Theo Dân trí
Tết của người đàn bà vẫn muôn màu với những lo toan…
Tết lên 3
3 tuổi. Bé gái nép vào chân mẹ, ngơ ngác nhìn những quả bóng bay xanh đỏ tím vàng. Không hiểu điều gì đang xảy ra nhưng vẫn vòi vĩnh cho bằng được một chiếc váy hồng khi Tết đến. Sáng mồng Một, bám cổ ông bà đọc những câu chúc Tết được bố dạy thuộc lòng. Tết, có khi khóc thét lên vì không có chiếc phong bao lì xì màu đỏ, dù sau đó lại "rộng rãi" cho những trẻ khác hoặc nhờ cha mẹ "giữ".
Tết lên 7
Lên 7, đã biết Tết, nên náo nức đếm từng ngày 29, 30… Đã biết tự mình nghĩ ra những lời chúc hồn nhiên, đôi lúc ngô nghê. Đã biết giữ gìn những phong bao lì xì đỏ chói cất vào ví nhỏ. Tết xúng xính trong bộ váy mới được mẹ dẫn đi mua, tự hào với lũ trẻ trong xóm vì mình xinh như nàng công chúa, đã biết Tết là gì. Tết đến rộn ràng bao nhiêu thì sợ hết Tết bấy nhiêu…
Tết 16
Tết của tuổi 16 ngọt ngào như thỏi kẹo. Ngần ngừ không muốn theo mẹ ra chợ; muốn tự mình chọn chiếc váy hơi cao, chiếc áo ôm phô đường cong một chút. Tết 16, chợt thấy mình nữ tính, dịu dàng hơn; muốn bố đừng quá quan tâm, thôi không mắng những chuyện riêng tư, nhưng vẫn tò mò hỏi bố bí mật của "những người đàn ông nhỏ". Thiếu nữ 16 nghe trái tim rung nhẹ khi soi gương, thấy má ửng hồng. Thoa chút son lên môi, 16 tuổi ước mơ – có điều thật lớn lao, có điều thật nhỏ nhoi; tự thấy cuộc đời chỉ có tuổi trẻ và muôn màu mơ ước.
Tết 30
Sợ Tết đến nhưng vẫn len lén chờ Tết. Tuổi 30 không cho phép người đàn bà chậm lại nhưng rất sợ thời gian trôi. Những nếp nhăn không mong đợi xuất hiện cuối mắt, đầu môi. Những câu hỏi chạm đáy, nảy lên khi gặp phải những phản kháng nội tâm không muốn trả lời hoặc không thể trả lời. Chồng chưa? Con chưa? Nhà cửa thế nào, công việc ra sao? Người đàn bà 30 mong Tết để được nghỉ ngơi, sum vầy nhưng sao lại thoáng nặng lòng. Những lo toan của cả đời người bắt đầu hội tụ. Tết có lẽ chỉ muốn ngủ vùi hoặc đi đâu đó thật xa… Xong Tết thì làm gì để cuộc sống của mình khác đi vì tuổi hai mươi không còn nữa.
Tết 49
Tết bạn bè, Tết bà con. Tết mà không phải Tết. Tết cứ như một mốc thời gian để hiểu mình phải cố làm cho xong những dự định. Người đàn bà chớm 50 thấy sau lưng là những điều vụt qua và phía trước không còn nhiều thời gian để làm kịp nữa. Biết Tết đến nhanh thế thì mình đã lo cho con gái cái này từ những năm trước, làm cho con trai cái kia từ những năm trước nữa. Tết, biết con cái sau này có lo toan một cái Tết như mình đã làm nhiều năm qua cho ông bà, cha mẹ? Tiếc tuổi trẻ đã không làm được điều gì lớn lao cho mình, cho đời. Xuân vụt qua nhanh đến mức nhìn thấy tóc bạc của chồng bỗng giật mình xốn xang. Tết len lén khấn nguyện thành lời khi cầu xin ông bà cho vợ chồng mình ở lại với nhau thật lâu để con cái nên người. Tết 49 soi gương, thấy có nhiều hối tiếc để rồi lại...không hối tiếc gì.
Tết 70
Tết đến, Tết đi lặng lẽ. Người đàn bà mong Tết không phải để mặc áo mới mà chỉ canh cánh làm sao mình là tấm gương cho con cháu noi theo. 70 năm, Tết đã quá quen và tự đến. Sáng mùng Một, nhận lời chúc của những đứa con trưởng thành về từ thành phố, mãn nguyện nghe cháu bảo sao Tết mà tóc bà bạc nhiều thế! 70 tuổi, người đàn bà cho con hết tuổi trẻ và nhận lấy tuổi già. Thế nên, mong Tết là để được sum vầy, được nghe con cháu kể chuyện cả một năm rời tổ bôn ba trở về, để trẻ lại khi thấy cuộc đời mình trong câu chuyện các con. Thế mà mong mãi mới thấy Tết đến để hàn huyên. Thế mà thấy như cuộc sum vầy chưa thỏa mà Tết lại đi...
Tết với người đàn bà vẫn muôn màu với những lo toan…
Theo Ka Lê Thụy
PNO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét