Theo: BLOG Dân trí.com
(Dân trí) - Chẳng biết từ bao giờ tôi mắc hội chứng sợ ra
đường. Nếu chẳng vì cơm, áo, gạo, tiền; chẳng vì mấy anh bạn hay rủ rê nhậu
nhẹt; chẳng vì phim rạp hay hơn tivi thì chẳng bao giờ tôi ra đường.
Đừng hỏi
vì sao sợ, vì không hỏi tôi cũng sẽ nói. Phải nói cho bằng hết những cái sợ của
tôi.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Này nhé, tôi sợ chết, tôi sợ bị
thương. Ra đường, xe buýt chạy như cướp cạn, taxi đua điểm phóng vèo vèo chiếm
từng centimet đường, rồi xe tự chế đã cấm từ đời nào giờ vẫn lao rầm
rập với cơ man nào là hàng hóa phía sau. Đấy là chưa kể mấy cậu choai
choai cưỡi "rim chiến" vừa chạy vừa mài... mã tấu. Sẩy tay một cái là
phủi tay. Tôi không lo xa, mà thực tế là mấy năm nay mỗi năm có khoảng 11.000
người chết vì tai nạn giao thông. Tôi chẳng biết cái ông Bùi hay viết BLOG Dân trí
mặt tròn hay méo, nhưng ông ấy có phép tính tượng hình đến rợn người: nếu tính
sơ sơ mỗi người chết cao 1,6m, thì trong vòng 10 năm "con đường xác
chết" do những người mất mạng ngoài đường nối lại sẽ kéo dài từ Hà Nội tới
đầu Nghệ An. Tôi sợ tai nạn giao thông, sợ cả ông Bùi.
Nào chỉ có tai nạn, giờ ra đường có
đầy đủ lý do để nhẹ thì bị thương, nặng thì chết. Lọt hố ga, no đòn. Sập ổ đào
đường, no đòn. Đâm lô cốt, no đòn. Nói năng thiếu "lễ phép", no đòn.
Thậm chí mắt lác, cũng no đòn. Tôi nhớ là mới tháng trước, đang đi đường bỗng
nghe tiếng còi ôtô (chắc chắn còi ôtô) réo ngay sau lưng. Vừa quay lại chưa kịp
hoàn hồn thì gặp ngay một cậu tóc đỏ, đi Wave đỏ hất hàm: "Sao hả anh?".
Tôi chi kịp lắp bắp: "Dạ em nhìn đường để tránh cho anh đi". Thấy cu
cậu đi qua, tôi mới hoàn hồn. Về nhà kể với vợ, vợ bảo anh thế mà khôn, thế mà
khôn. Gặp cánh đầu đỏ đi Wave đỏ, không u đầu cũng sứt trán.
Cái chết tai nạn là cái chết không
kỳ hạn. Còn cái chết vì tiền là cái... chết liền (thấy bọn trẻ hay nói thế, mà
đúng thật). Hôm rồi Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội họp, thấy bảo đời sống người dân
khó khăn, giá thì nhảy dựng, tăng trưởng thì đủng đỉnh đi theo. Nghe mấy
bác Hội đồng nói, tôi mới nhớ ra thêm một lý do để sợ ra đường: ra
đường là mất tiền.
Chưa bao giờ tôi thấy yêu tiền và
ghét tiền như bây giờ. Cái gì cũng mua được bằng tiền. Không mua được bằng tiền
thì mua bằng... nhiều tiền. Và cứ hễ sảy tay một cái là mất tiền oan. Đi xe ôm mà
không biết đường, thêm tiền. Uống trà chanh quên hỏi giá, thêm tiền. Hóng hớt
đi nhầm đường (mà đường Hà Nội thì dễ nhầm mới chết), mất tiền. Đầy đủ lý do
chính đáng để mất tiền, kể có mà kể cả ngày. Muốn không mất tiền oan, tốt nhất
không ra đường. Sợ mất tiền, sợ luôn ra đường. Ít tiền, ít ra đường.
Hôm rồi, tôi có lý do chính đáng để
ra đường. Đi bù khú với bạn bè. Nói chuyện sợ ra đường với mấy ông bạn, bốn ông
thì hết ba ông ủng hộ. Ông còn lại, có vẻ hiểu biết hơn cả, bảo là: Các ông
thật thiển cận. Cái tiền mất ngoài đường là cái mất thấy được, là cái chuyển hóa
tự nhiên từ túi người này sang túi người khác, là dòng tiền luân chuyển chứ
không mất đi đâu. Còn ở nhà, tiền các ông cũng mất, mà mất nhiều là đằng khác.
Tính luôn, lạm phát 18%, coi như từ đầu năm đến giờ mấy đòng tiết kiệm còm cõi
của các ông đã mất 1/5 rồi. Để tiền trong nhà cũng mất. Sang năm, lạm phát 9%,
nhưng tăng trưởng chỉ 6%, có nghĩa là đồng tiền các ông để trong nhà cũng mất.
Quốc hội nói rồi, 5 năm nữa tăng trưởng mới cao hơn lạm phát. Lúc đó các ông
mới hết mất tiền.
Nghe cũng phải. Mất tiền ngoài đường
còn biết vào túi ai, chứ để tiền trong nhà vẫn mất mà chẳng biết mất đi đâu cả.
Ra đường cũng mất tiền, ở nhà cũng mất tiền. Tôi nên ở đâu, tôi phải làm sao để
khỏi mất tiền???
Lê Hồng Kỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét