Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Tết của người đàn bà


Theo Dân trí
Tết của người đàn bà vẫn muôn màu với những lo toan…


Tết lên 3

3 tuổi. Bé gái nép vào chân mẹ, ngơ ngác nhìn những quả bóng bay xanh đỏ tím vàng. Không hiểu điều gì đang xảy ra nhưng vẫn vòi vĩnh cho bằng được một chiếc váy hồng khi Tết đến. Sáng mồng Một, bám cổ ông bà đọc những câu chúc Tết được bố dạy thuộc lòng. Tết, có khi khóc thét lên vì không có chiếc phong bao lì xì màu đỏ, dù sau đó lại "rộng rãi" cho những trẻ khác hoặc nhờ cha mẹ "giữ".

Tết lên 7

Lên 7, đã biết Tết, nên náo nức đếm từng ngày 29, 30… Đã biết tự mình nghĩ ra những lời chúc hồn nhiên, đôi lúc ngô nghê. Đã biết giữ gìn những phong bao lì xì đỏ chói cất vào ví nhỏ. Tết xúng xính trong bộ váy mới được mẹ dẫn đi mua, tự hào với lũ trẻ trong xóm vì mình xinh như nàng công chúa, đã biết Tết là gì. Tết đến rộn ràng bao nhiêu thì sợ hết Tết bấy nhiêu…

Tết 16

Tết của tuổi 16 ngọt ngào như thỏi kẹo. Ngần ngừ không muốn theo mẹ ra chợ; muốn tự mình chọn chiếc váy hơi cao, chiếc áo ôm phô đường cong một chút. Tết 16, chợt thấy mình nữ tính, dịu dàng hơn; muốn bố đừng quá quan tâm, thôi không mắng những chuyện riêng tư, nhưng vẫn tò mò hỏi bố bí mật của "những người đàn ông nhỏ". Thiếu nữ 16 nghe trái tim rung nhẹ khi soi gương, thấy má ửng hồng. Thoa chút son lên môi, 16 tuổi ước mơ – có điều thật lớn lao, có điều thật nhỏ nhoi; tự thấy cuộc đời chỉ có tuổi trẻ và muôn màu mơ ước.

Tết 30

Sợ Tết đến nhưng vẫn len lén chờ Tết. Tuổi 30 không cho phép người đàn bà chậm lại nhưng rất sợ thời gian trôi. Những nếp nhăn không mong đợi xuất hiện cuối mắt, đầu môi. Những câu hỏi chạm đáy, nảy lên khi gặp phải những phản kháng nội tâm không muốn trả lời hoặc không thể trả lời. Chồng chưa? Con chưa? Nhà cửa thế nào, công việc ra sao? Người đàn bà 30 mong Tết để được nghỉ ngơi, sum vầy nhưng sao lại thoáng nặng lòng. Những lo toan của cả đời người bắt đầu hội tụ. Tết có lẽ chỉ muốn ngủ vùi hoặc đi đâu đó thật xa… Xong Tết thì làm gì để cuộc sống của mình khác đi vì tuổi hai mươi không còn nữa.

Tết 49

Tết bạn bè, Tết bà con. Tết mà không phải Tết. Tết cứ như một mốc thời gian để hiểu mình phải cố làm cho xong những dự định. Người đàn bà chớm 50 thấy sau lưng là những điều vụt qua và phía trước không còn nhiều thời gian để làm kịp nữa. Biết Tết đến nhanh thế thì mình đã lo cho con gái cái này từ những năm trước, làm cho con trai cái kia từ những năm trước nữa. Tết, biết con cái sau này có lo toan một cái Tết như mình đã làm nhiều năm qua cho ông bà, cha mẹ? Tiếc tuổi trẻ đã không làm được điều gì lớn lao cho mình, cho đời. Xuân vụt qua nhanh đến mức nhìn thấy tóc bạc của chồng bỗng giật mình xốn xang. Tết len lén khấn nguyện thành lời khi cầu xin ông bà cho vợ chồng mình ở lại với nhau thật lâu để con cái nên người. Tết 49 soi gương, thấy có nhiều hối tiếc để rồi lại...không hối tiếc gì.

Tết 70

Tết đến, Tết đi lặng lẽ. Người đàn bà mong Tết không phải để mặc áo mới mà chỉ canh cánh làm sao mình là tấm gương cho con cháu noi theo. 70 năm, Tết đã quá quen và tự đến. Sáng mùng Một, nhận lời chúc của những đứa con trưởng thành về từ thành phố, mãn nguyện nghe cháu bảo sao Tết mà tóc bà bạc nhiều thế! 70 tuổi, người đàn bà cho con hết tuổi trẻ và nhận lấy tuổi già. Thế nên, mong Tết là để được sum vầy, được nghe con cháu kể chuyện cả một năm rời tổ bôn ba trở về, để trẻ lại khi thấy cuộc đời mình trong câu chuyện các con. Thế mà mong mãi mới thấy Tết đến để hàn huyên. Thế mà thấy như cuộc sum vầy chưa thỏa mà Tết lại đi...

Tết với người đàn bà vẫn muôn màu với những lo toan…

Theo Ka Lê Thụy
PNO

Nhớ Tế Hanh


Nhớ Tế Hanh

 

Theo: Tuanvietnam.net

Tác giả: Cao Huy Thuần
Bài đã được xuất bản.: 27/01/2011 05:30 GMT+7
Năm ngoái, khi Tế Hanh mất, tôi định viết chút tưởng nhớ của tôi như thắp một nén nhang cho anh nhưng không viết được vì bài viết về anh đã nhiều quá rồi, mà ai viết cũng hay. Năm nay, ngày giỗ đầu, tôi lại định viết, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, kỷ niệm của tôi về anh có bao nhiêu đâu, viết e vô duyên.
Nhưng không viết thì lòng không yên. Giữa anh và tôi, dù sao cũng có chung với nhau một con sông ấy, con đường ấy, nhà ga ấy, trường học ấy, người cũ ấy, tuy chẳng bao nhiêu nhưng cũng đã từng như nhau vương vấn một đời. Bởi vậy, đọc thơ anh từ thuở "Nghẹn ngào" cho đến những bài cuối, tôi cứ có hoài những cảm xúc cũ, tuồng như cái nghẹn ngào ngày trước cứ theo tôi đi suốt thơ anh. Nếu tôi có chủ quan ở đây thì cũng mặc kệ, anh Tế Hanh nhé, tôi cứ đọc thơ anh như vậy, bởi vì "cánh buồm giương to như mảnh hồn làng" trong tôi không giống bất cứ cánh buồm nào trong lòng ai khác. Nhà ga cũng vậy. Tế Hanh cũng vậy.  Anh cho phép người em nhỏ này đọc những bài thơ bình dị của anh nhé, như bài thơ nổi tiếng của anh đã được bao nhiều người trích dẫn rồi.
Nhà ga ... thế hệ tôi, thế hệ sau tôi, ai mà chẳng thuộc lòng "Những ngày nghỉ học"? Nhưng có ai tiếc với tôi chăng cái nhan đề nguyên thủy của bài thơ thân thương ấy: "Vu vơ"? Có ai nghẹn ngào với tôi vì cái chi tiết này không: ga của Tế Hanh chỉ có tàu đi, không có tàu đến:
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Nhà thơ Tế Hanh. Ảnh: NLD
Anh có đi đón thật, nhưng anh đón những chuyến tàu đi. Nhà ga của anh không phải là chỗ đến, chỉ là chỗ đi. Chỗ để anh xem tiễn biệt. Chỗ bơ vơ. Nhà ga Châu Ổ - Bình Sơn của tôi quả là vậy. Mà nhà ga Huế cũng vậy. Chỉ có những chuyến tàu đi. Và tàu đi rồi thì ga trống trơn, nằm buồn thiu nghe gió thổi mông lung trên mấy bông cỏ may hiu hắt. Nhà ga ấy sinh ra chỉ để tiễn biệt con tàu. Con tàu sinh ra chỉ để tiễn biệt linh hồn Tế Hanh. Sau này, dù đi khắp cùng các nhà ga lớn trên thế giới, dù mỗi tuần hai lần phải lên xe lửa đi dạy, nhà ga, đối với tôi, dù tấp nập mấy đi nữa, vẫn vương vương buồn, cái buồn ga xép của hồn Tế Hanh. Chẳng vu vơ sao.
Ngày tôi  bắt đầu đi học, Tế Hanh đã rời con đường ấy rồi, con đường dẫn từ Châu Ổ đến trường huyện Bình Sơn. Mấy ai đọc "Có những con đường" mà thấy trước mắt như tôi cái "nhà người yêu mến" ấy và đôi má quá có duyên của chị? Tế Hanh hồi trẻ rất đẹp trai, nhưng ai dám nói đẹp trai thì không thất tình? Cho nên tôi lại thấy rõ trước mắt cái "trung tâm điểm" mà anh chàng si tình kia đi qua đi lại, mắt chỉ liếc ngang mà không dám liếc vô:
Ta gửi tình ta ở khoảng đường
Bước này tưởng nhớ, bước này thương
Tay đưa ngượng nghịu, hàng mi chớp
Ngực đánh dồn thêm, chân vấn vương.
Đi mãi không hề biết mỏi xa
Đi suông không dám ngó vô nhà
Đường thường bỗng hóa trung tâm điểm
Lắm cớ xui mình phải bước qua.
Con đường, nhà ga, cánh buồm... từ cái hồn mà anh gửi vào trong đó, tôi bắt chợt được hồn anh trong những vật rất tầm thường mà tôi cũng có chung với anh lúc nhỏ. Ôi, cái rổ may! Sao anh thấy được thơ trên cái rổ may hèn mọn ấy? Có phải vì anh đi học xa nhà từ nhỏ như tôi? Có phải vì anh cũng nên người từ trên cái rổ may ấy, từ sợi chỉ cây kim tằn tiện của các bà mẹ Đông Yên, Bình Sơn?
Lơ thơ chỉ rối sợi con con
Những cái kim hư, hột nút mòn
Tằn tiện để dành trong lọ nhỏ
Vải lành gói ghém mấy khoang tròn.
Già rồi, đọc lại bài thơ vẫn mủi lòng như thường. Nhớ mẹ, như anh từng nhớ:
Mẹ ơi! Chiếc áo con đã rách
Con biết làm sao trở lại nhà
Để mẹ vá giùm! Con thấy lạnh
Gió lùa nỗi nhớ thấm vào da.
Tầm thường hơn nữa là quyển vở nháp của học trò trường huyện. Anh yêu ai, tôi không dám nhắc, tuy biết với mắt trẻ thơ. Nhưng yêu quyển vở nháp thì chắc chắn là có cha tôi trong đó. Tôi là con ông giáo nên thấy hiện ra ngay quyển vở soạn bài của cha tôi và quyển vở nháp của anh:
Những vở soạn bài hay toán, luận
Địa dư, cách trí... dáng lo âu
Chỉnh tề, đầy đủ như ông giáo,
Vở nháp lôi thôi giống học trò.
Tôi thấy lại cha tôi cặm cụi gạch viết ngay hàng thẳng lối mỗi buổi sáng tinh sương, dưới ánh đèn dầu ở Bình Sơn, soạn bài với tất cả lòng yêu nghề,  đến nỗi bao nhiêu thế hệ học trò đi qua đều thương quý thầy như cha ruột. Bây giờ, lắm người thấy cái hồn trong "Quốc văn giáo khoa thư" mấy ai thấy cái hồn trong quyển vở soạn bài của cha tôi hay quyển vở nháp của Tế Hanh? Tầm thường mấy câu chữ học trò vậy thôi, nhưng đó là cái tầm thường của mấy quả táo vặt, đặt trên bàn thì vô tri, đặt vào tranh tĩnh vật thì toát ra hồn.
Hồn: đó là thi tứ của Tế Hanh. Bao giờ anh cũng muốn làm bật ra cái hồn trong mỗi tĩnh vật. Lắm khi anh phải gọi tên nó ra. "Những buổi mai trưa nắng chói xa / Hồn tôi lóng lánh ánh dương sa", ấy là anh nhìn con đường quê. "Đốt cháy bao la sánh mặt trời / Linh hồn mùa hạ hiện thân ơi", ấy là anh nhìn hoa phượng. Không gọi, hồn vẫn kín đáo rộn rã. Con đường si tình của anh chẳng hạn, thương quá, nó đang "sầu tủi" cùng anh:
Ấy lúc lòng ta hết với người
Hay là yêu mến đổi dời nơi
Con đường bị bỏ trong quên lãng
Sầu tủi nằm thương dưới bụi đời.
Sau này cũng vậy, dù  là đi đánh Tây, đánh Mỹ, xây dựng chủ nghĩa, chế độ, thơ của anh bao giờ cũng chú trọng đến cái hồn, lắm khi giữa một bài khô rốc, tôi cũng vẫn có thể giật mình vì một câu khêu gợi cái hồn cũ. Hoa phượng thì tôi đã nói rồi, những vẫn nhắc lại, vì cái hồn của phượng Huế không rời anh:
Không một cành riêng hay một khóm
Mà như tất cả sáng trên đầu
Hồn trưa rạo rực trong ai đó
Suối đỏ lan tràn đến tận đâu?
Hoàng hôn là cái buồn muôn thuở trong thơ, nhưng mấy thơ bắt chợt được cái hồn của hoàng hôn trong tiếng gà con lạc bầy kêu mẹ:
Một con gà nhỏ lạc trong thôn
Mất mẹ bi thương gọi đứt hồn
Có phải lòng tôi đau quạnh quê
Kêu tim lòng bạn giữa hoàng hôn?
Vật càng nhỏ, cái hồn càng lớn. Một sợ cỏ may của anh chứa cả mùa thu:
Tôi đi để mặc cỏ may
Hai hàng bờ biếc ghim dày quần tôi
Dừng chân dưới một quả đồi
Gỡ từng sợi cỏ, tôi ngồi nhìn thu.
Tôi ngồi nhìn thu... mấy sợi cỏ may chắc bỗng giật mình. Không có hồn thì thơ anh không yên, cho nên đôi khi anh phải đóng vai trò ông Tạo Hóa thổi hồn vào cảnh. Cô dân quân vai đeo súng tập lái máy cày giữa nông trường kia, cô oai dũng quá, khiến thơ tôi cũng oai dũng theo. Tôi gửi thêm chút hồn vào cô nhé. Thế là có một vết bùn trên má cô, khiến cô có duyên mà thơ cũng bỗng có duyên: Trông cô càng đẹp bên tay lái / Một vết bùn in giữa má duyên. Cũng vậy, anh đi sơ tán về, gặp lúc vợ đang thổi cơm, củi không có, chỉ có rơm với khói, anh gửi yêu thương tràn đầy vào đâu? Vào một vết nhọ đen trên má vợ:
Anh ngẩn ngơ nhìn vết nhọ đen
In trên gò má ứng thêm duyên
Đôi môi thắm mọng khi em nếm
Canh cá cần gia muối ớt thêm.
Cảnh thực đơn sơ tình vợ chồng. Rất thực. Nhưng mấy ai dám bỏ muối ớt vào thơ như thế? Mà ai dám nói câu thơ ấy thật thà? Có lẽ chỉ có ai vô phước không được vợ nấu canh cá cho ăn mới không rung động trước câu thơ vừa thực vừa tình như vậy.
Nhưng thực và thơ, thực và mộng, thực và linh hồn... đâu phải dễ gì cho ông Tạo kiếm được chút bùn hay chút nhọ đen? Hiện thực chủ nghĩa là ngọn đuốc soi đường đi cho thơ Tế Hanh sau buổi "hoa niên", nhưng đuốc cũng phải cần lửa như xác cần hồn. Nếu không thì chỉ như thế này:
Củ cải dài hơn tấc
Lợn nặng một tạ ba.
Anh giải thích: "Tôi muốn viết những bài thơ dễ hiểu / Như  những lời mộc mạc trong ca dao". Nhưng ca dao mộc mạc mà thơ mộng quá chừng. Thơ anh cũng vậy. "Bài thơ tình ở Hàng Châu" là một tuyệt tác. "Vườn xưa" là tuyệt tác. "Những con sông quê hương" cũng vậy. Khi đằng sau cái dễ hiểu chỉ có cái dễ hiểu thì thơ thành củ cải. Khi đằng sau cái dễ hiểu lóe lên thi tứ thì Tế Hanh hiện hồi. Chẳng hạn khi anh về thăm lại vườn cũ:
Hai mươi năm trở lại
Mảnh vườn cũ gia đình
Toàn những loại cây mới
Như bỡ ngỡ nhìn mình.
Cái "bỡ ngỡ" ấy là thi tứ truyền qua người đọc. Cây như biến thành người. Chúng lạ với anh và anh cũng lạ với chúng. Chúng không biết anh về lại miền Nam thân thương của anh sao? Cây vú sữa, cây trứng gà, cây mãng cầu xiêm, cây lạ mà tên tuổi gì cũng lạ hoắc; đâu rồi cây mít, đâu rồi cây ổi, đâu rồi cây chanh? Ồ, may quá, đây rồi, cái hồn của vườn cũ hiện ra:
Chỉ còn cây lựu già
Từ thời ông để lại
Đỏ chói một chùm hoa
Tuy từ lâu không trái.

Nhà thơ Tế Hanh (thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn. Ảnh: thethao&vanhoa
Ôi chung thủy! Người cũ vẫn dai dẳng đợi chờ! Ai dám nói anh chỉ tả cảnh thực? Ai không thấy anh đang mộng? Mộng hương thơm cây mít. Mộng tay ai hái ổi. Mộng tóc mẹ thơm chanh. Nếu thực không đi đôi với mộng thì còn gì là thơ?
Mà chính anh, anh cũng thú nhận lẫn lộn giữa mộng và thực. Biển, mà anh nhớ như nhớ người yêu, là thực hay mộng? Cái chấm xanh trên Thái Bình Dương ấy, cát trắng, nắng vàng, trời biếc, tiếng sóng vỗ hoài trong giấc ngủ của anh đó, mộng hay thực?
Nơi rất thực mà cũng là rất mộng
Của đời tôi yêu biển tự bao giờ
Tình yêu cũng vậy, nếu không có mộng trong thực, làm sao anh yêu được?
Ta đã yêu em
Như yêu sự sống
Ngày hiện trong đêm
Thực hòa với mộng.
Bời vậy, anh cần gì phải lý thuyết nhiêu khê với liễu trong thơ Đường, liễu trong tranh Tống,  hỏi làm gì chúng nó thực hay mộng? Nếu chúng là thực, chẳng lẽ lá liễu nơi mắt người yêu cũng là thực chăng? Ôi thôi, còn gì là mắt em tôi! Còn gì là thơ khi thiếu chiêm bao?
Nhưng nếu chẳng thơ Đường
Nếu không màu tranh Tống
Không huyền ảo chiêm bao.
Chắc gì trong cuộc sống
Liễu đã mang thơ vào
Chắc gì mắt em như lá liễu
Đã cắt lòng anh một nét dao?
Biết vậy, sao lòng anh vẫn không yên? Cứ hỏi lui hỏi tới:
Sao không làm cho
Nghệ thuật phải giống cuộc đời
Mà lại làm cho
Cuộc đời phải giống như nghệ thuật?
Cuộc đời phải giống như lý tưởng của nghệ thuật chứ! Phải Đẹp hơn chứ! Phải Tốt hơn chứ! Phải Chân Thật hơn chứ! Phải đem lá liễu vào con mắt chứ! Và phải đem cả chiêm bao vào nữa thì thơ mới thực và mới bay lên. Như khi anh về Huế, Huế hoa niên của anh, sau mấy chục năm xa cách: đêm đầu tiên chăn gối với Huế, anh đâu có ngủ với con lợn tạ ba, anh vỗ cánh như bướm Trang Chu, bất biết anh là chàng trẻ ngày xưa đang mộng hay đôi lứa thực nào đó ngoài đời đang mượn mộng của anh để trùng phùng với nhau:
Trở lại Huế đêm đầu tiên
Chiêm bao lại thấy gặp em thế này
Mười lăm, mười tám thơ ngây
Mắt đầy cả nắng, hồn đầy cả trăng
Con đường đi học sương giăng
Lung linh hoa phượng kết bằng lưu ly
Lòng như tiếng sóng rầm rì
Câu thơ trong giấu nói gì yêu thương.
Diệu kỳ thay giấc mộng xuân
Bốn mươi năm lẻ đã ngừng không trôi?
Hay đôi bạn trẻ ngoài đời
Gặp nhau trong giấc mộng tôi, tình cờ?
Thực và mộng cứ vậy mà gặp nhau, hỏi han nhau, sóng đôi với nhau, đôi lúc gây nhau. Cũng như buồn và vui, im và nói, chúng ẩn rồi hiện như một nỗi lòng khắc khoải không nguôi. Tuồng như khi anh thực là anh phải thực. Khi anh vui là anh phải vui. Khi anh hùng hồn là anh phải hùng hồn. không phải anh dối lòng đâu! Có ai thật với thơ như anh! Thật đến não lòng. Nhưng rồi cũng tuồng như khi anh buồn thì anh rất sâu, khi anh im là anh rất thực. Buồn, anh không cần biện minh. Vui , anh phải tuyên bố. Nói, anh phải tìm chữ. Im, ấy là lúc anh sống với mình.
Đây, buồn vui, đậm đà trong câu thứ nhất, nghe sao sao ấy trong câu thứ hai:
Đôi lúc lòng tôi cũng ngậm ngùi
Nhưng mà cái chính vẫn là vui.
Yêu thơ anh, ai cũng tin anh thật lòng tuyệt đối. Nhưng anh vẫn thấy cần nói thêm, xác quyết hơn:
Trong thơ tôi có câu đầy nước mắt
Nhưng tôi không chán nản đâu anh.
Nói vậy thì nói vậy, chứ anh lại lý sự, tuồng như anh chưa được hài lòng lắm với sức nặng tương đối của buồn và vui trên hai lá cân hiện thực của anh. Cân lui cân tới, tuồng như anh bực mình, vứt cái cân đi, vùng vằng triết lý:
Đời tôi thực hay mộng
Đời tôi buồn hay vui?
Đời tôi là sự sống
Đời tôi là đời tôi.
Nếu là sự sống thì đời ai lại chẳng có buồn vui? Ý anh muốn nói: sự sống thì cũng có buồn, cho nên tôi cũng có buồn? đương nhiên là thế, nói làm gì? Đời ai chẳng thế, đâu phải chỉ anh? Hay là ý anh muốn nói: Mặc tôi sống thật với tôi? Vui, thì tôi nói tôi vui, buồn, thì tôi nói tôi buồn?
Có một cách thứ ba nữa mà, lạ quá, dù ở ngoài đời hay ở trong thơ, Tế Hanh làm ai cũng chú ý, dường như đây mới là nét đặc biệt của riêng anh, cả tính của anh: anh ít nói, nói nửa chừng,  nói nhát gừng, chưa nói đã im, miệng nói mà đầu để ở đâu đâu, như không phải đang nói với người đối diện mà nói với cái suy nghĩ vừa hiện ra nửa chừng trong đầu. Đó là những lúc mà thơ anh quyến rũ lạ lùng, như chợt bắt gặp lại cái hồn muôn năm cũ trong anh:
Tiễn em trong cảnh thu này
Lòng ta muôn tiếng sao đầy lặng im?
Tiễn nhau, im đã đành. Gặp nhau cũng im:
Gặp em câu cuối cùng chưa nói
Buổi sớm qua rồi, sắp hết trưa
Góc sân, ánh nắng như lưu luyến
Dừng lại trên chùm hoa báo mưa.
Tiễn nhau, im. Gặp nhau, im. Đi bên cạnh nhau, cũng im:
Phố này đêm ấy có trăng
Đi cùng một quãng nói bằng lặng im.
Đi bên cạnh nhau, im. Sống cả đời với nhau, cũng im:
Em biết không? Giữa anh và em
Không nói được nhiều hơn là nói được.
Vậy thì thực - mộng, buồn - vui, im - nói, đừng bắt thơ phải mất công lý luận. Anh có lý luận đâu với cái nghẹn ngào ngày trước? Anh cứ  để nguyên cái cảm xúc thanh xuân rất thực ấy và trân quý đặt nó trên bìa tập thơ đầu tiên của anh. Chủ quan, rất chủ quan, tôi muốn thầm thì với anh: Anh biết không, thơ anh nghẹn ngào từ đầu đến cuối. Buồn nghẹn ngào với vui. Im nghẹn ngào với nói. Thực nghẹn ngào với mộng. Vô lý nghẹn ngào với vô lý, càng vô lý càng đúng với sự sống. Như khi anh thủ thỉ:
Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi.
Nói lại thủ thỉ nữa - khi nào Tế Hanh thủ thỉ sao anh dễ thương thế:
Giống như, em nhỉ, tình yêu vậy
Nước mắt song song với nụ cười.
Tôi gọi Tế Hanh bằng anh trong mấy lời nhớ nhung này, như một người em nhỏ, vì anh là học trò cũ của cha tôi ở trường huyện Bình Sơn. Khi tôi lớn lên ở Quảng Ngãi thì anh đã ra Huế học, chưa bao giờ tôi gặp anh. Nhưng cha tôi - và cả mẹ tôi nữa - đều nhắc đến anh hoài, khiến tôi cứ tưởng như có lần đã gặp mà quên. Vì con đường ấy chăng? Vì "nhà người yêu mến" ấy chăng? Trẻ thơ tưởng tượng những chuyện trai gái mà người lớn không ngờ được đâu. Tôi cứ nghĩ "người yêu mến" đó phải là chị ấy, chỉ vì anh Hanh đẹp trai mà chị ấy có đôi má quá có duyên. Mà không chừng tôi có cơ sở thực. Anh Hanh là học trò của cha tôi mà gia đình chị ấy lại quá thân với gia đình tôi. Mẹ tôi có con mắt rất tinh không chừng lúc nhỏ mắt tôi cũng tinh như thế. Cho nên, khi đọc bài "Dễ thương" trong Nghẹn ngào, tôi cứ bắt tôi phải nghĩ rằng người trong thơ phải là người cũ của tôi, rất thực mà cũng rất mộng:
Người khách vu vơ nóng đợi thầm
Diu dàng thấp thoáng bóng giai nhân
Thói nhà khép nép trong cây lá
Thổn thức thầm xem truyện Tố Tâm.
Chị ấy có thổn thức không với Tố Tâm thì tôi không biết. Nhưng tôi biết: chị thầm xem Tự Lực Văn Đoàn và thường lén cha xem trộm ở nhà tôi. Chỉ chừng đó thôi, bài thơ thơm cả lòng tôi tử nhỏ cho đến bao giờ.
Lần đầu tiên tôi gặp anh Hanh là đầu năm 1990 khi anh qua Pháp. Anh Nguyễn Xuân Sanh phải dắt anh đi vì cả hai mắt của anh lúc đó không thấy đường nữa. Tôi bất chợt hỏi anh: "Anh Hanh, anh có nhớ một ông thầy cũ của anh có họ giống tôi không?". Không một chút nghĩ ngợi, anh thốt: "Thầy Cao Huy Hy hả?".
Sau đó, anh Hanh và anh Sanh đến ở nhà tôi một buổi chiều, một buổi tối, một buổi sáng. Tôi đắc thắng với chính tôi vì tôi ngầm thất vọng về anh từ sau năm 1975. Anh quý cha tôi như thế, cha tôi thương anh như thế, vậy mà sao anh chẳng ghé thăm thầy cũ một lần? Bao nhiêu học trò cũ của cha tôi từ Bắc vào Nam đều tìm đến thăm cha tôi, chỉ thiếu anh. Anh thương nhớ quê hương suốt đời thơ của anh, thương nhớ con sông, thương nhớ miền Nam, "nhớ cả những người không quen biết", vậy mà anh quên thầy cũ được sao? Tôi hận anh như bị tình phụ. Rồi tôi tìm cách biện hộ cho anh. Hai mươi năm xa cách, anh về thăm mẹ chỉ được hai ngày, rồi " lại xin đi". Rồi cũng vì công tác, lần đầu anh đi ngang qua Huế mà không dừng chân, tội nghiệp, anh phải nài nỉ chiếc xe:
Nếu vì việc gấp không dừng được
Xin đi chạm chạm hỡi xe ơi!
Trời, sao anh không hỏi thầy cũ một tiếng? Cha tôi biến mất trong mộng của anh? Cha tôi biến mất  trong thực của anh?
Thế là tôi đắc thắng! cha tôi ngủ yên trong đầu anh. Gọi một tiếng là kỷ niệm bật dậy. Như nghẹn ngào òa ra.
Còn một nghẹn ngào này nữa mà tôi cứ tiếc chưa có dịp đánh thức trong kỷ niệm của anh. Trước nhà xưa của tôi, ở bên kia sông Trà Bồng, xa xa trên một quả đồi nhỏ, thấp thoáng bóng ngôi chùa, ngôi chùa mà tôi cứ nghĩ là đã nằm trong những bài thơ đầu của anh. Sau này, khi anh đã được "trang bị" lại cho anh "một cách nhìn khác" về mọi sự mọi vật, anh tuyên bố từ giã "tấm lòng" của anh ngày trước, khi vu vơ say đắm trong những học thuyết của trường xưa.
Ôi cái thuở bao nhiêu học tuyết
Dắt ta đi vào cõi mờ hồ
Ngoảnh lưng thực tại đầy mâu thuẫn
Đi tìm ý nghĩa của hư vô.
Trong những hư vô mà anh từ giã, có ngôi chùa của anh ngày xưa chăng? Tôi đọc lại bài "Chùa" và muốn nghĩ rằng không. Thứ nhất, không, vì nếu anh từ giã, sao  bài thơ lại nằm vinh quang như thế trong tuyển tập? Thứ hai, không, vì anh thương chùa không thua gì thương những con đường quê hay sông nước của anh. Thứ ba, không, vì anh nói rõ: chùa là nơi anh đã quay về sau khi chán nản với "gió lãng mạn""thuyết hoài nghi", nghĩa là những gì đã ám ảnh anh dưới mái trường thuộc địa. Vậy thì, giá như tôi có dịp nhắc lại chùa với anh, biết đâu anh cũng mừng rỡ như khi tôi nhắc lại cha tôi. Tôi nhắc lại cả bài nhé:
In rõ rệt chân trời quá khứ,
Chùa không thôi tình tự thuở xa xăm
Tuổi thơ tôi là cả một đêm rằm
Trăng to rạng sáng chầu quanh đức Phật
Hồn thanh thoát chưa hề vương vật chất
Đồng vọng xa cùng nhịp tiếng chuông bay
Này hai cây bạch lạc ánh hai tay
Đôi mắt chói này rung trong ngọn nến
Niềm tin cần tượng hình lên trái chín
Phút tâm thành ngào ngạt tỏa hương hoa.
Ôi buổi lớn khôn ! ơi buổi xa nhà
Tôi đâu biết cách xa chùa đến thế
Gió lãng mạn thổi qua buồn thế hệ,
Sóng thị thành tan giã cả lòng tin.
Thuyết hoài nghi mờ xóa những kinh nguyền
Buồn số kiếp đưa về cơn gió lạnh
Bước chán nản trên những đường hiu quạnh
Chiều hôm  nay tôi chạnh nhớ chùa xa
Tiếng chuông kêu như mẹ gọi chan hòa
Tôi ôm ngực tưởng chừng tim sắp vỡ
Bóng đêm xuống bao trùm trong tím mộ
Đường sương ơi, người chạy đến thời xưa?
Dắt ta đi trở lại viếng thăm chùa.
Cho đến cả bây giờ, mấy thơ thắm thiết với chùa đến thế như thơ Tế Hanh? Chẳng ai nhắc đến bài thơ này, chỉ hai anh em thôi nhé. Anh định nghĩa:
Một bài thơ hay như một tấm gương trong
Mình thấy mình trong đó.
Anh thấy anht rong đó. Tôi thấy cả anh lẫn tôi trong đó. Bao nhiêu người trong đó chắc cũng thấy cả họ lẫn anh.
Đất nước chiến tranh, chia cắt, cách mạng, xây dựng, thơ của anh đã mang sức sống cống hiến to lớn cho hiện thực vinh quang. Một chút quên trong bao nhiêu nỗi  nhớ, có sao đâu, chùa và thầy cũ của anh cũng vui vẻ sống " hiện thực" cùng anh. Mà quá hiện thực đi chứ! Xem nào:
Giặc phá hết nhà trường
Các em không chỗ học
Thầy giáo bàn với sư
Vào trong chùa mở lớp
Dưới gốc đa cổ thụ
Tiếng các em học bài
Xen tiếng kinh tiếng mõ
Nghe thật là vui tai.
Trên tòa sen đức phật
Nhìn bầy trẻ thơ ngây
Mỉm cười: - Nơi cực lạc
Có lẽ là nơi đây?
Đúng thế! Khỏi cần? ! Mà chùa còn hiện thực với anh cả trong triết lý nữa. Từ tim ai anh thốt lên câu này, tim của anh hay tim của chùa:
Ta không phải người đi tìm khổ đau
Nhưng đau khổ vẫn là sự thật.
Và từ mắt anh hay mắt của chùa, ai nhận ra luân hồi, trong tĩnh vật trái cây:
Cho  một ngày lúc rụng rơi
Hân hoan trái chín biệt ly đời
Vào trong tất cả, vào trong chết
Mang nặng mầm sinh buổi phục hồi.
Cây cối mà còn như vậy, huống hồ con người. Nhắm mắt rồi, sự sống vẫn còn. Sự sống đi tìm sự sống. Đâu phải chùa nói, anh nói đấy:
Khi ta vào trong vũ trụ mênh mông
Những nguyên tử đời ta còn hoạt động
Ta vẫn tin mãi nằm bên sự sống
Như đất trời như núi như sông.
Anh Tế Hanh, anh đang sống hay chết? Mở tập thơ ra, ha ha, anh đã đầu thai ! Anh sống mãi mãi trong thơ tình của nh. Ha ha, sự sống đi tìm sự sống.
Phụ chú:
* Về con người của Tế Hanh, cá tính "nói nửa chừng" của anh, Vương Chí Nhàn kể lại rất hay: "Tế Hanh, Lời con đường quê" http://www.viet-studies.info/VTNhan/VTNhan_CayBut_doi_nguoi....
* Từ nói  nửa chừng đến làm thinh, Nguyễn Trọng Tạo thuật lại hai "Câu thơ" lý thú của Tế Hanh trong "Rớm lệ Tế Hanh" http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2009/07/16/vinh-bi%E1%BB%87t-nha-th%C6%A1-t%E1%BA%BF-hanh/ :
Người ta hỏi tôi làm gì
-         Tôi làm thinh
* Trong nét chữ quờ quạng của Tế Hanh tặng tôi, anh có nhắc đến  Tường Đông -  cũng là học trò cũ của cha tôi ở Bình Sơn. Tế Hanh có tặng Tường Đông một bài thơ rất hay, đầy tình cảm, bài "Vườn cũ", in trong Hoa Niên, đăng lại trong Tuyển Tập.
* Nói là từ giã nhưng sự thực nếu không có ngọn gió "lãng mạn", văn học Việt Nam sẽ không có những Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh ... Dịp qua Pháp, năm 1990, tuy hai mắt đã không thấy gì, Tế Hanh vẫn tìm đến thăm cho được mồ Lamartine, ông tổ của dòng thơ lãng mạn Pháp, tác giả bài thơ cực kỹ lãng mạn "Le la" (Hồ nước) mà cả thế hệ của anh đều thuộc lòng hơn cả thuộc Kiều ..Anh nhắc đến Tường Đông khi ddeenes thăm mồ Lamartine, trong trang thư ghuệc ngoạc chữ được chữ mất gửi tôi:
Tường Đông người bạn tuổi thơ
Anh em con cậu con cô với mình
Từng yêu thơ La-mac-tin
Cái hồ lãng mạn mối tình El-via...
Ai mà từ giã được cái hồn của  mình? Ai từ giã được chính mình? Tế Hanh có bài thơ "Qua quê hương Lamartine" đăng trong báo Đoàn Kết ở Pháp năm 1990.

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Ngũ vị của tiếng Việt

Ngũ vị của tiếng Việt
Cập nhật lúc 25/01/2011 07:45:00 AM (GMT+7) 


So sánh năm dấu âm điệu với năm vị của ẩm thực tiếng Việt của  Renate Haeusler, một người nước ngoài học Tiếng Việt tạo ra góc nhìn khá thú vị.

Tiếng Việt có năm dấu tạo nên âm điệu lên xuống và làm thay đổi ngữ nghĩa của mỗi từ.
Ví dụ như tư “ma” thêm dấu sắc thành từ má, thêm dấu nặng thành mạ, là cây lúa non, thêm dấu ngã thì thành mã, thành con ngựa. Vậy là từ một từ, với sự biến thiên của năm dấu sẽ trở thành nhiều từ khác nhau. Ẩm thực Việt Nam cũng vậy. Năm “dấu” biến thiên trong ẩm thực Việt Nam mà tôi chiêm nghiệm ra được là chanh, ớt, đường, nước mắm, gừng (tỏi).
Một từ không dấu được ví như hương vị cơ bản của rau hoặc chất đạm chưa chế biến,Thêm một trong năm món gia vị trên, món ăn lập tức trở nên khác hẳn.
Trong ẩm thực Tây phương, người ta thường dùng muối để tăng nồng độ cho món ăn, thực tế là hương vị món ăn không thay đổi mà là những tế bào vị giác trên lưỡi được kích thích. Trong ẩm thực Việt Nam thì khác, hương vị món ăn được tạo nên từ những thành tố, đôi khi trái ngược nhau, để nâng món ăn lên một tầng mới. Kinh nghiệm của tôi khi học ngôn ngữ là hãy để ý mối liên hệ giữa ngôn ngữ và ẩm thực của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó.
Khó nhất với người nước ngoài học tiếng Việt khi phát âm là dấu ngã. Làm sao để lên “tông”, dằn hơi, uốn giọng và đột ngột ngắt hơi, giống hệt như một cái hít hà khi ăn phải một miếng ớt!
Mới đầu cắn vào thì thấy một vị ngòn ngọt dễ chịu, sau đó là hơi nóng đột ngột “phong tỏa” tất cả các giác quan khác. Nước mắt bạn chảy ra, mũi thì đầy nghẹn hơi nóng, bạn chẳng thể nghe được gì ngoài tiếng la của chính mình. Đừng ngạc nhiên, món ăn Việt là thế đấy!
Dấu nặng là sự hạ giọng và đột ngột ngưng lại. Âm trầm vang vọng trong cổ họng này giống  như dư âm của vị chua, làm dịu những nốt cao của đường hoặc ớt, làm giảm cảm giác ngây ngất của chất béo. Dấu nặng ký hiệu là một chấm dưới từ cũng giống như nhiệm vụ của chanh là luôn đi kèm tạo cảm giác thanh mát.
Dấu huyền cũng là âm trầm, kéo đầu nhưng không vang, giống như dư vị của nước mắm cứ ngòn ngọt, mằn mặn trong miệng.
Dù bạn muốn hay không thì nước mắm vẫn có mặt ở khắp mọi nơi! Nó là linh hồn của ẩm thực Việt, dù khi nấu nướng, tẩm ướp, cho đến nước chấm. Thậm chí có tin đồn (không biết thực hư thế nào) là ngay cả chế biến cà phê cũng cần một chút…nước mắm.
Dấu sắc cũng là một âm cao, ngot ngào, được ví như đường trong món ăn có tác dụng làm thăng hoa độ đậm đà của món ăn. Đường không bao giờ thiếu trong các món khi như cá kho tộ, thịt kho tiêu, kho trứng…Vị ngọt của đường làm người ta quên đi hương vị trần trụi nguyên sơ của đồ ăn, giống như dấu sắc, khi phát âm thật ngân nga như một bản thánh ca buổi sớm.
Phát âm giống như viết, dấu hỏi là một đường âm hình vòng cung, bắt đầu bằng lên giọng một chút rồi hạ xuống.
Giống như gừng, khi mới chạm vào lưỡi cảm giác nóng như ớt, nhưng không giống  như ớt, vị cay của gừng dịu xuống ngay. Có lên và có xuống, âm vang của dấu hỏi giống như tác dụng của gừng làm trung hòa những món ăn tanh, lạnh như hải sản, hay làm trà để giữ ấm cơ thể. Sự có mặt của gừng và tỏi trong món ăn Việt làm nhiều món ăn có hương vị đặc trưng, sắc sảo và thơm tho hơn.
Nếu có món ăn  nào hội tụ đầy đủ năm vị trên thì chắc là nước mắm tỏi hoặc nước mắm gừng!
Gừng hoặc tỏi được giã cùng ớt và đường trong cối, sau đó nước cốt chanh được vắt vào làm dịu hơi cay, tiếp sau là nước mắm, và thế là hương vị Việt tràn đầy trong bữa ăn.
Qua nhiều năm học ngoại ngữ, tôi nghiệm ra rằng học hỏi sự khác biệt trong ngôn ngữ cũng giống như học hỏi sự khác biệt trong  hương vị của ẩm thực, có thể tốn rất nhiều thời gian, nhưng một khi đã ngấm “cái vị”của ngôn ngữ thì sẽ không bao giờ quên được.
Cũng như tôi, không bao giờ quên được hương vị của chén nước mắm gừng, nước mắm ớt tỏi trong bữa ăn Việt Nam.
Theo Renate Haeusler - Thời báo Doanh nhân Sài Gòn Tết 2011

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Cảm nhận về văn hóa ứng xử ở Mỹ


Cảm nhận về văn hóa ứng xử ở Mỹ

Theo vnExpress

Ăn xin cũng có văn hóa ứng xử của người ăn xin. Họ không bao giờ đeo bám, kể lể hay chìa tay trước mặt người đi đường, mà thường đứng ở ngã tư đông người giơ tấm biển "cần giúp đỡ".

 

Ảnh minh họa google.

 

Kính gửi Ban Thế Giới và diễn đàn Người Việt 5 châu. Trước đây tôi có viết một bài về "Được và mất khi đi định cư Mỹ", xin chân thành cám ơn ban biên tập đã cho đăng bài, xin trân trọng tất cả những ý kiến khen chê của bạn đọc trên diễn đàn.
Sau hơn một năm sống ở Mỹ, tôi có cảm nhận về văn hóa trong ứng xử của xã hội Mỹ mà tôi được tiếp xúc, xin nêu ra để chúng ta cùng nhau trao đổi.
- Văn hóa ứng xử nơi công cộng: Tiếng xin lỗi và lời cám ơn luôn được sử dụng nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, xe buýt... Khi lên xuống xe buýt, hành khách chào tài xế và ngược lại. Khi vào cửa bất cứ nơi nào, người đi trước đứng lại giữ cửa cho những người đi sau bước vào xong mới đến phiên mình và người đi sau luôn nói tiếng cám ơn người đã giữ cánh cửa cho mình đi vào. Khi có sự cố va chạm xảy ra thì lời xin lỗi luôn được vui vẻ chấp nhận. Từ khi ở Mỹ đến nay, tôi chưa thấy ai to tiếng hay cãi vã nhau nơi công cộng, mọi người luôn nhường nhịn nhau trong giao tiếp, nhất là xếp hàng theo thứ tự không bao giờ chen lấn giành chỗ cho dù bạn là ai (mới đây tôi xem trên một tờ báo online của Việt Nam nói về kỳ nghỉ hè ở Hawaii của Tổng thống Obama, ông ấy cũng đứng xếp hàng mua kem cho con như bao người khác, có kèm theo hình ảnh).
- Văn hoá ứng xử trong giao thông: Không có chuyện phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu trên đường. Mọi người chấp hành luật giao thông như là một nét văn hóa của người lái xe. Đặc biệt ở ngã tư khi đèn tín hiệu giao thông bất ngờ trục trặc không hoạt động hay báo hiệu không đúng, thì mọi người nhường nhau, mỗi chiều di chuyển khoảng 4-5 chiếc sau đó tự động nhường đường cho chiều kia đi, 4-5 chiếc cứ thế lần lượt mà đi không xảy ra kẹt xe dù không có cảnh sát ở đó. Ở Mỹ có luật cấm uống rượu bia khi lái xe, nhưng điều quan trọng tôi thấy là ý thức tự giác của mọi người, hầu như không ai uống rượu bia khi lái xe (nếu có thì rất hiếm không đáng kể).
Tôi nói như vậy vì ở Việt Nam mỗi buổi chiều tối nhất là những ngày lễ hay cuối tuần, các nhà hàng, quán nhậu người đi xe (gắn máy, xe hơi) đến ăn nhậu rồi sau đó lái xe về có ai chấp hành đâu, mặc dầu có luật cấm uống rượu bia khi lái xe (trong số đó có tôi khi còn ở Việt Nam).
Những con đường nội bộ trong siêu thị, khu mua sắm, khu dân cư khi gặp người đi bộ băng ngang qua thì tất cả lái xe phải dừng lại nhường đường sau đó mới chạy tiếp. Xe hơi chạy rất nhiều trên đường cũng như trong trung tâm thành phố nhưng không có một tiếng còi xe, nhiều lúc thèm được nghe một tiếng còi xe như hồi còn ở Việt Nam nhưng không có, dù nhà tôi ở cạnh đường xe lưu thông. Giữa đêm khuya vắng vẻ không có chiếc xe nào qua lại nhưng người lái xe vẫn chờ đèn xanh ở ngã tư bật sáng lên rồi mới tiếp tục chạy.
- Văn hóa ứng xử nơi công sở, bệnh viện: Khi đến công sở, điều đầu tiên bạn nhận được là lời chào hỏi của nhân viên làm việc và hỏi bạn có cần được giúp không, sau đó rất vui vẻ giải quyết công việc cho bạn đến khi xong và không quên chúc bạn có một ngày tốt đẹp. Trong bệnh viện, khi bạn đến nhân viên hành chánh nhanh chóng làm các thủ tục, các cô y tá niềm nở đón bạn vào phòng chờ đợi, sau đó họ đi mời bác sĩ đến khám bệnh cho bạn. Các bác sĩ khám bệnh rất tận tình, nói chuyện nhỏ nhẹ với người bệnh, thật tuyệt vời trong giao tiếp với bệnh nhân làm cho bạn cảm thấy bệnh tình cũng được thuyên giảm phần nào.
- Văn hoá ứng xử trong mua sắm: Hàng hóa bạn mua được đổi hay trả lại trong vòng một tháng sau khi sử dụng nếu bạn cảm thấy không thích nó (không cần sản phẩm bị hư hay trục trặc) và người bán vui vẻ nhận lại. Tại mỗi nơi mua sắm đều có một quày chuyên nhận lại hàng hoá đã bán mà khách đem trả lại, mọi người đều vui vẻ không có tiếng cãi vã giữa người mua và người bán. Ở Mỹ khi mua nhà bạn cũng được trả lại cho người chủ trong một tháng vào ở nếu bạn không thích ngôi nhà đó nữa (việc này tôi đã chứng kiến).
- Văn hoá ứng xử với người tàn tật: Tất cả xe buýt công cộng đều thiết kế bộ phận nâng và hạ người ngồi trên xe lăng lên xuống xe buýt và được mọi người nhường cho đi lên hay xuống trước, trên xe có chỗ dành riêng cho họ. Tại các bãi đậu xe đều có nơi đậu xe hơi riêng của người tàn tật. Các siêu thị có loại xe đặc biệt giúp họ di chuyển lựa chọn hàng hóa trong siêu thị. Trong thiết kế đường xá ở Mỹ các vỉa hè đều có độ dốc thoai thoải với mặt đường tại các giao lộ ngã ba hay ngã tư, để người tàn tật ngồi xe lăn tự mình điều khiển lên xuống vỉa hè dễ dàng. Do đó họ có thể đi dạo phố một mình như người bình thường. Nhìn chung người tàn tật ở Mỹ được xã hội quan tâm giúp đỡ và hoà nhập tốt với cộng đồng.
- Văn hóa ứng xử với thiên nhiên: Thành phố nơi bạn tôi ở có rất nhiều hồ, các loài chim hoang dã như vịt trời, mòng biển, quạ, bồ câu... sinh sống, tụ tập đông đúc và thân thiện bên cạnh con người đi chơi xung quanh hồ. Khi đi chơi trên núi, tôi gặp những đàn nai, dê núi bình thản ngậm cỏ trên vách núi gần đường xe chạy qua mà không hề sợ sệt vì chúng không bị ai săn bắt cả.
Thậm chí ăn xin cũng có văn hóa ứng xử của người ăn xin, họ không bao giờ đeo bám, kể lể hay chìa tay trước mặt người đi đường. Thỉnh thoảng tôi thấy họ thường đứng ở ngã tư có đèn giao thông xe cộ hay dừng lại và cầm tấm bản nhỏ ghi chữ "cần giúp đỡ" hay ngồi một chỗ xin nơi có đông người qua lại mà không làm phiền ai cả (cũng xin nói thêm thường họ không làm việc và là những người nát rượu).
Xã hội nào cũng có nhiều nét văn hóa, trong đó văn hóa ứng xử tuy không có gì cao siêu, nó rất giản dị và bình thường, nhưng nó làm cho con người đối xử với nhau tốt đẹp hơn. Tôi chỉ nêu ra những cái phổ biến đã thấy và tiếp xúc được. Qua phần trình bày trên tôi không có ý đề cao xã hội Mỹ, tôi chỉ nhìn với góc độ văn hóa và tôi nghĩ rằng dù bạn là ai, sống ở nước nghèo, hay nước giàu có thì văn hóa ứng xử tốt trong sinh hoạt hàng ngày là giá trị chung cho mọi xã hội, chẳng qua là ta có hành xử nó như là một thói quen và trở thành ý thức của mỗi người trong cộng đồng qua nhiều thế hệ thì nó sẽ trở thành văn hóa.
Một nền giáo dục tốt cho con cái học tập, môi trường sống trong lành, xã hội mà mọi người đối xử với nhau có văn hóa và cơ hội đồng đều cho mọi người vươn lên tùy theo năng lực của mình đó là cái tôi cần khi đi định cư ở Mỹ. Còn việc kiếm tiền ư? Không phải là mục đích của tôi ở đây, vì ở Việt Nam tôi từng kiếm tiền, đối với tôi tiền như thế là đủ. Sau này đến tuổi già "Lá rụng về cội " tôi sẽ về Việt Nam nơi tôi sinh ra để sống vui vẻ hết quảng đời còn lại. Với tài sản còn ở Việt Nam (tiền gửi ngân hàng và nhà để lại tôi không phải lo lắng gì cả). Lúc đó tôi sẽ cố gắng sống tốt, làm gương cho cháu con và giáo dục chúng sống sao cho là người ứng xử có văn hóa.
Cuối cùng xin góp một ý kiến nhỏ gửi đến người giàu ở Mỹ, các bạn lên diễn đàn nói về nghề nghiệp, cách kiếm tiền làm giàu của mình đó là quyền của bạn và bạn có thể tự hào về điều đó. Chỉ có điều đừng nên khuyên bảo mọi người nên làm theo cách làm và cách suy nghĩ của bạn để tránh những tranh luận bài bác nhau không cần thiết trên diễn đàn.
Thân chào. Chúc các bạn nhiều sức khỏe, hạnh phúc. Cầu mong một mùa xuân vui tươi, an lành và thịnh vượng đến với mọi người Việt Nam chúng ta.
Lucky

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

“Chặn” cảm lạnh ngay từ phút đầu tiên


Thứ Sáu, 21/01/2011 - 14:18

nguồn Dân trí

“Chặn” cảm lạnh ngay từ phút đầu tiên
(Dân trí) - Cảm giác ngưa ngứa trong cổ họng, đầu váng vất, đau mình mẩy… đó là biểu hiện của 1 đợt cảm lạnh bắt đầu. Dưới đây là những cách giúp ngăn cảm lạnh trước khi nó thực sự phác tác và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn vào ngày hôm sau.

Ngay khi bắt đầu thấy các triệu chứng

 
Uống nước hoặc nước trái cây ngay: Cơ thể đủ nước sẽ giúp giảm các triệu chứng như viêm họng và sổ mũi.

Súc miệng bằng nước muối: để chống lại tình trạng viêm họng, hãy thêm nửa thìa muối vào cốc nước ấm. Muối sẽ “bóc tách” các chất đeo bám thành họng, giúp giảm viêm, làm sạch nhầy và các kích thích ở cuối họng.

Súc miệng cũng giúp “tống cổ” các vi khuẩn, vi rút, giúp giảm mật độ vi khuẩn trong họng.

Giữ mũi sạch sẽ: Dùng nước muối dạng xịt làm sạhc mũi ngay khi triệu chứng cảm lạnh xuất hiện sẽ giúp giảm các phản ứng khó chịu nhanh chóng nhờ tống sạch các chất bẩn ra.

Trong 2 giờ đầu tiên
 
 

Ra hiệu thuốc: Mua các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như acetaminophen để giảm đau nhức. Các loại thuốc giúp giảm sổ mũi, chảy nước mắt.

Các loại thuốc ho truyền thống: Mật ong để lâu rất tốt cho người mới bị viêm họng. 1-2 thìa cho vào trà hoặc uống luôn. Đừng quên bổ sung viên kẽm để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Trong 6 tiếng đầu





Ngừng làm việc: Cơ thể bạn sẽ chống chọi với vi rút tốt hơn nếu bạn được nghỉ ngơi. Nhưng nếu bạn tiếp tục làm việc, cơ thể sẽ không đủ sức để chiến đấu. Ngoài ra, ngày đầu tiên cũng dễ lây nhiễm bệnh cho người khác nhất.

Để không phát tán vi khuẩn, hãy rửa tay hoặc sử dụng gel rửa tay khô.

Đừng quên ăn nhiều đồ ăn lỏng: Luôn duy trì việc uống nước, nước quả, trà hay súp gà cho bữa trưa. Các món ăn trị cảm truyền thống cũng rất hữu dụng.

Vận động 1 chút: Nếu bạn cảm thấy mình có thể nhúc nhắc thì hãy “tập nhẹ 1 chút có thể tăng cường hệ miễn dịch. Nhưng lưu ý không để nhịp tim tăng quá cao.

Cuối ngày

 
Tăng cường khả năng chiến đấu chống khuẩn: Một chế độ ăn bổ dưỡng sẽ tiếp thêm năng lượng cho hệ miễn dịch. Vì thế hãy chọn một bữa tối với các món ăn giàu protein như thịt, cá hay đậu đỗ với cơm, xôi nếp cẩm và nhiều rau quả.

Có thể tắm vòi sen nóng trước khi đi ngủ nếu cảm thấy vẫn ngào ngạt để có 1 giấc ngủ ngon.

Ngày tiếp theo


Tất cả sẽ tốt hơn? Nếu bạn cảm thấy tệ hơn hay sốt, bắt đầu nôn và đau đầu nhiều hơn thì hãy gọi bác sĩ. Đó là những dấu hiệu cho thấy bạn bị mắc 1 bệnh nghiêm trọng nào đó chứ không hẳn là cảm lạnh (chẳng hạn như cảm cúm hay viêm nhiễm) và bạn có thể dùng các loại thuốc kháng khuẩn, kháng sinh hay cách điều trị phù hợp khác.

Còn nếu thấy khá hơn thì hãy lặp lại chu trình ở trên để bệnh sớm lui.

Nhân Hà
Theo Health