http://vnexpress.net
Thấy chị hai bị thằng
cu Bim nhà kế bên bắt nạt, Tí Nị (vừa hơn 2 tuổi) đang say sưa với bình sữa
bỗng dưng quay ngoắt, chạy đến dùng hết sức đấm vào lưng Bim một cái rồi quay
qua hét thật to: “Mày coi chừng tao nha!”.
Trước những ứng xử khá
“nhạy” và thông minh của con mình, tôi vô cùng hạnh phúc và càng tức cười hơn
vì ngôn ngữ trẻ thơ ngộ nghĩnh. Tuy nhiên tôi cũng có phần hơi lo lắng, những
hành động như vậy rõ ràng không phù hợp với độ tuổi của Tí Nị nhà tôi. Và tôi
càng ý thức hơn cái việc con thông minh, không phải chỉ nuôi bằng cách bổ sung
những dưỡng chất quan trọng mà còn phải dạy để con có được những suy nghĩ và kỹ
năng sống phù hợp.
Tôi đã dạy cho con
mình gọi những đứa trẻ khác bằng tên, hoặc xưng bạn thay vì “mày - tao”. Tí Nị
mới đầu cũng thắc mắc và tôi cũng giải thích cho con mình hiểu vì sao phải thay
đổi cách xưng hô như thế. Tôi luôn khuyến khích Tí Nị mời những đứa trẻ hàng
xóm sang nhà chơi và tôi cũng bỏ ra rất nhiều thời gian để quan sát cái cách mà
bọn trẻ “ xã giao” với nhau.
Thỉnh thoảng tôi cũng
tham gia vào trò chơi của bọn trẻ, tạo điều kiện cho chúng thấy rằng người lớn
dù có mạnh hơn nhưng nếu trẻ con biết kết hợp với nhau vẫn có thể dành chiến
thắng. Phải công nhận là những trò chơi tập thể như thế có thể giúp trẻ phát
triển tư duy và ý thức xã hội rất nhiều. Tôi thấy con mình đã bắt đầu biết chia
sẻ những cái kẹo, hộp bánh với những đứa bạn hàng xóm, nhưng vẫn không quên thỏ
thẻ xin phép tôi, và mỗi lần như thế, tôi trìu mến gật đầu và không quên đặt
một nụ hôn lên gương mặt thiên thần bé bỏng của mình như một cách động viên
khuyến khích con.
Có một điều rất quan
trọng, tôi căn dặn những người thân trong gia đình không cười khuyến khích
trước những “lời hồn nhiên” của Tí Nị. Trẻ con nhạy lắm, nếu như chúng ta thấy những
hành động và lời nói của chúng ngộ nghĩnh và cười thích thú thì chúng sẽ nghĩ
rằng điều đó đang được tán dương và cứ thế phát huy nhưng điều tệ hại là đôi
khi những hành vi đó không phù hợp với độ tuổi và suy nghĩ của con nít. Và tôi
cũng đã thấy nhiều cha mẹ từng than thở rằng đôi khi ngượng trước mặt bạn bè
khách khứa chỉ vì “bịt miệng không kịp” con mình. Tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ
cũng phải nên lưu ý vấn đề này.
Tương tự như thế, khi
kể để kích thích Tí Nị phát triển ngôn ngữ, tôi đặc biệt quan tâm đến văn phong
trong truyện. Tôi thường nhấn mạnh “bạn khỉ”, “bác gấu”… dù chúng chỉ là những
con vật trong truyện. Nhiều lúc Tí Nị kêu con Milu nhà hàng xóm là “chị chó!”
và xưng em rất ngọt xớt, làm cả xóm có những tràng cười mà Tí Nị cũng tỏ vẻ
khoái chí, cứ chạy lung ta lung tăng sà vào lòng người này người kia.
Bạn bè của tôi còn lập
ra một hội “nuôi con”. Chúng tôi chia sẻ với nhau những kinh nghiệm nuôi dạy
con, cho lũ trẻ chơi với nhau, và chuyền tay nhau những chương trình phù hợp
với trẻ. Phải công nhận là âm nhạc và truyền hình ảnh hưởng đến trẻ rất nhiều
và tôi cũng luôn quan tâm đến vấn đề này. Tôi chỉ cho Tí Nị nghe nhạc thiếu
nhi, hạn chế tối đa con mình tiếp xúc với các thể loại nhạc “teen” bây giờ,
cũng như hiếm khi cho Tí Nị xem các chương trình truyền hình quá 90 phút mỗi
ngày.
Rất là khó để kiểm
soát những ảnh hưởng của truyền hình đối với trẻ, nên thà là mình chăm con kỹ
một tí, đỡ phải dạy con hư sau này! Những chương trình cổ tích thiếu nhi tôi
cũng “ kiểm duyệt” khá chặt chẽ. Tôi thấy dạo gần đây một số chương trình mang
tiếng dành cho thiếu nhi nhưng lời lẽ đã thấm nhuần những suy nghĩ người lớn và
có thể làm trẻ thêm hư, điều này tôi thấy một số phụ huynh cũng đã đồng tình.
Tuần rồi nhà có tiệc,
tôi lu bu ở dưới bếp mà quên mất bọn trẻ đang chơi ở trong phòng. Tí Nị chạy
xuống gọi mẹ trong khi cái miệng vẫn ngoặm chặt bình sữa: “Mẹ ơi, anh Bim ăn
hiếp chị Hai kìa…”. Không phải tự dưng mà Tí Nị đã thay đổi cách ứng xử như thế
đâu nhé, đó là cả một quá trình tôi rèn luyện cho con mình đó!
Lê
Thị Huệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét