Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Những người mới tập... giàu


Thứ ba, 18/1/2011, 09:09 GMT+7

Những người mới tập... giàu

 

Theo vnExpress

 

Dạo này tôi đọc rất nhiều bài viết về đám cưới siêu sang, về những dàn xế hộp lộng lẫy rước dâu, rồi có những người ở Việt Nam mỗi ngày đi ăn sáng với mức giá 750.000 VND/tô phở.

Trong các comment phản hồi, tôi thấy thiên về 2 luồng ý kiến: Một là ngưỡng mộ, người ta làm ra tiền, người ta đáng được hưởng. Hai là cho rằng lãng phí, nên nghĩ cho người nghèo.
Tôi thử làm phép tính: 750.000 đồng tương đương khoảng 35 USD, khoảng bằng giá bữa sáng buffet ở Đan Mạch. Nhưng ở VN, nó là số tiền mà một bạn sinh viên có thể chi xài trong nửa tháng (thậm chí 20 ngày), là số tiền mà những người nông dân đầu tắt mặt tối mơ ước có được để nuôi con ăn học, là số tiền mà những bệnh nhân ở bệnh viện ao ước để có thể có chén cháo trắng ăn uống qua ngày, là số tiền mà những trẻ em nghèo nẻo cao có thể mua được nhiều manh áo ấm cho qua mùa đông rét mướt, là số tiền mà những em bé mồ côi, những bệnh nhân HIV - AIDS có thể có thêm ít thuốc thang, là số tiền mà có thể lau bớt đi giọt nước mắt của những con người đang ở tận cùng cái khổ... là... là...v.v..
Tôi ghét cay ghét đắng cái cách khoe mẽ của những con người mới tập làm giàu. Vì sao lại là tập làm giàu? Đó là vì họ sinh ra trên một đất nước vừa may mắn được rút ra khỏi danh sách nước nghèo nhất thế giới. Nhưng đất nước ấy hiện nay đang đứng ở đâu? Vị trí nào? Bao nhiêu trẻ em không được đến trường? Bao nhiêu bệnh nhân không tiền thuốc, tiền mổ đang hàng ngày chờ chết? Bao nhiêu mái nhà xiêu vẹo chông chênh dưới lũ? Bao nhiêu con sông chưa có nổi cây cầu? Bao nhiêu người phó mặc cuộc đời trôi theo dòng chảy chỉ vì chữ tiền nheo nhóc đớn đau?
Xin đừng nhìn vào những chiếc xe siêu sang để tự vỗ về mình rằng Việt Nam giờ nhiều người giàu lắm. Xin đừng nhìn vào những biệt thự xa hoa để quên đi rằng cái phần đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tôi đã từng gặp nhiều người Việt Nam, họ tin rằng người Việt Nam giờ nhiều người giàu lắm, và họ cho tôi những ví dụ về những đám cưới xế hộp xịn, những ngôi nhà thiết kế hoành tráng... Nhưng khi tôi hỏi có bao nhiêu người giàu? Số biệt thự đó khi so sánh với số nhà còn lại tỷ lệ bao nhiêu, thì họ không trả lời được. Bởi vì, tỷ lệ ấy quá nhỏ thôi.
Khi tôi kể về những chuyện của những người Việt đang tập làm giàu tiêu tiền, tất cả bạn bè Tây của tôi đều bật cười như nghe tôi kể chuyện đùa. Nhiều người trong số họ đã từng đến Việt Nam, đã đến những nơi nghèo nhất và đã từng nhỏ nước mắt trước những em bé Sapa bé xíu cởi trần trong tiết trời sương giá. Nhiều người trong số đó đã hàng tháng đều đến những nơi đặt hộp quyên góp cho Việt Nam mà bỏ ống ủng hộ, nhiều người trong số đó đã luôn nhiệt liệt quan tâm khi Đan Mạch có những hoạt động tài trợ, ủng hộ Việt Nam không hoàn lại. Họ cảm thấy nực cười cho lớp người mới tập làm người giàu nhưng suy nghĩ còn nghèo ấy.
Nếu muốn so sánh ư? Đan Mạch có thể coi là một trong những đất nước giàu nhất thế giới, hệ thống y tế xã hội tốt nhất thế giới. Hệ thống trường công tốt nhất thế giới. Cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới. Phúc lợi xã hội cao nhất thế giới. Và tỉ lệ tham nhũng cũng thường ở mức 0 (Các bạn có thể kiểm chứng những điều này từ mạng internet). Với một đất nước Bắc Âu có thể nói là gần như hoàn hảo về mọi phương diện ấy, bạn cũng hầu như không bao giờ bắt gặp trên đường những chiếc xe siêu sang? Để lòe ai? Chẳng có ai mà lòe cả. Vì đồng tiền ở đây không thể hiện đẳng cấp của bạn. Một người lao công bình thường cũng có thể kiêu hãnh làm hàng xóm với những bác sĩ. Và nếu bạn có dịp đến đây, hãy đi vào trong con phố chính, bạn sẽ thấy rất nhiều em bé 8 - 9 tuổi, tay cầm ống bơ giữa trời đông tuyết trắng? Trên áo họ là dòng chữ: Hãy ủng hộ trẻ em châu Phi. Hãy ủng hộ các bệnh nhân nghèo Đông Nam Á. Trong đó tất nhiên có Việt Nam chúng ta đó các bạn ạ!

Trúc Quỳnh (từ Copenhagen, Đan Mạch)

20 nhận xét:

  1. Những người mới tập... giàu
    bài viết của Trúc Quỳnh rất hay và xúc tích. Tui thấy ở nước ngoài các ông chủ giàu có họ thường giành tài sản của họ cho từ thiện.
    cảm ơn bạn
    ( Hien.Nguyen )

    Trả lờiXóa
  2. Đồng cảm!
    Chào bạn! Bài viết của bạn rất hay và thực tế, nhiều tính nhân văn. Nhưng mình nghĩ số người cảm nhận nội dung bài viết của bạn chắc không nhiều, và những người cảm nhận thì có lẽ không phải là những người giàu được nói đến trong bài, vì họ làm gì có thời gian mà đọc những bài chia sẻ như thế này.
    Có thể kinh tế đất nước mình đang có nhiều chuyển biến, nhưng tư duy vẫn chưa thay đổi nhiều để tương xứng với sự chuyển biến của kinh tế. Truyền thông thông tin là phương tiện đi đầu trong việc góp phần thay đổi quan niệm.
    Cần phải định hướng đúng và chân thật hơn trong việc cung cấp thông tin để người dân có thể nhận thức được hiện trạng của đất nước mình.
    ( NHK )

    Trả lờiXóa
  3. Rất hay!
    Cảm ơn bạn Quỳnh đã có một bài viết mà theo tôi là rất hay, rất có ý nghĩa. Tôi rất đồng tình với cách nghĩ của bạn. Việt Nam chúng ta dù đã có thành tích vượt trội trong những năm qua khi cố gắng xóa nghèo.
    Nhưng nếu so sánh với các nước khác trên thế giới, chúng ta còn cách xa họ lắm. Giàu tiền - đây không phải là thước đo giá trị còn người.
    ( Pattaya )

    Trả lờiXóa
  4. Ủng hộ Trúc Quỳnh
    Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của bạn. Tất nhiên, mỗi người sống có quan điểm "thể hiện" của họ. Nhưng nếu họ "bớt" lại 1 chút thôi thì sẽ có thêm cả trăm người, có khi cả nghìn người "cải thiện" đc 1 chút cuộc sống nghèo khổ.
    Quan điểm "vương giả" thời phong kiến dường như vẫn còn ăn sâu trong tâm trí người Việt (dù là lớp trẻ). Nó như che lấp cái lòng nhân ái mà đời đời trước đã luôn luôn dạy chúng ta.
    ( mufan )

    Trả lờiXóa
  5. Sự chia sẻ chân thành !!!
    Bạn Quỳnh thân !!!
    Cám ơn bạn đã viết những dòng chia sẻ rất chính xác về một trong những trào lưu xấu ở VN hiện nay. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở VN mà khi nghe, nhìn những điều này còn cảm thấy đáng buồn. Nữa là những người sống ở nước ngoài, được tiếp cận với nền văn minh tiên tiến, nền kinh tế phát triển như bạn.
    Tôi sống lạc quan, nhưng quả thực tôi không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể so sánh với những nước như Đan Mạch.
    ( Nguyễn Sỹ )

    Trả lờiXóa
  6. Đồng ý kiến!
    Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của Trúc Quỳnh. Một bài viết có dẫn chứng cụ thể và có tầm nhìn giàu tính nhân văn, sâu rộng. Tất nhiên tôi rất ngưỡng mộ những người làm ra nhiều tiền trên đất nước còn nghèo của chúng ta! Và điều tất yếu là họ có thể mua sắm, tiêu pha "phù hợp" với đồng tiền họ làm ra.
    Nhưng giữa một xã hội người giàu kẻ nghèo thì mọi người đều là một phần tử làm nên cái xã hội đó. Vì thế rất mong những người "mới tập giàu" như tác giả bài viết đã ví hãy chung tay giúp những người quá nghèo ở quanh ta, rất gần bên ta so với những người xa lạ ở phương trời Tây nào đó xa xôi nhưng họ đã làm và vẫn làm đấy thôi!
    ( Dương Văn Tính )

    Trả lờiXóa
  7. Hãy giàu tấm lòng ...
    Tôi cũng đồng ý quan điểm của bạn Trúc Quỳnh, chúng ta đang sống trong một đất nước có thể nói là còn nghèo nàn, nhưng mỗi con người chúng ta hãy cố gắng không thể nghèo nàn nhân cách và đạo đức, vẫn biết đó là điều xa vời, nhưng vẫn phải cố gắng.
    Dạo này tôi cũng chứng kiến rất nhiều các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ khoe sự giàu sang, các bạn dùng những đôi giày hay túi xánh từ nghìn đô lên đến hàng chục nghìn đô, rồi quần áo cũng rất xa xỉ, rồi xe siêu sang, ăn uống tiêu pha siêu lãng phí, ..có cần thiết như thế không! Trong khi đó, đâu đó, bên cạnh chúng ta còn những người rất cần sự giúp đỡ !
    Khi các bạn đã già, sáu mươi tuổi chẳng hạn, không ai hỏi hồi hai mươi tuổi bạn ăn gì, mặc gì, mà chính bản thân các bạn sẽ suy nghĩ, mình đã làm được gì cho xã hội, xã hội có thực sự cần những con người như mình ...Hãy suy nghĩ về những điều đó.
    ( Tran Binh )

    Trả lờiXóa
  8. Tôi đã từng nghĩ như thế...
    Tôi hiện là một sinh viên, tôi đã từng nghĩ rằng tôi sẽ răằng kiếm tiền thật nhiều để được đi trên những chiếc xe lộng lẫy, được đi du lịch và nghỉ ngơi trong những khách sạn hạng sang...
    Nhưng có một người đã nói với tôi rằng :"Hạnh phúc là khi em có một tấm lòng nhân ái, biết cách mang hạnh phúc đến cho mọi người", tôi không hề tin vào những điều ấy vì chính mắt tôi trông thấy bao nhiêu người giàu có mà có biết chia sẻ đâu?. Tội gì mình phải chia sẻ, nhưng một ngày nọ tôi thử làm theo câu nói ấy, quả thật tôi cảm thấy rất hạnh phúc. "Sống để làm gì khi bạn chỉ sống cho riêng mình?"
    ( Nguyễn Chí Pôn )

    Trả lờiXóa
  9. Đôi điều cùng bạn Trúc Quỳnh
    Có lẽ bạn nhìn hơi phiến diện về vấn đề người giàu ở VN. Trong kinh tế vĩ mô, khuyến khích dân chúng tiêu tiền là một cách để thúc đẩy kinh tế phát triển. Một số mặt hàng xa xỉ nhập từ nước ngoài bị đánh thuế rất cao, thậm chí gấp 3 lần giá gốc cũng là biện pháp chia sẻ tài sản người giàu cho đất nước.
    Đóng góp để phát triển đất nước, con người có rất nhiều cách chứ không phải cứ góp tiền bạc thì mới là đóng góp.
    Ở đây tôi không đề cập đến những người làm giàu từ tiền của nhà nước, tiền của dân.
    Đất nước Việt Nam chúng ta đang thay đổi từng ngày với xu hướng tích cực, có thể còn nhiều việc chưa tốt nhưng lớp trẻ chúng tôi vững tin vào tương lai.
    ( Thanh Tú )

    Trả lờiXóa
  10. ủng hộ Trúc Quỳnh hoàn toàn
    Bài viết và tâm ý của tác giả tôi hoàn toàn cảm nhận và đồng ý. Cám ơn bạn rất rất nhiều vì đã nói lên được điều mà nhiều tâm trạng người VN muốn nói.
    Chân thành cảm ơn
    ( jg )

    Trả lờiXóa
  11. Hưởng thụ là quyền tự do!
    Thông thường nhìn vào 1 ngừơi giàu chúng ta nhìn vào túi tiền của họ nhưng có ai thấy họ thức trắng đêm vì những dự định làm ăn, bỏ dở bữa cơm vì công việc hay làm việc 20/24 tiếng 1 ngày.
    Họ bỏ ra nhiều thứ và cũng phải trả giá nhiều thứ mới đạt được sự giàu có xa hoa, vậy thì họ đáng được hưởng thụ những gì mình làm ra. Không lẽ họ phải dâng hiến tòan bộ tài sản công sức của mình cho những người nghèo khác ? và khi họ làm từ thiện lẽ nào họ phải ghi 1 báo cáo?
    ( Nguyên )

    Trả lờiXóa
  12. bai viet rat hay
    bai viet rat hay
    1St...A

    Trả lờiXóa
  13. Gửi những "người giàu vô tâm"
    Tôi cũng như tác giả "ghét cay ghét đắng cái cách khoe mẽ của những con người mới tập làm giàu".
    Đồng ý là họ có thể làm giàu chân chính và họ được quyền hưởng những gì là thành quả của mình. Nhưng nếu như hưởng thụ mà không nhìn xem bối cảnh xã hội, con người, những kiếp sống đáng thương xung quanh họ thì vấn đề cần xem xét ở đây là "đạo đức", "nhân tâm". Họ có thể có "tài", nhưng về "tâm" thì còn phải xem lại.
    Tôi đã đọc rất nhiều những bài báo về những hoàn cảnh đáng thương, và rơi nước mắt, tiếc là với đồng lương 3 cọc 3 đồng của mình thì tôi chẳng giúp được gì. Tôi có một khát khao một ngày nào đó mình giàu có để có thể giúp đỡ những số phận hẩm hiu đó. Tôi mong nếu họ có thể ăn bát phở 750k thì hãy chỉ ăn 100 - 200k, còn lại để ủng hộ. Tôi mong những "người giàu vô tâm" thấu hiểu được.
    ( thu ha )

    Trả lờiXóa
  14. Bình đẳng - cào bằng?
    Bài viết của Trúc Quỳnh "mang tính vĩ mô" rất cao !! Cách viết, cách nói này chúng ta cũng gặp nhan nhản trên các 4-rum, trên các mặt báo. Ý kiến mang tính "lên án" này nếu nhắm vào đối tượng là cán bộ tham nhũng hoặc con cái của họ thì rất xác đáng. Nhưng ý kiến này nhắm vào những người phải nặn óc, gồng tay lao động bao năm để có được cái người ta muốn thì lạc đề mất thôi.
    Một người VN, xuất thân từ bần nông, bao năm ngồi duì mài, học hành trong cơ cực, họ cố vươn lên, đến khi ra trường, bằng tất cả sự nỗ lực bản thân cộng với điều may mắn, họ đã thành công một mức nào đó. Vậy lý do gì bắt họ cứ phải chịu cảnh cơ cực như xưa, trong khi những gì họ có là do chính mồ hôi, nước mắt, trí não của họ phải bỏ ra bao nhiêu năm tháng? Khi họ có tiền họ có quyền hưởng thụ những gì họ mơ ước, họ có quyền đền ơn đáp nghĩa những người đã sinh họ ra, nuôi dưỡng họ trong những ngày cơ cực, họ có quyền phụng dưỡng những người sinh thành, dưỡng dục họ trong những ngày cuối đời.
    Từ thiện, thiện nguyện ư? Mỗi mùa thiên tai ở miền trung, bạn về VN sẽ thấy từng đoàn xe cứu trợ nặng trĩu hàng ngày đến xuôi ngược trên quốc lộ. Hàng cứu trợ này từ đâu? từ đóng góp của những người "có tiền, có tâm" ở ngay chính VN này, ngay chính Sài Gòn này đấy.
    Các ông bà bạn Tây của bạn "bật cười" là chính vì bạn đang vơ đũa cả nắm để bài xích chính đồng bào của bạn. Những ông bạn Tây của bạn đã sinh ra trong một đất nước phát triển, sống và lớn lên trong tiện nghi đầy đủ. Vậy họ đâu cần khao khát nếm trải những thứ mà chúng tôi, những người vươn lên từ cơ cực, uớc mơ.
    Gia đình tôi cũng có thân nhân ở Úc, Mỹ. Họ kể, ở đó cũng có những thành phần rởm như ở VN này, cũng có những người đáng kính như những tấm lòng biết từ thiện, thiện nguyện như ở VN này. Không phải cứ người VN là "tập làm giàu - rởm" còn bạn tây của bạn là những người "thánh hóa".
    Xã hội nào cũng có người giàu, xã hội nào cũng có người nghèo. Dân giàu ở nước nghèo thì ở Biệt thự, dân giàu ở nước giàu thì ở Lâu đài. Người giàu ở nước giàu thì từ thiện $100, người giàu ở nước nghèo thì chỉ bỏ ra được 100.000 đồng - đó là bình thường. Còn bạn đã làm được gì, hay chỉ ngồi hát suông ở Copenhagen? Không thể cào bằng quyền lợi trong mọi xã hội. Cào bằng quyền lợi là không bình đẳng.
    ( Lý Chính Hòa )

    Trả lờiXóa
  15. Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn Lý Chính Hòa
    Tôi cũng nghèo nhưng tôi thấy người giàu làm ra tiền và họ có quyền được hưởng thụ đồng tiền do họ kiếm ra. Đừng ghen tức như thế. Bạn giàu chưa? Bạn đã làm gì giúp người nghèo chưa? Bạn đã giúp đỡ họ như thế nào? Bạn hãy thể hiện trước khi phê phán người khác. Hãy nhìn ra thế giới, nếu bạn so sánh bạn thấy người giàu của họ tiêu pha ra sao? Bạn có thấy họ có người nghèo khổ không? Có bất hạnh không? Hay tất cả họ đều hạnh phúc sung sướng.
    Hãy nhìn mọi vấn đề từ nhiều chiều, đừng hời hợt như thế. Nói thật với bạn, tôi mà có tiền chẳng tội gì tôi không hưởng thụ.
    ( Nguyễn Ngọc Dung )

    Trả lờiXóa
  16. 2 vấn đề
    Tôi thấy ở đây có 2 vấn đề:
    Một là người Việt Nam làm giàu, họ giỏi thì họ có thể sống như mình muốn. Bàn về văn hóa sống của họ thì còn phải bàn dài. Khoan vội phán xét họ xấu.
    Hai là nước Việt Nam còn nghèo, nhiều hoàn cảnh khó khăn. Tôi đồng cảm với mong muốn chia sẻ, giúp đỡ quá nhiều cảnh ngộ khó khăn.. nhất là với những người "nhiều tiền quá"
    ( Hải )

    Trả lờiXóa
  17. Tiền Đâu Ra??
    Tiền Đâu ra mà giàu thế? Nên điều tra nguồn tiền này không khéo là toàn là buôn lậu và mua bán ma túy mà ra. Chứng minh thu nhập đi!?
    ( abc )

    Trả lờiXóa
  18. Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của Lý Chính Hòa
    Bài viết của Quỳnh rất gây ấn tượng, nhưng theo tôi tính chất hai mặt của một hiện tượng thì còn chưa đạt. Bài viết của Quỳnh mới nêu được một vấn đề nhỏ. Và cuộc sống có rất nhiều cách ứng xử khác nhau. Đó chính là những con đường khác nhau đều đến một đích, 750/bát phở thể hiện nhiều nội dung, nhiều góc cạnh:
    1. Như Quỳnh phân tích
    2. Như bài Chính Hòa
    3. Dưới góc độ kinh tế phân tích: sự phân phối lại thu nhập khi tiêu dùng và nếu các bạn Tây của Quỳnh sang VN thì hãy bảo các bạn ấy tiêu thật nhiều tiền ở VN. Đó cũng là cách giúp cho VN đỡ nghèo đó. Còn rất nhiều điều Quỳnh cần phải học hơn nữa khi phán xét một sự vật, hiện tượng!
    ( NN )

    Trả lờiXóa
  19. Đồng Tiền chân chính?
    Nếu họ ăn xài bằng chính đồng tiền chân chính bằng mồ hôi công sức của họ thì họ có quyền làm như vậy, nhưng Tôi chắc chắn một điều là một khi họ sử dụng đồng tiền cách như vậy thì tài sản tiền bạc họ có được không phải họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mà có được đâu. Mà họ kiếm được "bằng cách nào đó" rất ư là dễ dàng, việc dễ dàng đó rất khó thực hiện nếu kiếm tiền chân chính. Các bạn thử suy nghĩ xem...Bill Gate còn không xài sang như vậy bởi vì đồng tiền ông kiếm được bằng mồ hôi và trí tuệ của ông, không phải dễ dàng mà có được.
    ( Nguyễn Trãi )

    Trả lờiXóa
  20. Đồng ý với Trúc Quỳnh
    Đồng ý với Trúc Quỳnh về vấn đề này vì mấy vấn đề sau:
    - Tất nhiên ai có tiền thì có quyền tiêu và có nhu cầu cao hơn, nhưng thật ích kỷ nếu chỉ biết cho riêng mình. Người ta không cấm ông tiêu, nhưng người ta sẽ lên án ông về sự ích kỷ.
    - Thứ 2, mấy món đồ xa xỉ này cũng chỉ làm chênh lệch nhập siêu tăng lên vì toàn là đồ ngoại, thế nên vô hình chung gây áp lực lên bộ phận khác của xã hội khi đồng tiền mất giá.
    - Thứ 3, nhiều người ở Việt Nam giàu thật, nhưng liệu có dám công khai mình có bao nhiêu tiền và nguồn từ đâu không. Tôi tin đến 50% những người giàu có mấy ngôi nhà hay xe nếu công khai sẽ không thể chỉ ra mình có tiền từ đâu đâu.
    - Thứ 4, nói mình giàu thì mình có quyền tiêu an toàn, xin lỗi, mấy trò đó là ngụy biện và tự lừa dối, ông có chắc là nguồn gốc hàng hóa đó an toàn không, hay cũng là hàng giả. iPhone mà làm giả được thì mấy món đó Trung Quốc làm giả thừa đi. Rốt cuộc cũng chỉ là trưởng giả học làm sang thôi.
    Ngoài ra nên xấu hổ mà nhìn người khác, giàu chính đáng hơn ông vạn lần mà người ta không tuyên bố như vậy đâu, cái kiểu tuyên bố chỉ an toàn cho mình, nghe đã thấy khinh rồi.
    Theo tôi, nhà nước cứ nên đánh thuế nặng vào, ví dụ ô tô thì 300% chứ không phải 100%, mấy món xa xỉ này thì cứ 200% trở lên, ông tiêu cũng được nhưng cũng phải trích ra cho xã hội bù lại phần ông làm tăng nhập siêu.
    ( Trần Xuân Dự )

    Trả lờiXóa