(Theo: Dân trí) - Tới mùa lá lằng, mẹ tôi
lại mua rất nhiều về cắt nhỏ, phơi khô, gói ghém cẩn thận rồi để dành nấu canh
trong suốt cả năm trời.
Thường ít ai có thể ăn được canh lá
lằng nếu không phải là người bản xứ. “Một lần và mãi mãi” họ vẫn hay nói thế
sau lần thưởng thức đầu tiên. Bởi nó rất đắng, đắng từ đầu lưỡi đến cuống họng.
Vậy nhưng người dân quê tôi không biết từ bao giờ đã “nghiện” nó mất rồi. Vị
đắng ấy tan nhanh và để lại một dư vị khó tả rất dài trong tâm khảm!
Có người bảo rằng, quê mình còn khổ
nên còn ăn thứ lá này. Nhưng cũng không hẳn phải thế, nhiều người đi tây đi
tàu, họ đâu thiếu thứ gì để ăn nữa, nhưng mỗi lần về quê cũng phải ăn cho được
món canh lá lằng. Và đi xa cũng không quên mang theo một bọc, thậm chí cả bì
làm quà cho mình. Không ngờ vị đắng của thứ rau ấy lắm lúc lại làm cho người ta
phải nhớ nhiều đến thế!
Tôi không biết vì sao người ta gọi
loại lá này như vậy và cũng không rõ nó còn có tên gọi nào khác nữa hay không.
Chỉ biết rằng ở trên rừng mới có. Nó trông giống lá khoai lang khi đã phơi khô.
Nấu canh lá lằng cũng đơn giản lắm.
Vài trái cà chua phi mỡ để tạo màu, dăm con cá trích nướng đảo một lúc cho thấm
mỡ và gia vị. Thêm nước nóng đun cho sôi già, rồi bỏ một nắm rau lằng. Ai ăn
đắng kém thì đừng dại mà khuấy đũa vào nếu không canh sẽ rất đắng, đắng đến
“tụt lưỡi” mới thôi. Mà cứ phải có bộ ba ấy canh mới ngon. Rau lằng phải có cá
trích nướng, nếu chỉ có mỗi rau lằng thì món canh cũng vô duyên lắm.
Trong thời buổi bão giá, mâm cơm nhà
nào ở quê tôi cũng không thể thiếu tô canh rau lằng. Bởi rau rẻ lắm, một ngàn
đồng đã có mấy bó. Cá trích cũng có lẽ là loại cá rẻ nhất mà bà mẹ quê nghèo có
thể mua, bỏ vào làn đi chợ của mình. Nhiều người đùa, cô gái nào muốn làm dâu
quê tôi thì gắng mà tập ăn canh rau lằng.
Nhìn đứa trẻ ăn sột soạt bát canh
một cách ngon lành, nghĩ cuộc đời có ngọt bùi thì cũng có đắng cay, phải chăng
có thế thì con người ta mới “sống đậm” như vậy được!
Xuyến Chi - Khánh Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét