thật. Vì vậy, hãy ân cần, tôn trọng và yêu thương người phụ nữ này nhiều hơn. 

Bài 3: Tắt điện thoại và các thiết bị công nghệ
Chẳng ai phủ nhận được vai trò của chiếc điện thoại di động và các thiết bị công nghệ khác trong cuộc sống. Chúng giúp ta giải quyết công việc và nhiều vấn đề một cách dễ dàng. Ngược lại, chúng tạo ra nhiều hệ quả không mong muốn và chính các con bạn đang là nạn nhân gián tiếp phải chịu đựng điều đó.
Nhiều phụ huynh bây giờ do quá bận rộn với công việc hoặc lười biếng trong việc chăm sóc con nên chỉ cho con ở trong nhà chơi trò chơi điện tử thay vì đi dã ngoại bên ngoài. Hay cả buổi tối, điện thoại reo liên tục và bạn dành hết thời gian để xử lý công việc. Trong khi con đang ngồi chờ dài cổ để được hướng dẫn làm bài tập về nhà. Đến khi xong việc thì con đã đi ngủ từ lâu.
Đây là chỉ những ví dụ điển hình cho thấy công nghệ đang kéo dài khoảng cách giữa cha mẹ với con cái mà bạn vẫn lặp đi lặp lại chúng trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, hãy tắt điện thoại, máy tính và các thiết bị công nghệ dùng cho công việc khi trở về nhà để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho con.

Bài 4: Xây dựng mối quan hệ tốt với từng đứa trẻ
Thật tuyệt làm sao khi bạn có nhiều con. Nhưng cũng rất khó khăn để hiểu thấu tâm tư, tình cảm của từng đứa trẻ. "Cha mẹ sinh voi, trời sinh tính", mỗi đứa con lại có một cá tính, nhu cầu và quan điểm riêng. Đôi khi giữa chúng có sự xung đột lẫn nhau và với vai trò của người làm cha mẹ, bạn phải đứng ra làm người giải quyết mâu thuẫn đó. Cái khó nhất là phải xử lý làm sao để các con đều hài lòng và đừng bao giờ để chúng nghĩ bạn đang thiên vị đứa nào.
Trong trường hợp này, để hiểu được trẻ, các ông bố hãy làm như sau:
- Dành thời gian nhiều hơn để nói chuyện với từng đứa trẻ
- Đưa ra lời khen ngợi độc đáo
- Biết được những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Ví dụ như ở lớp, chúng chơi thân với bạn nào, xung khắc với bạn nào, những yêu cầu và mong muốn của trẻ là gì...
Bài 5: Sử dụng hợp lý các nguồn lực hỗ trợ
Có nhiều nguồn lực có thể hỗ trợ bạn trong việc hoàn thiện bản thân, trở thành người cha tốt. Điều quan trọng là bạn có biết sử dụng chúng hợp lý hay không. Hãy tìm đến các trung tâm tư vấn, cha của bạn, bạn bè xung quanh để xin lời khuyên, kinh nghiệm. Nhưng trước tiên, hãy trao đổi với vợ để tháo gỡ khúc mắc. Cô ấy chính là đồng minh thân cận nhất của bạn trong quá trình "tác chiến" với trẻ.
Kha Di

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

4 loại thực phẩm bổ sung ô-xy cho cơ thể


(Dân trí) - Ô-xy giúp duy trì sự sống cho các tế bào và cơ thể, ngăn ngừa hiện tượng lão hóa của các cơ quan. Bổ sung cho cơ thể nguồn dưỡng chất dồi dào này thường xuyên chính là một cách duy trì sức khỏe thông minh.
Củ cải tốt cho da

 
Biểu hiện: Da khô, xỉn màu, xuất hiện các vết đốm trên mặt da

Được coi là loại “nhân sâm” thứ 2. Củ cải chứa nhiều nước, protid, glucid, celluloz và các loại vitamin A, B, C, allyl isothiocynat, oxalic acid... có tác dụng tốt trong việc cung cấp ô-xy, thúc đẩy tuần hoàn máu cho các mao mạch dưới da, giúp da mềm mại và sáng đẹp hơn.

Cách chế biến: Luộc, hấp, nấu canh...

Tỏi tây tốt cho mắt

Biểu hiện: Nhức, mỏi, khô, mờ mắt, phù nề  giác mạc

Tỏi tây qua chế biến có công dụng tốt trong việc giải phóng vào đào thải thành phần chất lưu huỳnh, từ đó ngăn ngừa sự “cạnh tranh” của hợp chất này với các nguyên tử ô-xy trong cơ thể, đặc biệt đối với đôi mắt. 

Cách chế biến: Bỏ rễ, rửa sạch và đun với nước, uống hàng ngày

Đinh lăng tốt cho tim

Biểu hiện: tức ngực, đau thắt ngực

Đinh lăng không chỉ là vị thuốc mát phổi, lợi tiểu, tiêu độc mà còn có tác dụng rất tốt trong việc làm mở rộng và giúp lưu thông các mạch máu, từ đó tăng cường việc cung cấp ô-xy cho hoạt động của tim cũng như quá trình vận chuyển máu cho các cơ quan trong cơ thể.

Cách chế biến: Rửa sạch, vò nát và sắc nước uống hàng ngày.

Rau diếp tốt cho tuyến tụy

Biểu hiện: mệt mỏi, tăng đường huyết

Việc thiếu ô-xy lâu ngày có thể làm giảm độ “mẫn cảm” của tuyến tụy đối với việc sản xuất chất insulin trong cơ thể và giảm khả năng tuần hoàn máu, từ đó dễ gây nên bệnh tiểu đường.  

Rau diếp có tác dụng tốt trong việc kích thích và điều hòa tuyết tụy sản sinh chất insulin. Ngoài ra, thường xuyên ăn rau diếp cũng giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất glucose, từ đó cải thiện việc cung cấp ô-xy cho hoạt động của các tế bào và kiểm soát được lượng đường trong cơ thể.  

Cách chế biến: Rau diếp chỉ nên rửa sạch, khử trùng và ăn sống. Việc luộc hoặc nấu ở nhiệt độ cao sẽ làm phá hủy các loại enzym tốt có trong loại rau này.

Nấm
Theo people

7 lý do bạn cần viết ra những ý nghĩ


(Dân trí) - Một trong những thói quen đơn giản và hiệu quả nhất là viết ra mọi ý nghĩ của mình. Điều đó có quan trọng lắm không, hẳn là bạn đang thắc mắc như thế.
Hãy viết ra những ý nghĩ nảy đến trong khoảnh khắc bất chợt.

"Hãy viết ra những ý nghĩ nảy đến trong khoảnh khắc bất chợt. Những ý tưởng không tính trước như vậy thường giá trị nhất."- Francis Bacon - một triết gia của thế kỷ 16 và là cha đẻ của Chủ nghĩa duy vật Anh và các ngành khoa học thực nghiệm hiện đại - đã từng khuyên như vậy.

Tại sao vậy? Dưới đây là 7 lý do thuyết phục khiến bạn cần viết ra những ý nghĩ:

1. Nếu bạn giống như mọi người, trí nhớ của bạn cũng hệt như chiếc xô thủng

Chỉ khi bắt đầu ghi lại các ý nghĩ, bạn mới nhận ra trí nhớ mình đã rò rỉ ghê gớm thế nào khi xem lại những điều đã chép lại. Trí nhớ của ta không hề đáng tin cậy. Mỗi lần nhớ lại sự việc nào đó, thường thì ta sáng tạo thêm về điều đã xảy ra hơn là “bật” lại đoạn “phim” trong kho lưu trữ tinh thần. Việc sáng tạo này bắt nguồn từ hàng loạt các nguyên nhân như những tín điều, tâm trạng cảm xúc và bản năng tự tôn về cái tôi của mỗi người.

Những gì bạn nhớ về một sự kiện có thể khác rất xa với những điều người khác nhớ. Có những cách lý giải khác nhau về thực tiễn đời sống. Và ngay cả khi bạn đã cố gắng nhớ cách lý giải của một sự kiện nào đó thì về sau, cách hiểu này vẫn có thể thay đổi. Vì thế, chúng ta cần một hệ thống khác hỗ trợ ở bên ngoài ta.

2. Những ý tưởng thường không tồn tại lâu

Những ý tưởng hay ho có thể nảy sinh trong các thời điểm lạ lùng nhất và chúng thường không ở lại lâu trong tâm trí bạn. Vì thế, bạn cần nắm lấy chúng thật nhanh, nếu không chúng sẽ biến đi mau chóng.

3. Viết ra những mục tiêu là việc rất quan trọng

Có một điều mà rất nhiều chuyên gia dạy cách tư duy tích cực như Brian Tracy, Zig Ziglar vẫn sẽ còn tiếp tục đề cập tới chính là tầm quan trọng của việc viết ra những mục tiêu của bạn. Một mục tiêu được viết ra sẽ đem lại sự rõ ràng và tập trung. Nó giúp bạn có sự định hướng. Và khi đã viết ra những mục tiêu, bạn sẽ không chỉ khẳng định lại những mục tiêu của bạn là gì, mà còn hiểu sâu sắc thêm những gì có thể giúp bạn rành mạch và tập trung hơn với mục tiêu đó cũng như cuộc sống.

Một mục tiêu khi đã được viết ra sẽ trở thành cách nhắc nhở hữu hiệu giúp bạn luôn định hướng bản thân đi đúng đường ngay cả khi căng thẳng, dễ đưa ra những quyết định sai lầm.

4. Nhắc nhở mình về những điều cần tập trung

Thường thì chúng ta dễ bị cuốn theo những sự vụ hàng ngày mà quên mất điều gì là quan trọng nhất với mình. Để giữ cho bản thân đi đúng hướng, thay vì để mình bận rộn với những điều không quá quan trọng, bạn hãy viết ra một lời nhắc nhở có thể ngăn chặn những suy nghĩ này khi đọc nó và giúp bạn trở lại với mục tiêu chính đáng. Chẳng hạn, bạn có thể ghi ngay ra mục tiêu lớn nhất hiện thời của mình. Cũng có những câu nói mang tính nhắc nhở kiểu như: “Hãy giữ cho mọi thứ thực sự đơn giản”, và “điều quan trọng nhất mình cần phải làm ngay là gì?”. Hãy viết ra lời nhắc nhở như thế và dán chúng ở những nơi bạn sẽ nhìn thấy mỗi ngày.

5. Giảm bớt thông tin cho bộ nhớ tạm của não

Khi bạn không còn bắt trí óc phải ghi nhớ mọi điều vụn vặt, ví như việc phải uống bao nhiêu sữa mỗi ngày, bạn sẽ bớt căng thẳng hơn và theo đó, suy nghĩ cũng minh bạch hơn. Điều này là một trong những lý do quan trọng nhất để viết ra ý nghĩ của bạn. Trạng thái thư thái và thoải mái hơn không những cải thiện tình trạng sức khỏe, mà còn khiến cuộc sống của bạn dễ dàng, suôn sẻ và hiệu quả hơn.

6. Tư duy sáng suốt hơn

Bạn không thể giữ quá nhiều ý nghĩ trong đầu cùng một lúc. Nếu bạn muốn giải quyết một vấn đề, việc viết ra những suy nghĩ, thực tế và cảm giác về vấn đề ấy sẽ tốt hơn nhiều. Khi đầu óc bạn không phải nhớ quá nhiều thứ, bạn có thể suy nghĩ sáng suốt hơn. Thêm nữa, việc viết ra những điều đó sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và dễ dàng tìm thấy các mối liên hệ mới trong sự việc, giúp bạn giải quyết được vấn đề.

7. Hiểu bản thân và cuộc sống tốt hơn, đồng thời cải thiện những mục tiêu lâu dài

Bạn có thể dùng nhật ký như một cách để quan sát suy nghĩ của mình trong một quãng thời gian dài và nhận ra cả những điều tích cực lẫn tiêu cực trong suy nghĩ cũng như hành động.

Chẳng hạn, bạn có thể vẫn nghĩ mình là người khỏe mạnh, nhưng bạn sẽ nhận ra không phải thế nếu đọc nhật ký và biết bạn chỉ mới chạy bộ được 4 lần trong tháng này. Hay bạn vẫn cho rằng cuộc sống của mình đang tiến triển khá tốt nhưng rồi lại phát hiện không phải thế khi đọc những dòng ghi chép trong tháng trước cho thấy bạn tỏ ra mệt mỏi với công việc và mối quan hệ tình cảm suốt nhiều ngày trời.

Bằng việc viết ra như thế, bạn sẽ tự giúp mình vượt qua khó khăn và điều chỉnh bản thân trong một khung thời gian rộng hơn. Cuốn nhật ký cũng có thể sẽ nói với bạn về việc bạn chưa dành nhiều quan tâm cho bản thân cũng như cuộc sống của mình. Và như thế, điều này có thể được nhìn ra khá minh bạch.

Vậy đó, trên đây là 7 lý do quan trọng nhất cho thấy vì sao bạn nên viết ra mọi ý nghĩ. Còn việc làm thế nào để nắm bắt kịp thời những ý tưởng? Điều đó tùy thuộc vào chính bạn.

Có người sử dụng phần mềm Word của Microsoft hoặc dùng giấy bút để ghi lại những ý nghĩ thoáng qua. Cũng lại có người dùng trang TeuxDeux.com để ghi lại những danh sách việc cần làm và khi ở đâu đó không tiện dùng những phương tiện trên, tôi ghi lại bằng điện thoại di động. Tuy nhiên, bạn có thể thử nghiệm những phương thức khác nhau và tìm ra cách phù hợp và hiệu quả nhất với bạn.

Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn khám phá thêm được nhiều ý tưởng thú vị trong đời sống, suy nghĩ sáng suốt hơn và hiểu về bản thân mình hơn.

Đỗ Dương
Theo Youthwavebd

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Bạn đọc chia sẻ với cậu học sinh nghèo trường Ams


Cập nhật 08/11/2011 12:00:00 PM (GMT+7)


Sau khi  bài viết về bài văn lạ của cậu học sinh nghèo trường Ams và hoàn cảnh khó khăn của Trung Hiếu, bạn đọc đã vô cùng xúc động. Hàng trăm ý kiến phản hồi đến Tòa soạn. Hầu hết đều chia sẻ cảm thông và cảm phục nghị lực của cậu học sinh nghèo.

Xúc động và cảm thông

Bạn đọc tên Ngọc (Email: nnngoc61@gmail.com) viết: "Xúc đông quá. Tôi đã khóc khi đọc bài viết của cháu. Có một đứa con biết nghĩ và sống có tình cảm như cháu là niềm ao ước của các bậc sinh thành. Nhưng tôi không đồng tình với cách đặt tên bài viết này, sao lại là bài văn LẠ ? Lạ chỗ nào ? Một bài văn thấm đẫm tình mẫu tử mà lại cho là LẠ thì đúng là ...lạ thật !!!"
Thật xúc động Không thể ngăn được nước mắt khi đọc bài văn này đó là ý kiến của Nguyễn Phương Thùy, bởi những tâm sự rất chân thành và lòng hiếu thảo của Hiếu. Chúc em luôn tự tin để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống vì chính mình và những người thân yêu của mình.

Xúc động thật, mình nghĩ bài văn này xứng đáng được điểm 10 là chia sẻ của  thiennguyen01101986@gmail.com. Hành động nhịn ăn sáng của Hiếu tuy nhỏ nhưng điều đó thật mang nhiều ý nghĩa đối với em và gia đình.Cầu chúc cho mẹ Hiếu mạnh khỏe,cầu chúc cho Hiếu học thật giỏi và đạt kết quả cao trong học tập để sau này em có thể thay đổi được cuộc sống của gia đình mình, để cho đồng tiền không còn đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc của gia đình em nữa.
 
"Tôi đã khóc thật nhiều" là chia sẻ của bạn suboi1712@yahoo.com. Là một giảng viên, vốn dĩ tôi đã rất yêu thương học trò của mình, bài văn đã làm cho tôi không thể dừng khóc..cuộc đời tôi có thể nói là toàn màu hồng, thế nhưng cũng vì đồng tiền mà bản thân tôi cũng từng nghĩ chết dễ dàng hơn sống.. và tôi cũng ghét tiền dù không thể sống thiếu nó..nhưng tôi có một linh cảm rằng những người như chúng tôi..như HIếu..sẽ có một tương lai tốt đẹp vì ..SỐNG TRÊN ĐỜI CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG.. Chúc em vượt qua mọi khó khăn..hướng về tương lai tốt đẹp.

Người xứng với tên là chia sẻ của Nguyễn Đinh Mùi. Không phải là ngẫu nhiên khi bố mẹ cháu đặt tên cho cháu là Trung Hiếu. Ngày hôm nay cháu là một người con có hiếu với bố mẹ, và sau này khi đã trưởng thành cháu sẽ là người con có trung với Tổ quốc. Cảm ơn gia đình cháu, cảm ơn nhà trường đã cho đời một người con trung hiếu như thế! Chúc cháu vượt qua khó khăn, thành đạt trong cuộc sống! Cầu chúc cho gia đình cháu được bình an! Mọi người luôn ở bên cháu. Nên chăng hãy đưa bài căn của Trung Hiếu thành một trong những bài học ngoại khóa cho học sinh phổ thông? 

Bạn Diệp Hà cho biết: Con tôi đã học trường AMS. Chúng là những đứa trẻ có trách nhiệm. Xin cho biết địa chỉ của cháu những người bị bệnh trọng khác để chúng tôi có thể giúp đỡ họ. Học giỏi con nhé, đồng tiền là vô tội, nó chỉ có nghĩa hay bất nhân ở lòng người, ở trách nhiệm XH. Học giỏi con nhé, con sẽ có rất nhiều tiền và cô tin rằng con sẽ làm cho đồng tiến có ý nghĩa. Giữ gìn sức khoẻ con nhé, nó chính là tiền đấy con ạ. Hãy mở lòng con nhé. Rất nhiều bạn khó khăn không cho ai biết hoàn cảnh của mình để mọi người chia sẻ. Được người khác tạm thời cần đến sự giúp đỡ của mình cũng là hạnh phúc Hiếu ạ. Nếu con không chê, cô muốn cho con vay mỗi tháng 500.000 mai kia con làm được con trả cho cô, bằng không thì thôi.con ạ.  

Bác Nguyễn Văn Hùng, một cựu chiến binh viết: Xúc động khi đọc qua bài văn của cháu. Ở tuổi 64, từng là người lính tham gia 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị, nước mắt bác đã từng rơi trước sự hy sinh mất mát của đồng đội, xong sự xúc cảm khi đọc qua bài văn và hiểu rõ hoàn cảnh của cháu, nước mắt bác cứ tuôn trào. Cảm ơn cháu, một người con hiếu thảo, nghị lực và cách nhìn nhận của cháu về đồng tiền đã để lại cho bác một bài học rất lớn về tính nhân văn trong cuộc sống. Bác cũng có một thời niên thiếu sống khốn khó như cháu, bác hiểu nỗi khổ ấy như thế nào. Bài văn của cháu bác in lại, sẽ là bài học cho các thế hệ con cháu của bác về lòng hiếu thảo và tính vượt khó vươn lên. Biết đâu sau này, cháu là một nhà lãnh đạo, đất nước này trông mong vào những người như cháu rất nhiều. Chúc cháu cùng gia đình mạnh khỏe. 

Chung tay giúp Trung Hiếu và gia đình vượt qua khó khăn

Chia sẻ và cảm thông, bạn đọc đề nghị VietNamNet là đầu mối tiếp nhận tài trợ của những nhà hảo tâm mong muốn chung tay chia sẻ, góp sức cùng gia đình vượt qua khó khăn và chúc Trung Hiếu luôn giữ vững ngọn lửa đam mê học tập.

Thể theo nguyện vọng của bạn đọc, VietNamNet sẽ là cầu nối là nơi tiếp nhận những tấm lòng cao cả của bạn đọc trong và nước ngoài nước chia sẻ hoàn cảnh với gia đình em.

Sự ủng hộ xin liên hệ trực tiếp: Nguyễn Trung Hiếu, Học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam
Địa chỉ: Đường Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội
2- Chuyển khoản

Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
 Số tài khoản: 0011002643148
 Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
 - Chuyển khoản từ nước ngoài:
 Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
 -The currency of bank account: 0011002643148
 -Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
 -Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
 -SWIFT code: BFTVVNVX
 
 3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet

 Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
 Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
 Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
 Email: banbandoc@vietnamnet.vn
Ban Bạn đọc

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

5 bài tập rèn não mỗi ngày


(Dân trí) - Việc tự đặt ra những thử thách, kích thích và luyện tập hiệu quả cả 5 nhóm chức năng của bộ não sẽ giúp sống khỏe, minh mẫn ngay cả khi tuổi tác đã nhiều.


Ghi nhớ

Ghi nhớ đóng vai trò thiết yếu hơn cả trong nhóm các chức năng tri giác, nó có trong những việc đọc, lập luận, tính toán.

Để duy trì trí nhớ tốt, bạn cần phải rèn luyện, và điều này đơn giản hơn bạn tưởng: Nghe nhạc rõ ràng là hoạt động rất thú vị, và nếu bạn chọn một bài hát không biết hoặc không nhớ lời, bạn sẽ tự làm tăng lượng acetylcholine, một chất hóa học giúp kiến tạo thêm cho não, nâng cao khả năng ghi nhớ cho não bộ.

Hãy tự tạo ra thử thách cho mình bằng cách tắm hoặc mặc quần áo trong bóng tối, hoặc dùng tay trái đánh răng. Tất cả những hoạt động như vậy sẽ giúp tạo ra những kết nối mới giữa các tế bào thần kinh khác nhau trong bộ não.

Sự tập trung

Khả năng tập trung là yếu tố rất cần thiết gần như trong mọi hoạt động hàng ngày của con người. Biết tập trung tốt sẽ giúp bạn có thể duy trì sự chú ý ngay cả khi xung quanh rất ồn ào và liên tục bị ngắt quãng để hoàn thành nhiều hoạt động trong cùng một thời điểm.

Ta có thể cải thiện năng lực tập trung bằng cách đơn giản là thay đổi những thói quen hàng ngày. Chẳng hạn, bạn có thể thay đổi đường đi tới công ty hay sắp xếp lại bàn làm việc, cả hai cách đó đều sẽ bắt trí óc bạn phải tỉnh táo hơn để thoát khỏi những thói quen.

Khi tuổi tác nhiều hơn, sức chú ý của chúng ta cũng giảm dần, điều này khiến ta dễ bị phân tán hơn và khả năng kết hợp nhiều hoạt động cùng lúc cũng giảm hiệu quả. Bằng cách kết hợp các hoạt động như vừa nghe một cuốn sách nói vừa chạy bộ, hay làm toán trong khi lái xe có thể khiến não bạn hoạt động nhiều hơn trong cùng một thời điểm.

Ngôn ngữ

Các hoạt động ngôn ngữ sẽ buộc chúng ta phải nhận diện, ghi nhớ và hiểu ý nghĩa các từ vựng. Chúng cũng sẽ giúp ta rèn luyện kỹ năng ngữ pháp, sự trôi chảy trong khi nói, viết và tăng lượng từ vựng.

Với bài tập hàng ngày, bạn có thể mở rộng kho từ mới và dễ dàng nhận diện các từ ngữ quen thuộc. Chẳng hạn, nếu bạn chỉ thường xuyên đọc những bản tin thể thao thì bây giờ, hãy thử đọc những bài báo viết về thương mại một cách kỹ lưỡng.

Bạn sẽ tiếp cận với những từ mới, tuy nhiên, chúng sẽ dễ hiểu hơn khi đọc trong một văn cảnh nhất định và thậm chí, nếu bạn chưa hiểu được, bạn có thể tra cứu bằng từ điển. Hãy dành thời gian để hiểu những từ mới đó ngay trong ngữ cảnh văn bản, điều này sẽ giúp bạn xây dựng kỹ năng ngôn ngữ và dễ dàng vận dụng những từ ngữ mới trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc.

Nhận thức thị giác

Chúng ta đang sống trong một thế giới 3 chiều đầy màu sắc. Việc phân tích các thông tin về mặt thị giác là điều cần thiết và có thể được thực hiện ngay trong môi trường sống của bạn.

Để luyện tập chức năng tri giác này, bạn hãy đi vào một căn phòng, chọn tìm 5 đồ vật và ghi nhớ vị trí của chúng. Khi ra khỏi phòng, hãy cố gắng nhớ lại 5 vật đã chọn đó cùng vị trí của chúng. Bạn thấy điều này quá đơn giản ư? Hãy chờ qua 2 giờ đồng hồ sau đó, và nhớ lại những vật này cùng vị trí của chúng.

Hãy nhìn về phía trước và ghi lại mọi điều bạn có thể thấy trước mặt và hai bên tầm nhìn của bạn. Hãy bắt mình nhớ lại mọi điều và ghi ra. Cách làm này sẽ buộc bạn phải sử dụng trí nhớ và rèn luyện cho trí não khả năng tập trung vào những điều xung quanh bạn.

Chức năng hành động

Mặc dù có thể không nhận ra, nhưng bạn đang sử dụng kỹ năng logic và lập luận hàng ngày để đưa ra những quyết định, xây dựng các giả thuyết và xem xét những kết quả có thể diễn ra trong những hành động của mình. Các hoạt động trong đó bạn phải xác định chiến lược để đạt được kết quả mong muốn và tính toán những hành động thích hợp để tìm ra giải pháp trong thời gian ngắn nhất có thể chính là những hoạt động yêu thích bạn làm mỗi ngày, giống như các hoạt động tương tác xã hội và các trò game chẳng hạn.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với một người bạn có thể kích thích hoạt động trí tuệ vì bạn sẽ phải cân nhắc những lời đối đáp có thể và những kết quả mong muốn. Các trò game đòi hỏi người chơi phải có chiến lược và kỹ năng giải quyết những khó khăn để đạt được mục đích tốt nhất.

Luyện tập trí óc

Cùng với tuổi tác, việc rèn luyện trí óc cũng quan trọng như luyện tập cơ thể. Và bây giờ, bạn đã biết 5 nhóm chức năng tri giác của não và cách thức luyện tập chúng, thế nên bạn sẽ nhận thấy dễ dàng hơn những hoạt động hàng ngày có thể giúp mình rèn luyện trí óc và não bộ ra sao.

Đỗ Dương
Theo Askmen

Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams


(Dân trí) - “Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”.
Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với GV trường Ams (THPT Hà Nội - Amsterdam)

Trên đây là bài văn của học trò Nguyễn Trung Hiếu, hiện là học sinh lớp 11 chuyên lý, trường trường Ams (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Bài văn “lạ” trước hết bởi đề bài văn nghị luận cô giao là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.
Bài văn của em đã lật tung quan niệm bấy lâu nay của nhiều người coi trường Ams là trường “của con nhà giàu” (!?). Nhìn cách tiêu xài hay xe cộ sử dụng để đến trường của một bộ phận học sinh trường Ams, rất nhiều người cứ nhầm tưởng như thế. Chỉ những thày cô giáo đang công tác ở trường Ams mới hiểu rõ đó là ngộ nhận. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nơi quy tụ các học sinh giỏi, còn trong hàng nghìn học sinh đang theo học ở trường cũng có rất nhiều hoàn cảnh, số phận. Và trường hợp em Nguyễn Trung Hiếu là một ví dụ.
Tuy nhiên, bài văn của Hiếu cũng đã gây “sốc” với ngay chính nhiều thày cô đang giảng dạy tại trường bởi hoàn cảnh của gia đình em. Và hơn thế, các thày cô rất khâm phục ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi này. Hiếu chưa nằm trong tốp học sinh xuất sắc của trường, nhưng cũng là một học sinh khá thông minh. Năm học vừa qua em đã đoạt giải nhì trong kì thi Olympic vật lí và cuối năm được cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong học bạ là học sinh học giỏi đều các môn học.
Đến thăm gia đình em mới thấy hoàn cảnh gia đình quả rất khó khăn. Mẹ Hiếu (chị Nguyễn Thị Hạnh) bị suy thận mãn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm. Bố Hiếu (anh Nguyễn Xuân Sơn) sức khỏe kém, theo bà nội em kể thì bố em từ nhỏ bị viêm tai giữa, đến khi phát hiện máu chảy ra đằng tai mới cho đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ nói đã “ăn vào não” và để lại di chứng là trí nhớ và sức khỏe bị giảm sút, không có khả năng lao động. Bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội em - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …
Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10/2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền là 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ các thày cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hàng tháng” cho em Hiếu 450 ngàn đồng; thày Nguyễn Trọng Tuấn nguyên hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500 ngàn đồng cho đến khi học hết lớp 12; còn cô Nguyễn Thúy Hằng giáo viên toán thì tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.
Nguyễn Trung Hiếu cho biết em rất xúc động trước tình cảm các thày cô dành cho em và gia đình. Em không còn phải nhịn ăn sáng để đi học nữa. Em tự hứa sẽ thật cố gắng để giành thành tích cao hơn trong học tập nhằm vượt lên số phận và để ngày mai lập nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của các thày cô, của gia đình …
Vũ Quốc Lịch 
(Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam)
*Dưới đây là bài văn của Hiếu đã gây “sốc” với giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam.
Thư gửi mẹ.
Mẹ thân yêu của con !
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ
Nguyễn Trung Hiếu

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Ngôi trường kỳ lạ: Dạy không vì thành tích


Cập nhật 04/11/2011 11:13:44 AM (GMT+7)


- Trong khi nhiều học sinh tiểu học đang bị sức ép từ chương trình học, nhà trường và các bậc phụ huynh, có một ngôi trường tiểu học chỉ làm một việc quan trọng nhất: dạy làm sao cho các em thích đi học.
 Cô giáo Lê Thị Ngọc Nga trong giờ dạy học.
Phụ huynh Kim Chi ở quận 10 (TP.HCM) cho biết, điều gây ngạc nhiên lớn là bé Tuân của chị, đang học lớp 1 ở trường tiểu học Võ Trường Toản, một cậu bé hiếu động và ít chịu học, lười tập viết, lại có thể háo hức đến trường mỗi buổi sớm.

Trải qua mấy tháng học tập tại trường này, chị có thắc mắc với cô giáo Lê Thị Ngọc Nga, giáo viên lớp Một 4 rằng cháu vẫn thua nhiều so với các bạn cùng lớp về tập đọc và tập viết. Cô giáo Nga nói: phụ huynh đừng nên so sánh con mình với các bạn, mà hãy so sánh cháu của ngày hôm nay so với hồi đầu mới đi học. Có như vậy thì mới biết khuyến khích và động viên cháu được.

Thật vậy, hồi đầu năm dẫn con tới trường, chị đã thấy một số cháu chỉ tay lên tường đọc vanh vách các khẩu hiệu. Các cháu đã đọc thông viết thạo từ trước khi vào lớp 1, tất cả vì cha mẹ cho đi học thêm từ mẫu giáo.

Trong khi đó, cu Tuân được nuôi dạy theo kiểu "phát triển tự nhiên" nên không học thêm một chữ. Tuy nhiên, tâm lý người mẹ khá lo lắng khi thấy con mình khó mà đuổi kịp các bạn.

Cô giáo Nga cho biết, cách xử lý tình huống khi trình độ học sinh một lớp không đồng đều nhau, vì có em đi học thêm, có em không học thêm là hướng dẫn các em đã biết từ trước giúp đỡ các bạn chưa biết. Điều này sẽ giúp các em "biết rồi" sẽ không quậy phá và nhàm chán trong lớp học. Với các em chậm hơn các bạn cùng lớp, hoặc lười tập viết, tập đọc, cô cho ngồi lên bàn đầu để dễ quan sát và hướng dẫn.

Được cô Nga cho phép ngồi cuối lớp để quan sát một buổi giảng dạy, mới thấy công việc của một cô giáo lớp 1 đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn và lòng yêu trẻ hết mình. Mồ hôi cô lấm trên trán khi hướng dẫn các em chơi trò chơi đánh vần, bạn nào ghép vần đúng sẽ được cô mời lên bảng để trình diễn cho các bạn khác xem. Các em học nhưng giống như tham gia một trò chơi, háo hức, vui vẻ. Cô tới từng bàn để chỉ những từ ghép vần chưa đúng.

Cô Nga có một "chiêu" để sửa dần thiếu sót của mỗi bé rất hiệu quả. Mỗi ngày, cô sẽ cho mỗi bạn học sinh tự đánh giá mình bằng câu hỏi: hôm nay con được điểm cộng hay điểm trừ? Các em nhỏ chưa hiểu thế nào là đúng hay sai, điều nên làm hay không nên làm, vì thế đây là một cách các em tự đánh giá được hành vi của mình.

Chẳng hạn, bạn Vũ đánh bạn Sang, như vậy bạn Vũ trong ngày đã bị một điểm trừ. Nếu bạn Vũ lỡ đánh bạn, nhưng biết xin lỗi bạn ngay và làm bạn tha thứ, lúc đó bạn Vũ lại được một điểm cộng vì gây ra lỗi mà biết xin lỗi. Hôm nay bạn Hoa không chịu ngủ trưa, chạy lung tung làm cô bảo mẫu phải đi kiếm thì bạn Hoa sẽ bị một điểm trừ, tuy nhiên nếu bạn Hoa không ngủ được mà nằm im cho các bạn khác ngủ thì bạn Hoa lại được điểm cộng.

Cô Nga cười vui: Có lần một em khi được hỏi em xứng đáng nhận điểm cộng hay điểm trừ ngày hôm nay, em trả lời: cả ngày nay con không mắc lỗi gì hết, con được điểm cộng. Thế nhưng có một số bạn ở dưới nhao nhao lên rằng bạn này giờ ra chơi chạy nhanh, vô tình làm bạn khác té mà không xin lỗi. Cuối cùng bạn nhỏ nhận ra: tuy việc làm của mình chỉ là vô tình, nhưng vẫn phải xin lỗi bạn.

Với cách cho điểm cộng, trừ như vậy (chỉ là cho vui và không ghi vào học bạ), cô đã dần dần cho các em hiểu thế nào là việc làm đúng, thế nào là việc làm sai.

Đối với các em được gia đình chiều chuộng, muốn gì được nấy, cô phải uốn nắn mất rất nhiều thời gian để các em hòa đồng được trong tập thể. Thứ nhất là mọi công việc liên quan đến em thì em phải tự làm, cô cũng dặn phụ huynh phải chú ý đến điều đó ở nhà. Cô điều chỉnh tính ích kỷ của em bằng cách cho điểm cộng, điểm trừ, vì thật ra, không phải đó là những em hư, mà các em không biết việc nào là tốt, việc nào là không tốt mà thôi.

"Tôi chưa bao giờ có lời nhận xét đối với các em kiểu như em này hư hay học dốt, thay vào đó tôi nói như vậy là chưa ngoan, học thế là chưa giỏi", cô Nga cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Tri, hiệu trưởng của nhà trường cho biết, cô giáo Lê Thị Ngọc Nga rất có kinh nghiệm trong việc dạy trẻ và điều hành rất tốt các hoạt động giảng dạy. Không chỉ một mình cô Nga, nhà trường yêu cầu và khuyến khích tất cả các thầy cô giáo phải lấy mục tiêu là làm cho trẻ đến lớp thấy vui là đạt yêu cầu.
Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q10, TP.HCM

Khi hỏi trường tiểu học Võ Trường Toản có bị sức ép về chỉ tiêu học sinh khá giỏi không, thầy Tri cho biết: "Chúng tôi không bị bất kỳ một sức ép nào, phòng giáo dục quận 10 cũng không có một áp đặt nào về số học sinh khá giỏi đối với trường".

Theo các giáo viên trường Võ Trường Toản, sự thành công đối với họ là có sự hợp tác rất tốt và có sự thống nhất về phương pháp dạy giữa nhà trường và gia đình. Khai giảng năm học, thay vì một bài diễn văn dài dòng, khách sáo, thầy hiệu trưởng nói với các bậc cha mẹ về cách dạy con cái. Phụ huynh khi hiểu được phương pháp giáo dục của các thầy cô thì rất đồng tình và áp dụng ngay cả ở nhà.

Thầy Tri nói: Nếu không làm cho cha mẹ hiểu được, ở nhà họ sẽ nói với con: thầy cô dạy thế là dạy sai thì phản tác dụng.

Thỉnh thoảng, thầy Tri đảo qua các lớp, thấy một chi tiết gì chưa được, thầy nhắc nhở. Lâu lâu, cô giáo quên đổi chỗ ngồi cho học sinh để điều tiết mắt cho tốt, thầy cũng nhận ra và nhắc luôn.

Thầy luôn động viên các giáo viên đừng dạy theo quán tính cũ, thấy cách nào có thể làm cho một bài học hay hơn, thú vị hơn thì áp dụng cách đó. Vì thế, giáo viên luôn nghĩ ra được các "trò" để làm học sinh thấy yêu thích công việc học tập.

Mỗi tuần, mỗi lớp sẽ có một buổi sinh hoạt ngoại khóa, các em có thể lựa chọn chơi bóng rổ, bóng đá hay đi bơi. Đây là một hoạt động mà theo thầy Tri, sẽ để lại ấn tượng rất tốt cho học sinh: cứ đến trường là được vui chơi thỏa thích.

Ngôi trường rợp bóng cây, với diện tích khá lý tưởng 4,5m2/học sinh ở vị trí trung tâm, là niềm hạnh phúc của thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh. Một giáo viên tâm sự, trong khi đời sống giáo viên tiểu học còn khó khăn, thì nhà trường vẫn tìm cách để thưởng tết cho giáo viên 1 triệu đồng làm cho chúng tôi được động viên rất nhiều.
Phụ huynh cũng phải biết xin lỗi con nếu mình sai

Một học trò của cô giáo Nga có lần mang về một ít bánh kẹo, bị mẹ nghi ngờ là lấy của bạn, vì thỉnh thoảng, con vẫn "mang nhầm" đồ bạn về nhà, con giải thích đó là quà do một bạn tổ chức sinh nhật ở lớp tặng nhưng mẹ không tin.

Hôm sau, đến lớp hỏi lại cô giáo, cô Nga nói bé đã đúng, tuy nhiên, vì mẹ đã không tin vào lời nói của con nên mẹ đã sai, vì vậy, mẹ phải xin lỗi con ngay tại lớp. Đây là một câu chuyện mà vị phụ huynh này nhớ mãi và càng yên tâm với cách dạy của cô giáo Nga và nhà trường.
  • Hương Giang